Tự quảng cáo: công trình mới về vitamin D

Hôm nay, tập san Osteoporosis International báo tin vui: công trình nghiên cứu về vitamin D và PTH của chúng tôi đã được công bố vào ngày hôm 23/4/2010 (vậy mà mãi đến hôm nay họ mới báo!) Đây là công trình nghiên cứu về vitamin D và PTH đầu tiên ở Việt Nam, và một trong những nghiên cứu lớn nhất ở châu Á. Ý tưởng về công trình này thật đơn giản, vì chỉ nhằm trả lời một câu hỏi: có bao nhiêu người thiếu vitamin D ở nước ta? Chúng tôi, gồm các bạn bên Bệnh viện 115 và nhóm của tôi, thiết kế công trình này. Chúng tôi tốn gần 9 tháng mới thu thập xong dữ liệu. Lại phải tốn thêm 6 tháng phân tích, viết bài, và bình duyệt qua lại của mấy chuyên gia để được chấp nhận công bố. Lúc đầu chúng tôi đặt tựa đề bài báo là "Hypovitaminosis D in a urban population in Vietnam" nhưng một chuyên gia bình duyệt phàn nàn rằng chữ Hypovitaminosis quá Latin-Hy Lạp và khó hiểu, nên chúng tôi sửa lại là "Vitamin D status and parathyroid hormone in a urban population in Vietnam". Chúng tôi cố ý để "Vietnam" trên tiêu đề để quảng cáo Việt Nam vậy mà. Nay thì mọi việc đã xong, và có thể … ăn mừng rồi. :-)

Kết quả của công trình đóng góp cho y văn vài thông tin quan trọng về chủ đề vitamin D và PTH. Mấy năm gần đây, giới nội tiết, đặc biệt là loãng xương, rất quan tâm đến vitamin D. Nhóm của tôi quan tâm đến vitamin D từ thập niên 1990s, với một bài trên Nature, nhưng sau đó thì chạy theo những đề tài khác về gien nên … bỏ quên. Nay có dịp quay lại, và học được nhiều điều rất thú vị. Ngày nay thì người ta biết rằng vitamin D ảnh hưởng đến nhiều bệnh, bởi vì thụ thể vitamin D có mặt ở hầu hết các mô trong cơ thể. Người thiếu vitamin D thường có nguy cơ cao mắc các bệnh như loãng xương, tiểu đường, tim mạch, khớp, nhiễm, v.v… (Tôi có chia sẻ những thông tin mới về vitamin D với bạn đọc qua 1 hay 2 bài gì đó trên Tuổi Trẻ.) Nghiên cứu này cho thấy khoảng phân nửa phụ nữ và 1 phần 5 nam ở TPHCM thiếu vitamin D. Đó là tần số tương đối cao, nhất là trong điều kiện thời tiết nhiệt đới như ở nước ta.

Ở các nước như Mã Lai, Nhật, Hàn Quốc, thậm chí Singapore thì tần số thiếu vitamin D trong dân số có khi lên đến 90%! Gs Michael Holick (một guru về vitamin D) nói rằng tình trạng thiếu vitamin D toàn cầu như hiện nay là một “đại dịch”. (Ông này rất đặc biệt: bị đại học Boston yêu cầu nghỉ việc vì ông kêu gọi dân Mĩ phơi nắng, đi ngược lại khuyến cáo của bộ môn da liễu mà ông lúc đó là thành viên. Sau khi tự nguyện rời bộ môn, ông viết sách về vitamin D và còn nổi tiếng hơn nữa. Tôi từng dự những buổi giảng của ông ấy -- ổng giảng cực kì hay và hào hứng -- và có dịp nhờ ổng góp ý cũng như học rất nhiều từ ông guru này). Có thể ông ấy nói đúng. Phân tích mới nhất cho thấy trong đại dịch 1918, những vùng thiếu vitamin D nhiều cũng chính là những vùng có tỉ lệ tử vong cao do virus H1N1 gây nên. Nhưng đây mới là “ecologic association”, nên vẫn còn phải tìm hiểu thêm mới xác định được vitamin D và nguy cơ bệnh cúm. Có giả thuyết cho rằng H5N1 hoành hành một phần cũng do thiếu vitamin D, nhưng hình như giả thuyết này chẳng được ai để ý. :-)

Tuy nhiên, đây mới là công trình khởi đầu, vì trong tương lai chúng tôi sẽ nghiên cứu sâu hơn về vai trò và cơ chế gien của vitamin D với một số bệnh thông thường ở VN. Thật ra, chúng tôi đã hoàn tất một công trình cũng về vitamin D và một bệnh khác, nhưng vì đang được một tập san bình duyệt nên chưa dám nói gì ở đây.

Có hai câu hỏi mà chúng tôi vẫn chưa trả lời được trong nghiên cứu này là (a) mối liên hệ giữa vitamin D và PTH, và (b) ngưỡng PTH nào để xác định thiếu hay đủ vitamin D. Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngõ, và chắc chắn sẽ là đề tài thú vị cho những ai muốn theo đuổi đề tài này.

Trong “thể kỉ vitamin D” (có người nói như thế), tôi nghĩ công trình này từ Việt Nam và của người Việt Nam là một đóng góp có ý nghĩa cho y văn thế giới. Ở một khía cạnh khác, công trình này cũng nói lên rằng ở Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện những nghiên cứu có giá trị cao mà không cần đến bạc triệu đô-la như nhiều người nói.

NVT

Đăng nhận xét

item