Khoa học Việt Nam qua công bố quốc tế 2005-2009

Đây là bài báo tôi viết cho Sài Gòn Giải Phóng nhân kỉ niệm 35 năm thống nhất. Chẳng biết SGGP có đăng nguyên bài hay không, nhưng tôi gửi lên đây để các bạn theo dõi tình hình chung về khoa học ở nước ta. Một số nhận xét và xu hướng có lẽ không mới đối với những ai đã từng theo dõi vấn đề, nhưng những dữ liệu này mang tính cập nhật hóa và cho thấy chúng ta đang ở đâu trên thế giới khoa học sau 35 năm thống nhất.

Phát triển kinh tế được thực hiện qua công nghệ. Một cách ví von, công nghệ là “con đẻ” của khoa học, và khoa học là một sản phẩm của nghiên cứu. Qua những lĩnh vực có liên quan mật thiết này, nghiên cứu được xem là một phương tiện để nuôi dưỡng và phát triển kinh tế. Những nước mới phát triển nhanh như Hàn Quốc, Singapore, và Đài Loan trước khi có nền kinh tế như hiện nay đã đầu tư nhiều vào nghiên cứu khoa học cơ bản và khoa học kĩ thuật.

Số lượng và chất lượng bài báo công bố trên các tập san khoa học quốc tế được xem là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá năng suất khoa học của một nước, một trường đại học, hay một nhà khoa học. Thật vậy, ở các nước phát triển và đang phát triển, người ta có hẳn vài nhóm chuyên theo dõi và so sánh các công trình nghiên cứu để dựa vào đó mà điều chỉnh chính sách cung cấp ngân sách cho nghiên cứu khoa học. Các trường đại học xem con số bài báo khoa học và chỉ số trích dẫn là một đo lường về uy tín khoa bảng của trường, một chỉ tiêu để thu hút tài trợ cho nghiên cứu. Đối với một cá nhân nhà khoa học, có thể nói rằng con số công trình nghiên cứu được công bố là chỉ tiêu chính để được đề bạt các chức vụ khoa bảng.

Mỗi năm, ở nước ta, Nhà nước chi ra khoảng 400 triệu USD cho nghiên cứu khoa học. Do đó, câu hỏi đặt ra là trong năm vừa qua, năng suất khoa học của nước ta ra sao, có xứng đáng với đồng tiền của người dân đóng thuế bỏ ra cho nghiên cứu khoa học hay không? Để trả lời câu hỏi này, tôi đã làm một phân tích đơn giản về con số bài báo khoa học xuất phát từ Việt Nam trong năm qua và so sánh với một số nước trong khối ASEAN để cho thấy vị thế của nền khoa học nước ta.

Ấn phẩm khoa học 2005-2009

Trong năm 2009, các nhà khoa học Việt Nam công bố được 959 bài báo khoa học trên 541 tập san khoa học quốc tế. Tuy nhiên, so với các nước trong vùng, con số bài báo khoa học nước ta đứng hàng thứ 4 (sau Singapore, Thái Lan, và Mã Lai), và vị trí này không thay đổi trong 5 năm qua. Trong cùng năm 2008, Singapore công bố được 7524 bài báo khoa học (cao hơn nước ta gần 8 lần); Thái Lan công bố được 4527 bài (hơn Việt Nam 4,7 lần), và Mã Lai công bố 3903 bài (hơn Việt Nam khoảng 4 lần).

Tuy nhiên, so sánh tỉ lệ tăng trưởng trong thời gian 2004 đến 2009, năng suất khoa học Việt Nam có chiều hướng tích cực. Con số bài báo khoa học của Việt Nam trong năm 2009 phản ảnh một tỉ lệ tăng trường gần 2 lần so với năm 2005. Trong cùng thời gian này, Thái Lan tăng 2 lần, Mã Lai tăng 2,7 lần, và Singapore tăng 36%. Các nước như Philippines và Insonesia có tỉ lệ tăng trường khoảng 50% (Biểu đồ 1).

Biểu đồ 1: Số lượng bài báo khoa học từ Việt Nam và các nước Đông Nam Á trong thời gian 2005-2009. Biểu đồ 2 phóng đại cho 3 nước Việt Nam, Philippines và Indonesia để dễ thấy và so sánh.
Biểu đồ 2. So sánh tỉ lệ tăng trưởng trong hai giai đoạn 2000-2004 và 2005-2009

Lĩnh vực nghiên cứu

Phân tích lĩnh vực nghiên cứu cho thấy các lĩnh vực nghiên cứu “mạnh” của Việt Nam là y học, toán, và vật lí. Thật vậy, trong thời gian 2005-2009, con số bài báo liên quan đến y khoa (như tế công cộng, y học nhiệt đới và bệnh truyền nhiễm) là 671, chiếm 19% tổng số bài báo của cả nước. Trong khi đó, ngành toán công bố được 569 bài (chiếm 16% tổng “sản lượng” khoa học Việt Nam). Chỉ ba ngành y học, toán và vật lí đã chiếm khoảng 45% các công trình nghiên cứu khoa học từ Việt Nam (Bảng 1).



Trong khi đó, các lĩnh vực nghiên cứu “mạnh” của Thái Lan tập trung vào các ngành khoa học ứng dụng và y sinh học. Chỉ riêng ngành dược, với 964 bài báo khoa học, chiếm gần 6% tổng số bài báo quốc tế từ Thái Lan. Các lĩnh vực “top 10” hàng đầu của Thái Lan là: công nghệ thực phẩm (5,2%), công nghệ sinh học (4%), sinh học phân tử (~5%), khoa học vật liệu (4%), vi sinh học (~4%), khoa học môi trường (~4%).

Chất lượng

Chất lượng của một bài báo nghiên cứu khoa học thường được đánh giá qua chỉ số ảnh hưởng (IF hay impact factor) của tập san. Hệ số IF dao động trong khoảng 0 đến 70. Tập san có uy tín cao thường có chỉ số IF cao (trên 10), vì họ chỉ công bố những công trình khoa học có chất lượng cao. Phân tích về chất lượng cũng cho thấy đại đa số các bài báo khoa học được công bố trên những tập san có chỉ số IF rất thấp. Chẳng hạn như trong ngành y sinh học (một lĩnh vực tương đối mạnh của nước ta), phần lớn các bài báo đều công bố trên tập san có chỉ số IF dưới 3. Ngay cả các ngành như toán và vật lí, phần lớn bài báo từ Việt Nam cũng chỉ công bố trên các tập san có chỉ số IF thấp (dưới 1).

Tính trung bình, gần 45% các bài báo từ Việt Nam được trích dẫn trên 5 lần, tức là cao hơn số trung bình trên thế giới. Các ngành khoa học Việt Nam có trích dẫn cao thường là các ngành khoa học thực nghiệm như y sinh học, hóa học, nông nghiệp, môi trường và công nghệ sinh học. Riêng hai ngành toán và kĩ thuật số lần trích dẫn không cao và có thể có ảnh hưởng khiêm tốn trên thế giới. Điều đáng quan tâm là 44% các bài báo về kĩ thuật từ Việt Nam chưa bao giờ được trích dẫn sau 5 năm công bố.

Một cách khác để gián tiếp đánh giá chất lượng là xem xét tỉ lệ các bài báo chưa bao giờ được trích dẫn. Có khoảng 20% các bài báo khoa học từ Việt Nam chưa bao giờ được trích dẫn sau 5 năm công bố. Đây cũng là tình trạng chung ở các nước trong vùng, với tỉ lệ chưa bao giờ trích dẫn (trong vòng 5 năm) được ghi nhận tại Thái Lan (15%), Mã Lai (19%), Nam Dương (19%), Phi Luật Tân (13%), và Singapore (17%). Như vậy, tính trung bình chất lượng nghiên cứu khoa học nước ta cũng thấp hơn so với các nước trong vùng.

Vài nhận xét

Các phân tích trên đây cho thấy sự có mặt hay đóng góp của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế, và ngay cả trong vùng, còn quá khiêm tốn. So với Thái Lan, Mã Lai và Singapore, số lượng bài báo khoa học từ nước ta không đáng kể. Tuy mức độ tăng trưởng hoạt động khoa học (thể hiện qua số bài báo trên các tập san quốc tế) là một xu hướng tích cực, nhưng mức độ tăng trưởng của khoa học nước ta vẫn còn khiêm tốn so với các nước trong vùng. Nếu mức độ tăng trưởng số bài báo khoa học của Việt Nam là 40 bài / năm (như ước tính từ phân tích này) và theo hàm số đường thẳng, và chúng ta bắt đầu với 202 bài năm 1996, thì phải cần đến ~50 năm sau chúng ta mới bắt kịp số lượng bài báo của Thái Lan vào năm 2009!

Một điều đáng quan tâm hơn là phần lớn các nghiên cứu khoa học từ Việt Nam còn phụ thuộc vào các “ngoại lực” quá nhiều. Theo một phân tích trước đây của giáo sư Phạm Duy Hiển, có đến 75% các công trình khoa học từ Việt Nam do đứng tên chung hoặc hợp tác với các đồng nghiệp nước ngoài. Trong ngành y sinh học, một ngành tương đối thế mạnh và ổn định ở nước ta, tôi đã chỉ ra trước đây rằng chỉ có 2% trong số các công trình được công bố trên các tập san quốc tế là do nội lực! Điều này cho thấy chúng ta cần phải tạo ra một nội lực nghiên cứu khoa học lớn mới có thể cạnh tranh với các nước trong vùng.

Nghiên cứu khoa học ở tầm quốc tế đòi hỏi các phương tiện khoa học tương đối đắt tiền. Vì hoàn cảnh kinh tế, nước ta còn thiếu những phương tiện như thế, và có lẽ đó cũng chính là lời giải thích tại sao các nhà khoa học trong nước phải hợp tác với các đồng nghiệp nước ngoài. Thật ra, hợp tác trong nghiên cứu là một điều tốt trong hoạt động khoa học hiện đại, nhưng hợp tác như thế nào để thành quả và tri thức khoa học dựa trên chất liệu của Việt Nam vẫn là của người Việt Nam thì mới là vấn đề mà chúng tôi đã nêu ra gần đây, nhất là hiện tượng “hợp tác khoa học theo kiểu nhảy dù”, mà trong đó các tác giả Việt Nam chỉ là “lính đánh bộ” và sở hữu tri thức vẫn là tác giả nước ngoài, dù chất liệu nghiên cứu là từ Việt Nam và của người Việt Nam!

Dựa vào mối liên hệ giữa đầu tư cho khoa học và công nghệ, có thể giải thích rằng sự đóng góp khiêm tốn của Việt Nam là do đầu tư của Nhà nước cho hoạt động này còn quá thấp. Nhưng câu hỏi đặt ra là nếu Nhà nước nâng mức đầu tư lên (chẳng hạn như 1% GDP), mức đóng góp của khoa học Việt Nam có tăng hay không? Có thể sẽ tăng, nhưng mức độ tăng trưởng sẽ khó sánh với các nước trong vùng, nhất là so với Thái Lan, một nước đang có tham vọng và xúc tiến công nghiệp hóa nhanh chóng. Thật ra, mỗi năm, Bộ khoa học và công nghệ phải hoàn trả hàng trăm tỉ đồng cho ngân sách Nhà nước vì không thể phân phối hết số tiền đó cho nghiên cứu khoa học. Do đó, vấn đề không phải là tăng đầu tư, mà là đầu tư và phân phối ngân sách sao cho có hiệu suất cao.

Hiệu suất khoa học tùy thuộc vào hệ thống tổ chức hoạt động khoa học, nhân sự, chuẩn mực về nghiên cứu khoa học. Có thể nhìn cách phân phối kinh phí hiện nay ở nước ta như là một cuộc đấu thầu xây dựng. Cơ quan chủ quản (Bộ y tế và Bộ khoa học) ra đề tài, kêu gọi các nhà nghiên cứu đệ đơn, và các cơ quan chủ quản xét duyệt. Nhưng nhu cầu nghiên cứu y sinh học phải xuất phát từ thực tế lâm sàng và cộng đồng, chứ không thể xuất phát từ cơ quan quản lí hành chính, và do đó nhiều đề tài nghiên cứu mà các bộ đề ra không theo kịp trào lưu và định hướng của khoa học quốc tế và nhu cầu y tế thực tế trong nước.

Một nguyên nhân “nội tại” đáng quan tâm hơn là vấn đề nhân lực. Nước ta vẫn thiếu các chuyên gia có kinh nghiệm chuyên sâu, thiếu các nhà khoa học có kinh nghiệm làm nghiên cứu tầm cỡ quốc tế. Cho nên dù có phương tiện hiện đại và kinh phí, chưa chắc Việt Nam đã có chuyên gia sử dụng thiết bị và có khả năng thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu. Vấn đề này dẫn đến một hệ quả khác là các nghiên cứu khoa học từ Việt Nam thiếu “cái mới” (phần lớn chỉ lặp lại những nghiên cứu từ nửa thế kỉ trước) và thiếu phương pháp khoa học (do thiết kế không thích hợp, hay thậm chí sai). Đây chính là lí do tại sao các nghiên cứu y học từ Việt Nam ít có khả năng xuất hiện trên các tập san khoa học quốc tế.

Một trong những lí do cho tình trạng khoa học Việt Nam còn quá khiêm tốn trên trường quốc tế và trong vùng là các đại học và trung tâm nghiên cứu khoa học nước ta chưa có những qui định về chuẩn mực nghiên cứu khoa học phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Hệ thống đề bạt giáo sư ở nước ta vẫn dựa vào các tiêu chuẩn “nội địa”, mà không mấy quan tâm đúng mức đến mức độ đóng góp vào khoa học có công trình đăng trên các tập san khoa học quốc tế. Đại đa số các tiến sĩ được đào tạo từ trong nước cũng không hay chưa bao giờ có các bài báo trên các tập san khoa học quốc tế. Ngoài ra, chúng ta có quá nhiều nhà khoa học với chức danh giáo sư và tiến sĩ nhưng họ không làm nghiên cứu mà chỉ đảm nhận các chức vụ hành chính (gần 70% các tiến sĩ giữ chức vụ quản lí và không làm nghiên cứu khoa học). Hệ quả là qua con số thống kê Việt Nam có 30 ngàn nhà khoa học, nhưng năng suất khoa học thì quá thấp để có thể so sánh với các nước trong vùng, chứ chưa nói đến so sánh với các nước tiên tiến.

Kể từ ngày Việt Nam dành được độc lập, có thể nói rằng giới khoa học Việt Nam chủ yếu là những người tiêu thụ hơn là những nhà sản xuất tri thức. Nhận xét này có lẽ không quá đáng vì trong thực tế, các giáo sư Việt Nam phổ biến và truyền bá kiến thức qua giảng dạy, và ngay cả giảng dạy cũng dựa vào sách giáo khoa và nghiên cứu từ nước ngoài. Ngay cả thông tin về Việt Nam cũng chủ yếu nằm trong tay của giới khoa học nước ngoài, chứ không phải của giới khoa học Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta phải là người sáng tạo ra kiến thức qua nghiên cứu khoa học.

Để nâng cao vị thế khoa học Việt Nam trên trường quốc tế, thiết nghĩ Nhà nước cần phải nâng cao hiệu suất đầu tư cho khoa học và công nghệ, và cải cách hệ thống hoạt động nghiên cứu khoa học, và bắt đầu bằng việc phát triển các chuẩn mực cho các nhà khoa học, kể cả tiêu chuẩn giáo sư, sao cho phù phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và không quá xa rời thực tế ở nước ta. Cần chuẩn mực mới nên khuyến khích các nhà khoa học nước ta tập trung vào việc công bố các nghiên cứu trên các tập san quốc tế, tập trung vào việc đăng kí bằng sáng chế tại các cơ quan quốc tế. Cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhưng cũng cần phải đảm bảo những nghiên cứu từ Việt Nam thuộc sở hữu của người Việt Nam.

NVT

Đăng nhận xét

item