Vị thế khoa học là thể diện quốc gia
Hôm 4/1 tôi được mời nói chuyện tại Đại học Tôn Đức Thắng, nơi cháu gái tôi từng theo học ở đây (và bây giờ nó thành quan chức rồi). Buổi nói chuyện xoay quanh vấn đề vị thế khoa học VN trên trường quốc tế, và vấn đề nghiên cứu khoa học trong nước. Hội trường đông nghẹt người, và tôi nói trong vỏng 3 giờ đồng hồ. Hôm đó có phóng viên báo chí, trong đó có báo Thanh Niên, đến dự. Bài phỏng vấn sau đây do phóng viên Đăng Nguyên thực hiện ngay sau khi buổi nói chuyện kết thúc. Xin nói thêm rằng các bạn bên ĐH Tôn Đức Thắng không hài lòng tấm hình, vì chụp trong giờ giải lao, và do đó không phản ảnh đúng số lượng cũng như sự chăm chỉ của người nghe. Tôi thì ít khi nào dám nhìn hình mình :-).
Nhân đây, tôi muốn cám ơn các bạn bên ĐH Tôn Đức Thắng và các bạn bên báo Thanh Niên.
Vị thế khoa học là thể diện quốc gia
06/01/2011 15:07
GS Nguyễn Văn Tuấn trong buổi nói chuyện tại trường ĐH Tôn Đức Thắng ngày 4.1 - Ảnh: Đăng Nguyên |
Ông cho rằng lực lượng chính để tăng cường sự hiện diện của VN trên bản đồ khoa học thế giới chính là giảng viên và nghiên cứu sinh.
Theo GS, hoạt động NCKH của VN đang đứng ở đâu?
Số lượng bài báo NCKH công bố quốc tế của chúng ta tăng hơn trước. Năm 2010, theo thống kê, lần đầu tiên chúng ta vượt con số 1.000 bài báo/năm, cao hơn số lượng các bài báo NCKH của Indonesia và Philippines. Chứng tỏ chúng ta có tiềm năng rất lớn về vấn đề này. Sự xuất hiện của Quỹ NAFOSTED (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia) là một bước rất quan trọng trong việc đẩy mạnh hoạt động NCKH. Hơn nữa, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận ra tầm quan trọng của NCKH nên đã có nhiều hành động để thúc đẩy công tác này.
Nhưng hoạt động NCKH của chúng ta còn khá khiêm tốn. Chất lượng bài báo công bố quốc tế đang còn thấp (41% bài báo đã được đăng trong lĩnh vực Toán, Kỹ thuật không ai trích dẫn). Đầu tư cho NCKH cũng chưa được đồng bộ. Chúng ta cũng thiếu các trung tâm xuất sắc (hiện tại chỉ có một Trung tâm xuất sắc John Von Neumann vừa được thành lập tại ĐH Quốc gia TP.HCM trong năm 2010 - PV). Và hoạt động NCKH cũng đang thiếu sự đóng góp nhiều của Việt kiều, thành phần có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh công tác này.
Nạn “đạo văn” đang là vấn đề trong hoạt động NCKH tại VN. Theo GS, nên làm gì để hạn chế việc này?
Để cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới, hướng đi của công tác NCKH là chú trọng chất lượng chứ không phải số lượng | |
Ở những nước có hoạt động NCKH mạnh đều có một Hội đồng đạo đức. Chính Hội đồng đạo đức này sẽ thông qua đề cương nghiên cứu, xem cách làm, thông tin có vi phạm về đạo đức không. Một số nước, trong hội đồng này còn có cả đại diện của quần chúng. Bởi vậy, VN cũng cần có một Hội đồng đạo đức để thông qua những công trình NCKH mới có thể hạn chế tình trạng “đạo văn” như hiện nay.
Để đẩy mạnh công tác NCKH, nâng cao vị thế khoa học trên thế giới, trước mắt chúng ta cần phải làm gì, thưa GS?
Theo thống kê, hiện có đến 71% bài báo NCKH của VN công bố quốc tế là cộng tác với các nhà khoa học ngoài VN. Điều này một phần là do nước ta chưa có nhiều chuyên gia, giáo sư hàng đầu. Bởi vậy, hiện tại nên hợp tác nhiều với nước ngoài để tạo nên các công trình NCKH ấn tượng. Nhưng cũng không nên để mất quyền làm chủ của mình trong việc NCKH. Thái Lan trước kia cũng đi theo hướng này và hiện tại tần suất hợp tác đã giảm hơn cũng như làm chủ nhiều hơn với các công trình NCKH của mình.
Nguồn: GS Nguyển Văn Tuấn cung cấp |
Để cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới, hướng đi của công tác NCKH, theo tôi, là chú trọng chất lượng chứ không phải số lượng. Số lượng bài báo NCKH của chúng ta đang thua kém so với nhiều nước khác thì khi chúng ta tăng số lượng lên, các nước cũng sẽ tăng lên. Vì vậy, cần đầu tư vào những chương trình có hiệu quả nghiên cứu cao, phương án tốt, công bố tại những tập san khoa học có uy tín để nâng cao vị thế của chúng ta lên.
Dự định của GS trong tương lai về lĩnh vực NCKH nói riêng?
Tôi vẫn sẽ giúp đỡ các đồng nghiệp, nghiên cứu sinh công bố các bài báo khoa học, giảng dạy các khóa ngắn hạn. Tôi không đủ điều kiện về VN thường xuyên nhưng đã làm hết sức mình với việc góp tay cho khoa học nước nhà.
Trong tương lai, tôi mong sẽ thành lập được một trung tâm nghiên cứu y sinh học ngay tại VN, là nơi hội tụ nhiều chuyên gia về y sinh trong và ngoài nước làm những chương trình nghiên cứu có chất lượng. Có như vậy thì NCKH mới không bị phụ thuộc những quốc gia khác. Nhưng nói thật, với sức một mình tôi, điều ấy là khó vô cùng.
Đăng nhận xét