Tranh luận giữa nhà khoa học Mĩ và Việt Nam ?

Mấy hôm qua đi công tác xa và bận bịu đủ thứ chuyện nên chẳng vào xem hộp thư hay đọc tin được. Thật ra, tôi ở khách sạn mà tất cả các trang blogspot.com cá nhân và trang web như bauxitevn.net và diendan.org đều bị chận. Kể ra thì hơi buồn vì không có dịp đọc những thông tin khác chiều, nhưng cũng đỡ là do công việc lôi kéo mãi nên không còn thì giờ suy nghĩ chuyện gì khác. Bây giờ thì đã về nhà, trở về cái không khí yên ả và giã từ cái không khí náo nhiệt của SG, được vào đọc nhiều thông tin thoải mái. Một trong những thông tin tôi chú ý là “Tranh luận giữa nhà khoa học hàng đầu Việt Nam và Mỹ”.

Hình như người Việt mình có một “truyền thống” tự hào về tranh luận với người nước ngoài. Trước đây, nghe nói vụ triết gia Trần Đức Thảo tranh luận với một ngôi sao triết học Pháp Jean Paul Sartre, bọn học trò như tôi rất tự hào, vì nước mình tuy nhỏ nhưng cũng có những người tài giỏi xuất chúng, có khả năng và tư cách tranh luận với các chuyên gia số 1 trên thế giới như JP Sartre. Nhưng sau này có cơ hội ra ngoài và tìm hiểu thì thấy câu chuyện gọi là “tranh luận” cũng chẳng có gì ghê gớm lắm, và tôi chẳng có gì để lấy làm tự hào. Mới tuần trước đây, khi báo bee.net.vn chạy cái tít “Tranh luận giữa nhà khoa học hàng đầu Việt Nam và Mỹ” tôi cũng chú ý và cái tính tự hào dân tộc lại trổi dậy. Nhưng khi đọc kĩ thì thấy chẳng có tranh luận gì cả, và một lần nữa lại thấy thất vọng.

Giáo sư Irving Weissman là một chuyên gia về tế bào gốc, một nhà khoa học tên tuổi với chỉ số H 114. Ông không tán thành việc thương mại hóa tế bào gốc qua việc thành lập các ngân hàng tế bào lấy từ cuốn rốn khi mới sinh. Ông cho đó là trò lừa bịp, trò làm tiền của những người mà ông gọi là “bankers”. Ông phát biểu những ý kiến này trong hội nghị thường niên của hiệp hội khoa học Mĩ (American Association for the Advancement of Science), một tổ chức khoa học có lẽ lớn nhất ở Mĩ.

Trong khi đó, ở Việt Nam cũng có người chủ trương lập ngân hàng tế bào gốc từ dây rốn. Theo báo bee.net.vn thì PGS Phan Toàn Thắng (Singapore) phản bác những ý kiến của ông Weissman, và cho rằng đó “chỉ là ý kiến cá nhân của một người và có thể nói là không công bằng, thiếu khách quan.” Không thấy báo nói ý kiến của ông Thằng phát biểu ở đâu, nhưng chắc chắn là không phát biểu trong bất cứ một hiệp hội khoa học nào hay bất cứ một tập san khoa học nào.

Câu chuyện chỉ có thế. Chẳng có tranh luận gì cả. Thật ra, nói rằng ông Thắng là “nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam” cũng chẳng đúng, vì ông là người của Đại học Quốc gia Singapore. Vả lại, có thể ông Weissman chẳng biết ông Thắng là ai. Khả năng rất cao là Weissman cũng chẳng hiểu tiếng Việt, nên chẳng biết ông Thắng nói gì. Hoàn toàn không có chuyện ông Weissman tranh luận với ông Thắng.

Trên ykhoanet.com có một bảng số liệu so sánh thành tích khoa học giữa hai người (ông Weissman có chỉ số H cao gần 10 lần chỉ số H của ông Thắng), và tôi nghĩ bảng số liệu này nói lên tất cả. Rất khó nói nhà khoa học “hàng đầu” với chỉ số H 12.

Ứng dụng tế bào gốc vào việc điều trị các bệnh mãn tính là một định hướng đáng được nghiên cứu và có lẽ là một “avenue” sau cùng của y học hiện đại trong hành trình chinh phục bệnh tật. Nhưng rất tiếc cho đến nay, bằng chứng về hiệu quả của tế bào gốc vẫn chưa rõ ràng. Vài nghiên cứu trên chuột vẫn chưa có thể đi đến kết luận gì. Ý kiến chuyên gia lại càng có giá trị thấp. Chúng ta cần những nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (RCT) để biết hiệu quả lâm sàng của tế bào gốc ra sao. Cho đến nay, ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu RCT về tế bào gốc.

Thế nhưng trên báo chí, chúng ta thấy nhiều “hype” hay thổi phồng hơn là “hope” (hi vọng), đọc nhiều phát biểu cảm tính hơn là dữ liệu khoa học thật. Rất khó có một cuộc tranh luận công bằng với những phát biểu không dựa vào một bằng chứng khoa học cụ thể nào. Tôi nghĩ đối với công chúng, trong tình trạng nhiễu thông tin như thế, cách tốt nhất là đặt dấu hỏi lớn về hiệu quả của tế bào gốc trong điều trị lâm sàng, không nên tự biến mình thành những đối tượng thương mại của những dịch vụ kinh doanh sinh học.

Thật ra, nhìn toàn cảnh, chúng ta thấy VN cần đầu tư cho những chương trình phòng bệnh, kể cả bệnh nhiễm, ở qui mô cộng đồng, hơn là tập trung đầu tư vào những công nghệ cao như tế bào gốc mà VN chưa có đủ chuyên gia lành nghề và triển vọng lâm sàng thì vẫn còn mông lung. Nếu chúng ta có nhiều tiền thì có thể đầu tư vào những dự án mạo hiểm như tế bào gốc; nếu chúng ta còn nghèo thì nên đầu tư vào những chương trình y tế dự phòng mà hiệu quả có thể thấy được và tiên lượng được. Tôi nghĩ nước ta vẫn còn rất nghèo, và đã nghèo thì không nên … vung tay quá trán.

NVT

Đăng nhận xét

item