Lại bàn về hai loại đạo văn

Hôm nay đọc trên mạng thấy có bài của Ngô Tự Lập bàn về đạo văn, với một cái tựa đề rất … hấp dẫn: “Lợi ích của đạo văn”. Trong bài phỏng vấn, có đoạn nói “Ở các trường đại học Pháp, Mỹ mà tôi từng biết, sinh viên đạo văn sẽ bị đuổi học. Giáo sư đạo văn sẽ bị đuổi việc. Đó là cách xử lý thông thường ở mọi nơi, trừ ở Việt Nam . Có lẽ bởi vì ở các nước khác, chuyện đạo văn rất hiếm khi xảy ra. Quả thật, mặc dù đã học và dạy học ở nhiều nước khác nhau, tôi chưa gặp một trường hợp đạo văn nào”.

Không hẳn vậy đâu bác Lập ơi! Đạo văn ở ngoài này cũng phổ biến (tuy không phổ biến như ở VN), và có nhiều trường hợp đạo văn mà người phạm tội chẳng hề hấn gì. Mấy năm trước, tập san y khoa Canada có đăng một điều tra cho thấy 68% sinh viên y khoa từng đạo văn. Ở Úc này, có vài giáo sư phạm tội đạo văn, nhưng trong số đó chỉ có khoảng 50% là từ chức, còn phân nửa thì vẫn ok.

Đạo văn là do văn hóa? Tôi có đọc một bài rất thú vị nói về mối tương quan giữa văn hóa và đạo văn. “Văn hóa” ở đây họ đo lường bằng những chỉ số như khoảng cách quyền lực, phủ nhận tính bất định, cá nhân và tập thể, giá trị xã hội, v.v… Cách họ “đo” cũng công phu. Họ tính ra rằng những chỉ số này có liên quan với đạo văn, và những sinh viên Á châu là người có nguy cơ cao! Do đó, như bác Lập nói, văn hóa có lẽ liên quan đến đạo văn, nhưng nó phức tạp hơn những gì bác ấy nói. Thật ra, có người chỉ ra rằng ở VN đâu có ai chấp nhận đạo văn đâu? (xem phản hồi và bình luận của Phan Lệ Hà trên ELT Journal số tháng 1 năm 2006).

Trong entry trước tôi có bàn về hai loại đạo văn mà tôi tạm dịch là đạo văn cạnh tranh và đạo văn quan quyền. Một bạn đọc ở Đài Loan có vài góp ý thật thú vị và hay. Tuy anh không tự nói về anh, nhưng tôi biết anh là giáo sư nổi tiếng ở một Đại học lớn bên Đài Loan. Tôi có xin phép anh bạn giáo sư đó để đăng lại góp ý của anh dưới đây để các bạn theo dõi.

NVT

===

Góp ý của Gs TVĐ:

“Anh hỏi độc giả có đóng góp gì về hai chữ "competitive plagiarism" và "bureaucratic / institutionalized plagiariam" mà anh dịch là “Đạo văn cạnh tranh và “Đại văn quan quyền”. Cách dịch của anh khá chính xác, nếu nhìn theo phương thế đạo văn, và đúng nghĩa của competitive và bureaucratic, nhưng có lẽ chưa lột hết bản chất của hai từ này, cũng như đối tượng (nạn nhân) bị đạo văn. Tôi nghĩ:

1. "Competitive plagiarism" thuộc phạm trù ăn trộm. Đạo văn cũng có nghĩa là ăn trộm văn người khác. Ăn trộm, nên giấu kín, không cho nạn nhân biết. Vậy thì có lẽ nên dùng chữ đạo văn hay ăn trộm văn. Đạo văn, hai chữ này đã đủ ý nghĩa cho competitive plagiarism.

2. Riêng "bureacratic plagiarism" hay "institutionalized plagiarism" có thể được phân làm 2 loại:

Loại dùng uy quyền bắt người khác phải viết cho mình. Cái này phải được gọi là cướp văn. Bởi vì kẻ cướp văn một cách ngang nhiên, nạn nhân biết nhưng phải nghe theo, và không dám nói. Chỉ có quan quyền mới dám làm kẻ cướp ban ngày. "Con ơi! nhớ lấy lời này / Cướp đêm là trộm, cướp ngày là quan.” Câu ca dao này quá hay!

Loại thứ hai mà anh lấy ý từ 2 giáo sư người Mỹ thì không phải là kẻ cướp, nhưng là người thuê mướn người khác viết cho mình. Người viết bài cho các ông lớn không phải là nạn nhân. Họ chủ động vì hoặc có tiền, hoặc có bổng lộc, hoặc dựa vào quan quyền để thăng quan tiến chức. Họ không phải là những tác giả ma, mà là những người có học thức làm việc cho bọn quan quyền. Nếu anh cho phép, tôi tạm dùng từ thuê văn, hay mượn văn (giống như thuê osin, hay thuê công nhân vậy). Và, người viết cho họ là bọn nô văn (nô dịch). Loại này ở Trung Quốc, Đài Loan khá nhiều, và bọn nó còn hãnh diện, thị oai với giới trí thức. Tôi từng quen 2 người chuyên viết thuê cho tổng thống Đài Loan. Một viết cho Tổng thống Tưởng Giới Thạch, một cho Tổng thống Tưởng Kinh Quốc. Tôi nghi ngờ những bài kí tên Mao đều do những ông quan nô văn viết.

TVĐ”

Đăng nhận xét

item