Cây cầu nối liền lòng người

Toàn cảnh Cầu Cần Thơ, nhìn từ Vĩnh Long
(Ảnh của báo Thanh Niên)

Hôm qua (24/4/2010) là ngày Cầu Cần Thơ chính thức khánh thành và thông xe. Tôi nghĩ đó là một ngày lịch sử của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vậy là ước mơ bao đời của người dân trong vùng nay đã một phần thành hiện thực. Từ nay, sẽ không còn cái cảnh cả trăm, có khi cả ngàn, xe phải nối hàng nhau qua bắc Cần Thơ nữa. Riêng với tôi và những người quê vùng Kiên Giang hay An Giang, từ nay con đường về quê cũng nhanh hơn, vì có thể đi một mạch từ Sài Gòn về thẳng Kiên Giang mà chẳng phải qua bắc nào cả. Từ nay, con đường về nhà cũng rút ngắn lại ít nhất là 1 tiếng đồng hồ. Tôi nhẫm tính nếu không có Cầu Cần Thơ thì tôi phải mất 5 hay 6 tiếng đồng hồ đi từ Sài Gòn về Rạch Giá, một con đường vốn chỉ có 267 km; nhưng từ nay, tôi chỉ cần 4 đến 5 tiếng đồng hồ là về đến nhà. Vẫn còn quá lâu. Nếu ở ngoài này, với đường cao tốc thì tôi chỉ cần 3 tiếng đồng hồ mà thôi. Nhưng đâu thể “được voi đòi tiên” hoài! Như vậy cũng là tốt rồi. Phải từng bước thôi. Đâu thể nghèo mà chơi sang, hay “đi tắt đón đầu” hoài được. Nói tóm lại, ở từ một nơi rất xa quê, tôi cảm thấy thật vui khi nhìn những hình ảnh Cầu Cần Thơ thông xe sáng hôm qua.


Ở trên tôi nói “một phần thành hiện thực”, là vì vùng ĐBSCL vẫn còn phải có 2 cây cầu nữa thì mới nối liền tất cả các tỉnh trong vùng: đó là cầu sông Vàm Cống (nối liền An Giang và Kiên Giang) và sông Cái Lớn (nối liền Kiên Giang và Minh Hải, U Minh). Nhưng cầu vẫn chưa đủ, mà phải có cả đường xá tốt. Hiện nay, đường về miền Tây vẫn còn lắm gập ghềnh. Chỉ có con đường từ Sài Gòn đi Trung Lương là “coi được”, phần còn lại thì rất xấu. Thật ra, hai cây cầu Vàm Cống và Cái Lớn cũng như đường cao tốc Sài Gòn đi miền Tây đang nằm trong kế hoạch của Nhà nước. Hi vọng vài năm nữa, thì ước mơ của người dân vùng ĐBSCL sẽ trọn vẹn.

Cầu Cần Thơ là một cây cầu hoành tráng (hoành tráng thật sự, chứ không phải mĩ từ thời thượng) và đẹp. Theo các thông số công bố thì cầu Cần Thơ có tổng chiều dài 15.75 km, với chiều dài chính là 2.75 km, rộng 26 m, cao 171 m. Những cây cầu nổi tiếng khác trong vùng như Cầu Penang (Mã Lai, nhịp chính dài 225 m, tổng chiều dài 13.5 km); Cầu Suramadu (Nam Dương, tổng chiều dài 5.4 km); Cầu Rama IX (Thái Lan, tổng chiều dài chỉ 781 m và nhịp chính dài 450 m). Với chiều dài chính như thế, Cầu Cần Thơ là cây cầu giây lớn nhất Đông Nam Á.

Cần Cần Thơ đẹp là vì thiết kế cũng có ý nghĩa của nó. Nếu Cầu Mỹ Thuận có trục chính thiết kế theo hình chữ H, với ý nghĩa cây dừa rất phù hợp với vùng ĐBSCL, thì Cầu Cần Thơ có trục chính hình chữ A đứng. Nhà thầu Nhật phụ trách phần thiết kế giải thích rằng trụ tháp chữ A phản ảnh văn hóa Phật giáo, vốn là tôn giáo số 1 ở nước ta. Chữ A có nghĩa là A-di-đà-Phật. Nếu để ý chúng ta thấy phần trên của chữ A là hình giống như hai tay chắp lại, vàp phía dưới chữ A là hình như hai chân khép lại, thể hiện hình người đang đứng nhún mình chắp tay lạy Phật. Thiết kế Cầu Cần Thơ như nhắc nhở cho chúng ta biết rằng Việt Nam là một nước theo đạo Phật, và yếu tố tôn giáo (kể cả các tôn giáo khác) cực kì cần thiết cho xã hội ngày nay đang có tín hiệu loạn chuẩn mực đạo đức. Mỗi lần đi ngang Cầu Cần Thơ, nhìn hình người đứng chắp tay niệm Phật người dân mong ước sự bình an, tịnh tâm theo nghĩa Nhà Phật. Cái ý nghĩa này còn liên quan đến sự cố 26/9/2007 gãy sập nhịp cầu làm cho 55 công nhân tử nạn. Nhìn hình niệm Phật để nhắc nhở chúng ta về sự hi sinh của những người đã góp phần làm nên cây Cầu Cần Thơ lịch sử.

Ý nghĩa chữ A là chắp tay niệm "A Di Đà Phật"
(ảnh của Vietnamnet)

Người ta là người nước ngoài, thiết kế Cầu Cần Thơ còn nghĩ đến văn hóa của Việt Nam, là điều quá đáng khen. Nhưng điều đáng nói, hay đáng trách, là người mình thiết kế cầu thì chẳng để ý gì đến văn hóa Việt Nam. Cây Cầu Rạch Miễu chỉ bắt chước cầu Mỹ Thuận do Úc thiết kế nhưng cột chính hình chữ A, mà chữ A ... đơn thuần. Còn mấy cây cầu khác do "phe ta" thiết kế và thi công thì khỏi nói, vì nó quá thô mà cũng chẳng có mĩ quang gì. Hình như nhiều cây cầu thiết kế sau này chỉ làm cho có, thiết kế theo kiểu Liên Xô, toàn là một khối bê tông và khối sắt cộc kệch, thể hiện hình thức đe dọa, chứ chẳng có gì mang tính văn hóa cả. Nhìn cây cầu Qui Nhơn thì biết. Ước gì mai kia mốt nọ người ta thiết kế các công trình giao thông để ý đến khía cạnh văn hóa dân tộc.

Cầu Cần Thơ bắt ngang hai bờ sông Hậu đã nối liền một nửa vùng đất trù phú ruộng với một nửa vùng đất trù phú vườn trái cây. Cầu Cần Thơ chắc chắn sẽ là một yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển vùng đất mệnh danh là vựa lúa của cả nước, và cũng là một trong những dựa lúa nuôi cả thế giới. Tôi chợt nghĩ đến mấy đứa em họ và mấy đứa cháu của tôi trước đây khi tốt nghiệp đại học ở “thành” chúng nó ít khi nào chịu về quê vì nói “xa ánh sáng kinh kì” quá! Thật ra, chỉ có 200 km thì có gì là xa đâu, nhưng thời đó chưa có chưa có Cầu Mỹ Thuận, chưa có Cầu Cần Thơ, và cũng chưa có đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, thì 200 km quả là xa xôi. Thời tôi còn đi học mấy chục năm về truớc thì Sài Gòn vẫn còn là nơi kinh kì xa xôi diệu vợi hơn nữa. Nhiều người dân ở làng tôi chưa bao giờ biết Sài Gòn là gì và ở đâu. Nhớ lần đầu về thăm nhà, đêm đầu tiên, bà con chòm xóm bu quanh tôi trong ánh đèn măn-xông hỏi: “mày có thường ghé qua nhà thăm thằng Đ, thằng P, thằng C không?” Thằng Đ, thằng P, thằng C là những người em của tôi ở bên Mĩ. Tôi giải thích rằng tụi nó ở xa lắm, cả chục ngàn cây số, đâu thể ghé thăm thường xuyên được, nhưng bà con cứ ngớ ra, không tưởng tượng nổi “mười mấy ngàn cây số” là xa cỡ nào. Tôi bèn nghĩ ra cách giải thích là “xa gấp 100 lần đường đi từ xã mình lên Sài Gòn”, và thế là ai cũng ồ lên: xa dữ vậy hả. Kể ra chuyện cũ để cảm thấy thương người dân mình ở những vùng “xa kinh kì sáng chói”, chẳng bao giờ biết đến Sài Gòn là gì. Đối với vài người, Sài Gòn là đâu đó xa lắm, thậm chí không phải ở Việt Nam. Nhưng từ nay, Sài Gòn, thậm chí Hà Nội, không còn xa nữa. Từ nay, sinh viên đi học và tốt nghiệp ở “kinh thành” Sài Gòn có thể yên tâm về quê làm việc, vì quê đâu có xa xôi gì nữa đâu. Từ nay, người dân trong quê tôi sẽ không xem Sài Gòn như là ngoại quốc. Nhìn như vậy để thấy rằng cây Cầu Cần Thơ không chỉ nối liền hai bờ sông Hậu, hay nối liền giang sơn Việt Nam, mà còn giao lưu và nối kết người Việt với nhau.

NVT

TB: Cây cầu này là do Nhật tài trợ dưới hình thức cho vay nhẹ lời, chẳng biết còn có "màn" người dân qua đó phải trả phí như Cầu Mỹ Thuận không? Ở VN có điều ngộ nghĩnh là ở những nơi như phi trường, trục lộ chính, cầu cống ... đâu đâu người ta cũng thu phí, chẳng biết để làm gì và tiền thu đi đâu mà chất lượng công trình thì cứ ... đi xuống.


Đăng nhận xét

item