Linh tinh cuối tuần

Hôm nay tóm lược vài suy nghĩ chung quanh vấn đề trích dẫn có liên quan đến chuyện đạo văn, và bàn về phân ngành khoa học nhân một bạn hỏi kinh tế học là khoa học xã hội?


Tự quảng cáo

Hôm nay, BMC báo cho biết công trình về nạc, mỡ và xương đã chính thức công bố ở đây:

http://www.biomedcentral.com/1471-2474/11/59

Đây là bài thứ 2 tiếp theo sau bài về béo phì. Có lẽ chúng tôi là nhóm đầu tiên công bố dữ liệu về lean mass và fat mass ở phụ nữ người Việt. Theo số liệu này, phụ nữ Việt Nam (chính xác là TPHCM) có trọng lượng khoảng 53 kg, trong số này lượng nạc chiếm 32 kg và mỡ 19 kg. Sắp tới, chúng tôi sẽ công bố giá trị tham chiếu cho cả nam và nữ VN.

Tập san này thuộc loại "Open Access", có nghĩa là hoàn toàn miễn phí, nên ai cũng có thể tải về miễn phí. Mấy năm nay, trong khoa học có phong trào Open Access để cho các nước nghèo có thể truy cập thông tin khoa học. Tuy phong trào này bị phản đối, nhưng dần dần họ đang trở nên rất phổ biến. Tôi mới làm quen với mấy tập san này vài năm nay, nhưng rất thích cách làm việc và rất thích lí tưởng của họ.

Chuyện trích dẫn

Mãi đến hôm nay tôi mới đọc hết những trao đổi giữa phóng viên báo Thanh Niên và Gs Trần Ngọc Thơ, và giữa báo Pháp Luật TPHCM và Gs Nguyễn Thanh Tuyền. Có vài điều cần phải bàn thêm chung quanh vấn đề dịch sách và đạo văn. Theo tôi thấy thì Gs Thơ chưa trả lời những câu hỏi chính của phóng viên, còn Gs Tuyền thì có phần nhầm lẫn giữa khoa học và đạo đức khoa học (nếu người khó tính sẽ nói ông ngụy biện). Ở đây, tôi chỉ bàn qua những vấn đề nổi cộm, đáng chú ý như sau:

Vấn đề là đem cảm tính để khỏa lấp lỗi lầm về học thuật. Trả lời phóng viên báo Pháp Luật TPHCM, Gs Nguyễn Thanh Tuyền đề cập đến những khó khăn trong giai đoạn kinh tế đang chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trư, nhiều khái niệm mới chưa ai nắm vững. Thêm vào đó là Hải quan Việt Nam ra tay nhũng nhiễu không cho đem sách ngoại quốc về Việt Nam (chưa thấy nơi nào lạ lùng như thế, nhưng ở VN thì quả là có thật!) Hình như hai ý này cả Gs Tuyền và Gs Thơ đem ra làm tiền đề để biện minh cho những thiếu sót của Gs Thơ.

Cách lí giải của Gs Tuyền, thú thật, thoạt đầu mới nghe qua thì cũng động lòng. Nhưng nếu xem xét kĩ thì đó là một … ngụy biện: ngụy biện dựa vào cảm tính (appeal to emotion fallacy). Do đó, có cụm từ “thông cảm”. Chúng ta vẫn thường nghe những lí giải kiểu như “Tôi nghèo quá, nên phài đi ăn cắp, xin được tha thứ”, tức là giả định rằng (a) lỗi lầm là do nghèo đói mà ra, (b) nghèo đói đáng được thương và tha thứ, do đó (c) nếu tôi phạm lỗi lầm tôi đáng được tha thứ. Nhưng giả định (a) sai vì lỗi lầm không phải do nghèo đói mà ra, mà do lòng tham hay thiếu hiểu biết về qui ước xã hội. Khi giả định (a) sai thì hệ quả là (b) và (c) cũng không còn có giá trị nữa.

Quay lại với câu chuyện đạo sách nước ngoài mà không ghi nguồn và tác giả, ai cũng thấy đó là một lỗi lầm mang tính học thuật, chứ Hải quan Việt Nam chẳng phải là nguyên nhân gây nên lỗi lầm học thuật.

Không ai ngăn cản các giáo sư dịch sách và giới thiệu các khái niệm mới, ý tưởng mới vào Việt Nam. Ngược lại, tôi nghĩ người Việt Nam nào cũng muốn học cái mới, muốn tiếp thu cái hay của người ngoại quốc. Vì thế dịch sách chuyên khảo là điều cần khuyến khích. Nhưng không ai khuyến khích dịch sách người ta rồi xem bản dịch là tác phẩm của mình.

Tại sao phạm phải lỗi lầm về học thuật? Tôi nghĩ câu trả lời nằm ở câu phát biểu của Gs Thơ: “Qua vụ này, chúng tôi có thêm bài học rằng danh mục tài liệu tham khảo là rất quan trọng.” Trích dẫn thông tin là một cách truyền bá kiến thức trong khoa học, mà khoa học tồn tại là do truyền bá kiến thức từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trích dẫn cũng là một cách tri ân và ghi nhận đóng góp của người khác. Do đó, trích dẫn vừa mang tính học thuật mà cũng có tính chất đạo đức khoa học. Thật khó tưởng tượng được một giảng viên lên đến chức giáo sư đại học mà không biết tầm quan trọng của trích dẫn và tài liệu tham khảo!

Nói tóm lại, Gs Nguyễn Thanh Tuyền và Gs Trần Ngọc Thơ phải lí giải thêm nữa thì mới thuyết phục được công chúng tại sao có sự trùng hợp lạ lùng giữa sách của Gs Thơ và sách của Gs Jeff Madura.

Khi nào cần trích dẫn ?

Tôi đoán có bạn sẽ hỏi về qui ước trích dẫn trong khoa học. Hầu hết những cẩm nang về “phương pháp khoa học” đều giải thích qui nước khi nào cần liệt kê tài liệu tham khảo và khi nào không cần.

Những tình huống sau đây cần phải liệt kê tài liệu tham khảo:

1. Khi trích dẫn nguyên văn của một tác giả hay của chính mình đã từng công bố trước đây (tiếng Anh là quotation).

2. Khi đề cập đến một phát biểu, hay tóm lược ý kiến của người khác làm nền tảng cho công trình của mình. Thường thường những phát biểu này mang tính ngoại lệ, có thể gây ngạc nhiên, hay đi ngược lại hiểu biết thông thường;

3. Nhưng phát biểu có kèm theo con số, đề cập đến dữ liệu hay phát hiện của người khác, v.v..

Cũng có trường hợp không cần liệt kê tài liệu tham khảo. Những kiến thức thông thường (common knowledge) thì không cần trích dẫn. câu hỏi đặt ra là “thế nào là common knowledge?” Hai tiêu chí để xác định common knowledge là: thông tin đó tìm thấy trong nhiều nơi, và nhiều người biết đến. Thế nào là nhiều nơi? Có người cho rằng 3, nhưng cũng có người cho rằng phải 5 nơi.

Lần trước tôi có nói rằng ngay cả sử dụng một biểu đồ hay bảng số liệu của bài báo khác cũng cần phải xin phép và trích dẫn đầy đủ. Có lần chúng tôi viết một chương sách, muốn lấy biểu đồ của mình đã công bố trước đây ra làm minh họa, nhưng nhà xuất bản cuốn sách đòi hỏi phải xin phép nhà xuất bản đã xuất bản biểu đồ đó (dù đó là tác phẩm của chúng tôi!)

Chẳng hạn như 2 biểu đồ sau đây minh chứng cho cách làm việc đó. Biểu đồ số 1 tôi trích trong một bài báo viết về sự khác biệt trong đáp ứng thuốc giữa các sắc dân. Phía dưới biểu đồ họ ghi rõ là đã xin phép tập san, dù tác giả của biểu đồ là Dang chứ không phải tập san. Điều này dễ hiểu, vì khi công bố bài báo, tác giả phải nhượng quyền copyright cho tập san hay nhà xuất bản.



Biểu đồ thứ 2 dưới đây thì lấy từ công trình của tác giả Sehgal nhưng xin phép từ nhà xuất bản Lippincott, Williams & Wilkins. Do đó, khi Gs Tuyền và Gs Thơ nói rằng không biết tầm quan trọng của trích dẫn thì thật là đáng ngại.




Kinh tế học là khoa học xã hội?

Có một bạn trong nhóm “GS PGS dỏm” gửi email hỏi tôi nghĩ gì khi có người cho rằng kinh tế học là một bộ môn khoa học xã hội (social science). Tôi thì thú thật không mấy quan tâm đến việc xếp loại một lĩnh vực học thuật nào, vì cách xếp loại mù mờ và có khi còn tùy thuộc vào người phân loại. Chẳng hạn như có người xem y học là một bộ môn của khoa học xã hội, vì đặc tính của chuyên ngành này nằm trong định nghĩa của social science. Thậm chí một ngành “khoa học định lượng” như khoa học thống kê mà cũng có khi xem là là một bộ môn khoa học xã hội, nhưng nhiều người khác thì xem thống kê là một bộ môn toán học. Nhìn như vậy thì thấy việc phân định kinh tế là khoa học xã hội cũng chẳng có gì ngạc nhiên. Nói như vậy cũng để thấy rằng việc phân định khoa học gì cũng không phải dễ dàng và dễ gây ra tranh cãi.

Đối với kinh tế, tôi nghĩ phân biệt nghiên cứu định tính và định lượng thì có lẽ tốt hơn. Tôi không rành bên kinh tế, nhưng nhìn qua trang web vneconomist.net thì thấy bên kinh tế có nghiên cứu định lượng (quantitative research) và định tính (qualitative research). Về định lượng tôi thấy họ sử dụng các phương pháp thống kê rất nhiều. (Thật ra, ngành khoa học nào cũng dùng thống kê). Bên kinh tế học, có ít nhất là 3 tập san chuyên về toán thống kê, đó là Econometrika, Journal of Econometrics, Journal of Applied Econometrics. Như vậy kinh tế học không thể là khoa học xã hội? Chưa chắc, vì về định tính, tôi thấy có nhiều chuyên gia xã hội học, tâm lí học cũng đóng góp hình thành nên cái mà chúng ta tấy là kinh tế học ngày nay. Thật ra, tôi thấy bên kinh tế có vẻ … vui hơn bên y khoa! “Vui” vì có nhiều chuyên gia từ nhiều ngành.

Tôi nghĩ vấn đề mà các bác bên “GS, PGS dỏm” quan tâm là tiêu chuẩn chức danh giáo sư giả. Tiêu chuẩn này các bác ấy chọn là công bố quốc tế, mà cụ thể là ISI, SSCI, gì gì đó. Tôi nghĩ các bác chọn tiêu chuẩn này cũng đúng, nhưng vẫn còn khiêm tốn. Thôi thì mình “liệu cơm gắp mắm”, và tôi có cảm tình với các bác. Tôi thấy các bác nói rằng các bác chưa quan tâm đến khoa học xã hội. Nhưng như tôi trình bày trên kia, khó mà phân biệt lĩnh vực nào là khoa học xã hội hay không khoa học xã hội. Khoa học nói cho cùng là phương pháp. Cho dù bác có làm nghiên cứu tâm lí học hay kinh tế học thì phương pháp vẫn là định tính hay định lượng. Phương pháp thì ít (ít chứ không phải là không) chịu sự chi phối của chủ nghĩa chính trị. Do đó, tôi nghĩ tiêu chuẩn của các bác vẫn phải áp dụng cho các chuyên gia nghiên cứu định tính và định lượng.

Nghiên cứu định lượng hay định tính thì vẫn có thể công bố trên các tập san quốc tế. Tôi từng có một nghiên cứu sinh người Iran, cô ta làm nghiên cứu về kiến thức, thái độ và hành vi của bệnh nhân liên quan đến bệnh loãng xương. Lí thuyết đằng sau công trình này mang tính triết lí và xã hội học. Thiết kế nghiên cứu thì mang tính dịch tễ kinh tế học. Phân tích thì thống kê học. Cô ấy công bố được 3 bài báo khoa học làm nền tảng cho luận án tiến sĩ của mình. Ở VN, tôi từng thấy nghiên cứu sinh làm nghiên cứu định tính trong lĩnh vực loãng xương, HIV, và da liễu. Chỉ có khác cái là ở VN người ta làm xong nghiên cứu, viết luận văn, rồi đóng sổ, chẳng có công bố quốc tế gì cả. Ý tôi muốn nói rằng dù là nghiên cứu định tính thì vẫn có thể công bố quốc tế như thường, còn VN không công bố là do […] :-)

Nói tóm lại, tôi nghĩ việc phân định kinh tế học là khoa học xã hội hay không chỉ là qui ước tương đối, vấn đề quan trọng hơn là phương pháp khoa học. Sự có mặt khiêm tốn của giới kinh tế học VN trên trường quốc tế (qua số bài báo khoa học) không thể biện minh rằng vì đó là khoa học xã hội. Phải thú nhận rằng mình thật sự còn kém để mà vươn lên.

NVT

Đăng nhận xét

item