Cắt đất đai tổ quốc trả nợ: Cái họa khôn cùng

Hôm qua Tuần Việt Nam có đăng bài này của Nguyễn Quang Thiều, tôi đã vội copy về để đọc vì nghĩ chắc sẽ bị rút xuống. Quả thật, hôm nay bài bài báo đã bị rút xuống. Nhưng vẫn còn nhiều chỗ khác đăng lại bài này. Thoạt đầu tưởng là bác Thiều nói về chuyện mấy tỉnh phía Bắc và Trung cho nước ngoài thuê rừng hay có tiết lộ gì về chuyện kí kết hiệp ước biên giới với Trung Quốc, nhưng đọc kĩ thì thấy bác ấy nói chuyện bên Tây, chẳng có liên quan gì đến VN. Có chuyện về cái tòa đại sứ lưu động của người thổ dân Úc trước Tòa nhà Quốc hội Úc, nhưng thú thật tôi không thấy đây là chuyện cắt đất. Thật ra, người da trắng đến chiếm / cướp đất người thổ dân, chứ người thổ dân đâu có cắt đất cho mấy người da trắng.

Tuy là chuyện bên Tây, nhưng lồng vào câu chuyện là những quan tâm của người Việt, mà tôi nghĩ bác Thiều đã chấp bút nói cho nhiều người không có cơ hội nói. Cám ơn bác Nguyễn Quang Thiều!

NVT


http://www.tuanvietnam.net/2010-04-15-cat-dat-dai-to-quoc-tra-no-cai-hoa-khon-cung-

Cắt đất đai tổ quốc trả nợ: Cái họa khôn cùng

Mấy ngày trước, VTV1 đưa tin hai đứa trẻ Hy Lạp đã lấy những đồng tiền tiết kiệm trong lợn nhựa của chúng để đóng góp cho đất nước trả nợ chứ đừng mang một số hòn đảo, đất đai của tổ tiên chúng, gán nợ cho nước ngoài. Rất nhiều người lớn nghe tin đó đã cúi đầu…

Họ cúi đầu kính trọng và xấu hổ. Và như một sự vô tình, hành động của những đứa trẻ đã thổi vào lòng những người lớn trên nhiều quốc gia lòng tự trọng dân tộc và tình yêu tổ quốc.

Nợ là chuyện bình thường của mọi quốc gia. Ngay như nước Mỹ, nước Nhật còn là con nợ lớn của thế giới cơ mà. Vay là chuyện mà có lẽ người nào trong đời cũng phải vay ít nhất một lần và các quốc gia cũng như vậy. Nhưng vay để làm việc gì và trả nợ như thế nào mới là điều đáng nói? Tôi không biết vì lý do nào mà Hy Lạp nợ nước ngoài và vì lý do gì mà Hy Lạp không có cách nào trả nợ nước ngoài.

Nợ nước ngoài có nhiều cách. Nợ vì vay để đầu tư hồi phục nền kinh tế hoặc xây dựng những công trình chiến lược của đất nước. Không trả nợ được có thể vì những người lãnh đạo không biết điều hành đất nước mà cụ thể không biết xử dụng một cách hiệu quả nhất tiền vay. Không trả nợ được có thể vì nạn tham những ăn vào quá lớn những đồng tiền đi vay ấy.

Nhưng nợ đến mức làm cho các thế hệ sau nối nhau còng lưng trả nợ cho những người đi trước quả là họa lớn cho đất nước. Còn nợ đến nỗi phải bán cả một hay nhiều phần đất của tổ quốc đi để trả nợ thì đấy là cái họa khôn cùng cho đất nước.

Việc cắt đất cho nước ngoài không phải chuyện hi hữu. Lịch sử nhiều quốc gia trên thế giới do nhiều nguyên nhân đã bán đất cho nước ngoài. Bán có thời hạn hoặc bán vĩnh viễn. Cắt đất cho nước ngoài cũng có nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân là vì bại trận trong một cuộc chiến tranh, có nguyên nhân cắt đất để có được những lợi ích khác và cũng có nguyên nhân do hèn nhát trước những đe dọa của nước ngoài mà dâng đất. Và với nhiều trường hợp, cho mượn đất với những lý do nào đó đôi khi cũng là một cách dâng đất của tổ quốc cho người ngoài.

Nhưng sớm hay muộn thì những dân tộc đã bị cắt đất bán hoặc dâng đất cho nước ngoài sẽ đều tìm cách đòi lại lãnh thổ của mình cho dù lãnh thổ đã mất chỉ nhỏ bằng một thửa ruộng của một người nông dân. Lịch sử cũng cho chúng ta thấy nhiều vì dụ về chuyện đòi lại đất như thế.

Trước tòa nhà Quốc hội Úc có một ngôi nhà dựng lên gọi là "Đại sứ Thổ dân Úc". Tôi đã trò chuyện với Đại sứ thổ dân trong ngôi nhà này trong chuyến đến Úc năm 1999. Những người thổ dân Úc dựng "tòa đại sứ" này để đòi lại đất của tổ tiên, ông cha họ đã bị những người da trắng cướp cho dù những người thổ dân Úc còn lại không nhiều và họ không có một quân đội nào. Nhưng họ đã chiến đấu cho lẽ phải bằng chính lẽ phải hết đời này đến đời khác buộc chính quyền Úc phải thừa nhận chủ quyền của họ. Cuối cùng, chính quyền Úc đã phải công khai xin lỗi những người thổ dân.

Bây giờ, chính quyền Hy Lạp cắt một số hòn đảo để trả nợ nước ngoài. Có thể sau đó, họ đã xóa được món nợ tiền, nợ vàng nước ngoài thì họ lại mang một món nợ khác. Món nợ này lớn hơn và đau đớn hơn bất kỳ món nợ nào khác. Đó là món nợ với tổ quốc và nhân dân họ.

Chính vì thế mà cả những đứa trẻ như hai đứa trẻ Hy Lạp cũng phải đứng lên bảo vệ lãnh thổ của tổ quốc chúng bằng cách của những đứa trẻ nhưng ý nghĩa của hành động ấy thật sâu sắc, thật lớn lao và thật xúc động.

Qua hành động của hai đứa trẻ Hy Lạp ấy, tôi nghĩ, những người có lương tâm ở tất cả các quốc gia đã từng bán đất hay dâng đất cho nước ngoài cho với bất kỳ lý do nào và cho dù mảnh đất ấy chỉ đủ trồng một khóm hoa hay một gốc tre cũng đều cảm thấy hổ nhục.

Nguyễn Quang Thiều

Đăng nhận xét

item