Tự quảng cáo :-)

Hôm nay có một tin vui: bài báo về mối liên quan giữa body composition (thành phần cơ thể) và mật độ xương của chúng tôi đã được chấp nhận cho công bố trên BMC Musculoskeletal Disorders. Đây là một công trình hợp tác giữa chúng tôi ở Viện Garvan và đồng nghiệp thuộc Đại học Phạm Ngọc Thạch. Để các bạn biết được vấn đề và ý nghĩa của nó, tôi nói sơ qua về câu chuyện đằng sau công trình đó như sau. Trọng lượng cơ thể chúng ta chủ yếu gồm 2 thành phần: lượng mỡ (fat mass) và lượng nạc (lean mass). Lượng mỡ và nạc có thể đo khá chính xác bằng máy scan DXA. Đã từ lâu (hơn 15 năm qua), người ta tranh cãi trong 2 thành phần chính của trọng lượng cơ thể, cái nào quan trọng hơn cho xương.

Lực của xương được phản ảnh chủ yếu qua mật độ chất khoáng trong xương (gọi tắt là mật độ xương – MĐX). Khi lực xương suy giảm, chúng ta dễ bị gãy xương, giống như trường hợp mẹ của nữ hoàng Anh hay Giáo hoàng Paul đệ nhị. Do đó, chúng ta cần lực xương cho tốt. Thành ra, câu hỏi trên cũng có nghĩa là: lượng mỡ hay lượng nạc quan trọng đối với MĐX. Trả lời được câu hỏi này có ý nghĩa y tế công cộng, bởi vì nếu lượng nạc quan trọng thì điều này có nghĩa là luyện tập thể dục có thể giúp duy trì hay gia tăng lực của xương. Nếu mỡ đóng vai trò quan trọng hơn nạc thì điều này hàm ý (chỉ mang tính “suggestive” thôi) là hormone hay chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa suy giảm của MĐX.

Mới đây có một nhóm nghiên cứu bên Trung Quốc họ “rêu rao” rằng người có lượng mỡ nhiều thì MĐX giảm. Chúng tôi nghi ngờ giả thuyết này, bởi vì (a) gần như 100% nghiên cứu trước đây cho thấy lượng mỡ có mối tương quan thuận với MĐX, tức là người nào có lượng mỡ nhiều thì MĐX cũng cao; và (b) phương pháp phân tích của họ phạm phải một sai lầm cơ bản trong thống kê: đó là điều chỉnh biến lượng mỡ cho trọng lượng trong khi lượng mỡ là một thành phần của trọng lượng và 2 biến này có liên quan mật thiết với nhau. Ấy vậy mà chẳng ai chất vấn họ, dù trong hội nghị ai cũng nói những gì họ làm là "rubbish". Chúng tôi có thể viết một vài hàng bình luận chỉ ra cái sai về phương pháp của họ, nhưng nghĩ làm thế chỉ tốn thì giờ, lại chuốc thêm "thù oán" :-), mà chắc gì họ chịu nghe. Vì thế, chúng tôi chọn cách phản biện khác: bằng cách làm một nghiên cứu khác để "chứng minh" họ sai.

Để trả lời câu hỏi nghiên cứu trên và để phản biện kết quả của nhóm Trung Quốc, chúng tôi thực hiện một nghiên cứu trên 210 người. Chúng tôi đo MĐX, lưọng mỡ, và lượng nạc (và nhiều chỉ số khác) bằng máy DXA Hologic. Đây là máy hiện đại nhất hiện nay và cũng là phương pháp chuẩn để đo thành phần cơ thể. Sau khi phân tích, chúng tôi thấy cả hai lượng nạc và lượng mỡ đều có ảnh hưởng đến MĐX, nhưng mức độ ảnh hưởng của lượng nạc quan trọng hơn ảnh hưởng lượng mỡ. Kết quả của chúng tôi cho thấy người có lượng mỡ càng cao cũng có MĐX cao, tức là ngược lại với nghiên cứu của nhóm Trung Quốc. Nhưng như tôi nói trên, vì kết quả của nhóm Trung Quốc họ phân tích sai, nên cũng khó so sánh.

Để chắc ăn, chúng tôi làm nghiên cứu qua mô phỏng. Nói cách khác, chúng tôi “giả bộ” làm 10,000 nghiên cứu, mỗi nghiên cứu có 50, 100, 200, 500, 1000 … đối tượng, rồi phân tích kết quả xem có nhất quán hay không. Kết quả cho thấy phải có cỡ mẫu 1000 người mới có khả năng phát hiện (với xác suất 78%) ảnh hưởng của cả lượng nạc và mỡ, chứ nghiên cứu chỉ vài trăm đối tượng thì rất khó phát hiện ảnh hưởng của lượng mỡ. Điều này giải thích tại sao các nghiên cứu trước cho ra kết quả thiếu nhất quán, do thiếu cỡ mẫu.

Một tin vui khác là càng ngày càng có nhiều nhóm trên thế giới sử dụng mô hình tiên lượng gãy xương (y khoa gọi là prognostic model) của chúng tôi. Hiện nay trên thế giới có 2 nhóm nghiên cứu và phát triển prognostic model là nhóm của tôi và nhóm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nhóm WHO có nhiều tài nguyên và tiền bạc hùng hậu hơn, và mới đây họ giới thiệu mô hình FRAX được quảng bá rất rộng rãi. Trước WHO, chúng tôi công bố mô hình mà sau này có nhiều người gọi là “Nguyen’s model” (vì tác giả đầu là Nguyễn Đình Nguyên). Mô hình của FRAX sử dụng đến 12 yếu tố nguy cơ, còn mô hình chúng tôi sử dụng
chỉ 4 yếu tố nguy cơ: đó là tiền sử gãy xương, tiền sử té ngã, MĐX, và độ tuổi. Sau này chúng tôi thêm yếu tố di truyền nữa nhưng chưa đưa vào sử dụng vì còn phải nghiên cứu tiếp. Để có mô hình đó, chúng tôi phải tiêu ra gần 20 năm thu thập dữ liệu và tốn nhiều triệu USD. Nói như thế để thấy muốn có một tiên lượng không phải là điều đơn giản và rẻ tiền.

Bất cứ mô hình nào trước khi đưa vào ứng dụng trong lâm sàng, cần phải qua kiểm tra độc lập (independent validation). Gần đây, đã có vài validation độc lập, và hầu như nghiên cứu nào cũng cho thấy mô hình Nguyen tiên lượng hoặc là tốt hơn, hoặc là bằng mô hình FRAX. Chẳng hạn như mới vài tuần trước, một nghiên cứu bên Ba Lan cho thấy rõ ràng rằng mô hình Nguyen quả thật tốt hơn nhiều so với FRAX. Khỏi phải nói dài dòng, chúng tôi vui mừng trước tin này. Thế mà công cáng bao năm cũng có chút hữu ích rồi. Đó là cái mừng thứ nhất.

Trong giới y khoa phương Tây họ cũng có khi ganh tị, ít khi nào chịu gọi tên người phát kiến ra mô hình trên các tập san y khoa. Có, nhưng ít lắm. Ngay cả ở các nhóm bên Úc, họ cố tình tránh gọi là "Nguyen's model"! Nhưng lần này tôi thấy cũng vui là người khác hoàn toàn độc lập đề rõ ràng là "Nguyen et al" và "Nguyen's model" đàng hoàng trên tập san số 2 về xương (là tập san Bone). Ít ra cũng có một hay hai tay Nguyen nào đó ghi dấu ấn, mà Nguyen là "phe ta" rồi, phe Việt Nam, đâu thể nào là của "nước lạ" được. Đó là cái mừng thứ hai.

Nhưng cái quan trọng nhất mà chúng tôi muốn làm là tiên lượng gãy xương bằng các gien mà chúng tôi mài mò 15 năm qua. Hi vọng (chỉ hi vọng thôi) nay mai chúng tôi sẽ có một phát kiến khác để giúp ích nhiều người hơn qua các yếu tố di truyền.

Nãy giờ quảng cáo những bài báo của mình hơi nhiều, đã đến lúc phải stop. :-). Bạn nào thích mỡ với nạc thì vào xem bài báo của chúng tôi cho biết.

NVT

Đăng nhận xét

item