Đạo văn và “đạo dịch”

Hôm qua, báo Thanh Niên có hỏi tôi bình luận về “nghi án” về một giáo sư trong nước đạo sách của đồng nghiệp bên Mĩ. Trước đây, tôi cũng quan tâm đến vấn đề này và đã viết chắc cũng 4 bài trên Tia Sáng, nhân vụ một nhóm nghiên cứu hàng hải bên VN đạo toàn bộ bài báo khoa học của một nghiên cứu sinh người Việt bên Nhật (nghiên cứu sinh này bây giờ là giáo sư ở Tasmania, Úc). Tuy nhiên, trường hợp dịch sách nước ngoài và lấy đó là tác phẩm của mình thì cũng đạo văn, nhưng ít người biết (và tác giả gốc thì khó biết vì có đọc được tiếng Việt đâu). Thật vậy, có một người viết trên báo Pháp Luật TPHCM rằng dịch sách không phải là đạo văn. Nhưng tôi e rằng bạn đọc này lẫn lộn giữa đạo văn phương pháp đạo văn. Entry này sẽ giải thích tại sao dịch sách và lấy đó làm tác phẩm của mình là đạo văn.

Năm 1997, cựu tổng thống Nga Vladimir Putin đệ trình luận án phó tiến sĩ về kinh tế tại Đại học St Petersburg. Năm 2006, hai học giả thuộc ”think tank” Brookings Institution của Mĩ chỉ ra rằng trong luận án 216 trang của ông Putin, có 16 trang và 6 biểu đồ được cóp từ cuốn sách Strategic Planning and Policy (xuất bản năm 1976) của Giáo sư William King và David Cleland. Cuốn sách này đã được một viện trực thuộc cơ quan tình báo Nga (KGB) dịch sang tiếng Nga từ đầu thập niên 1990s. Cần nhắc lại rằng ông Putin từng là một nhân viên tình báo KGB. Ông Putin là một người đạo văn.

Năm 2005, Nhà thơ Melanie Grobler (Nam Phi) tự nguyện trả lại giải thưởng Eugyne Marais sau khi một nhà thơ khác phát hiện rằng bài thơ ”Stad” của bà thật ra là bản dịch từ một bài thơ của Nhà thơ Anne Michaels.

Tháng 3/2010 vừa qua, Giáo sư Li Lian-sheng thuộc Đại học Giao thông (Thượng Hải) bị tố cáo đạo văn từ một công trình nghiên cứu bên Mĩ. Chỉ vài tháng trước đây, một ngôi sao khoa bảng đang lên ở Nam Dương, Giáo sư Anak Agung Banyu Perwita, cũng bị phát hiện đã trích (nhưng không ghi nguồn) một đoạn văn của một giáo sư người Úc trong một bài báo đăng trên tờ Jakarta Post.

Đạo dịch

Đạo văn, theo định nghĩa, bao gồm những hành động như sử dụng ý tưởng hay câu văn của người khác một cách không thích hợp (tức không ghi rõ nguồn gốc), đặc biệt là việc trình bày những ý tưởng và từ ngữ của người khác trước các diễn đàn khoa học và công cộng như là ý tưởng và từ ngữ của chính mình. Ở đây, “Ý tưởng và từ ngữ của người khác” có nghĩa là: sử dụng công trình hay tác phẩm của người khác, lấy ý tưởng của người khác, sao chép nguyên bản từ ngữ của người khác mà không ghi nguồn, sử dụng cấu trúc và cách lí giải của người khác mà không ghi nhận họ, và lấy những thông tin chuyên ngành mà không đề rõ nguồn gốc.

Những trường hợp như vừa đề cập trên (và nhiều trường hợp tương tự khác) được xem là translation plagiarism, mà tôi tạm dịch là đạo dịch. (Ai hay chữ hơn xin góp ý về cách dịch hai chữ này). Đạo dịch được định nghĩa là khi tác giả dịch ấn phẩm viết bằng một ngôn ngữ khác của tác giả khác mà không ghi nguồn và xem như là tác phẩm của mình. Ở đây, bản chất là đạo văn (vì không ghi nguồn và xóa tên tác giả gốc), và phương tiện đạo văn là dịch. Chẳng hạn như nhà thơ Nam Phi đề cập trên đạo văn vì ý tưởng là của người khác, nhưng phương tiện đạo văn là dịch từ tiếng Anh sang tiếng Phi.

Nếu đạo văn là một hành vi gian lận học thuật rất nghiêm trọng, thì đạo dịch cũng là một hành động không thể chấp nhận được trong hoạt động khoa học. Đạo văn làm giảm uy tín của khoa học và làm tổn hại đến sự liêm chính và khách quan của nghiên cứu khoa học. Đạo dịch có tác hại lớn hơn đạo văn, bởi vì ảnh hưởng đến uy tín của nền học thuật một quốc gia. Chính vì thế mà những trường hợp đạo dịch đều có kết thúc bi thảm. Chẳng hạn như trường hợp giáo sư Li Lian-sheng và Anak Agung Banyu Perwita đều bị cách chức và tước chức danh giáo sư.

Biện pháp phòng ngừa

Vấn đề đặt ra là làm sao tránh hay ít ra là giảm tình trạng đạo văn? Những trường hợp đạo văn phát hiện tại các trường đại học hay trung tâm nghiên cứu nước ngoài đều được giải quyết triệt để. Ở Mĩ có cơ quan Office of Research Integrity (ORI, tạm dịch: Nha liêm chính trong nghiên cứu khoa học) chuyên điều tra và giải quyết các vấn đề đạo văn và vi phạm khoa học. Ở nước ta hình như vẫn chưa có một qui định để giải quyết các trường hợp đạo văn hay vi phạm đạo đức khoa học. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ nước ngoài cung cấp cho chúng ta một số bài học về cách thức giải quyết vấn đề cho các trường đại học ở nước ta.

Thứ nhất, Bộ khoa học và Công nghệ cần phải có một đơn vị để đối phó và xử lí với các trường hợp gian lận trong khoa học. Trong mỗi trường đại học hay viện nghiên cứu cần phải có một ủy ban đạo đức khoa học (mà tiếng Anh hay gọi là Ethics Committee) để giải quyết bất cứ tố cáo nào liên quan đến các hành vi liên quan đến những sai lầm, ngụy tạo, gian trá và đạo văn trong khoa học. Theo kinh nghiệm từ nước ngoài, ủy ban này bao gồm các nhà khoa học từ nhiều ngành chuyên môn khác nhau và một số nhà khoa học từ các trường đại học bạn. Điều quan trọng là ủy ban đạo đức khoa học phải độc lập với ban lãnh đạo trường đại học.

Thứ hai, cần phải lập tức giải quyết vấn đề, không chần chờ. Khi một trường hợp gian lận khoa học xảy ra, ủy ban đạo đức khoa học cần phải hành động ngay, tức là mở cuộc điều tra, lắng nghe ý kiến của tất cả các thành phần liên quan đến vấn đề, và giải quyết nhanh chóng. Không nên chờ hay kéo dài thời gian mà hậu quả là cả người tố cáo lẫn người bị tố cáo đều bị tổn hại uy tín, và trường cũng bị mang tai tiếng. Do đó, cần phải dứt khoát giải quyết vấn đề càng nhanh càng tốt để tất cả mọi bên có thể tiếp tục công việc của mình.

Thứ ba, cần phải dạy cho học sinh, sinh viên phân biệt được đâu là đạo văn, và đâu là trích dẫn. Có nhiều trường hợp đạo văn xảy ra ở sinh viên Á châu, khi được hỏi thì họ thường nói là vì họ kính trọng tác giả nên mới trích dẫn! Đó là một cách biện minh không thể chấp nhận được. Do đó, chúng ta cần phải thêm vào phần đạo đức khoa học trong chương trình đào tạo sinh viên và nghiên cứu sinh. Thật ra, ngay cả học sinh tiểu học và trung học cũng phải được dạy rằng mượn ý tưởng và từ ngữ của người khác thì phải ghi rõ hay xin ghi ơn (acknowledgement), không có chuyện “xỏ nhầm giầy” được.

Thứ tư, xem lại qui định về giáo trình và chuẩn mực đề bạt chức danh giáo sư. Hiện nay, có qui định rằng mỗi bộ môn của một trường đại học phải có một giáo trình riêng. Ngoài ra, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước xem viết sách là một tiêu chuẩn để xét phong chức danh giáo sư. Viết sách đòi hỏi người viết chẳng những am hiểu chủ đề mà còn phải là một người có bề dày về nghiên cứu khoa học. Chẳng lẽ viết sách mà chỉ trích dữ liệu của người khác, mà tác giả chẳng có một dữ liệu hay quan điểm nào? Ở nước ta, số người có kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học chuyên sâu vẫn còn thiếu, cho nên yêu cầu viết sách để được đề bạt hay làm giáo trình giảng dạy e rằng thiếu thực tế, và làm cho người ta phải đạo sách và đạo dịch.

Theo tôi thấy và kinh nghiệm từ nước ngoài cho thấy, không cần phải có giáo trình riêng cho mỗi đại học. Thật vậy, ở nước ngoài, tôi thấy bộ môn nào cũng có một danh mục sách giáo khoa không hẳn là do giáo sư của bộ môn viết, mà có thể [phần lớn] là sách của các tác giả nước ngoài. Ở nhiều nước tiên tiến, người ta không xem sách là tiêu chuẩn đề bạt chức danh giáo sư. Do đó, nên chăng bỏ qui định về viết sách cho mỗi bộ môn và bỏ tiêu chuẩn về sách trong việc xét duyệt phong chức danh giáo sư.

Một yếu tố căn bản, bao quát để giải quyết tận gốc nạn đạo văn, hay rõ hơn là “đạo” tri thức ở nước ta, là cần cải tổ từ hệ thống giáo dục: từ cấp trên, đến tư liệu giảng dạy, đến hình thức giảng dạy ngay từ bậc tiểu học. Ví dụ, đại đa số, nếu không nói là tất cả sách giáo khoa giảng dạy ở Việt nam không hề có một tài liệu tham khảo nào, nhưng có nhóm tác giả. Không thể nói tri thức trong mỗi cuốn sách giáo khoa đó là tài sản trí tuệ của nhóm tác giả soạn sách được, và nếu không có trích dẫn tài liệu tham khảo, đó chính là đạo văn. Cách thức giảng dạy ở Việt nam trong nhiều năm qua vẫn chưa có thay đổi theo cách “thầy đọc, trò chép”, đây là một hình thức hướng dẫn đạo văn vô tình. Khi trò trả bài hoặc làm bài thi mà không viết đúng ý thầy hoặc nguyên văn lời thầy giảng, thì bài thi không đạt; ngược lại để đạt tức là đạo văn! Đạo văn cần phải được coi là một chuyên đề giảng dạy chính thức trong các trường học, mức độ nâng dần theo bậc học; nó được coi như là một bài học đạo đức chống lại hành vi ăn cắp, mà ở đây là ăn cắp ý tưởng, ăn cắp tri thức. Hành vi này cũng được xử lí không khác gì ăn cắp vật chất.

Bất cứ hình thức đạo văn nào cũng có thể xem là một một "tội học thuật". Trung thực và liêm chính là những đặc tính số một trong nghiên cứu khoa học, và công bố bài báo khoa học cũng như giảng dạy là raisons d'être, là lí do để tồn tại của nhà khoa học. Hơn 20 năm về trước, Al Gore, lúc đó còn là một thượng nghị sĩ (và sau này là phó tổng thống Mĩ) chủ trì một cuộc điều trần về gian lận trong khoa học, nhận xét: “Nền tảng của nghiên cứu khoa học dựa vào sự tín nhiệm của quần chúng và liêm chính trong hoạt động khoa học.” Câu phát biểu này có tính phổ quát, và có thể thích hợp cho bất cứ hoạt động nghiên cứu khoa học tại bất cứ nước nào, kể cả ở nước ta.

NVT

Đăng nhận xét

item