Người đi trước thời cuộc

Hôm nay thi hết rồi / tình bạn sống trong tôi / thư này thay câu nói … Đó là một vài câu trong ca khúc [tôi quên tên] khá thịnh hành thời thập niên 1970s viết về tâm sự của một người thanh niên đang thi tú tài nên không có thì giờ trả lời thư của người bạn, và kèm theo những lời hát ỉ ôi về người tình cũ nay đã đi lấy chồng, ra đường gặp nhau cứ làm ngơ (motif quen quen, nhạc sến mà). Nhưng tôi mượn mấy câu đầu để nói về một chuyện nghiêm chỉnh, để nói về người bạn vong niên của tôi.

May phước cho tôi, ở tuổi này tôi không còn thi cử gì nữa, nhưng tôi vẫn phải đi thi kiểu khác, gây cấn hơn và có khi nguy hiểm hơn cho sự nghiệp và cho người khác nữa. Nhưng mấy tuần quần quật rồi cũng qua đi, hôm nay là ngày cuối tuần yên tĩnh hơn, lan man suy nghĩ về mấy chuyện thời sự về sông Mekong, về biển Đông, làm tôi nhớ đến những công trình của một người bạn mà tôi sẽ viết ra sau đây.

Anh là người đã trải qua những thăng trầm của cuộc đời, có lẽ rất tiêu biểu cho những người cùng thế hệ anh. Tốt nghiệp bác sĩ từ trường y Sài Gòn vào năm khói lửa 1968; bị nhập ngũ và phục vụ như là y sĩ trưởng Liên đoàn 81 biệt cách dù một thời gian; sau 1975 đi tù để “học tập cải tạo” 3 năm; sau khi ra tù cải tạo anh phục vụ trong trường y Sài Gòn một thời gian; đi đoàn tụ gia đình và định cư ở Mĩ từ năm 1983. Nay anh là bác sĩ nội khoa và giáo sư (assistant clinical professor) ở trường y UC Irvine (California). Là bác sĩ nhưng anh rất khiêm tốn, chưa bao giờ thấy anh dùng cái danh xưng đó trước tên mình khi viết thư cho bè bạn hay viết bài trên báo chí. Cũng chẳng thấy anh có "râu ria" gì khác trước tên anh. Nhưng "hữu xạ tự nhiên hương", chỉ cần nghe tên và đọc bài viết thì ai cũng thể đoán tác giả là một người uyên bác.

Trong giới trí thức, có rất nhiều người nổi danh với những việc chẳng dính dáng gì đến ngành nghề của họ, và anh là một người như thế. Cụ Nguyễn Khắc Viện là một bác sĩ nhưng rất nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa học và biên soạn sử. Còn anh bạn tôi như vừa nói trên là một người thành đạt trong nghề nghiệp, nhưng anh còn nổi tiếng hơn (và theo tôi là có đóng góp nhiều hơn) trong lĩnh vực văn học và nhất là thể văn vừa tiểu thuyết vừa sử. Tôi nghĩ thể văn đó người Anh gọi là historicity. Thật ra, anh đã mang cái nghiệp văn chương từ thời còn theo học đại học, với vai trò chủ bút tạp chí Tình Thương. Cái nghiệp chữ nghĩa, một khi đã bị vướn vào, thì rất khó mà rứt ra được. Cho đến nay, anh đã âm thầm cho ra đời 7 tác phẩm bằng tiếng Việt: Mây bão (1963); Bóng đêm (1964); Gió mùa (1965); Vòng đai xanh (1970, tái bản 1987); Mặt trận ở Sài Gòn (1971?, tái bản 1996); Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng (2000, tái bản 2001); và Mekong, dòng sông nghẽn mạch (2007). Tác phẩm Vòng đai xanh còn được giải thưởng văn học, nhưng oái oăm thay, một năm sau thì anh bị điệu ra trước tòa để trả lời về tác phẩm Mặt trận ở Sài Gòn vì người ta cho rằng anh làm nhục chí binh sĩ. Ba quyển Vòng đai xanh, Mặt trận Sài Gòn, và Cửu long cạn dòng, biển đông dậy sóng đã được dịch sang tiếng Anh và xuất bản bên Mĩ.

Đến đây thì các bạn đã biết ông bạn tôi là ai. Xin thưa: đó là Nhà văn Ngô Thế Vinh. Bạn đọc trong nước lớn lên sau 1975 chắc chỉ mới biết tác giả Ngô Thế Vinh (xem hình dưới đây) qua bài trả lời phỏng vấn trên Tuổi Trẻ hồi năm ngoái khi anh bàn về vấn đề sông Cửu Long và những con đập Trung Quốc đã và đang xây ở thượng nguồn, nhưng ở ngoài thì rất nhiều người biết đến công trình đồ sộ của anh xuất bản từ năm 2000. Nếu trí thức là người có cái nhìn xa và rộng hay là người đi trước thời cuộc, thì với tác phẩm 646 trang mang tựa đề Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng cũng đủ để “qualify” anh là một nhà trí thức đích thực.


Để hoàn tất công trình (tôi gọi đó là một “công trình” chứ không hẳn là tiểu thuyết thuần túy), anh tự bỏ tiền túi đi chu du từ Trung Quốc xuống các nước Đông Nam Á, ghi chép chi li những thông tin cần thiết, chụp lại những bức hình “độc” về những cái đập tai hại của Trung Quốc. Anh đến tận đập Manwan (Mạn Loan) ở Vân Nam và mô tả lại như sau:

Phải nói là con đập Manwan đóng một vai trò quyết định trong kế hoạch điện khí hóa, đô thị hóa cả một vùng Nam Trung Quốc từ kém phát triển đã mau chóng tiến kịp và sánh vai với những tỉnh trù phú miền Ðông và miền Ðông Bắc. Tuy đã có kế hoạch từ những năm 70 nhưng vì thiếu ngân sách nên mãi cho tới Tháng Năm năm 1986, công trình đập Manwan mới chính thực được khởi công và việc đổi dòng con sông Mekong được hoàn tất vào Tháng Mười, 1987.


Con đập cao tới 99 mét chắn ngang khúc sông giữa hai ngọn núi với bức tường thành cao tới 35 tầng. Ðơn vị phát điện đầu tiên bắt đầu sản xuất điện từ ngày 30 Tháng Sáu, 1993 và chỉ hai năm sau đó, tất cả 5 đơn vị phát điện cùng hoạt động theo đúng như giai đoạn 1 của dự án.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, ở đây có một sự kiện đáng ghi nhớ và gây nhiều tranh cãi là vào giữa năm 1993, xảy ra một hiện tượng được coi là bất thường: mực nước sông Mekong phía hạ lưu đột ngột tụt xuống thấp mà không phải là vào mùa khô, chỉ lúc đó người ta mới biết là Trung Quốc đã xây xong con đập Manwan và đó là thời điểm bắt đầu lấy nước từ sông Mekong vào hồ chứa, họ chẳng thèm thông báo gì cho những quốc gia sống dưới nguồn. Chỉ riêng con đập Manwan mà đã giữ tới 20% nguồn nước trên dòng chính khúc sông Mekông chảy qua Vân Nam.”

Trong phần cuối sách, anh cảnh báo: “Chỉ riêng với chuỗi những con đập bậc thềm Vân Nam khi hoàn tất dự trù sẽ ngăn không cho lũ đổ về nữa – tức khắc đó sẽ là một thảm họa cho Biển Hồ, sẽ như một trái tim thiếu máu phải ngưng đập và đồng thời tạo ra một chuỗi phản ứng suy thoái dây chuyền – chain reactions trên toàn hệ sinh thái sông Mekong, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long.” Bây giờ thì những cảnh báo này đang dần dần trở thành hiện thực. Mấy tuần nay chúng ta đọc tin thấy tình trạng khô hạn ở ngay trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, và bên Thái Lan nông dân biểu tình chống Trung Quốc.

Để xoa dịu tình hình, Trung Quốc “mời” đại diện các nước Đông Nam Á đến thăm các đập cho biết sự tình. Nhưng với bản chất gian ác và xảo quyệt của Trung Quốc, có ai tin Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu và sự thật. Còn phía Việt Nam nếu có đại diện đi thì chắc gì người đó biết về vùng đồng bằng sông Cửu Long vì cái ủy hội sông Cửu Long có văn phòng ở … Hà Nội. Chúng ta thử đọc một đoạn trong tác phẩm Cửu Long cạn dòng, biển đông dậy sóng: “Điển hình như nước khổng lồ Trung Hoa cả về lãnh thổ và dân số, cho dù mang nửa chiều dài của dòng sông chảy trong lãnh thổ của mình nhưng lại không hề có ý định trở thành hội viên của Ủy hội sông Mekong để khỏi bị ràng buộc và được toàn quyền tự do khai thác. Không phải chỉ giới hạn tham vọng về nước của con sông Mekong, Trung Quốc còn công khai và rất sớm tỏ ý khống chế toàn vùng Biển Đông với độc chiếm cả khối trữ lượng dầu trong đó.”

Nhưng công trình không chỉ là những cảnh báo về môi sinh và những việc làm nguy hiểm của nhà cầm quyền Trung Quốc qua việc xây dựng những cái đập khổng lồ, mà lồng trong đó là những dữ liệu lịch sử rất có ích cho những ai muốn nghiên cứu về con sông Mekong. Anh sưu tầm những diễn biến lịch sử liên quan đến sự phát triển của sông Mekong, từ thời Đế quốc Khmer đến hiện nay. Những cuộc thám hiểm của người Pháp được anh ghi chép lại một cách thú vị, làm cho người đọc không phải “nhức đầu” với những sự việc khô khan mà lồng vào đó là những hệ quả của thực tại. Có những bức ảnh rất độc đáo mà tôi đoán anh phải bỏ nhiều công sức (và tiền bạc) để có được. Qua cuốn sách tôi mới biết rằng nhà thám hiểm và hải dương học nổi tiếng Jacques Yves Cousteau từng xin phép Chính phủ Việt Nam để tìm hiểu hệ sinh thái sông Mekong thì nhưng bị Việt Nam từ chối! Nay thì Cousteau đã qua đời, và công cuộc nghiên cứu về con sông này vẫn còn bỏ trống. Do đó, tôi gọi cuốn sách là một công trình historicity có lẽ dịch là sử thuyết về con sông Mekong. Tôi chưa thấy bất cứ một cuốn sách tiếng Việt nào có những dữ liệu dồi dào như trong cuốn này. Những người nghiên cứu về sông Cửu Long mà không đọc tác phẩm này của anh thì quả là một thiếu sót nghiêm trọng.

Anh viết trong lời nói đầu “Nếu như cuốn sách chuyên chở được một số nét khái quát và cập nhật về con sông Mekong, tạo được sự chú ý của người đọc tới sinh mệnh của một dòng sông lớn thứ 12 trên thế giới thì đó chính là mong ước của người viết”. Nhưng công bằng mà nói, dù với bao nhiêu tâm huyết của anh và các bạn trong nhóm sông Cửu Long, cuốn sách chưa gây được sự chú ý trong thời gian qua. Mãi đến nay, 10 năm sau ngày cuốn sách xuất bản, và trong lúc Thái Lan và đồng bằng sông Cửu Long đang gánh chịu cơn hạn hán lớn và sông dần dần cạn thì người ta mới nhớ đến Ngô Thế Vinh và công trình của anh.

Nói về đi trước thời cuộc, tôi chợt nhớ đến một tác phẩm khác có tên là Vòng đai xanh của anh. Tác phẩm tuy là tiểu thuyết xuất bản đã 40 năm trước, nhưng nhiều cảnh báo về những xung độ giữa người Thượng và người Kinh cho đến nay vẫn là đề tài thời sự. Những gì anh tiên đoán trong cuốn “sử thuyết” đó nay đã thành sự thật. Khi cuốn sách được dịch sang tiếng Anh, tôi có viết lời giới thiệu bằng tiếng Anh và gửi cho tờ Far Eastern Economic Review để giới thiệu cho bạn đọc quốc tế. Bài viết đã được ban biên tập xem qua, đồng ý đăng, thì đùng một cái Far Eastern Economic Review đóng cửa tòa soạn! Thế là bài đó không có cơ duyên để xuất hiện, nhưng vẫn còn ở đây. Mới đây (3 năm trước), anh cho công bố một tác phẩm khác có tên là “Mekong, dòng sông nghẽn mạch”, và tình trạng nghẽn mạch đang bắt đầu gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng cho nước ta và các nước hạ nguồn sông Mekong. Nói như thế để thấy anh lúc nào cũng suy nghĩ và trăn trở trước nhiều người.

Tôi có cơ duyên quen biết anh từ những hơn 15 năm trước. Năm nào đi công tác bên Mĩ tôi cũng ghé qua California trước là thăm anh em, bà con, sau là thăm bạn bè như anh Ngô Thế Vinh và các anh chị trong Nhóm bạn Cửu Long (tức là những người quan tâm đến sông Cửu Long). Lần mới nhất là tháng 10 năm ngoái khi chúng tôi tiêu ra gần nửa ngày trời ở cái quán ven biển vùng Los Angeles. Hôm đó chúng tôi nói biết bao nhiêu chuyện đời, chuyện thế gian. Gặp anh và 2 anh bạn thành danh khác tôi hơi giật mình khi thấy cả 3 người đều nhuốm màu thời gian, thể hiện rõ nét nhất là màu tóc. Mà, có riêng gì mấy anh ấy, tôi cũng vậy thôi. Nhưng dù có màu thời gian như thế, nhưng tôi nghĩ nhiệt huyết anh em thì hình như có thừa, chỉ khổ nỗi là mình chẳng biết làm gì với nhiệt huyết đó …

Anh [Ngô Thế Vinh] là một người có phong cách nho nhã, lịch sự; anh nói không nhiều, rất chừng mực, nhưng đằng sau những biểu hiện đó là một đức tính kiên định và dứt khoát rất Trung kì. Bằng một chất giọng xứ Thanh (hình như nguyên quán của anh là Thanh Hóa) pha chút Bắc kì và Nam kì, anh nói năng nhỏ nhẹ, rành mạch, có đầu có đuôi, và rất thuyết phục. Chưa bao giờ tôi thấy anh lớn tiếng, dù trong tình huống rất dễ nóng. Nếu có nhấn mạnh điều gì thì anh chỉ lên giọng một chút. Ngay cả những người chỉ trích tác phẩm của anh, anh cũng chỉ im lặng, mà không hề lên tiếng. Hình như ở anh có một triết lí làm việc “đường ta, ta cứ đi”, kiên trì hướng đi mà anh đã định trước: đấu tranh cho dòng sông Mekong. Trái với những người không thể quên những năm tháng bị
vùi dập trong trại cải tạo, tôi chưa hề thấy anh nhắc đến những năm tháng đau khổ đó, có lẽ anh muốn để nó vào một góc nào đó trong kí ức để tập trung nghiên cứu và viết về sông Mekong.

Cũng như bao nhiêu người Việt ở nước ngoài khác, dù sống cách xa Việt Nam hàng chục ngàn cây số, nhưng anh vẫn nghĩ về quê nhà. Lần nào gặp anh, tôi cũng nghe những câu chuyện về những mảnh đời anh ghi được khi đi qua vùng đồng bằng sông Cửu Long. Anh dành cảm tình đặc biệt cho vùng đất này. Anh kể về buổi bảo vệ luận án thạc sĩ ở Đại học An Giang với lòng quí mến các em sinh viên ở đó và trân trọng sự đóng góp của Gs Võ Tòng Xuân trong việc xây dựng một nề nếp khoa bảng ở vùng nổi tiếng "thừa gạo thiếu chữ" này. Biết tôi quan tâm đến vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam, anh [nói theo ngôn ngữ thời nay] “bức xúc” kể lại chuyện anh làm thủ tục cho mấy ông cựu quân nhân Mĩ đi lãnh trợ cấp do bị phơi nhiễm chất độc da cam. (Anh làm việc trong một bệnh viện của cựu chiến binh, nên biết rành vấn đề và qui định của Mĩ). Anh lên giọng nói tại sao lính Mĩ họ được hưởng quyền đó, còn hàng triệu nhiêu người Việt Nam thì không, rồi anh đặt câu hỏi phải làm gì để gióng tiếng nói cho chính phủ Mĩ biết. Xin nói thêm rằng vì anh từng phục vụ trong quân đội miền nam thời trước 1975 nên cũng từng chứng kiến thảm họa của chất độc da cam. Tôi gọi anh là một người xa quê mà không bao giờ xa quê.

Hôm nay, nhân đọc những bài báo về những dòng sông đang hay sắp cạn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thái độ quyết liệt của người Thái đối với Trung Quốc, tôi chợt nhớ đến anh qua những cảnh báo hơn 10 năm trước về đại họa sắp xảy ra cho dòng sông Mekong và hạ nguồn. Giở quyền sách “Cửu Long cạn dòng …” ra đọc lại, tôi như thấm từng trang giấy và tìm ở đó nhiều thông tin thú vị. Nếu kiến thức về lịch sử sẽ góp phần giải thích cho sự kiện hiện tại, tôi nghĩ những ai quan tâm đến sông Cửu Long cần phải đọc tác phẩm đồ sộ “Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng” và “Mekong, dòng sông nghẽn mạch” của tác giả Ngô Thế Vinh.

Mấy hôm trước anh có viết email giới thiệu và hỏi tôi về một bản dịch vài dòng tôi viết về tác phẩm của anh, nhưng vì bận chuyện “cơm áo gạo tiền” nên chưa trả lời. Hôm nay thì mọi chuyện gần xong, nên Hôm nay thi hết rồi / tình bạn sống trong tôi / thư này thay câu nói … .

NVT

Nhân đây xin giới thiệu website của anh Ngô Thế Vinh



Đăng nhận xét

item