Thói quen xấu nên bỏ khi dùng điện thoại di động (Phần 3)

11. Dùng nhạc chuông "khó chịu" và không tắt chuông lúc cần thiết.



Đừng khiến người khác phát điên lên vì nhạc chuông của bạn.

Nhạc chuông của bạn không phải chỉ 1 mình bạn nghe thấy. Hãy chọn nhạc chuông phù hợp và đừng để những người xung quanh bạn phải phì cười hoặc liếc mắt ác cảm. Ở nơi công cộng hoặc làm việc, chống chỉ định những loại nhạc chuông “xì-tin”, tục tĩu v.v… Người ta sẽ đánh giá bạn đấy. Hơn nữa, khi đi vào những nơi trang trọng như đám tang tốt nhất là tắt chuông điện thoại. Đừng để giữa lễ viếng lại vang lên tiếng gà gáy hay 1 tràng cười khanh khách. Trong phòng học, phòng họp cũng vậy.

12. Nháy máy và đợi người khác gọi lại



Lại nháy máy!!!

Rất nhiều người tỏ ra khó chịu bị nháy máy và phải gọi lại. Điều này có thể châm chước được nếu bạn đang dùng gói trả trước và còn rất ít tiền. Tuy nhiên việc này chỉ nên xảy ra một vài lần, bằng không bạn sẽ bị coi là một đứa keo kiệt. Và mọi người thì ghét tính keo kiệt.

13. Gọi điện thoại ngay cả khi có thể nhắn tin

Một cuộc gọi đòi hỏi người nghe phải bỏ dở công việc họ đang làm để bắt máy. Nếu không có việc gì gấp, tin nhắn là một giải pháp tốt để người nhận có thể đọc lúc họ rảnh tay.



Một cuộc gọi vô tích sự chỉ làm người khác bực mình.

Ai chẳng bực khi đang có việc quan trọng mà nhận phải một cuộc gọi “tâm sự”, họ chỉ muốn dập máy càng sớm càng tốt mà thôi. Hoặc nếu bạn nghĩ rằng cuộc gọi chỉ trong khoảng 10 giây thì tốt nhất nên nhắn tin.

14. "Nấu cháo" điện thoại



Nấu cháo điện thoại là sở thích của rất nhiều người. Dù rằng đối với những người... còn lại thì đó là 1 thói quen xấu vô cùng.

Có lẽ ai cũng từng ít nhất 1 lần phải tiếp chuyện những đối tượng... lắm mồm qua điện thoại. Có những người (đặc biệt là phái yếu) có sở thích buôn chuyện dông dài hết phút này qua phút khác, hết... tiếng này qua tiếng khác. Tất nhiên buôn chuyện giữa 2 người cùng đồng tâm nhất trí thì không có gì để nói. Nhưng thảm họa sẽ xảy ra nếu bạn bắt đối tượng phải tiếp chuyện mình cả tiếng đồng hồ trên điện thoại trong khi người ta chẳng mấy hứng thú với những gì bạn nói. Chưa kể đến việc "nấu cháo điện thoại" còn có thể làm trầm trọng thêm những triệu chứng của bệnh... "viêm màng túi".

Cố gắng giữ cuộc gọi thoại ngắn gọn và có đầu đuôi mới là cách làm của người lịch sự.

15. Sử dụng điện thoại khi đang sạc



Sử dụng điện thoại khi đang sạc có thật nguy hiểm như "giang hồ đồn đại" ?

Có lẽ trong số chúng ta, ai cũng từng ít nhất 1 lần nhận được những tin nhắn từ bạn bè khuyến cáo về việc này. Tuy nhiên lý do mà bạn không nên sử dụng điện thoại khi nó đang được cắm sạc khác rất xa so với những gì mà bạn được nghe.

Hầu hết những "câu chuyện cảnh giác" về việc sử dụng điện thoại di động khi đang sạc đều có liên quan đến việc điện thoại của bạn sẽ nổ tung hoặc sóng điện từ cao gấp hàng nghìn lần lúc bình thường. Xin nói luôn, nếu bạn sử dụng điện thoại của bạn khi nó đang được cắm vào ổ sạc, sẽ không có chuyện pin của chiếc điện thoại đó "chuyển đổi mục đích sử dụng" sang lựu đạn cỡ nhỏ hoặc sóng điện thoại "tự nhiên" được tăng cường độ lên hàng nghìn lần, gây ảnh hưởng đến cơ thể con người.

Có lẽ lý do dẫn đến kết luận rằng pin điện thoại nguy hiểm hơn khi vừa sạc vừa xả là bất kỳ điện thoại nào được sử dụng trong lúc đang sạc đều bị nóng lên rất rõ rệt. Vấn đề này liên quan đến cơ chế sạc/xả của pin điện thoại và là hiện tượng hoàn toàn bình thường.

Sự thật là: nếu bạn sử dụng điện thoại di động ngay trong lúc nó đang được sạc, thì xác suất về việc chú dế yêu biến thành 1 quả lựu đạn ngay bên tai bạn cũng không hề cao hơn khi điện thoại hoạt động ở chế độ bình thường. Tương tự như vậy, khi điện thoại đang được sạc, sóng điện từ phát ra cũng vẫn ở mức bình thường. Việc khẳng định sóng điện thoại tăng cường độ khi máy đang sạc là hoàn toàn phản khoa học.

Dù vậy, nếu bạn đang sạc điện thoại, tốt nhất hãy để nó yên vị một chỗ. Lý do? Thứ nhất là việc vừa sạc vừa gọi điện sẽ khiến máy rất nóng, ảnh hưởng đến tuổi thọ của các chi tiết nhạy cảm với nhiệt độ như màn hình, bo mạch. Thứ 2 là việc sử dụng điện thoại khi đang sạc khiến trong pin xuất hiện đồng thời 2 dòng sạc/xả, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của pin.

Đăng nhận xét

item