Tại sao khoa học Việt Nam còn kém?

Đây là một phản hồi của một bạn đọc ẩn danh ở Hà Nội. Đáng lẽ tiêu đề phải là "những tiêu cực trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam", nhưng vì entry này là một phản hồi của một entry trước đây, nên tôi thay đổi tựa đề cho thời sự một chút. Một phần của câu trả lời cho câu hỏi trên có thể tìm thấy trong bài này. Tôi đặt những tiêu đề, và có gọt bỏ những chỗ có tên thiết bị để bảo mật cho bạn đọc. Nói tóm lại, theo như tôi hiểu bài phản hồi này thì sở dĩ khoa học của nước mình kém là do:

(a) tiêu cực trong việc phân phối kinh phí;
(b) người bất tài lãnh đạo khoa học; và
(c) bất cập trong chuẩn mực nghiên cứu khoa học.

Đương nhiên là còn nhiều lí do khác nữa, nhưng đó là những lí do nổi cộm. Lí do thứ nhất liên quan đến tham nhũng; lí do 2 là vấn đề con người; và lí do 3 là thiếu chuẩn mực nghiêm chỉnh. Toàn những chuyện "nhạy cảm". Bởi vậy vị độc giả này có viết ở đoạn cuối là nếu em làm bộ trưởng chưa chắc em giải quyết được chuyện gì. Đọc câu này của em vừa hay mà vừa đau: "Trong thế giới người gù, thì người thẳng lưng bị coi là dị dạng." Ui chao, đau thật! Chuẩn mực đạo đức xã hội mà loạn thì nói gì đến chuyên xa xỉ về đạo đức khoa học.

Mặc dù độc giả này khiêm tốn nói về mình là "có ra gì đâu", nhưng đọc qua phản hồi với cách sắp xếp ý tưởng và logic trong cách lí giải, tôi nghĩ vị độc giả này ắt phải là một giảng viên có hạng. Tôi xin chân thành cám ơn bạn đọc và rất mong được em đóng góp tiếp trong tương lai.

NVT
====


“Kính gửi thầy Tuấn,

Em công tác tại một trường đại học được coi là có uy tín ở Việt Nam, cũng từng tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học.

Hôm nay em mới đọc bài “Khoa học Việt Nam qua công bố quốc tế 2005-2009” của thầy mà bức xúc vô cùng. Vì điều kiện không cho phép bài tỏ ý kiến công khai, nên em muốn được nói đôi điều với thầy.

Phần đầu bài viết thầy đề cập đến các con số về công bố quốc tế của VN, em không dám góp ý gì. Song, đến nửa cuối, khi nói về nguyên nhân của sự yếu kém của khoa học Việt Nam, em thấy thầy phản ánh chưa sát thực tế. Có thể thầy tránh không nêu lên, hoặc do thầy ở nước ngoài nên không rõ tình hình.

Mua thiết bị để kiếm hoa hồng

Hiện nay, trang thiết bị tại nhiều trường đại học và trung tâm nghiên cứu khoa học rất phong phú và hiện đại chứ không thiếu. Trong vòng 5 – 7 năm trở lại đây, Nhà nước đầu tư rất nhiều. Thậm chí nhiều nơi người ta còn đau đầu nghĩ cách giải ngân hết số kinh phí được cấp cho các dự án khoa học công nghệ đó.

Tất nhiên, đơn vị chủ dự án thường nhận phần trăm không nhỏ (ít nhất 10% hoa hồng). Đơn vị chủ quản, cấp quản lý: ngoài việc nhận tiền của đơn vị được phê duyệt dự án, họ còn có thể dùng sức ép để chỉ định thầu buộc chủ dự án phải ký hợp đồng với các công ty xây dựng, công ty trang thiết bị… mà họ đã thông đồng. Em ước đoán số tiền thất thoát khi hoàn thành một trung tâm, một dự án… khoảng 20%.

Cũng vì được cấp quá nhiều tiền, nên ngoài các trang thiết bị mới và hiện đại ra, các hãng còn tìm cách thanh lý các thiết bị cũ và tồn kho của họ. Nếu thầy đến thăm các trung tâm này ở HN, thậm chí cả các tỉnh nghèo thì sẽ thấy số trang thiết bị có trị giá trên 50.000 USD rất nhiều, đa số đắp chiếu hoặc chỉ chạy 1 lần (khi công ty bán hàng bàn giao). Nếu đến thăm các Trung tâm, thầy sẽ được các sếp ở đó khoe trung tâm có thiết bị này thiết bị kia có giá 300.000, 500.000 hoặc 1.000.000 USD chứ họ không khoe thành tích khoa học đâu. Nhiều máy móc, thiết bị mua về hàng loạt mà không biết để làm gì, thành ra để vứt xó.

Một điều nghịch lý là do quá tập trung giải ngân nên chủ dự án thường quên hoặc không biết (chủ yếu là không biết) dành tiền để mua các dụng cụ thiết yếu phục vụ thí nghiệm. Chẳng hạn như chỗ em có mua 1 thiết bị […] giá 130.000 USD, nhưng lại không mua [dụng cụ cơ bản và thiết yếu]. Đúng là chỉ có 1 cái máy, duy nhất 1 cái máy đời mới nhất tại thời điểm tiếp nhận. Tuy nhiên, điều này cũng chẳng ảnh hưởng gì đến công việc nghiên cứu khoa học vì không ai cần dùng và không ai biết dùng.

Hợp thức hóa chi tiền

Về hoạt động nghiên cứu khoa học, có một nghịch lý là: cùng trong một đơn vị khoa học, các sếp thì ôm đồm gần như toàn bộ các đề tài lớn, bất kể lĩnh vực hoặc chuyên ngành nào. Các đề tài này có kinh phí từ một hai trăm triệu cho đến hàng tỷ đồng, tính ra không kém gì kinh phí đề tài tại các nước phát triển. Số tiền này phải lại quả cho cơ quan chủ quản (nơi có quyền duyệt đề tài) một phần, theo thông lệ là 20%, một số nơi, chẳng hạn Sở KHCN Hà Nội, có thể đòi tới 50%. Phần kinh phí chủ nhiệm đề tài nhận được sẽ phải tiếp tục rải cho nhiều nơi trong cơ quan chủ trì (nơi thực hiện), chẳng hạn như sếp, tài chính, bộ phận quản lý khoa học… có thể mất thêm 10 - 20% nữa. Như vậy phần tiền còn lại để có thể thực hiện nội dung đề tài (trả thù lao nghiên cứu và mua dụng cụ) chỉ còn 30 – 60% thôi. Thông thường, chủ nhiệm đề tài và một vài thành viên chủ chốt (thư ký đề tài, kế toán đề tài, một vài cán bộ thực hiện chính) tiếp tục sẽ chia nhau khoản tiền còn lại. Số tiền thực chất chi cho hoạt động khoa học chỉ còn 20 – 30% thôi. Có thể có nơi làm nghiêm chỉnh hơn, nhưng em nghĩ chỉ là thiểu số.

Chắc thầy chưa biết về quy định trong chi tiêu các đề tài. Theo quy ước, với đề tài có hoạt động thí nghiệm thì khoảng 30% là thuê khoán chuyên môn, tức là phần tiền trả công cho người thực hiện, kết quả là các chuyên đề nghiên cứu; khoảng 30 – 40% là tiền mua dụng cụ, hóa chất; khoảng 20 – 25% là mục chi khác (gồm hội thảo, họp hành triển khai đề tài, tiền tàu xe và thuê nhà nghỉ nếu phải đi xa, tiền mua văn phòng phẩm…).

Do phải chi trả quá nhiều nên chủ nhiệm đề tài phải nghĩ cách chi tiêu đảm bảo cho hợp lý theo tỷ lệ nêu trên. Nội dung các đề tài thường nghèo nàn, nhưng phải vẽ ra nhiều chuyên đề để đảm bảo độ dày của bản báo cáo và hợp lý hóa chi tiêu. Chẳng hạn chỉ làm 1 thí nghiệm thì báo cáo là 10, chỉ làm trên 2 – 3 mẫu thì ghi thành 10 – 30 mẫu ... Kéo theo đó là không cần sử dụng nhiều dụng cụ hóa chất, song để chi tiêu hợp lý thì chủ nhiệm đề tài phải mua các hóa đơn khống của các công ty hay cửa hàng hóa chất, với giá khoảng 5-7% trị giá ghi trên hóa đơn (Theo quy định về tài chính: mua bán không dùng tiền mặt mà phải chuyển khoản. Sau công ty nhận tiền từ tài khoản, họ sẽ rút tiền ra, giữ lại 5 – 7%, phần còn lại mang trả đầy đủ cho chủ nhiệm đề tài).

Tương tự, các khoản chi khác cũng được hợp lý hóa như vậy: chẳng hạn không họp hoặc có họp nhưng ghi khống số tiền, số người và thời gian họp; công tác chỉ có 1-2 người trong 1-2 ngày thì ghi khống thành 5 – 7 người trong 1 – 2 tuần, thành ra số tiền thuê chỗ ở, thuê xe… được quyết toán cao hơn nhiều thực tế; tình trạng mua hóa đơn để thanh toán văn phòng phẩm… cũng phổ biến. Vào cuối năm, hoạt động lập viết báo cáo, chuyên đề; hoạt động mua bán hóa đơn dụng cụ hóa chất; hoạt động mua bán hóa đơn thuê xe, khách sạn – nhà nghỉ, hóa đơn văn phòng phẩm… diễn ra cực kỳ nhộn nhịp. Có nơi có lúc còn cháy hóa đơn, làm chậm là không có mà mua.

Nói thực với thầy, việc hợp lý hóa chi tiêu (tức làm sao có đủ hóa đơn, chứng từ hợp lý để thanh toán) khá phức tạp và không đơn giản, vì thế nhiều người không dám nhận nhiều đề tài chỉ vì không thể “tiêu” hết tiền. Nên Bộ KHCNMT hàng năm thừa khoảng 100 tỷ kinh phí là dễ hiểu. Có nơi người ta còn lo xa, chia đề tài lớn thành nhiều đề tài nhỏ với kinh phí vài trăm triệu. Mục đích là phòng trường hợp bị phát hiện sai phạm (hiếm khi xảy ra) thì khung hình phạt sẽ nhẹ hơn.

Xét duyệt và nghiệm thu

Việc xét duyệt và nghiệm thu đề tài thì như sau: cơ quan quản lý (có quyền duyệt đề tài) và chủ nhiệm đề tài thường có quen biết và hiểu nhau rõ ràng. Tức là cơ quan quản lý biết chủ nhiệm sẽ lại quả cho mình bao nhiêu (theo quy ước 20% trên tổng kinh phí được duyệt, lĩnh lần nào thì lại quả lần đó), chủ nhiệm có khả năng hoàn thành đề tài hay không (thực chất là vẽ ra bản báo cáo hợp lý), có khả năng “tiêu tiền” hay không (tức việc làm hóa đơn, chứng từ để thanh quyết toán).

Khi xét duyệt, cơ quan quản lý sẽ thành lập hội đồng xét duyệt bao gồm các thành viên vốn cũng là các chủ nhiệm đề tài và quen biết với chủ nhiệm đề tài được xét duyệt. Hội đồng sẽ làm việc nghiêm túc, đôi khi cũng góp được một vài ý kiến nhỏ cho đề tài và nhanh chóng thông qua. Các thành viên trong hội đồng thường sẽ được nhận một khoản tiền nhỏ bồi dưỡng mà chủ nhiệm đề tài ứng trước (ứng trước vì lúc này vẫn chưa được duyệt, nhưng biết chắc chắn sẽ được duyệt).

Khi nghiệm thu, mọi việc diễn ra tương tự. Nói chung hoạt động phê duyệt và nghiệm thu ít có tính chất khoa học, chỉ thiên về hình thức. Đôi khi, do có quá nhiều đề tài nên cả cơ quan quản lý và chủ nhiệm đề tài đều quên không báo cáo nghiệm thu, vấn đề chỉ là bộ hóa đơn chứng từ thể hiện sự chi tiêu hợp lý thôi.

Về năng lực cán bộ nghiên cứu
Do các vấn đề nêu trên, người ta không chú trọng lắm đến chất lượng cán bộ khoa học. Cơ quan quản lý không cần nhiều tính mới, tính sáng tạo, tính ứng dụng (có thì tốt hơn) của đề tài mà chỉ quan tâm đến “hiệu quả kinh tế” của đề tài thôi. Những người tâm huyết, muốn làm nghiêm túc (kể cả PhD học nước ngoài) thì ít có cơ may được nhận đề tài. Đôi khi họ bị đánh giá là dở hơi, không thực tế, bị cho ngồi chơi xơi nước... Có một điều nguy hiểm là mọi người đều biết là không có sức ép nào từ phía cơ quan quản lý và từ cộng đồng khoa học, nên tư tưởng chủ đạo ngay từ khi hình thành ý tưởng đề tài là “vẽ, bịa, thổi phồng…”, diễn ra phổ biến kể mọi nơi kể từ cấp TƯ.

Trong hợp tác với nước ngoài, phía Việt Nam chỉ nghĩ đến xin kinh phí từ họ để tiêu thôi. Ngoài ra còn tranh thủ để được du lịch miễn phí. Hợp tác nước ngoài cũng là dịp để phô trương, khoe khoang …

Hoạt động KHCN ở VN luôn diễn ra sôi nổi, nhộn nhịp, đảm bảo chất lượng và kinh phí luôn được “quyết toán hợp lý”. Thú thực với thầy, em cũng có đóng góp trong hoạt động đó, lúc đầu cũng áy náy, nhưng nghĩ đến khoản tiền tương đương hoặc nhiều hơn so với mức lương còm cõi hàng tháng (thấp hơn một bà bán bánh mỳ buổi sáng), em không thể chối được. Mọi người đều làm thế, từ GS, PGS cho đến SV mới ra trường, từ sếp cho đến nhân viên quèn. Ban đầu còn bỡ ngỡ, sau thấy quen và thấy bình thường. Không ai làm sao cả, thành tích khoa học ngày một nhiều, kinh nghiệm ngày càng phong phú. Nơi em làm tiêu hàng chục, trăm tỷ đồng mà có cần bài báo quốc tế nào đâu.

Việc này, em rất buồn nhưng không có cách nào để có thể thoát ra khỏi vòng xoáy ấy. Cũng vì cuộc sống và “tương lai” thôi. Mấy năm trước em nhiệt tình tham gia các hoạt động ấy lắm. Nay em đi học nên có dịp tách khỏi những việc đó và có dịp suy ngẫm.

Em và vài SV khác cùng nhau thảo luận, giả sử được làm bộ trưởng bộ GD-ĐT với mọi quyền năng trong tay thì có thể làm được gì. Nghĩ mãi chúng em cũng không tìm được giải pháp nào cả.

Nghĩ lại thời gian tham gia “giảng dạy đại học” và “nghiên cứu khoa học”, em thấy không đóng góp được gì cả, chỉ có tham gia phá hoại thôi. Sau khi học xong, không biết em có thể thay đôi được không, hay là có thêm lông cánh (cái bằng PhD) để tham gia phá hoại tiếp.
Trong thế giới người gù, thì người thẳng lưng bị coi là dị dạng. Việc này em cũng có bài học rồi.

Em mong thầy có thêm tiếng nói góp ý về giáo dục đại học nữa. Hỗn loạn lắm thầy ạ. Bản thân em cũng thấy mình không đủ tiêu chuẩn đứng trên bục giảng. Thế nhưng em còn hơn khối giảng viên khác, mà thực ra em và những người đó có giảng dạy cái gì ra trò đâu.

Đào tạo sau đại học, đào tạo tại chức (chuyên tu) thì còn loạn hơn, mặc dù bề ngoài có vẻ rất tốt đẹp. Ngay cả đào tạo sau đại học tại nước ngoài theo đề án 322 cũng có vấn đề (mặc dù em không biết nhiều lắm).

Còn nhiều thứ mà em không thể kể hết, trong đó có cả việc giảng dạy, đào tạo ĐH, sau ĐH, xét phong hàm GS, PGS… mà chắc thầy chưa từng nghe. Em hy vọng thầy sẽ không buồn khi đọc email này, song đó là sự thật. Em làm ở HN, có thể trong SG có khác một chút, nhưng không nhiều.

Chúc thầy mạnh khỏe.”

Đăng nhận xét

item