Một kỉ niệm với ông Nguyễn Phú Trọng
Theo báo VNexpress.net, ông Nguyễn Phú Trọng đã đắc cử Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Kết quả này cũng đúng với những tiên đoán của giới bình luận thời sự vỉa hè ở Hà Nội và Sài Gòn. Do đó, đối với những ai theo dõi thời sự trong nước thì tin này không gây ngạc nhiên.
Kỉ lục
Có ngạc nhiên chăng ông là một TBT “có tuổi” so với các TBT gần đây (trong vòng 14 năm). Tính từ năm 1930 cho đến nay, Đảng CSVN đã có 13 TBT, nhưng trong thực tế thì chỉ có 12 người giữ chức này (vì ông Trường Chinh 2 lần làm TBT). Tôi đã làm một thống kê tuổi của các TBT (bảng dưới đây), và thấy tuổi trung bình của các TBT là 57. TBT trẻ tuổi nhất là Trần Phú và Nguyễn Văn Cừ, cả 2 người lên chức này vào năm mới 26 tuổi. Người cao tuổi nhất được đắc cử chức TBT là ông Đỗ Mười (74 tuổi). Thật ra, ông Trường Chinh làm TBT lần thứ 2 lúc đã 79 tuổi, nhưng tôi không tính đến vì ông làm chỉ có vài tháng và làm lần thứ hai. So sánh với những TBT từ năm 1997 thì ông Nguyễn Phú Trọng thuộc vào nhóm “có tuổi”.
Tuổi đời của các tổng bí thư Đảng CSVN | ||
Nhiệm kì | Tổng bí thư (năm sinh, năm qua đời) | Tuổi lúc nhậm chức TBT |
1930 – 1931 | Trần Phú (1904 - 1931) | 26 |
1935 – 1936 | Lê Hồng Phong (1902 - 1942) | 32 |
1936 – 1938 | Hà Huy Tập (1906 - 1941) | 30 |
1938 – 1940 | Nguyễn Văn Cừ (1912 - 1941) | 26 |
1941 – 1956 | Trường Chinh (1907 - 1988) | 34 |
1956 – 1960 | Hồ Chí Minh (1890 - 1969) | 66 |
1960 – 1986 | Lê Duẩn (1907 – 1986) | 53 |
7/1986 – 12/1986 | Trường Chinh (1907 - 1988) | 79 |
1986 – 1991 | Nguyễn Văn Linh (1915 - 1998) | 71 |
1991 – 1997 | Đỗ Mười (1917 - ) | 74 |
1997 – 2001 | Lê Khả Phiêu (1931 - ) | 66 |
2001 – 2011 | Nông Đức Mạnh (1940 - ) | 61 |
2011 - | Nguyễn Phú Trọng (1944 -) | 67 |
Ông Nguyễn Phú Trọng điều hành một phiên họp tại Đại hội XI. Ảnh: TTXVN
Điều ngạc nhiên thứ hai là lần đầu tiên, có một tổng bí thư đảng cộng sản là giáo sư tiến sĩ. Ông Nguyễn Phú Trọng có bằng phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) về chính trị học, với chuyên ngành Xây dựng Đảng, từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội của Liên Xô cũ (viện này trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô). Năm 1992, ông được phong chức danh phó giáo sư, và 10 ma9m sau (2002) ông trở thành giáo sư. Không chỉ lần đầu tiên Đảng CSVN có một tổng bí thư là giáo sư tiến sĩ, mà trên thế giới có lẽ đây cũng là một trường hợp duy nhất từ trước đến nay trong các đảng cộng sản.
Một điều đáng chú ý khác là trình độ học vấn của các ủy viên Bộ Chính trị (BCT) trong khóa XI rất cao. Có tất cả 14 ủy viên BCT trong khóa XI, và theo báo VNexpress, “Trong số Ủy viên Bộ Chính trị có gần 10 người mang học vị tiến sĩ” (nhưng sao tôi đếm chỉ có 4 người, đó là các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng, Phạm Quang Nghị, và Trần Đại Quang). Cần nói thêm rằng trong một phân tích trước đây, tôi đã trình bày dữ liệu cho thấy trong khóa VIII (1996) và IX (2001), BCT chỉ có 1 ủy viên duy nhất có bằng tiến sĩ, nhưng đến khóa X (2006) thì có đến 5 người (tức 1/3 ủy viên BCT) có bằng tiến sĩ. Nay thì con số đó đã lên đến 10/14, tức là hơn 2/3! Có thể nói đây là một kỉ lục.
“Tôi cũng là trí thức”
Thấy người sang bắt quàng làm họ. Tôi từng có cơ duyên gặp ông Nguyễn Phú Trọng cách đây trên 2 năm ở Sydney. Nhân chuyến thăm chính thức theo lời mời của Quốc hội Úc, ông Nguyễn Phú Trọng (lúc đó là Chủ tịch Quốc hội) có ghé qua Sydney. Ông có nhã ý gặp vài người Việt, và nhờ đại sứ quán Việt Nam ở Úc làm cầu nối. Phần lớn những người ông muốn gặp là những người làm việc trong các đại học và trung tâm nghiên cứu khoa học của Úc, và thường về nước giảng dạy hoặc tham gia các dự án nghiên cứu. Chúng tôi gồm một nhóm thân hữu nhận lời mời đến gặp thân mật ông Chủ tịch Quốc hội và có một cuộc trao đổi cũng thú vị.
Hôm đó là ngày 15/3/2008. Địa điểm là lầu 25 (dành cho VIP), khách sạn 5 sao Sangri-La ngay tại cảng Sydney. Tôi cũng phải nói thêm rằng đây chính là khách sạn mà tôi đã làm phụ bếp trong những ngày tháng đầu tiên đến định cư ở Úc gần 28 năm trước đây. Hồi đó, tôi chỉ loay hoay trong nhà bếp, và thế giới của tôi là những rau quả, nồi niêu xoang chảo chứ làm gì có dịp ghé tầng 25. Chúng tôi được nhân viên an ninh Úc scan trước khi vào thang máy, và thang máy chỉ đi đến tầng 25. Đến tầng đó lại qua một kiểm tra an ninh nữa, mới gặp được sếp. Ông Nguyễn Phú Trọng đến bắt tay từng người, rồi hai bên tự giới thiệu. Ông là người có chiều cao trung bình, tóc hoa râm, đeo kính trắng, mặc veston màu nâu đậm, nhưng caravat thì được thắt chưa mấy đúng điệu. Tuy nhiên, cái mắt tay của ông ấm và đúng với cách làm của người lãnh đạo (chắc là kinh nghiệm lâu). Chúng tôi thì mỗi người tự giới thiệu, và sau đó ông giới thiệu đoàn của ông. Tôi còn nhớ hoài câu ông nói (sau khi chúng tôi tự giới thiệu): “Các anh là những người trí thức, tôi nghĩ tôi cũng là người trí thức”. Tôi hơi ngạc nhiên câu nói này, nhưng nghĩ đó là một giây phút thăng hoa của ông Chủ tịch. Nhưng nay thì tôi biết tại sao ông nói câu đó: tại vì ông là giáo sư có văn bằng tiến sĩ.
Gặp mặt ở Sydney, 15/3/2008
Ấn tượng đầu tiên của tôi lúc đó là ông Nguyễn Phú Trọng là người dễ mến, giọng nói rõ ràng, nhưng cách nói thì rất … chính trị gia (tức là không có gì cụ thể cả). :-) Nay thì ông đã lên đến một chức cao tột đỉnh trong hệ thống chính trị, và chỉ hi vọng rằng ông thực hiện lời hứa cố gắng “tạo nền tảng để đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.” Lại một kiểu nói rất … chính trị!
Đăng nhận xét