Mỡ trong máu, huyết áp, và tiểu đường

Trang blog này ít bàn về mấy chuyện y khoa mang tính khoa học thường thức. Ít chứ không phải là không có; thỉnh thoảng cũng tự quảng cáo những công trình của tôi để bà con có thêm chút thông tin. Tuy nhiên, có một bài báo về điều trị bệnh tiểu đường tôi viết cho Tuổi Trẻ gần đây đã gây sự chú ý của nhiều bạn đọc. Viết báo mà được sự quan tâm của bạn đọc thì quí hóa rồi, chỉ sợ nó rơi vào quên lãng thôi. Trong nhiều ý kiến gọi là “phản biện” cũng có ý kiến đáng chú ý, và tôi đã gửi những trả lời của tôi cho Tuổi Trẻ để giải thích thêm. Tôi không post những ý kiến trả lời đó ở đây, vì ngại Tuổi Trẻ sẽ phàn nàn. Ở đây, tôi chỉ post vài lời bàn thêm chung quanh bài báo đó. Bài này chẳng tranh luận với ai. Tôi chỉ tranh luận trên tập san y khoa và với người quen như kì rồi tôi tranh luận với ông cụ Nordin về vụ calcium và loãng xương trên Osteoporosis International. Thôi, mời các bạn đọc cho vui, cứ coi như là “mua vui cũng được một vài trống canh”.
NVT


Bất định trong y khoa: Bạn chọn phương án nào ?

Thử tưởng tượng rằng bạn đang ở tuổi 60, kém may mắn vì mắc bệnh tiểu đường. Chẳng những thế, bạn còn có vấn đề huyết áp cao và nồng độ mỡ LDL và triglyceride trong máu cũng gia tăng trong thời gian gần đây một cách đáng ngại. Bạn quan tâm đến nguy cơ bị chết vì bạn còn trẻ (mới 60 mà), và muốn tìm phương án điều trị tối ưu để giảm nguy cơ tử vong.

Nếu tôi trình bày một phương án điều trị giảm huyết áp, tạm gọi là phương án A, sẽ giảm huyết áp tâm thu của bạn xuống 130 mmHg. Tôi có dữ liệu cho thấy trong số 1000 người điều trị bằng phương án này trong vòng 1 năm, sẽ có 21 người chết và 979 người sống. Nếu bạn chọn phương án này, tôi không biết bạn nằm trong số không may mắn (chết) hay số sống sót. Bạn chọn phương án này không? Có lẽ không.

OK, tôi cho bạn một lựa chọn khác. Với phương án B, huyết áp của bạn sẽ giảm xuống còn 120 mmHg, và tôi biết rằng trong số 1000 người được điều trị bằng phương án này, sẽ có 19 người chết và 981 người sống trong vòng 1 năm. Bây giờ thì có lẽ bạn sẽ chọn phương án B này. Nhưng nếu tôi cho bạn biết rằng với phương án này có thể tăng nguy cơ giảm huyết áp thậm chí đột quị, thì có lẽ bạn phải ... ngần ngừ.

Bây giờ tôi trình bày một phương án khác là … không điều trị gì cả, mà chỉ uống nước lọc (tạm gọi là phương án C) và cẩn thận trong ăn uống. Theo phương án "giả dược" này, trong số 1000 người, sẽ có 22 người chết và 978 người sống. Bạn chọn phương án A, B hay C?

Có lẽ bạn thấy chẳng có khác nhau gì giữa 3 phương án, nhất là phương án A và B tốn tiền và có biến chứng. Nếu bạn chọn phương án C và may mắn thì còn sống (vì xác suất sống là 97.8%) thì vẫn tương đương với chọn phương án A và có thể còn sống (xác suất sống là 98.1%).

Nhưng nếu tôi cho bạn một phương án khác nữa (tạm gọi là phương án D), không dùng thuốc, nhưng tự bạn điều trị bằng chế độ ăn uống, bỏ hút thuốc lá, năng tập thể dục như đi bộ hàng ngày, v.v… Tôi biết rằng trong số 1000 người theo phương án điều trị này trong vòng 1 năm, sẽ có 12 người chết và 988 người sống. Đến đây thì có lẽ bạn sẽ chọn phương án D này.

Câu chuyện mà tôi trình bày trên tuy là tưởng tượng, nhưng thật ra tôi mô phỏng theo kết quả nghiên cứu có thật ngoài đời. Câu chuyện nói lên những bất định trong điều trị bệnh tiểu đường. Sự bất định nằm ở chỗ dù bạn có điều trị hay không điều trị thì vẫn có nguy cơ tử vong, và mức độ khác biệt về nguy ơ tử vong giữa các phương pháp điều trị trong thực tế rất thấp. Điều này có nghĩa là khả năng mà bạn có lợi ích từ điều trị cũng rất thấp (dưới 5%).

Thế nhưng nhiều bệnh nhân (và bác sĩ nữa) nghĩ rằng dùng thuốc điều trị là mình sẽ không mắc bệnh (tức là một suy nghĩ xác định – deterministic), nhưng trong thực tế thì không phải như thế. Trong thực tế, chỉ có một số nhỏ “đáp ứng” thuốc mà thôi, phần đa số còn lại thì thuốc chẳng có hiệu quả gì đáng kể, thậm chí còn gây tác hại. Tại sao một số bệnh nhân đáp ứng trong khi nhiều bệnh nhân khác không đáp ứng ? Câu trả lời rất phức tạp vì nó còn tùy thuộc vào gen của bạn, nhưng cái khó khăn là chưa ai biết gen nào quyết định bạn sẽ đáp ứng hay không đáp ứng thuốc.

Vì tình trạng bất định, cho nên nhiều phương pháp điều trị hiện hành chẳng có bằng chứng khoa học. Để có bằng chứng, các bác sĩ phải làm nghiên cứu khoa học. Trong thời gian gần đây, có vài công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến những phương án mà tôi vừa trình bày. Để câu chuyện không khô khan, tôi sẽ trình bày ngắn gọn kết quả của những nghiên cứu đó là nhận xét của tôi về những kết quả đó.

Huyết áp, mỡ trong máu và tiểu đường

Người mắc bệnh tiểu đường thường có một số đặc điểm chính như huyết áp tăng cao và nồng độ mỡ trong máu tăng cao. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hơn 50% bệnh nhân tiểu đường mắc chứng cao huyết áp. Cao huyết áp và tăng nồng độ mỡ trong máu là hai yếu tố gia tăng nguy cơ biến cố bệnh tim (như đột quị, suy tim, xơ vữa động mạch) và tử vong vì bệnh tim mạch. Người cao huyết áp có nguy cơ đột quị tăng gấp 2.5 lần so với người có huyết áp bình thường. Khoảng 1/4 bệnh nhân đột quị cũng là những người mắc tiểu đường.

Từ những sự thật trên, các chuyên gia đề ra phương án điều trị bệnh tiểu đường là giảm huyết áp ở “mức độ an toàn”, và giảm nồng độ mỡ LDL (một loại “mỡ xấu” trong máu) hay triglyceride (cũng là một loại mỡ trong máu). Theo khuyến cáo của Liên ủy ban về phòng chống, phát hiện, đánh giá và điều trị cao huyết áp (còn gọi là JNC), mục tiêu đầu tiên trong việc điều trị bệnh nhân tiểu đường với huyết áp tâm thu cao là giảm huyết áp xuống dưới 130 mmHg (chứ không phải như có người hiểu lầm là giảm dưới 140 mmHg; giảm dưới 140 mmHg là cho quần thể cao huyết áp nói chung, chứ không phải áp dụng cho bệnh nhân tiểu đường). Tuy nhiên, chưa có bằng chứng khoa học nào để làm cơ sở cho khuyến cáo đó của JNC.

Giảm huyết áp càng thấp càng tốt?

Gần đây, một số nghiên cứu quan sát cho thấy ở những bệnh nhân tiểu đường có huyết áp tâm thu thấp hơn 120 mmHg cũng là những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong thấp hơn những bệnh nhân có huyết áp cao hơn 120 mmHg. Câu hỏi đặt ra là: ở bệnh nhân tiểu đường nếu giảm huyết áp tâm thu dưới 120 mmHg có đem lại lợi ích so với giảm huyết áp dưới trong khoảng 130-140 mmHg?

Để trả lời câu hỏi đó, các nhà nghiên cứu chia 4733 bệnh nhân tiểu đường týp 2 thành 2 nhóm: nhóm được hạ huyết áp tâm thu dưới 120 mmHg (gọi là nhóm A), và nhóm hạ huyết áp tâm thu xuống dưới 140 mmHg (gọi là nhóm B). Thời gian theo dõi gần 5 năm, và chỉ tiêu lâm sàng để đánh giá là các biến cố lâm sàng liên quan đến bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quị, và tử vong từ các bệnh tim mạch.

Lúc mới vào công trình nghiên cứu, cả 2 nhóm có huyết áp tâm thu trung bình khoảng ~140 mmHg. Sau 1 năm điều trị, họ thành công giảm huyết áp trung bình trong nhóm A xuống còn 119 mmHg (giảm 15%), và nhóm B xuống còn 133 mmHg (giảm 5%).

Kết quả cho thấy hai nhóm A và B không khác nhau về các biến cố tim mạch. Thậm chí, nhóm A (điều trị tích cực) có nguy cơ tử vong còn cao hơn nhóm B khoảng 7%, nhưng kết quả này không có ý nghĩa thống kê (khoảng tin cậy 95% dao động từ 0.85 đến 1.35). Có thể xem thêm kết quả trong bảng số liệu dưới đây.

Nguồn: The ACCORD Study Group. Effects of Intensive Blood-Pressure Control in Type 2 Diabetes Mellitus. N Engl J Med 14/3/2010.

Có một điều mà các tác giả không báo cáo bằng “ngôn ngữ relative risk” là các phản ứng (adverse events) của điều trị. Nhìn vào bảng số 2 của nghiên cứu này, chúng ta thấy nhóm điều trị tích cực (nhóm A) có nguy cơ “serious adverse events” (phản ứng nghiêm trọng) là 3.3%, cao hơn 2.6 lần so với nhóm B (tỉ lệ phản ứng 1.27%). Phản ứng nghiêm trọng ở đây là bao gồm: hạ huyết áp (hypotension; cao gấp 17 lần), ngất (cao 2.4 lần), nhịp tim chậm (cao gấp 3.8 lần), tăng kali trong máu (cao gấp 10 lần), suy thận (cao gấp 5 lần).

Giảm nồng độ mỡ LDL càng thấp càng tốt?

Mối liên hệ giữa mỡ LDL và bệnh tim mạch có lẽ là một trong những vấn đề y khoa gây ra nhiều tranh cãi nhất trong vòng 40 năm qua. Như đề cập trên, bệnh nhân tiểu đường thường có nồng độ mỡ trong máu (LDL và triglyceride) tăng cao, và nồng độ mỡ trong máu có thể là một yếu tố nguy cơ tăng bệnh tim mạch và tử vong. Hiện nay, statin là thuốc thông dụng để giảm mỡ LDL trong máu, và fibrate giảm mỡ triglyceride và LDL. Ở Mĩ, rất nhiều bệnh nhân sử dụng cả hai thuốc này để kiểm soát mỡ trong máu, nhưng chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng về hiệu quả của phối hợp điều trị bằng 2 thuốc. Do đó, câu hỏi nghiên cứu đặt ra là: ở bệnh nhân tiểu đường týp 2, điều trị phối hợp 2 loại thuốc statin và fibrate, so với chế độ điều trị đơn với chỉ statin có giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay không?

Để trả lời câu hỏi đó, các nhà nghiên cứu thực hiện một nghiên cứu lâm sàng trên 5518 bệnh nhân tiểu đường týp 2 với nguy cơ bệnh tim mạch cao, tất cả những bệnh nhân này đang được điều trị bằng statin. Họ chia bệnh nhân thành 2 nhóm: phân nửa được điều trị thêm với fenofibrate, một phân nửa đuợc thêm giả dược. Chỉ số lâm sàng là tần số mắc bệnh nhồi máu cơ tim, đột quị, và tử vong từ các bệnh tim mạch.

Sau gần 5 năm theo dõi, kết quả cho thấy so với phương án sử dụng statin đơn thuần, phối hợp giữa fenofibrate và statin không giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, không giảm nguy cơ đột quị, không giảm tử vong từ các bệnh tim mạch. Các tác giả viết thêm rằng: những kết quả này không ủng hộ việc phương pháp điều trị phối hợp hai thuốc fenofibrate và statin để giảm nguy cơ bệnh tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ cao.

Nguồn: The ACCORD Study Group. Effects of Combination Lipid Therapy in Type 2 Diabetes Mellitus. N Engl J Med 14/3/2010.

Một điều thú vị là các nhà nghiên cứu còn phân tích theo nhóm (gọi là subgroup analysis), Trong RCT, những phân tích này tuy không phải là phân tích chính và ý nghĩa cũng giới hạn do kiểm định nhiều giả thuyết (multiple tests of hypothesis), nhưng nó có thể cung cấp cho chúng ta những thông tin mang tính “hypothesis generating” (xem biểu đồ dưới đây). Theo phân tích này, dù bệnh nhân ở nồng độ LDL hay triglyceride nào lúc ban đầu, thì nguy cơ biến cố tim mạch vẫn không có ý nghĩa thống kê. Đó là chưa nói đến ảnh hưởng của hiện tượng "regression toward the mean"!



Nguồn: The ACCORD Study Group. Effects of Combination Lipid Therapy in Type 2 Diabetes Mellitus. N Engl J Med 14/3/2010.


Ý nghĩa của kết quả nghiên cứu là gì?

Trước hết, không ai thực hiện một công trình nghiên cứu với hàng trăm triệu USD chỉ để trả lời một câu hỏi mà ai cũng biết. Bất cứ một nghiên cứu lâm sàng nào cũng nhằm mục đích kiểm định một giả thuyết khoa học.

Không như nhiều người hiểu lầm, một nghiên cứu lâm sàng không bao giờ có thể chứng minh một giả thuyết khoa học! Do đó, bất cứ một công trình nghiên cứu nào, diễn giải kết quả cần phải đặt trong bối cảnh của các nghiên cứu trước, kể cả các nghiên cứu cơ bản và quan sát.

Theo tôi, những kết quả trên, khi đặt vào bối cảnh của các nghiên cứu trước, nói lên một số điểm như sau:

Thứ nhất, những kết quả này “thách thức” tính hợp lí của khuyến cáo hiện hành JNC-7 (giảm huyết áp tâm thu dưới 130 mmHg). Theo kết quả của nghiên cứu thì điều trị hạ huyết áp dưới 120 (“điều trị tích cực”) không có ích. Nhưng điều đó không có nghĩa là phương án hạ huyết áp dưới 140 mmHg như sử dụng trong quần thể bệnh nhân cao huyết áp là có ích, bởi vì nghiên cứu không có nhóm chứng! Không có nhóm chứng, chúng ta khó mà kết luận phương án nào tối ưu (cũng giống như trường hợp tưởng tượng trong phần đầu bài viết, nếu cho phương án A, B mà không cho thông tin phương án đối chứng C, thì không thể so sánh được. Đó là nguyên tắc của cái gọi là "scientific method").

Tuy nhiên, nếu tạm thời chấp nhận “phương án quần thể” (tức giảm huyết áp dưới 140 mmHg) thì kết quả của ACCORD gợi ý định hướng đó. Trong tương lai, các khuyến cáo về điều trị huyết áp cho bệnh nhân tiểu đường có lẽ sẽ thay đổi. Thật ra, các chuyên gia đều đồng ý rằng những kết quả này sẽ ảnh hưởng đến phát đồ điều trị mà liên ủy ban JNC-8 sẽ ban hành trong tương lai.

Thứ hai, nghiên cứu trên cho thấy rằng giảm mỡ LDL và giảm triglyceride có hiệu quả như giảm mỡ LDL. Nếu dựa vào mối liên hệ giữa LDL cholesterol và tử vong (quan sát trong nghiên cứu dịch tễ học), chúng ta kì vọng rằng nhóm statin sẽ có tỉ lệ tử vong thấp hơn nhóm được điều trị bằng phối hợp 2 thuốc statin + fenofibrate, nhưng trong thực tế thì ngược lại: nhóm statin có tỉ lệ tử vong (0.83%) cao hơn nhóm điều trị bằng 2 thuốc (0.72%). Phân tích theo nồng độ mỡ LDL cho thấy không có mối liên hệ nào giữa LDL hay giảm LDL và nguy cơ tử vong và các biến cố tim mạch.

Kết quả trên một lần nữa chất vấn giả thuyết về mối liên hệ giữa mỡ LDL và bệnh tim mạch hay tử vong. Như nói trên, nếu mối liên hệ giữa mỡ LDL và tim mạch là mối liên hệ nhân quả (causal relationship), thì nhóm bệnh nhân giảm mỡ LDL càng thấp phải có nguy cơ tử vong thấp hơn nhóm giảm mỡ LDL trung bình. Nhưng trong thực tế thì không phải như thế, mà còn ngược lại: giảm mỡ LDL có khi còn làm tăng nguy cơ tử vong! Thật vậy, một nghiên cứu trên 10,000 bệnh nhân ở Mĩ cho thấy sau 6 năm điều trị statin giảm gần 30% nồng độ LDL, nhưng tỉ lệ tử vong không khác biệt so với nhóm giảm mỡ LDL chỉ 10%. Thật ra, nhóm giảm LDL nhiều còn có nguy cơ ung thư cao hơn nhóm giảm LDL thấp (nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa lâm sàng).

Một nghiên cứu mới đây (ENHANCE) trên những bệnh nhân có nồng độ mỡ LDL cao do di truyền cũng cho thấy nhóm được điều trị giảm mỡ LDL thấp (giảm 58%) không làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch so với nhóm giảm mỡ LDL khoảng 40%. Một nghiên cứu khác cũng ở Mĩ bị ra lệnh ngưng giữa chừng, vì nhóm bệnh nhân giảm LDL thấp có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao ở mức nguy hiểm. Cần nói thêm rằng trước đây một nghiên cứu rất qui mô ở Nhật trên 30,000 người được điều trị bằng statin cho thấy không có một mối liên hệ nào giữa giảm mỡ LDL và nguy cơ tử vong.

Thứ ba là không thể dựa vào các chỉ số sinh hóa (như mỡ LDL, triglyceride) để đánh giá hiệu quả của một can thiệp, mà phải dựa vào các chỉ tiêu lâm sàng như biến cố tim mạch và tử vong do bệnh tim mạch làm thước đo hiệu quả. Trong thuật ngữ RCT, những chỉ số sinh hóa như LDL hay triglyceride được gọi là "surrogate outcome" (dịch nôm na là chỉ số gián tiếp). Gián tiếp là vì những chỉ số này có liên quan đến biến cố lâm sàng. Nhưng vì mối liên quan còn nhiều bất định, cho nên can thiệp giảm các chỉ số này không có nghĩa là giảm biến cố lâm sàng. Do đó, không ngạc nhiên khi thấy trong quá khứ, có nhiều nghiên cứu quan sát cho thấy cá nhân với LDL cholesterol cao có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch tăng, nhưng điều đó không có nghĩa là can thiệp giảm mỡ LDL sẽ dẫn đến giảm nguy cơ tử vong.

Niềm tin là chất liệu mà người ta hi vọng; bằng chứng khoa học là cái người ta ít thấy rõ. Trong quá khứ, y khoa dựa vào niềm tin đã gây nhiều tác hại cho người bệnh. Phải chờ đến 20 năm người ta mới thấy tác hại của thay thế hormone mà trước đó ai cũng nghĩ có lợi cho sức khỏe phụ nữ sau mãn kinh. Gần đây, một loại thuốc phổ biến trong điều trị bệnh tiểu đường (rosiglitazone) cũng qua nghiên cứu mới thấy có thể gây tác hại đến sức khỏe của tim. Phải chờ đến 30 năm người ta mới biết rằng giảm LDL cholesterol có thể chẳng làm giảm nguy cơ tử vong. Thực hành y khoa theo niềm tin và theo cảm tính cá nhân là một một hiểm họa tiềm ẩn cho người bệnh.

Trong y khoa, rất nhiều khuyến cáo điều trị không dựa vào bằng chứng khoa học. Chỉ có khoảng 15% đến 20% các thuật điều trị trong y khoa là có bằng chứng khoa học; phần đa số còn lại 80-90% không có bằng chứng khoa học vững vàng. Một giáo sư y khoa danh tiếng từng nói rằng phần lớn những gì đang được sử dụng để điều trị bệnh nói chung chẳng khác gì thủ thuật của lang băm! Hơi đụng chạm, nhưng sự thật là thế. Những kết quả những nghiên cứu trên cho thấy đối với bệnh tiểu đường, không có phương án điều trị nào tối ưu hay tuyệt đối. Ngay cả khuyến cáo hiện hành (JNC-7) mà đa số giới y sĩ thực hành theo cũng thiếu cơ sở khoa học. Cho đến nay, vẫn chưa có một công trình nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên nào cho thấy phương án hiện hành là có hiệu quả.

Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy can thiệp vào lối sống qua chế độ ăn uống có thể có hiệu quả hơn là dùng thuốc. Chẳng hạn như ở bệnh nhân với bệnh tim, chế độ ăn uống với nhiều rau quả, ngũ cốc, đậu, cá, dầu olive, v.v… giảm nguy cơ tái phát bệnh tim đến 50-70%. Ngoài ra, có nghiên cứu cho thấy chỉ cần đi bộ 2 giờ mỗi tuần, người mắc bệnh tiểu đường có thể giảm nguy cơ tử vong 39% (trong khi đó phải điều trị 250 bệnh nhân tiểu đường với statin để giảm 1 ca tử vong).

Khoảng 90% nguy cơ bệnh tiểu đường là do lối sống “tiêu cực”, như quá cân, thiếu vận động thể lực, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, hút thuốc lá, v.v… Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, năng vận động thể lực, bỏ hút thuốc lá là những biện pháp hữu hiệu giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và giảm tử vong. Do đó, bài học sau cùng từ những kết quả nghiên cứu trên, là chúng ta nên quay về với những biện pháp ngừa bệnh đơn giản, nằm trong khả năng của chúng ta, chứ không nên tùy thuộc vào những phương án dùng thuốc mà bằng chứng khoa học vẫn chưa rõ ràng.

Chẳng liên quan gì đến Việt Nam !

Bây giờ tôi phải quay lại câu chuyện lúc đầu và báo cho các bạn một tin chẳng mấy gì hay ho: tất cả những gì tôi bàn ở trên chẳng có liên quan gì đến Việt Nam cả, và cũng chẳng có liên quan gì đến bạn cả (vì bạn là người Việt Nam).

Theo nguyên lí của y học thực chứng (evidence based medicine) thì thực hành y khoa, kể cả điều trị bệnh, phải dựa vào bằng chứng khoa học. Bằng chứng phải đúc kết từ những nghiên cứu lâm sàng có giá trị. Mô hình nghiên cứu có giá trị cao nhất là nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (RCT) như nghiên cứu ACCORD, ENHANCE, HPS, v.v… bởi vì tiêu chuẩn chọn bệnh nhân rõ ràng, vì có phân nhóm ngẫu nhiên hóa, vì qui trình giống nhau và trong điều kiện có kiểm soát.

Bằng chứng khoa học phải mang tính hợp lí nội tại và hợp lí ngoại tại. Ý nghĩa của hợp lí ngoại tại ở đây là bằng chứng từ nghiên cứu trên người Âu Mĩ chỉ có thể -- theo nguyên tắc -- áp dụng cho người Âu Mĩ, chứ không hẳn cho người Việt. Nếu lấy tiêu chuẩn hay bằng chứng của người Âu Mĩ mà áp dụng cho người Việt thì có thể dẫn đến sai lầm. Sai lầm là do môi trường sống và đặc tính sinh học (kể cả gien) rất khác biệt giữa các sắc tộc. Có thuốc điều trị bệnh tim chẳng có hiệu quả gì cho người da trắng, nhưng lại có hiệu quả cho người da đen. Bệnh tiểu đường ở VN thường thấy ở người giàu có, còn ở các nước phương Tây, bệnh tiểu đường thường gặp ở người nghèo. Do đó, trong thực tế, có nhiều người Việt bị chẩn đoán là có bệnh dựa vào tiêu chuẩn của nước ngoài, và cho dùng thuốc đắt tiền, nhưng trong thực tế nếu dùng chuẩn của người Việt thì họ không phải là bệnh nhân. Tính hợp lí ngoại tại do đó rất quan trọng. Câu hỏi đặt ra là những gì người ta khuyến cáo cho bệnh nhân Âu Mĩ có thể áp dụng cho bệnh nhân Việt Nam? Muốn có câu trả lời thì phải làm nghiên cứu, nhưng chúng ta chưa có nghiên cứu.

Đối chiếu lại với tình hình Việt Nam thì sao? Chúng ta có bằng chứng nào cho thấy phương án điều trị hiện hành có hiệu quả? Chúng ta có bằng chứng nào cho thấy statin có hiệu quả giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân người Việt? Câu trả lời đơn giản là chưa có bằng chứng nào cả.
Thật ra, chẳng riêng gì Việt Nam, ngay cả các nước Á châu nghèo (ngoại trừ Nhật) cũng "dùng tạm" bằng chứng từ người khác, và làm như là ... của mình.

Tại sao chưa có bằng chứng? Chưa có bằng chứng, bởi vì ở VN chưa ai làm nghiên cứu RCT để đánh giá hiệu quả của các phương án điều trị hay thuốc hiện hành. Chưa làm nghiên cứu là vì nước ta còn nghèo, và VN cũng chưa có nhiều chuyên gia kinh nghiệm về RCT. Không phải lỗi của ai cả. Có chăng là lỗi của … hệ thống. Hệ thống là cái trừu tượng chẳng ai biết nó là cái gì. :-)

Quay trở lại cái ý bất định trong phần đầu bài viết, tôi muốn thuật lại một câu nói nổi tiếng của ông cựu khoa trưởng y khoa tại Đại học Yale rằng: phân nửa những gì bác sĩ biết là sai, nhưng khổ nỗi là chúng ta không biết phân nửa nào đúng. (Câu này ông thường nói trong buổi lễ nhập học cho sinh viên y khoa năm thứ nhất). Mới đây, John Ioannidis phân tích cho thấy đại đa số những gì công bố trên các tập san khoa học là sai. Y khoa mang tính bất định như thế đấy. Nhưng bất định và sai lầm trong khoa học là điểm mạnh, chứ không phải là điểm yếu của khoa học. Khoa học phát triển từ sai lầm và tự sửa sai. Y khoa chỉ yếu khi có người nghĩ rằng y khoa mang tính khẳng định như niềm tin tôn giáo và thực hành không dựa vào bằng chứng.

NVT

TB. Xin nói thêm vài câu chuyện về hệ quả của thực hành không dựa vào bằng chứng khoa học.

Chỉ vài thế hệ trước đây, ý niệm về bệnh tật rất đơn giản: bệnh nhân bị nhiễm một độc tố nào đó, hay một nhiễm tố, hoặc trong cơ thể có quá nhiều dịch tố. Từ ý niệm này dẫn đến một ý tưởng là muốn chữa trị những bệnh như thế, chỉ cần mở một cái mạch và để cho các “độc tố” chảy ra ngoài: trích máu (hay tiếng Anh gọi là blood-letting). Một khi độc tố bị thải ra ngoài cơ thể, bệnh nhân sẽ cảm thấy khỏe khoắn hơn. Ngày nay, chúng ta biết rằng trích máu thực ra chỉ làm cho bệnh nhân chết nhanh hơn. Một người lớn bình thường nếu mất đi 10% thể tích máu tuần hoàn của toàn cơ thể là có thể có biểu hiện rối loạn tuần hoàn, và nếu mất 20% thì sốc giảm thể tích tuần hoàn có thể xảy ra, tính mạng có thể bị đe doạ rồi. Tổng thống Mĩ, George Washington, bị mất hơn 2 lít máu trong vòng hai ngày trước khi ông chết; và ông chỉ bị đau cuống họng. Ông bị lấy máu nhiều quá. Chúng ta biết rằng trích máu là một thuật chữa trị nguy hiểm, kết luận này nhờ vào thử nghiệm lâm sàng của một bác sĩ người Pháp tên là Pierre Louis vào năm 1836. Pierre Louis tiến hành một thử nghiệm mà ngày nay được xem là một thử nghiệm lâm sàng đối chứng (RCT) đầu tiên trong thế giới y khoa.

Khoảng 20 năm trước đây, kết quả của một nghiên cứu lâm sàng “Transfusion requirements in critical care” được công bố trên Tập san New England Journal of Medicine cho thấy ngoại trừ các bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp tính, việc truyền máu cho những bệnh nhân nguy kịch với một liều lượng hemoglobin trung bình không làm giảm tỉ lệ tử vong, mà có thể làm tăng nguy cơ tử vong! Không ai biết tại sao, nhưng đó là kết quả, là một thực tế. Kết quả nghiên cứu này làm chấn động các bác sĩ chuyên ngành hồi sức trong bệnh viện thời đó.

Từ lâu, giới y tế Tây phương thường khuyên các bà mẹ nên cho trẻ em mới sinh ngủ nằm sấp, vì họ tin rằng cách ngủ này sẽ làm giảm xác suất trẻ em chết đột ngột hay “đột tử”. Mãi cho đến thập niên 1980s, có người đặt vấn đề là có bằng chứng nào làm cơ sở cho lời khuyên này. Theo sau đó là một loạt nghiên cứu lâm sàng cho thấy rõ ràng các trẻ sơ sinh nằm sấp có nguy cơ bị chết cao hơn các trẻ ngủ nằm ngửa. Và thế là một phong trào “Back to sleep” (nằm ngửa khi ngủ) được phát động để khuyến khích trẻ em ngủ nằm ngửa. Nếu câu hỏi trên được đặt ra vài mươi năm trước thì có biết bao trẻ em được cứu sống vì đột tử.

Đầu thập niên 1980 và 1990, giới y khoa thế giới là những “cảm tình viên” của một phương pháp trị liệu thay thế hormone (hormone replacement therapy, HRT), thường được dùng để chữa trị những triệu chứng sau thời kì mãn kinh như nóng bừng. Thời đó, ai cũng tin rằng HRT sẽ làm cho phụ nữ trẻ trung hơn, sẽ ngăn ngừa bệnh tim mạch và loãng xương trong những phụ nữ cao tuổi hay sau thời kì mãn kinh. Trong các trường y, một số giáo sư còn đi xa hơn, giảng dạy sinh viên rằng vấn đề HRT chưa được dùng rộng rãi trong các phụ nữ sau thời mãn kinh là một tội phạm trong ngành y! Nhưng đến năm 1998, kết quả của một nghiên cứu lâm sàng HERS công bố cho thấy estrogen chẳng những không ngăn ngừa bệnh tim, mà còn làm tăng nguy cơ bị chứng blood clot. Kết quả nghiên cứu này làm cho giới bác sĩ lại ngẩn ngơ! Họ ngạc nhiên đến nổi không tin kết quả nghiên cứu. Mới đây, một nghiên cứu qui mô khác cũng cho thấy HRT có thể hại nhiều hơn là lợi cho bệnh nhân.

Những trường hợp khá điển hình trên đây cho thấy nhiều phương pháp trị liệu hiện hành không có hiệu nghiệm như chúng ta tưởng. Thậm chí, trong quá trình điều trị, người thầy thuốc còn có thể gây tổn hại cho bệnh nhân. Nhưng đó không phải là vấn đề, vì chẳng có thầy thuốc nào muốn gây hại cho bệnh nhân. Vấn đề là những quyết định của bác sĩ dựa vào kinh nghiệm quan sát lâm sàng hàng ngày thường không có độ tin cậy cao. Thêm vào đó là phần lớn các phương pháp chữa trị trong y học chưa bao giờ được kiểm tra, đánh giá bằng các phương pháp khoa học. Những phương pháp này được dùng vì bác sĩ tin rằng chúng có hiệu nghiệm, và cũng như mọi niềm tin tôn giáo, nó không dựa vào bằng chứng khoa học.

Mỗi năm, ở Mĩ có khoảng 100 ngàn người chết vì sai lầm y khoa. Thật ra, sai lầm y khoa là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Mĩ. Ở Úc, con số bệnh nhân chết vì sai lầm y khoa là khoảng 18 ngàn người. Ở Việt Nam, bao nhiêu bệnh nhân đã bỏ mạng vì sai lầm y khoa? Chưa ai biết vì chẳng ai quan tâm.
Một trong những sai lầm là do thực hành không dựa vào hay thiếu bằng chứng khoa học.

Đăng nhận xét

item