“Tài năng và đắc dụng”: lượng và chất


Định không bàn luận gì về những lùm xùm chung quanh cuốn sách Tài năng và đắc dụng nhưng đọc qua các ý kiến của các vị khoa bảng, tôi cũng đành phải nói vài ba câu cho gọi là “có đóng góp”.  Theo tôi, chuyện so sánh số trang sách để lượng giá tầm cỡ nhân vật là một hình thức nô lệ hóa vào lượng mà bỏ qua phần phẩm chất.

Có thể nói rằng cuốn sách Tài năng và đắc dụng do GS Nguyễn Hoàng Lương và PGS Phạm Hồng Tung làm chủ biên đã không mấy may mắn. Ngay sau khi cuốn sách ấn hành, hàng loạt bài báo chỉ trích khá gay gắt.  Dẫn đầu làn sóng chỉ trích và phê phán có lẽ là Sài Gòn Giải PhóngNgười lao động.  Những bài báo với những tựa đề không thân thiện chút nào, như Sách về nhân tài - Choáng!, Tài năng và đắc dụng: Cuốn sách phản cảm, Không phải công trình khoa học!, Sách 'Tài năng và đắc dụng': Khập khiễng và tùy tiện, v.v.  Hai vị chủ biên chắc hoặc là cười mỉm (vì sẽ có dịp bán sách), hoặc là thiếu ngủ (vì dư luận báo chí chỉ trích).  Tôi thì nghĩ rằng nhiều phê phán và chỉ trích của các vị khoa bảng hoặc là không có cơ sở khoa học, hoặc là thiếu công bằng.  Thiếu công bằng đối với ông Đặng Lê Nguyên Vũ.  Trong bài này, tôi không bàn về nội dung cuốn sách (vì chưa đọc), mà chỉ bàn qua vài khía cạnh phương pháp học (methodology) và cách tiếp cận (approach).  

Nhưng trước khi trình bày ý kiến, tôi trích vài ý kiến của các vị khoa bảng như sau:

Tác giả Trần Hữu Tá: “Thật là kỳ cục, khi sự nghiệp mới ở chặng đầu của nhà doanh nghiệp trẻ này đã được kể lể tỉ mỉ (42 trang in), nhiều gấp ba lần Trần Quốc Tuấn, thậm chí gấp hơn bốn lần bài viết về nhà mưu lược thiên tài Nguyễn Trãi (10 trang) và dài gần gấp đôi danh nhân văn hóa nhân loại Hồ Chí Minh (25 trang).”  (Ăn nói làm sao bây giờ, Tuổi Trẻ, 15/5/2011)

Gs Đào Trọng Thi: “Tự thuật là một tư liệu quá thô, không có giá trị khoa học. Cũng như một mẫu thiết kế thôi, vải chỉ là một nguyên liệu, muốn may thành cái váy, cái áo thì phải có nhà thiết kế, phải có may đo […] Không những cuốn sách không có giá trị khoa học với đề tài của ĐH Quốc gia Hà Nội mà tôi còn có thể khẳng định nó không phải là một công trình khoa học.”

và:

Tôi cũng muốn nói thêm về nhân vật được lựa chọn. Việc anh Vũ tự thuật đã gây phản cảm với độc giả. Tự mình viết về mình như một nhân tài đặt cạnh những nhân vật quá nổi tiếng là một cách làm rất không nên.”  (Không phải công trình khoa học! Người lao động 13/5/2011)

TS Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội và Phát triển, nói việc lựa chọn doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ thể hiện một thái độ hết sức hồ đồ và những người làm sách quá thiếu cảm quan khi chọn nhân vật. (Tài năng và đắc dụng: Cuốn sách phản cảm, Người lao động 12/5/2011)

Ts Chu Hảo: “Bản thân cái bài tự thuật của anh Đặng Lê Nguyên Vũ viết ở đó thì về nội dung cũng như hình thức thể hiện qua cái bài đó theo tôi nghĩ là bình thường có thể chấp nhận được. Cũng có thể nhiều người cho rằng anh ấy hơi lãng mạn và hơi khuếch trương những ý tưởng của mình nhưng tôi nghĩ rằng anh ấy có quyền làm như vậy. Anh ấy nhận thức vấn đề và phát biểu ý kiến riêng của mình. Anh ấy kể lại cuộc đời của anh ấy với tất cả những khó khăn ... phấn đầu từ ban đầu theo tôi nghĩ là nhiều cái đáng trân trọng. Tuy nhiên cái bài đó mà xếp vào trong cuốn sách đó thì lại là việc khác.”

Thế nhưng bản thân của những người chủ biên làm cuốn sách đó đã có những nhận thức nếu mà chân thành thì cũng rất là thô thiển. Nếu là chân thành thì cũng không nghiêm túc.” (Sách "Tài năng và đắc dụng” bị phê bình, RFA 15/5/2011)

Tác giả Lê Văn Nghệ: Nếu là một con người bình thường, không hoang tưởng, không có triệu chứng về trí não, khi ai đó vì lẽ gì đó ca ngợi mình, xếp mình “ngồi” chung với các danh nhân thì vì sự tự trọng và liêm sỉ cũng nên biết cách thoái thác, rút lui. Nếu không, sự háo danh ở đây chỉ có thể gọi là “xú danh”. Có đúng vậy không? Chúng tôi xin dành câu trả lời cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ.”  (Từ háo danh đến xú danh, Phụ Nữ 13/5/2011)

Nặng nề quá!

Những ý kiến trên đây có một mẫu số chung: không có bằng chứng.  Thật vậy, tất cả những ý kiến về so sánh số trang giấy cho đối tượng Đặng Lê Nguyên Vũ, Hồ Chí Minh, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, v.v. đều mang tính một chiều và mang màu sắc cảm tính. Chúng ta thử điểm qua những vấn đề nêu: về số trang sách và cách nghiên cứu. 

Về số trang sách
Cuốn sách gồm có 3 phần và 14 nhân vật.  Phần I là những nhân tài trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý, bao gồm 5 nhân vật: Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Hồ Chí Minh, và Chulalongkorn.  Phần II là những nhân tài trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, và chủ biên chọn 4 người: Lê Quý Đôn, Trần Văn Giàu, Albert Einstein, và Thomas Edison.  Phần III nhân tài trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, và chủ biên chọn ra 5 người tiêu biểu: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi, Đặng Lê Nguyên Vũ, và Bill Gates.    

Để trả lời câu hỏi này chúng ta cần phải sách có bao nhiêu trang.  Theo một nguồn tin trên Tuổi Trẻ thì sách dày 328 trang, nhưng nếu trừ các trang bìa, mục lục, cảm tạ, tổng quan thì có lẽ sách có 300 trang dành cho nội dung chính.  Sách có 14 nhân vật. Và, theo giả định đặt ra ở trên, nếu không có bias, thì mỗi người có khoảng 21.4 trang.  Ông Đặng Lê Nguyên Vũ “chiếm” 42 trang, tức cao gấp 2 lần trung bình.  Với số liệu đó, chúng ta có thể dùng phương pháp thống kê để trả lời câu hỏi trên đây.  Kết quả phân tích cho thấy quả thật số trang dành cho đối tượng Đặng Lê Nguyên Vũ cao hơn các đối tượng khác một cách có ý nghĩa thống kê (trị số P < 0.0001).  

Nhưng “câu chuyện” không dừng ở đó.  Kết quả phân tích thống kê còn cho thấy số trang dành cho chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cao hơn so với số trang dành cho cụ Nguyễn Trãi và Trần Quốc Tuấn.
Do đó, nếu phàn nàn rằng số trang dành cho đối tượng Đặng Lê Nguyên Vũ quá nhiều, thì cũng có thể có lí do để phàn nàn số trang dành cho hai vị anh hùng dân tộc (Nguyễn Trãi và Trần Quốc Tuấn) quá ít so với số trang dành cho cụ Hồ Chí Minh! 

Tuy nhiên, một điều khá thú vị là người ta chỉ phàn nàn về số trang dành cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ, nhưng hình như người ta không xem xét đến một sự thật khác (có lẽ ít ai để ý).  Đó là số từ cho mỗi mục từ trong Từ điển Bách khoa Toàn thư.  Trong cuốn Từ điển này, mục từ về cụ Hồ Chí Minh có 1308 từ, cao nhất so với các nhân vật khác như Trần Hưng Đạo (459 từ), Nguyễn Trãi (562 từ).  Thậm chí, số từ trong mục từ Võ Nguyên Giáp (560) còn cao hơn cả số từ dành cho Trần Hưng Đạo (xem bảng dưới đây).  Cả hai ông tướng (Võ Nguyên Giáp và Trần Hưng Đạo) đều nổi danh trên thế giới, vậy chúng ta kì vọng hai vị tướng này có cùng số từ?  Câu trả lời dĩ nhiên là không.  Tôi đoán không ai ngớ ngẩn đến nổi đòi hỏi phải cân đo tầm cỡ một nhân vật bằng số từ vựng hay trang sách.  

Nhân vật
Số từ
Hồ Chí Minh
1308
Trần Hưng Đạo
459
Nguyễn Trãi
562
Lê Duẩn
520
Võ Nguyên Giáp
560
Trường Chinh
570
Lý Thái Tổ
176
Trần Nhân Tông
295
Ngô Quyền
175
Lý Thường Kiệt
275
Nguyễn Huệ
442
Gia Long
314
Nguyễn Văn Thiệu
128
Ngô Đình Diệm
292

Lượng và phẩm 

Xin nhắc lại: không có ai cho rằng cách trình bày qua số lượng từ vựng như thế là tỏ lòng thất kính với các tiền nhân như Nguyễn Trãi và Trần Hưng Đạo, và tôi nghĩ cũng chẳng có ai dùng số lượng từ vựng để nói rằng các danh tướng và nhà văn hóa trong lịch sử có tầm cỡ thấp hơn cụ Hồ Chí Minh.  Mọi so sánh đều khập khiễng. 

Tại sao trường hợp ông Đặng Lê Nguyên Vũ chiếm nhiều trang sách?  Đây không phải là câu hỏi bài này muốn trả lời, nhưng hình như người chủ biên cũng chưa giải thích một cách thuyết phục.  Có thể chỉ là ngẫu nhiên, nhưng cũng không loại trừ khả năng có thiên vị (vì sự khác biệt có ý nghĩa thống kê).  Cũng có thể ông Đặng Lê Nguyên Vũ cung cấp nhiều thông tin hơn những người đã qua đời (và nếu như thế thì người chấp bút viết về các nhân vật khác còn nợ một lời giải thích).  Nói tóm lại, chúng ta chưa biết.  Nhưng căn cứ vào số trang sách để so sánh ai đáng trân trọng hơn ai, theo tôi là quá cảm tính. 
   
Thế nào là nghiên cứu khoa học? 

Như tôi trích ở phần trên, Gs Đào Trọng Thi cho rằng tự thuật là một tư liệu thô (raw data), không có giá trị khoa học, và ông khẳng định rằng cuốn sách không phải là một công trình khoa học.  Tôi không đồng ý với nhận định này.  Nghiên cứu khoa học không phải chỉ là vật lí hay khoa học thực nghiệm.  Khoa học xã hội có những mô hình nghiên cứu rất khác với nghiên cứu vật lí như Gs Đào Trọng Thi từng biết.  Trong Khoa học xã hội, nhà nghiên cứu có thể chọn mô hình case study (nghiên cứu trường hợp) bằng cách làm phỏng vấn theo chủ đề (focus interview), và những phát biểu sẽ phải qua một phân tích định lượng, hoặc là tổng quan mang tính định chất.  Mô hình case study chính là mô hình hai giáo sư chủ biên chọn, và họ hoàn toàn có lí do để chọn mô hình này.  Những dữ liệu mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ cung cấp là fact, và fact có giá trị khoa học vì có thể sử dụng trong phân tích.  Còn phân tích như thế nào là chuyện khác.  

Tôi rất ngạc nhiên về phát biểu của Gs Đào Trọng Thi.  Xin nhắc lại rằng case study là những nghiên cứu mà (a) phương pháp mang tính định tính (qualitative method) với số lượng cỡ mẫu nhỏ; (b) mục tiêu của nghiên cứu mang tính bao quát, dầy đặc (kiểu như cung cấp một bức tranh tổng quát của một vấn đề); (c) sử dụng một loại chứng cứ cụ thể như lâm sàng, quan sát cá nhân, lịch sử, văn bản học, v.v.; (d) phương pháp thu thập chứng cứ mang tính “tự nhiên” như quan sát quá trình phát triển của cá nhân ; (e) chủ đề hòa quyện với nhau; (f) sử dụng nhiều nguồn dữ liệu ; (g) điều tra những đặc điểm của một sự kiện, một vấn đề.  Do đó, trong bối cảnh đặt ra, tôi nghĩ nhóm nghiên cứu chọn mô hình case study cũng hợp lí.  Một người cầm trịch về khoa học trong Quốc hội mà tuyên bố như thế thì quả là đáng tiếc.  

Trong case study, nhà nghiên cứu có thể chọn bất cứ ai mà họ cảm thấy có thông tin.  Không nên quá cảm tính khi phê bình tại sao chọn người này mà không là người khác (cảm tính đó nên dành cho văn học, chứ không phải khoa học). Nhưng tiêu chuẩn chọn là vấn đề cần bàn.  Theo nguyên lí của nghiên cứu trường hợp, nhà nghiên cứu có thể chọn 1 đối tượng hay một nhóm đối tượng miễn là họ hội đủ tiêu chuẩn (inclusion criteria). Những tiêu chuẩn chọn có thể là tính tiêu biểu, tính đa dạng, tính deviation, tầm ảnh hưởng, con đường tiến thân, tấm gương, v.v. Công bằng mà nói, ông Đặng Lê Nguyên Vũ hội đủ những tiêu chuẩn này. (Người ta có thể làm luận án tiến sĩ về sự thành đạt của cà phê Trung Nguyên, và chuyện đó cũng bình thường). Cố nhiên, nhiều doanh nhân khác có lẽ cũng đáp ứng những tiêu chuẩn vừa đề cập. Nhưng trong số những người có thể lựa chọn cho nghiên cứu, còn có yếu tố tiếp cận hay gọi là convenience.  Có thể ông Nguyên Vũ sẵn sàng hợp tác, nên các vị nghiên cứu sử dụng trường hợp của ông ấy như là một đối tượng.  Hoàn toàn chẳng có gì sai sót ở đây. 

Có người nói ông còn quá trẻ, thành tích chưa có gì. Tôi nghĩ nếu nói về tuổi tác thì chúng ta phải cần đến định lượng. Tuổi trung bình của 14 đối tượng là 63. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tuổi 41, và người cao tuổi nhất là ông Trần Văn Giàu (100 tuổi). Đứng trên phương diện định lượng, không có lí do để nói ông Nguyên Vũ còn trẻ, nhưng có thể có lí do nói ông Trần Văn Giàu ... quá già. Thật ra, chẳng có lí do gì để nói hai trường hợp này là cá biệt cả. 

 Người Việt chúng ta hình như có “ác cảm” với doanh nhân, xem họ như những người gian manh, điêu ngoa, làm lời bất chính.  Ngược lại, người Việt có xu hướng ca ngợi các danh nhân quân sự, văn học, và ca ngợi … cái nghèo.  Vậy thì tại sao trong thế kỉ 21 chúng ta không vinh danh một doanh nhân thành đạt, mà doanh nhân này có xu hướng trân trọng văn hóa nữa.  Do đó, đối chiếu với những lĩnh vực và mục tiêu nghiên cứu, tôi tôi nghĩ mô hình nghiên trường hợp là hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Tự thuật là xấu ? 

Một phát biểu khác của Gs Đào Trọng Thi cũng cần phải xem xét lại.  Ông nói: “Tôi cũng muốn nói thêm về nhân vật được lựa chọn. Việc anh Vũ tự thuật đã gây phản cảm với độc giả. Tự mình viết về mình như một nhân tài đặt cạnh những nhân vật quá nổi tiếng là một cách làm rất không nên.”  (Người lao động 13/5/2011).  Nếu tôi là ông Đặng Lê Nguyên Vũ, có lẽ tôi cũng thấy ngại khi làm như thế.  Rất khó mà viết về mình, về cái tôi đáng ghét.  Thế nhưng chúng ta phải khách quan ở đây.  Ở các nước phương Tây, tự thuật về mình, tự đánh giá thành tích của mình là một chuyện hết sức bình thường.  Trong các buổi phỏng vấn đề bạt chức danh giáo sư, hội đồng khoa bảng lúc nào cũng yêu cầu ứng viên tự viết và nói về mình, tự đánh giá mình đứng ở đâu trên thế giới.  Không biết tự mình sell là sẽ chuốc lấy thất bại não nề trong thế giới hiện đại này.  Muốn hay không muốn thì đó là sự thật. Thoạt đầu người Á châu rất ngại với “văn hóa tự khoe” này, nhưng dần dần rồi cũng quen đi.  Chuyện ông Đặng Lê Nguyên Vũ, một doanh nhân từng tiếp xúc đồng nghiệp quốc tế, nếu có viết về mình tuy thoạt đầu mới nghe qua cũng là lạ, nhưng tôi thì không thấy có gì bất bình thường ở đây.  

Cần nhắc lại rằng 50 năm trước (1961), bác Hồ -- kí tên dưới bút danh T. Lan -- cũng từng tự viết về mình qua tác phẩm“Vừa đi đường vừa kể chuyện”.  Trong cuốn này, bác Hồ cũng thỉnh thoảng … tự khen mình đó chứ.  Xin trích vài câu trong cuốn sách này để biết ngày xưa bác viết như thế nào:

Đi theo Bác có: một tiểu đội bảo vệ, một thầy thuốc – Bác sĩ Chân, đồng chí Thành với tôi, T. Lan. Muốn đi nhanh Bác cho đội bảo vệ đi trước vài mươi phút, rồi Bác và ba anh em chúng tôi đi sau.
Trên đường đi, Bác thường ghé thăm một cách bất thình lình đồng bào các bản làng và các đơn vị bộ đội. Anh em chiến sĩ và cán bộ thấy Bác đến một cách đột ngột, lúc đầu thì ngơ ngác rồi thì mừng quýnh lên, reo hò nhảy nhót, quây quần lấy Bác, có khi quên cả trật tự. Sau khi xem tận nơi bếp nấu, chỗ ở, công tác vệ sinh, Bác thân mật hỏi han thăm sắc khỏe mọi người, dặn dò, phê bình, khuyến khích mấy lời như cha nói với đàn con, rồi lại tiếp tục đi.
Một hôm, trời hửng sáng, Bác ghé thăm một xóm ở gần đường. Ngoài đồng ruộng thấy mấy trăm chị em dân công, Kinh có, Tày có, Nùng có, Mán có… Người thì vừa nhóm bếp nấu cơm, vừa nói chuyện vui vẻ. Người thì chụm năm chụm ba, đang ngồi dựa lưng vào nhau mà ngủ. Bác hỏi mấy chị đang nhóm lửa: “Các cô cả đêm ngồi ngủ ngoài trời như vậy cả sao?”

Các chị trả lời: “Vâng ạ, nhà đồng bào chật, chỉ đủ chỗ để chứa lương thực của bộ đội khỏi ướt. Các cháu ngủ ngoài đồng thế này càng vui…”.

Bác ôn tồn khen ngợi chị em, rồi bảo chúng tôi: “Bộ đội ta dũng cảm như vậy, nhân dân ta dũng cảm như vậy, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”.

Do đó, tôi nghĩ những gì bác Đào Trọng Thi phê bình ông Đặng Lê Nguyên Vũ xem ra thiếu công bằng và không phù hợp với xu thế của thời đại.

Nhưng ở đây còn có vấn đề của nhà nghiên cứu, của nhóm chủ biên.  Vấn đề là tại sao ông Đặng Lê Nguyên Vũ xuất hiện như là một đối tượng nghiên cứu nhưng cũng đồng thời là một tác giả?  Ngoài ra, chúng ta thấy có sự nhập nhằng trong vai trò của người thực hiện.  Sách đề tên 2 chủ biên là GS Nguyễn Hoàng Lương và PGS Phạm Hồng Tung, nhưng phía trong bìa lại có 8 tác giả.  Tám tác giả (bao gồm cả 2 người chủ biên là Nguyễn Hoàng Lương, Phạm Hồng Tung, Nguyễn Hoàng Hải, Đinh Thị Thúy Hiên, Lê Thị Lan, Nguyễn Ngọc Thắng, Phạm Minh Thế, và Đặng Lê Nguyên Vũ.  Cần nói thêm rằng sách còn có người biên tập (Phạm Thị Thinh).  Vấn đề đặt ra là vai trò của những chủ biên, tác giả, và biên tập viên ra sao.  Ai là người thu thập dữ liệu, ai phân tích dữ liệu, và ai là người thật sự viết sách?  

Tuy nhiên, luật sư của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã chính thức có yêu cầu đính chính rằng "Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ không phải là đồng tác giả của nhóm chủ biên quyển sách’Tài năng và đắc dụng’).  Nhưng đính chính này không phù hợp với những gì in trong sách, mà trong đó tên ông được ghi là tác giả (xem hình trên)!   

Có hai khả năng xảy ra: một là nhóm chủ biên tự ý đưa tên ông Đặng Lê Nguyên Vũ vào sách mà không cho ông hay biết; hai là ông … quên. Nếu trường hợp thứ nhất xảy ra, thì đó là một biểu hiện của sự tắc trách trong nghiên cứu khoa học, và có thể nói là một vi phạm đạo đức khoa học (vì đó là hiện tượng tác giả danh dự).  Nếu trường hợp thứ hai xảy ra, thì đây là một trường hợp mâu thuẫn lợi ích (conflict of interest).  Mâu thuẫn quyền lợi có thể xảy ra trong nghiên cứu khoa học, và điều đó không có nghĩa là sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu, nhưng đương sự phải tuyên bố ngay từ đầu là sự hiện diện của đương sự là một mâu thuẫn quyền lợi.  Dù trường hợp này đi nữa, thì sự việc là một tín hiệu có vấn đề về vai trò tác giả và đối tượng nghiên cứu trong công trình cấp Nhà nước này.

Tóm lại, các phân tích bán định lượng vừa trình bày trên đây cho thấy không có bằng chứng để kết luận rằng việc chọn ông Đặng Lê Nguyên Vũ là một bất bình thường.  Có bằng chứng cho thấy số trang sách dành cho các đối tượng nghiên cứu rất khác nhau, và sự khác biệt không chỉ xảy ra trong trường hợp ông  Đặng Lê Nguyên Vũ mà còn trong nhiều trường hợp khác.  Nhưng sự khác biệt về lượng (số trang) không thể là chứng cứ để kết luận có sự thiên vị, và càng không phải là một thước đo về phẩm chất của thông tin.  Nhưng qua công trình nghiên cứu này, có thể nói rẳng cách làm nghiên cứu khoa học xã hội ở nước ta còn nhiều bất cập.

PS. 

(1) Về chi tiết phân tích dữ liệu và tính toán có thể xem bên trang statistics.vn 
(2) Có thể đọc một phiên bản khác [đơn giản hơn] của bài này trên Tuần Việt Nam với cái tựa đề giật gân :-) không phải tôi đặt nhé. 

Đăng nhận xét

item