Lại bàn về văn bản ngoại giao
Điểm đập vào mắt đầu tiên là viết tay chữ số 31 ("ngày 31 tháng 3 năm 2010"; tôi tưởng theo qui ước phải viết là "Ngày 31 Tháng 3 Năm 2010" chứ), trong khi đó thư của ông Joseph Cao thì viết rất trịnh trọng, tất cả đều đánh máy vi tính một cách nghiêm chỉnh. Cách viết tay như thế này gây ấn tượng đây chỉ là cái thư có sẵn, người ta chỉ điền vào con số ngày là xong. Nó (cách viết tay) chẳng những thể hiện sự lười biếng, mà quan trọng hơn là xem thường đối tác.
Điểm thứ hai là viết sai chính tả tiếng Việt. Ông Sơn viết rằng “tôi huy vọng Ngài …”, mà có lẽ ông muốn viết “tôi hy vọng Ngài …”. Lại có khi ông bỏ lơ lửng “…” đằng sau “cộng đồng người Việt sở tại”. Chẳng biết “…” này có ý nghĩa gì. Có thể là hết ý, không biết viết gì thêm, hay chưa suy nghĩ đến nơi đến chốn những gì ông muốn nói chăng?
Điểm thứ ba là không nhất quán trong cách viết tên thủ đô nước Mĩ. Phía trên thì “Oa-sing-tơn”, còn phía dưới thì “Washington”. Lại có khi thì viết là "Hoa Kỳ", lúc thay đổi ý kiến viết là "Mỹ"! Sao không thấy "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" trong lá thư của ông Sơn nhỉ?
Điểm thứ tư là cảm tính. Lá thư của ông thứ trưởng có những cụm từ cực kì cảm tính như “Quê hương đất nước ruột thịt của mình”, “yêu mến quê hương”, v.v… đọc lên sao mà nó … kịch tính quá. Văn bản ngoại giao chứ đâu phải tiểu thuyết mà cần đến những cụm từ cảm tính. Trong khi đó, lá thư của ông Joseph Cao thì đi thẳng vào vấn đề, và trình bày yêu sách của ông hết sức cụ thể. Người ngoại cuộc đọc thư của ông Joseph Cao thì hiểu ngay ý của ông, nhưng đọc thư của ông Sơn thì thấy rất chung chung.
Một văn bản ngoại giao đại diện một quốc gia mà lời văn mù mờ, cảm tính, viết như là điền vào ô trống của một lá thư đã viết sẵn, thậm chí còn viết sai chính tả tiếng Việt thì thật là hết ý. Tôi không biết ông Joseph Cao sẽ nghĩ gì khi đọc một lá thư của ngài thứ trưởng.
NVT
Đăng nhận xét