Gần 2/3 sinh viên Cần Thơ hiểu chính xác nghiên cứu khoa học

Bài báo dưới đây có vài điều đáng nói về nội dung và về con số. Cứ theo như giọng văn của bài báo thì con số sinh viên (31.48%) hiểu chính xác về nghiên cứu khoa học (NCKH) còn ít quá. Nhưng tôi lại nghĩ khác: con số 31% sinh viên năm thứ 3 không rành về nghiên cứu khoa học có nghĩa là 69% (tức gần 2/3) rành hay biết về nghiên cứu khoa học. Đó là điều đáng ngạc nhiên, ngạc nhiên là có quá nhiều sinh viên giỏi. Tôi nói thật, không phải châm biếm đâu. Ở ngoài này, khi sinh viên y khoa tốt nghiệp đại học vẫn chưa biết gì về nghiên cứu khoa học (dù họ đã học qua vài ba môn), họ không biết giả thuyết là gì, chứ chưa nói gì đến phương pháp hay qui trình nghiên cứu. Đó là sinh viên y khoa, tức là rất gần với khoa học thực nghiệm mà còn như thế, thì nói gì đến những ngành khoa học nhân văn. Do đó, con số gần 2/3 sinh viên Cần Thơ biết về NCKH là điều đáng mừng, chứ sao lại nói là đáng quan tâm?

Nhưng trước khi mừng, chúng ta phải xem xét cẩn thận. Trước khi đánh giá ít hay nhiều thì chúng ta cần phải thẩm định một cách nghiêm chỉnh. Cụm từ quan trọng ở đây là “hiểu chinh xác NCKH”. Có hai câu hỏi đặt ra: Thế nào là hiểu chính xác và thế nào là nghiên cứu khoa học? Nói đến chính xác là nói đến đo lường (hay cân đo đong đếm), mà NCKH là một qui trình, và qui trình tùy thuộc vào lĩnh vực khoa học, cho nên làm gì có chuyện “chính xác” ở đây. Chỉ có hiểu đúng và hiểu sai mà thôi, chứ tôi nghĩ không có hiểu chính xác được. Kế đến là câu hỏi: thế nào là nghiên cứu khoa học? Câu hỏi tuy dễ mà không hẳn dễ trả lời. Tôi thấy ở Việt Nam, rất nhiều người, kể cả cấp giáo sư, chưa hiểu đúng (chứ chưa nói chính xác) thế nào là NCKH. Chẳng hạn như có lần một giáo sư khả kính cho rằng các bà nội trợ đi chợ cũng là nghiên cứu khoa học. Nhưng rất tiếc đó là một hiểu lầm. Có lẽ từ hiểu lầm về NCKH cho nên tôi thấy có nhiều công trình chỉ có thể xem là audit (kiểm kê) chứ không thể nào là nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn như những thống kê về bệnh nhân và “outcome” của một bệnh viện hay clinic, tuy người ta nói là “nghiên cứu”, nhưng thực sự chỉ là những việc làm mang tính hành chính. Do đó, tôi nghi ngờ rằng có lẽ cách đặt vấn đề chưa rõ ràng, nên kết quả cũng làm cho chúng ta … ngạc nhiên.

Thứ hai là con số 31.48%. Thỉnh thoảng đọc báo Việt Nam tôi thấy giới báo chí trình bày con số chính xác đến … không cần thiết. Điển hình là bài báo này, khi tác giả viết 31.48%, tức là độ chính xác đến 2 số thập phân! Nhưng làm gì có sự chính xác như thế. Chẳng lẽ nói trong số 100 người có 31.48 người không hiểu “chính xác NCKH”. Tôi nghĩ con người không có số lẻ: 1 người, 2 người, n người, chứ đâu có 31.48 người ?!

Tôi nghĩ ngay cả viết báo cáo khoa học, người ta vẫn không cần chính xác đến 2 số lẻ. Khả năng con người nhớ con số đã khó, mà nhớ số lẻ càng khó hơn, huống hồ chi là nhớ đến 2 số lẻ. Cuộc sống hàng ngày đã bề bộn, với bao nhiêu chữ số cần nhớ, tại sao lại gây khó khăn thêm cho người đọc? Tại sao không viết là 31%, hay tốt hơn là “gần 1 phần 3”, hay dễ hiểu hơn là “cứ 3 sinh viên thì có 1 em không hiểu …”.

Nhân nói chuyện nghiên cứu khoa học làm tôi nhớ đến hội nghị loãng xương quốc tế năm ngoái tổ chức ở Sydney. Trong hội nghị có một poster báo cáo một công trình nghiên cứu (tôi quên đề tài) mà tác giả là 2 anh em chỉ 12 hay 15 tuổi. Đương nhiên, khi trình bày poster thì tác giả phải đứng đó giải thích cho người xem về giả thuyết, lí do làm nghiên cứu, mục tiêu, phương pháp, và giải thích ý nghĩa của kết quả. Hai em bé này giải thích y như người lớn, y như là một nhà khoa học chuyên nghiệp, làm ai cũng thán phục và chụp hình tùm lum. Hóa ra, người đứng đằng sau công trình này là ... cha mẹ của 2 em. Nhưng cha mẹ em chỉ đóng vai trò cố vấn, còn tất cả các công đoạn đều do 2 em làm. Câu chuyện cho thấy ngay cả học sinh trung học, thậm chí tiểu học, cũng có thể làm NCKH, nếu có dự dìu dắt của người có kinh nghiệm. (Tuy nhiên, trường hợp 2 em này thì thú thật tôi không mấy "mặn mà", vì tôi nghĩ -- chẳng biết có sai không -- là 2 em bị cha mẹ "tẩy não" và méo mó nghề nghiệp quá).

Quay lại câu chuyện trong bài báo, như tôi nói, 2/3 hiểu biết về NCKH là đáng khen chứ không phải là vấn đề. Chỉ có điều có kết quả có thật sự chính xác, tức là sinh viên có thật sự hiểu NCKH hay không, hay là do cách nghiên cứu, chẳng hạn như cách đặt câu hỏi và cách chọn đối tượng. Thật ra, nghiên cứu này đặt ra nhiều câu hỏi hơn là trả lời câu hỏi.

NVT

====

http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/dantri.com.vn/3148-SV-chua-nam-duoc-the-nao-la-nghien-cuu-khoa-hoc/4052354.epi

31,48% SV chưa nắm được thế nào là nghiên cứu khoa học

(Dân trí) - Qua phỏng vấn trên 1.000 sinh viên năm thứ 3 của Trường ĐH Cần Thơ trong năm 2009 về vấn đề nghiên cứu khoa học (NCKH) trong nhà trường cho thấy 68,52% SV có hiểu biết chính xác về NCKH, có tới 31,48% sinh viên chưa nắm được thế nào là NCKH.

Thạc sĩ Đinh Minh Quang - Ủy viên Thường vụ BCH Đoàn Trường ĐH Cần Thơ cho biết, trong vòng 3 năm qua, số lượng đề tài NCKH trong SV của 7 trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP Cần Thơ (gồm ĐH Cần Thơ, ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐH Tây Đô, CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, CĐ Cần Thơ, CĐ Y tế Cần Thơ và CĐ Nghề Cần Thơ) chỉ có 48 đề tài NCKH.

Trong đó ĐH Cần Thơ có 41 đề tài NCKH; ĐH Y Dược Cần Thơ: 1 và ĐH Tây Đô: 6. Còn lại các trường CĐ hầu như không có đề tài nào. Con số này cho thấy các đề tài NCKH chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi trường.

Còn báo cáo kết quả khảo sát về NCKH của SV năm thứ 3 ĐH Cần Thơ trong năm 2009, Ths. Đinh Minh Quang đưa ra con số: phỏng vấn 1.000 SV thì 68,52% SV có hiểu biết chính xác về NCKH và có đến 31,48 % SV chưa nắm được thế nào là NCKH.

Năm 2006- 2007, ĐH Cần Thơ có 6 đề tài (chi 79 triệu đồng); năm 2008 không có đề tài nào; năm 2009 có 29 đề tài (chi 305 triệu đồng); năm 2010 đợt 1 có 13 đề tài (chi 168 triệu đồng). Ông Lê Văn Lâm - Phó Phòng Quản lý Khoa học (ĐH Cần Thơ) cho biết, trong những năm qua nhà trường đã chi khá nhiều tiền để khuyến khích các SV tham gia thực hiện đề tài NCKH, tuy nhiên số lượng đề tài vẫn chưa nhiều.

Đánh giá nguyên nhân, theo Ths. Đinh Minh Quang thì nhiều SV chưa quen với khái niệm NCKH: “SV coi NCKH là cái gì đó to tát lắm, NCKH chỉ dành cho các thầy cô, giảng viên, các Thạc sĩ, Tiến sĩ mà thôi”.

Ngoài ra, kiến thức của các SV chưa đủ, đặc biệt là phương pháp NCKH. Khó khăn trong việc hình thành ý tưởng và tìm người hướng dẫn. Đặc biệt nguồn kinh phí, thủ tục thanh toán còn rườm rà. Ths. Quang nhận định: “Nếu tháo gỡ những khó khăn trên thì có thể sẽ tạo nên cú hích thúc đẩy nhiều SV quan tâm hơn đến NCKH ”.

Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS. Hà Thanh Toàn - Phó Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ cho biết, có một thực tế là các đề tài trong 3 năm qua ứng dụng thực tế của nó chưa thấy rõ lắm. Tuy nhiên ĐH Cần Thơ cũng có những giải thưởng trong cả nước về các đề tài NCKH.

Lý giải con số 31,48% SV chưa nắm được thế nào là NCKH, PSG.TS. Hà Thanh Toàn cho biết, có một số ngành như nông nghiệp, thủy sản, kỹ thuật… có môn học về phương pháp NCKH nên SV các ngành này có điều kiện tiếp cận vấn đề NCKH hơn. Còn các ngành khoa học xã hội (KHXH) như Luật, Sư phạm, Du lịch…thì ngược lại, SV các ngành này ít quan tâm đến NCKH do khi bước sang năm 3 thì các em đi thực tập, thực tế không có thời gian để có thể tìm đề tài nghiên cứu.

Hiện Trường ĐH Cần Thơ đang đầu tư lĩnh vực NCKH cho SV các ngành KHXH. Theo đó, sẽ đào tạo nguồn cán bộ, đây là thành phần giữ vai trò quan trọng vì sẽ là những người hướng dẫn các em SV trong khi thực hiện đề tài, viết dự án gửi các Bộ ngành hỗ trợ đề tài về KHXH, kinh phí để khuyến khích các SV.

Đăng nhận xét

item