Một vài ý kiến về “làng ung thư”

http://3.bp.blogspot.com/_QHTO0QEfEKE/S5aLOehFJzI/AAAAAAAAAVA/AWDg-65THlU/s320/cancer+cluster+map.jpg
Đc lot bài ni đau làng ung thư mà tc anh ách! Phóng viên tiêu ra nhiu thi gian đ ghi li mt cách công phu nhng thm cnh gia đình có người mc bnh ung thư. Thế nhưng h không có nhng d liu đnh lượng, nhng con s đ so sánh, đ thuyết phc người đc. Theo tôi, đó là mt khiếm khuyết ln. Trong entry này, tôi so sánh vài t s ung thư đ cho thy rng cn phi điu tra và nghiên cu thêm để đi đến một biện pháp có lợi cho người dân. 

Trong vài năm gần đây chúng ta hay nghe và đọc về những làng ung thư xuất hiện trên toàn quốc mà giới truyền thông có khi gọi là sự bùng phát các “làng ung thư”.  Mẫu số chung của các làng ung thư này là sự hiện diện của các nhà máy kĩ nghệ và ô nhiễm môi trường sống.  Vì chưa có những nghiên cứu có hệ thống và dữ liệu cụ thể nên rất khó để kết luận gì về mối liên hệ nhân quả giữa môi sinh và phát sinh ung thư.  Nhưng thiếu bằng chứng về mối liên hệ không có nghĩa là mối liên hệ không hiện hữu. 
 
Có thể xem sự bộc phát của các làng ung thư là một hiện tượng y tế công cộng rất đáng được quan tâm vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của nhiều cộng đồng. Nhưng rất tiếc là đứng trước những thông tin về làng ung thư, phản ứng của ngành y tế còn quá dè dặt đến độ ngạc nhiên.  Cuối năm 2005, phát biểu với báo chí về hiện trạng “làng ung thư” Thạch Sơn (tỉnh Phú Thọ), một thứ trưởng y tế nói: “tỉ lệ ung thư tại Thạch Sơn tương đương các tỉnh thành phía Bắc.  Chưa có bằng chứng về sự liên quan của tình trạng ô nhiễm môi trường và bệnh ung thư.”  Một chuyên gia ung thư khác thì cho biết: “tỉ lệ mắc bệnh ung thư của Thạch Sơn không phải là cao”.  Có lẽ xuất phát từ đánh giá như thế của các quan chức, dù các làng ung thư lần lượt xuất hiện mà ngành y tế chưa có động thái nào để kiểm soát tình hình.

Mãi đến nay, khi báo Người lao động nêu vấn đề, Thủ tướng yêu cầu phải kiểm tra. Một vấn đề y tế công cộng đã xảy ra hàng 5 năm trời mà phải cần đến ý kiến của thủ tướng thì thật là bất bình thường.

Theo bài “Nỗi đau ‘làng ung thư’”, tại xã Thạch Sơn (Phú Thọ) có hơn 50 người mắc bệnh ung thư, và tính từ 2010 đến nay đã có hơn 30 người chết vì ung thư.  Tuy nhiên, phóng viên không cho biết làng Thạch Sơn có bao nhiêu cư dân.  Nếu là một làng trung bình ở Việt Nam, đó là một con số rất lớn.  Không thể bỏ qua được.

Dữ liệu thực tế không phù hợp với những đánh giá trên của vị quan chức và chuyên gia.  Tôi đã thu thập một số dữ liệu về các làng ung thư và trình bày trong bảng dưới đây.  Theo nghiên cứu của Viện ung thư quốc gia, ở nước ta cứ 100.000 dân số thì có 106 nam và 59 nữ tử vong vì bệnh ung thư.  Áp dụng tỉ lệ này cho làng Thạch Sơn với dân số khoảng 7.000, chúng ta kì vọng sẽ có khoảng 6 người tử vong vì bệnh ung thư, nhưng trong thực tế ở làng này mỗi năm có 15 người chết vì ung thư.  Nói cách khác, tỉ lệ tử vong vì ung thư ở Thạch Sơn cao hơn tỉ lệ quốc gia đến 2,6 lần!  Như vậy, không thể nói rằng “tỉ lệ mắc bệnh ung thư của Thạch Sơn không phải là cao”.

Thật ra, số liệu mà tôi thu thập trong bảng dưới đây (rất có thể chưa đầy đủ) cho thấy ở bất cứ làng ung thư nào mà báo chí nêu, tỉ lệ tử vong do bệnh ung thư đều cao từ 3 đến 9 lần so với tỉ lệ tử vong của cả nước.  Chẳng hạn như làng Kim Thành (Nghệ An) chỉ 1.900 dân số, mà trong thời gian 7 năm có đến khoảng 100 người tử vong vì ung thư, và tỉ lệ này cao gấp 9 lần so với tỉ lệ của toàn quốc.

Tỉ lệ tử vong vì ung thư tại một số làng xã
Làng / xã (tỉnh)  
Dân số (ước tính) 
Số tử vong do bệnh ung thư mỗi năm 
Tỉ lệ tử vong tính trên 100.000 dân 
So sánh với tỉ lệ trung bình toàn quốc (1) 
Thạch Sơn (Phú Thọ)
7.000
15
214
2,6 lần
Đông Lỗ (Hà Tây)
5.800
22
379
4,6 lần
Minh Đức (Hải Phòng)
?
67
?
?
Thổ Vị (Thanh Hóa)
1.700
80 (14 năm)
336
4,1 lần
Kim Thành (Nghệ An)
1.900
100 (7 năm)
752
9,1 lần
Khánh Sơn (Đà Nẵng)
760
10 (5 năm)
263
3,2 lần
Đại An (Quảng Nam)
1.140
33 (10 năm)
289
3,5 lần
(1) Tính trên tỉ lệ tử vong do nguyên nhân ung thư toàn quốc là 82.5 trên 100.000 dân số (nguồn: PH Anh, ND Duc. Jpn J Clin Oncol 2002;32:S92-S97). 

Hiện tượng “làng ung thư”, mà giới dịch tễ học nước ngoài hay gọi là “cancer cluster” (cụm ung thư) không phải là một hiện tượng mới.  Ở Mĩ, người ta đã chú ý đến những trường hợp ung thư tập trung ở một số địa điểm, và cũng như ở Việt Nam, những địa điểm này thường có các nhà máy kĩ nghệ lớn và có dấu hiệu ô nhiễm môi trường.  Trước hiện tượng này và trong khi chưa có dữ liệu nghiên cứu, người ta thường nghĩ đó là hiện tượng … ngẫu nhiên.

Do đó, vấn đề cần đặt ra nghiêm chỉnh là các làng ung thư ở nước ta có phải là ngẫu nhiên?  Với một số giả định dịch tễ học và vài phép tính xác suất, chúng ta có thể dễ dàng thấy xác suất mà tần số ung thư xảy ra theo cụm như trên là rất thấp (dưới 8 phần vạn).  Nói cách khác, tỉ lệ tử vong trong các làng ung thư trên không phải là do các yếu tố ngẫu nhiên.  Tỉ lệ tử vong ở các làng ung thư này là một hiện trạng bất thường, không thể nói là tương đương với các tỉnh miền Bắc được.

Nếu không phải do yếu tố ngẫu nhiên thì do yếu tố nào?  Trong vài thập niên qua, đã có hàng trăm công trình nghiên cứu dịch tễ học cho thấy các yếu tố môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc phát sinh ung thư.  Nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy những cư dân sống trong vùng phải dùng nước giếng (khoan từ lòng đất) có nguy cơ mắc bệnh ung thư đường ruột cao gấp 2 lần so với nguy cơ trung bình trong dân số.  Nghiên cứu ở Nhật cho thấy nồng độ NO2 và SO2 trong không khí có ảnh hưởng đến sự phát sinh ung thư phổi.  Ở Mĩ, có nhiều nghiên cứu dịch tễ học cho thấy người bị phơi nhiễm diesel có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cao gấp 1,4 lần so với nguy cơ trong dân số.  Do đó, không thể nói rằng “Chưa có bằng chứng về sự liên quan của tình trạng ô nhiễm môi trường và bệnh ung thư.”

Kinh nghiệm từ các nước tiên tiến cho thấy nghiên cứu các cụm ung thư thỉnh thoảng dẫn đến những khám phá quan trọng trong việc phòng chống ung thư.  Chẳng hạn như khám phá nguyên nhân của ung thư Kaposi, ung thư bọng đái, ung thư bìu đái, v.v… là từ những phân tích dữ liệu sinh thái.  Từ những nghiên cứu này, người ta rút ra một bài học quan trọng là: mối liên hệ giữa phơi nhiễm một yếu tố nguy cơ nào đó (có thể là ô nhiễm không khí hay ô nhiễm nguồn nước), dù là cảm nhận hay thực tế, cần phải được điều nghiên cẩn thận, chứ không nên bỏ qua hay lờ đi.  Giải quyết mối quan tâm của người dân cũng thường dẫn đến những biện pháp phòng bệnh hữu hiệu hơn.

Như nói trên mẫu số chung của các “làng ung thư” này là sự hiện diện của các nhà máy kĩ nghệ và xuống cấp môi trường.  Cho dù hiện nay chưa có dữ liệu để kết luận mối liên quan giữa sự hiện diện các nhà máy này và ung thư, các nghiên cứu từ các cụm/làng ung thư ở Mĩ cho chúng ta biết rằng các chất sau đây làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư trong cộng đồng: arsenic (thạch tính), cadmium, chronium, nickel (kền), asbestos, và  benzene.  Các chất hóa học này cũng giải thích tại sao cư dân thành phố và cư dân sống trong vùng gần nhà máy kĩ nghệ có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn cư dân trong các vùng nông thôn.

Nước ta đang trong quá trình độ thị hóa rất nhanh.  Nhưng phát triển kinh tế nhanh thường kèm theo những hệ lụy về môi sinh và môi trường có ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe cộng đồng.  Chúng ta nhìn sang Trung Quốc và đã thấy những tàn phá về môi trường, nhưng chúng ta chưa có giải pháp tránh những tàn phá như thế ở nước ta.  Hệ quả là ngày nay rất nhiều sông rạch ở nước ta đang trong tình trạng ô nhiễm ở mức báo động.  Chất lượng không khí ở những vùng kĩ nghệ và thành phố lớn cũng bị ô nhiễm ở mức báo động.  Với những hóa chất có khả năng gây ung thư như vừa kể trên, không ai ngạc nhiên khi thấy tần suất bệnh ung thư trong cộng đồng càng ngày càng gia tăng.  Hai thập niên phát triển kinh tế đã giúp nâng cao thu nhập cho người dân, nhưng e rằng cái giá về suy giảm chất lượng cuộc sống mà chúng ta phải trả vẫn chưa được cân đo đúng mức.  Nếu không quan tâm ngay từ bây giờ, thu nhập kinh tế có thể sẽ không bù đấp được cho những hao hụt trong chi tiêu cho các dịch vụ sức khỏe.

Nền tảng của y tế dự phòng là: duy trì sức khỏe lành mạnh tốt hơn là mắc bệnh hay chết.  Đó là tiền đề và cũng là cứu cánh của một nền y tế hiện đại.  Phát biểu đó cần và đủ.  Mỗi cái chết là một mất mát cho quốc gia.  Sứ mệnh của ngành y tế là cứu người và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.  Do đó, trước sự bộc phát của các làng ung thư, cần phải có biện pháp điều nghiên và xác định nguyên nhân hay yếu tố nguy cơ tử vong ở các làng ung thư.  Chỉ có thể qua điều nghiên cẩn thận mới có thể tiến đến một chiến lược phòng ngừa.  Các chuyên gia ung thư quốc tế ước tính rằng có đến khoảng 50% trường hợp ung thư có thể xem là có thể phòng ngừa được bằng cách thay đổi cách sống khỏe hơn, và thay đổi môi trường sống lành mạnh hơn.  Cư dân các làng ung thư có quyền đòi hỏi môi trường sống của họ lành mạnh hơn để giảm thiểu những cái chết vì ung thư.

Quay trở lại trường hợp xã Thạch Sơn. Thạch Sơn cũng là địa bàn của một công ti hóa chất ngày đêm xả khói. Nhưng có thể nào nói hoạt động và phế thải của công ti là một nguồn gây ung thư cho dân làng?  Đứng trên phương diện khoa học, không thể kết luận được, và cũng khó có thể suy luận về nguyên nhân -- hệ quả. Nhưng đối với các nhà môi trường học thì có thể làm nghiên cứu thêm để tìm hiểu mối liên hệ. Những dữ liệu ban đầu cho thấy (nếu những con số báo chí nêu là đúng) thì một cuộc điều tra y tế cần phải thực hiện càng sớm càng tốt.

Đăng nhận xét

item