Ngày 30/4 và chuyện "hòa hợp, hòa giải"
Hừng sáng hôm 30/4, bác Ba Tể chèo xuồng từ kênh Thầy Cò xuống nhà tôi báo tin “lật đổ”. Bác Ba Tể là người gốc Thái Bình, vào Nam cùng thời với Ba tôi, cùng đi kháng chiến và hình như cùng đơn vị, nên hai người rất thân nhau. Sự thật là tụi tôi xem các anh chị con bác Ba như người trong gia đình. Bác Ba có đến 8 người con. Chị Quyết chết lúc còn nhỏ vì bệnh, anh Chiến đi lính bị thương cụt chân, về làm thợ may. Anh Sinh đi bộ đội và sau này hi sinh. Còn mấy người khác thì chỉ làm thường dân. Lúc đó (1975) bác đã có 6 người con, mà bác đặt tên là “Quyết (gái), Chiến (trai), Sinh (trai), Bình (gái), Tồn (trai), Tiến (trai)”. Sau 1975 bác còn có thêm 2 người con nữa, và chắc hơi bí câu chữ, nên bác đặt là: “Yên (trai), Lành (gái)”. Quyết Chiến Sinh Bình Tồn Tiến Yên Lành. Chỉ với cách đặt tên của con của bác Ba tôi cũng nói lên ý chí kháng chiến và mong ước hòa bình như thế nào.
Sáng hôm đó, Ba tôi, bác Ba Tể, và tôi ngồi chung quanh bàn dưới ánh đèn dầu bàn chuyện thế sự. Ai cũng vui mừng. Từ nay sẽ không còn đánh nhau nữa, sẽ không còn những cuộc hành quân với xe tăng thiết giáp mà bà con chạy trối chết, không còn những đợt bồng bế nhau đi tản cư, không còn thù hận. Tôi thấy một tương lai xán lạng ...
Hồi đó còn trẻ, hăng lắm. Đi công tác ở đâu cũng ghi chép, viết lách, thậm chí ... làm thơ. Báo Nhân Dân có đăng mấy bài bút kí của tôi, Đài phát thanh cũng đọc bài tôi viết về Phú Quốc, về Hà Nội. Nhưng thời đó chưa có chuyện trả tiền nhuận bút, mà tôi cũng chưa bao giờ cần tiền nhuận bút. Lần ra Bắc và Hà Nội tập huấn để lại trong tôi nhiều ấn tượng mà có lẽ sẽ không bao giờ xóa được. Miền Bắc nghèo quá. Tôi còn nhớ chiếc xe Ford Falcon (thu dụng từ thời trước, nay dùng làm xe cho sếp đi) khi đến Thái Bình, trẻ con trong làng cứ chạy theo sờ xe và ... ngửi xăng! Trước đó qua Thanh Hóa thấy Thành phố Vinh tan hoang, bưu điện là một cái nhà lá còn nhỏ hơn nhà tôi dưới quê. Đến Hà Nội thì ôi thôi tiêu điều làm sao. Lúc đó, tôi chưa biết rằng chính XHCN làm cho kinh tế như vậy, mà chỉ nghĩ là do chiến tranh gây ra. Tôi nghĩ rằng mấy chuyện nghèo nàn mình thấy là chuyện nhỏ, và tin rằng mai mốt mình sẽ xây dựng tốt hơn.
Thế nhưng những gì xảy ra sau đó cho thấy mình quá lạc quan ... tếu. Đúng là thanh niên ngây thơ. Khởi đâu là đổi tiền. Rồi hợp tác xã. Gia đình mất đất. Nhìn chung quanh thấy trong đại gia đình mình có người đi cải tạo mút mùa. Ở cơ quan thì có chính sách gọi là “kiểm điểm”. Rất lạ với chúng tôi lúc đó. Có một chiếc xe Honda do anh Hai để lại cũng bị hỏi “từ đâu”. Điều này làm tôi rất bực. Bạn bè tụ tập có năm ba mạng trong quán cà phê nói chuyện là bị “hỏi thăm” ai đứng đầu nhóm. Người tra tranh nhau để mua từng mét vải, từng kílô đường. Rồi bo bo, ăn độn. Rồi vượt biên. Bây giờ nhìn lại thấy chỉ có 5 năm sau khi chiến tranh chấm dứt là biết bao dao động xã hội và lịch sử. Tôi cũng bị sự dao động lịch sử và trở thành “boat people”.
Ba mươi năm trước, ghe chở tôi và 22 người khác, sau 3 ngày đêm lênh đênh trên biển, tấp bến Budi, một làng chài ở phía Nam Thái Lan, giáp ranh Mã Lai. Ở đó vài tuần, lên trại tị nạn Songkhla. Ở Songkhla vài tháng mới thấy thảm cảnh của dân mình. Nếu 100 người may mắn đến trại thì chắc có 20 người đã bỏ mạng trên biển cả. Bỏ mạng vì chìm ghe, vì hải tặc sát hại, vì hải quân Thái Lan hay Mã Lai tàn sát, v.v… Phải tận cảnh chứng kiến những khuôn mặt hớt hãi nhập trại mới cảm nhận được sự kinh hoàng của những “thuyền nhân”. Có biết bao em bé lên bờ thành mồ côi vì cha mẹ và anh chị đều chết. Có nhiều chiếc ghe mà chỉ có một người duy nhất đến bờ. Có vài phụ nữ cứ lẩm bẩm chẳng biết nói gì, như bị ám ảnh bởi thảm cảnh vừa trải qua. Có người lấm lét nhìn đàn ông như sợ hung thần sát nhân. Tôi đọc đâu đó ước tính rằng có gần 300 ngàn người Việt bỏ mạng trong thập niên 1980s và đầu 1990s. Có lẽ chưa bao giờ mà lịch sử VN ghi nhận một sự mất mát to lớn như thế. Cũng chưa bao giờ trong lịch sử chúng ta có một làn sóng người bỏ quê ra đi đông đảo như thế. Lúc đó tôi ghét Thái Lan lắm; tôi thậm chí thề có ngày sẽ ... ăn thua đủ với cái nước này để đền bù lại những gì dân VN mất vào tay nước này. Nhưng ông bà mình nói đúng: "ghét của nào, trời trao của đó". Sau này chính tôi lại là người giúp Thái Lan nhiều hơn là giúp VN! Điều này dạy tôi một bài học: không nên thù oán ai. Tôi thành đệ tử không chính thức của Phật.
Điều đáng mừng là chỉ khoảng chục năm sau định cư, người Việt đã lấy lại “thăng bằng” và tiến bước trong xã hội mới. Cho đến nay, có thể nói rằng người Việt ở nước ngoài là một cộng đồng lớn, và cũng có vài thành công nhất định, nhất là khoa bảng. Sự hiếu học và thành công trong học đường của người Việt được người bản xứ nể trọng. Người Việt có mặt trong hầu hết những lĩnh vực “mũi nhọn” trên thế giới. Người Việt kinh doanh cũng khá, chúng ta đã có khá nhiều triệu phú. Một anh bạn người Úc là kí giả, từng quan sát sự trưởng thành của cộng đồng người Việt ở đây, nói với tôi rằng: Người Việt có sức sống và thích nghi với môi trường mới tuyệt vời.
Nhưng tôi nghĩ anh ta chỉ khen cho có thôi, chứ trong thực tế thì tôi thấy mình vẫn thua kém nhiều người khác. Thật vậy, nếu chịu khó nhìn vào những kết quả census (điều tra dân số) và nghiên cứu xã hội, chúng ta sẽ thấy rằng so với các cộng đồng khác như người Nhật, Tàu, Hàn, Phi, v.v… thì cộng đồng người Việt vẫn còn thấp kém: ít học nhất, nghèo nhất, tỉ lệ phạm tội chắc cũng thuộc hàng nhất nhì, và khả năng hội nhập thấp nhất. Do đó, tôi nghĩ đừng tự ru ngủ rằng chúng ta tài giỏi hơn ai. Chúng ta chỉ “khôn nhà dại chợ” mà thôi. Ở bình diện quốc tế thì chỉ thành công một chút, nhưng về nhà thì la hét cứ như là thánh. Tôi đã từng thất vọng khi biết một số “thần tượng” khoa học của mình rất xoàng, không như báo chí bên nhà ca ngợi. Tôi vẫn nghĩ chúng ta còn quá kém, và cần phải bỏ cái thói “khôn nhà dại chợ” thì mới khá lên chút được.
Đất nước thống nhất nhưng lòng người không thống nhất. Ở ngoài vẫn có và còn những người không quên những xáo trộn và mất mát của gia đình họ sau 1975. Ở trong nước, vẫn có và còn những người không thể quên những đau khổ trong thời VNCH. Hai bên đều có lí do để thù oán nhau. Có lẽ bạn sẽ hỏi còn tôi thì sao. Tôi có thể trả lời ngay rằng tôi chẳng thù oán hay trách ai. Tôi, nói như anh Cao Huy Thuần, trước hay sau 1975 vẫn là người Việt Nam.
Nhưng tôi không trách những người vẫn còn giận. Họ có lí do để giận. Lần đầu tiên, cách đây một hay hai năm khi tôi đọc câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (đại khái ông nói rằng sau cuộc chiến thì có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn), tôi nghĩ phải chi các lãnh đạo trong nhóm “thắng trận” ai cũng nghĩ như vậy thì VN đâu đến nổi như bây giờ. Mới đây, nghe câu này của ông Nguyễn Dy Niên (cựu Bộ trưởng Ngoại giao – ông này từng kí bằng khen cho tôi thì phải): “Ngày ấy (năm 1975) chúng ta đã thực hiện những chính sách mà… đáng lẽ nếu tỉnh táo hơn, được một phần của Đổi Mới sau này thôi, thì Việt Nam bây giờ đã mạnh lắm, cường thịnh lắm... Nhưng thay vì khoan dung và khéo léo trong đối nội, chúng ta lại có những chính sách như cải tạo công thương nghiệp. Những chính sách ấy từ khi áp dụng ở miền Bắc đã thấy trục trặc rồi, vậy mà ta lại tiếp tục áp dụng ở miền Nam. Hậu quả là làm nền sản xuất không thể nào đứng vững được, người dân thì hoang mang”. Ôi, nếu lúc đó mà ông làm thủ tướng hay tổng bí thư thì chắc đâu có “boat people”. Nhưng những người có suy nghĩ như ông Võ Văn Kiệt và ông Nguyễn Dy Niên không nhiều.
Năm nay, hình như các chính khách Việt Nam nói nhiều về hòa giải và hòa hợp. Nhưng thật ra, họ đi sau một số người Việt ở hải ngoại, những người đã nói đến cụm từ này từ 10 năm trước. Chính khách Việt Nam hơi chậm. Chẳng giới chính khách chậm, mà còn nói một đường làm một nẻo. Chẳng hạn như một đằng thì nói toàn những ý tưởng nặng tình dân tộc, nhưng một mặt khác thì vẫn quen thói sỉ nhục và xỉ vả người thất trận. Chẳng nói đâu xa, ông đại sứ Võ Văn Sung, miệng thì nói hòa hợp, nhưng miệng khác thì nói: "Chúng ta biết rằng vào thời điểm cuối tháng 4/1975 nếu Nguyễn Văn Thiệu và bè lũ còn nắm quyền …”. Khó tin đó là ngôn ngữ của nhà ngoại giao. Ông Thiệu là tổng thống; tại sao không gọi như thế mà gọi tên người ta trỗng không hàm ý khinh thị như thế. Lại còn những bài báo đây đó dùng những từ như “ngụy”, “bọn”, “bè lũ”, "tay sai" (ai là tay sai?), v.v… Mộ của thân phụ và thân mẫu của ông Thiệu bị bỏ hoang, trong khi thời trước 1975 mộ của cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ ông cụ Hồ) ở Cao Lãnh thì được bảo vệ và chăm sóc rất tốt, rất tình người.
Tôi có một anh bạn là giáo sư có tiếng về xã hội học, thường được mời về giảng ở trong nước. Trong khi đồng nghiệp của anh chào đón thân tình, thì giới an ninh theo dõi anh một cách công khai cứ như anh là … tội phạm. Mà, anh này chẳng chống đối gì chính quyền; ngược lại, anh từng là người hô hào chống VNCH và ủng hộ Mặt trận Miền Nam trước đây. Anh nói có lẽ vì anh dạy về xã hội học, một môn học khá “tế nhị” và “nhạy cảm” với Nhà nước hiện nay, nên anh nằm trong tầm nhắm của giới an ninh. Khổ thế!
Chỉ bao nhiêu đó cũng đủ để thấy rằng ý tưởng thể hiện những mĩ từ “hòa hợp hòa giải” còn cách khá xa với cách hành xử trong thực tế.
Một dân tộc không đồng lòng hay thiếu đồng thuận là một dân tộc yếu. Nhìn sang Hàn Quốc mà thấy ngậm ngùi cho mình. Trước đây, miền Nam Việt Nam cũng gần hay tương đương với họ, mà nay thì ta đang nhìn họ như đứa trẻ mơ ước làm người lớn. Tổng thống người ta biết tha thứ cho cựu tổng thống đã lầm lỡ, còn bên ta thì kẻ té ngựa bị đày đọa cho chết, và nếu chưa chết thì thành thân tàn ma dại. Dã man. Như vậy thì làm sao mà kêu gọi người ta quên quá khứ (thật ra, không ai có thể quên quá khứ). Trong khi kêu người ta quên quá khứ, còn mình thì khư khư ôm lấy thù hận, mà còn tỏ ra miệt thị người ta!
Tôi nghĩ người Việt đã mệt mỏi với khẩu hiệu lắm rồi. Xin đừng hô hào khẩu hiệu nữa! Nên thể hiện thiện chí bằng hành động thực tế và có ý nghĩa thì mới thuyết phục được người dân, và may ra đóng góp một phần nhỏ trong quá trình thống nhất lòng người. Tôi nghĩ không nên thể hiện theo kiểu "ăn mừng", vì ý nghĩa ăn mừng của 1 triệu người bên này là ngày buồn của 1 triệu người bên kia (nói theo ý của cựu TT Võ Văn Kiệt). Nên chăng biến ngày này thành ngày hội thống nhất đất nước, và bỏ đi những thước phim [tự] ca ngợi một chiều, bỏ đi những từ ngữ mang tính xúc phạm người đang buồn.
NVT
Đăng nhận xét