Ước mơ tử tế

Dưới đây là email của một bạn đọc thuộc vào hàng đàn chị của tôi. Chị ở Âu châu. Chị viết cho tôi nhiều (và tôi cảm kích lắm), nhưng tôi chỉ được phép đưa lên đây 4 điều mà tôi nghĩ chắc cũng được nhiều bạn quan tâm. Tôi làm tài khôn sửa mấy dấu hỏi ngã của chị cho chuẩn hơn (dù bản thân tôi cũng sai mấy cái dấu này lia chia). Trong email, chị có nhờ bạn đọc nào tìm ra được xuất xứ của 2 câu sau đây thì chị cám ơn lắm lắm:

Khẳng khái cần vua, dị
Thung dung tựu nghĩa, nan

Thành thật cám ơn chị M đã chia sẻ vài suy nghĩ của chị với bạn đọc.

NVT

Ghi thêm 11/5/2010:

Một bạn đọc "Quang Nam" gửi email giải thích như sau:

"Khẳng khái cần vua, dị

Thung dung tựu nghĩa, nan

Đúng phải là cần vương, chứ không phải vua mặc dầu vua hay vương cũng về ý nghĩa không khác biệt, cái khác biệt là một bên là từ Hán Việt - một bên là thuần Việt.

Thật ra cũng là mày mò, dò dẫm trên mạng thì ra 2 câu này. Đại để "Khẳng khái phò vua là chuyện dễ, Ung dung vì nghĩa khó khăn thay" là câu thơ thể hiện khí phách anh hùng của tứ kiệt ở đất Tiền Giang khi bị giặc Pháp đem ra xử chém. Kiểu như Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Thái Học...

Thật là:

Nhất thi khẳng khái anh hùng lệ,
Bách chiến, quan hà cố quốc tâm. "

Cám ơn bạn Quang Nam.

Ghi thêm chiều 11/5/2010: Bên blog DongA ("cố nhân" của tôi) cũng có giải thích 2 câu này. Cám ơn nhà hiền triết Đông A.

===

“[…]

Ước mơ của tôi là mang y khoa giấc ngủ về VN, vì rất nhiều lý do, chúng tôi đã đi đi về về mấy lần - bằng ngân quỹ gia đình - , đã có mời đồng nghiệp sang tham quan bên này - bằng quỹ sinh hoạt của trung tâm giấc ngủ đại học của nhà tôi -, nhưng bây giờ thì nãn.

Tôi hiện có chân làm "bù nhìn" trong một chương trình hợp tác về bác sĩ gia đình và hiện đang giúp trực tiếp hay gián tiếp cho hai nghiên cứu sinh làm Tiến sĩ bên tôi -- một trong hai em đã có dịp nghe anh giảng -- nhưng cũng "buồn buồn" - xin phép dùng lại chữ của anh. Hình như hai em này chỉ cốt làm cho xong cái Tiến sĩ chứ không có đam mê, tận tụy, dấn thân, ... của một người đi tìm tòi, nghiên cứu.

Văn hóa VN thì không kém, nhưng có sa sút những năm gần đây. Tôi muốn bày tỏ cùng anh một lo lắng của bản thân : trong cách cấu thành văn hóa, một sự việc (fact hay fait) nếu lặp đi lặp lại hoài và được nhiều người áp dụng thì có khả năng thành "khuôn vàng thước ngọc", "luật" (norm/norme) Những sự kiện như : mặc ai nấy sống, ai giàu nghèo mặc ai, tiền bạc cao hơn lễ nghĩa, bất bình đẳng xã hội, hối lộ, gian trá, người đẹp và đại gia được nâng lên hàng "gương mẫu" (modèle) và muôn vàn cái "bất ổn" khác... xin làm sao ngưng chúng lại trước khi chúng thành thói quen của cả đám người ...

Chuyện đạo văn thành gần như là "bình thường" ? Cứ lên internet tìm sẽ thấy rao những dịch vụ làm luận văn ra trường với câu "chúng tôi có kho 3000 hay 10.000 nghiên cứu, ..." Đạo văn thành kỹ nghệ rồi chăng ? Cũng xin ngưng nhanh lại nếu không muộn mất đến nơi ! Đó là vấn đề đạo đức.

Tôi nhớ một câu, hồi nhỏ không biết học ở đâu

Khẳng khái cần vua, dị
Thung dung tựu nghĩa, nan

Anh mà "rao" trên blog của anh để nhờ "độc giả" của anh cho tôi được tên tác giả của hai câu ấy, tôi sẽ mang ơn anh suốt đời (đùa chơi, tôi dám nói thế vì bản thân đã đi vào mùa thu của cuộc đời, nên không phải mang ơn bao lâu nữa !).

Nhờ anh thế vì tôi thấy hai câu đó thâm trầm, cũng như phim "chuyện tử tế" của anh Thủy, nếu nhiều người thung dung tựu nghĩa thì xã hội ta chắc vui lắm anh nhỉ ...

Chúc anh tiếp tục sống tử tế.

M”

Đăng nhận xét

item