Du học sinh: đi, ở, về …

Hôm nay đọc được một phân tích thú vị về tình trạng du học sinh tiến sĩ ở Mĩ. Các nhà nghiên cứu đặt câu hỏi là số du học sinh ở lại là bao nhiêu và có thay đổi qua các năm qua hay không, và yếu tố nào làm cho họ ở lại Mĩ. Kết quả cho thấy vài xu hướng đáng chú ý …



Mỗi năm ở Mĩ, National Science Foundation (NSF) có làm một cuộc điều tra để biết số nghiên cứu sinh và du học sinh sau đại học đang theo học tại các trường của Mĩ. Những số liệu đã được khai thác rất nhiều cho các mục tiêu khác nhau, từ chính sách học bổng đến thu hút nhân tài. Mĩ nối tiếng là nơi thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới, và những du học sinh đến học tại Mĩ là một nguồn nhân tài lí tưởng. Lí tưởng ở chỗ chính phủ Mĩ vừa thu được tiền học phí từ nước gửi du học sinh, vừa có sản phẩm khoa học (vì bài báo phải kí tên lấy địa chỉ của Mĩ), vừa có người tài, mà họ chẳng tiêu ra đồng nào!

Một trong những câu hỏi mà người ta thường đặt ra là số du học sinh tiến sĩ ở lại Mĩ là bao nhiêu, và tại sao họ ở lại. Câu hỏi này cũng liên quan đến Việt Nam ta, vì chúng ta cũng đang bàn vấn đề chảy máu chất xám. Trong bài báo “International doctorates: trends analysis on their decision to stay in US” của nhóm tác giả D Kim, CA Bankart, và L Isdell (tập san Higher Ed 18/11/2010, bản online) hé lộ cho chúng ta một số xu hướng rất đáng chú ý. Dùng dữ liệu điều tra của NSF, các nhà nghiên cứu phân tích cho thấy tỉ lệ ở lại Mĩ tăng dần theo thời gian, chứ không giảm như nhiều người tưởng! Trong thập niên 1980s, tỉ lệ du học sinh tiến sĩ quyết định ở lại Mĩ là 49.5% (9676 / 19333), đến thập niên 1990s là 57.1% (12792 / 22404), và thập niên 2000 là 66.1% (13421 / 20295).

Tỉ lệ ở lại Mĩ dao động theo ngành khoa học (bảng 1). Xu hướng chung cho thấy tỉ lệ ở lại Mĩ tăng theo thời gian trong tất cả các ngành. Trong thập niên 1980s, nghiên cứu sinh ngành sinh học có tỉ lệ ở lại Mĩ cao nhất (81%), kế đến là các ngành khoa học tự nhiên và vật lí (78%). Những ngành như kĩ thuật, thương mại và ngạc nhiên thay, nhân văn, cũng có tỉ lệ ở lại Mĩ khá cao (gần 70%). Tỉ lệ ở lại của các du học sinh ngành sinh học có thể hiểu được vì ngành này mới phát triển trong đầu thập niên 2000, và Mĩ hiện đang dẫn đầu công nghệ sinh học trên thế giới, và có nhiều cơ hội cho nghiên cứu sinh hơn các ngành khác.

Bảng 1. tỉ lệ du học sinh tiến sĩ ở lại Mĩ phân chia theo ngành khoa học
Ngành
1980s
1990s
2000s
Nông nghiệp, y tế
23
31
46
Sinh học
31
45
81
Kĩ thuật
57
57
68
Vật lí, tự nhiên
58
65
78
KH Xã hội
52
57
56
Nhân văn
58
68
68
Giáo dục
39
57
51
Thương mại
59
63
68

Nước nào có du học sinh ở lại nhiều nhất? Bảng 2 dưới đây cho thấy du học sinh Trung Quốc đứng đầu bảng, với tỉ lệ ở lại Mĩ là 93% (thập niên 2000s), và tỉ lệ này tăng vọt từ thập niên 1980 (74%). Du học sinh Ấn Độ cũng có tỉ lệ ở lại cao (khoảng 90% qua các năm 1980 – 2000s). Riêng Nhật có số du học sinh ở lại ~50%, và tỉ lệ này không dao động lớn trong thời gian 20 năm qua.

Có lẽ điều đáng ngạc nhiên là du học sinh Thái Lan có tỉ lệ ở lại thấp nhất. Thật vậy, số liệu của thập niên 2000s cho thấy 85% du học sinh Thái Lan về nước. Điều ngạc nhiên thứ hai là Hàn Quốc, một nước có trình độ khoa học phát triển khá cao, cũng có tỉ lệ ở lại tăng theo thời gian: 62% năm 1980s, 69% trong 1990s, và 77% trong thập niên 2000s. Chẳng những Hàn Quốc, mà du học sinh Âu châu nói chung cũng có xu hướng ở lại Mĩ khá cao (trung bình khoảng 70%).

Bảng 2. tỉ lệ du học sinh tiến sĩ ở lại Mĩ phân chia theo nước gửi du học sinh
Quốc gia
1980s
1990s
2000s
Trung Quốc
74
92
93
Ấn Độ
87
87
90
Nhật
58
51
54
Hàn Quốc
62
69
77
Đài Loan
55
53
56
Thái Lan
22
20
15
Thổ Nhĩ Kì
64
43
50
Canada
44
54
62
Mexico
32
27
39
Brazil
14
26
40
Âu châu
63
67
74
Á châu
40
42
49
Châu Mĩ Latin
36
45
54
Châu Phi
38
49
61

Yếu tố nào làm cho du học sinh ở lại Mĩ? Để trả lời câu hỏi này, các nhà nghiên cứu dùng kĩ thuật phân tích “logistic regression” để phân tích dữ liệu. Kết quả hơi phức tạp, nhưng có thể tóm lược sau đây: độ tuổi, giới tính, nơi tốt nghiệp cử nhân, và nơi học tiến sĩ. Độ tuổi không có ảnh hưởng lớn đến việc ở lại, tuy nhiên du học sinh cao tuổi có xu hướng về nước hơn là ở lại Mĩ (so với du học sinh trẻ tuổi). Nữ du học sinh có xu hướng ở lại cao hơn nam, với odds ở lại tăng khoảng 35%. Những du học sinh lấy bằng cử nhân từ đại học Mĩ có xu hướng ở lại cao gấp 2 lần so với những người có bằng cử nhân từ bên nước nhà. Du học sinh học tiến sĩ ở những viện nổi tiếng và có nhiều nghiên cứu cũng có xu hướng ở lại cao hơn du học sinh từ các trường “làng nhàng”. Ngoài ra, còn một số kết quả khác như ngành học và quốc gia cũng có ảnh hưởng đến xu hướng ở lại Mĩ.

Phân tích này không thấy nói đến du học sinh Việt Nam. Có lẽ vì số du học sinh tiến sĩ từ VN còn thấp, nên được gộp chung vào nhóm “Á châu”. Do đó, chúng ta không có dữ liệu gì để phát biểu xu hướng ở / về của du học sinh Việt Nam. Nếu Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc là những “kinh nghiệm”, tôi đoán rằng số nghiên cứu sinh cấp tiến sĩ của VN ở lại Mĩ có lẽ cũng trên 70%. Nhưng những phân tích trên đây cũng mang tính gợi ý cho các nhà quản lí giáo dục Việt Nam nên thực hiện một nghiên cứu tương tự để có thêm thông tin về xu hướng ở / về của nghiên cứu sinh VN.

TB. Nói chuyện bên Mĩ làm tôi chợt nhớ chuyện bên tôi (Úc). Hôm trước, tôi có nói đến một nghiên cứu sinh của tôi, nhưng tôi chưa “tiết lộ” rằng nghiên cứu sinh du học tự túc này cũng ở lại Úc. Chẳng những ở lại Úc, mà còn thành hôn và bảo lãnh người yêu bên VN sang Úc, và thế là VN mất thêm 2 người có tài. :-) Nói đùa thế thôi, chứ tất cả những nghiên cứu sinh người Việt của tôi dù ở lại đây nhưng vẫn thường hay về VN giúp đỡ chuyên môn. Do đó, nói là “ở lại”, nhưng sự thật thì vẫn là người của Việt Nam. 

Đăng nhận xét

item