Ghi chép cuối năm 8: Bức tranh ảm đạm của nông thôn miền Tây
ead : 7 timesHôm nay là ngày mồng Bốn. Hết tết rồi! Tôi sẽ tiếp tục loạt bài ghi chếp cuối năm. Lần này tôi muốn ghi lại một số cảm nhận cá nhân về nông thôn miền Tây nam.
Nói đến nông thôn, chúng ta thường hay nghĩ đến một vùng đất đồng ruộng và cây trái xanh tươi, gió mát trăng thanh, những con đường làng mơ mộng, dòng sông lửng lờ, những con người hiền lành mộc mạc, v.v… Nhưng bức tranh nông thôn mà tôi cảm nhận được trong những năm gần đây thì hoàn toàn tương phản với những hình ảnh mà chúng ta từng có trong tâm tưởng hay kí ức của một thời xa xăm.
Tình trạng bùng nổ dân số dẫn đến mật độ dân số càng ngày càng cao. Theo một thống kê gần đây thì vùng Đồng bằng sông Cửu Long có một dân số lên đến 17 triệu, tăng gần gấp 2 lần so với 20 năm trước đây. Trong khi đó thì (dĩ nhiên) diện tích đất cố định, hay thậm chí diện tích đất cho cư dân càng ngày càng giảm. Do đó, không ai ngạc nhiên khi thấy mật độ dân số ở các tỉnh miền Tây tăng một cách chóng mặt. Nhà cửa ở vùng nông thôn mà san sát nhau, giống y chang như mật độ nhà cửa ở thành phố.
Ngày xưa ở làng tôi, xa xa mới có một căn nhà, nhưng ngày nay thì nhà cửa san sát nhau. Nhớ ngày còn đi học trường làng, cứ đến chân cầu là tôi phải dớn dác nhìn quanh, rồi ba chân bốn cẳng … chạy. Số là khu đầu voi gần cầu này có một bụi tre già, và người lớn tuổi trong làng hay kể nhau rằng nhiều khi có con ma mặc bộ đồ trắng ra nhát. Đám trẻ nhỏ chúng tôi nghe được câu chuyện, nên cứ mỗi lần đến đây là phải nhìn quanh rồi chạy, vì sợ ma nhát. Nay thì bụi tre không còn nữa, và thay vào đó là 6 căn nhà lớn nhỏ, thêm một quán cà phê vườn, trông rất … sầm uất.
Ở quê tôi, tình trạng nhà cửa xây dựng một cách vô qui hoạch tạo nên một khung cảnh nông thôn cực kì nham nhở, xấu xí. Chẳng nói đâu xa, gia đình của chị Hai D có 4 đứa con, và chúng lớn lên thì có gia đình; và thế là khu đất của chị được cắt thành 4 mảnh cho 4 gia đình mới. Tùy theo khả năng tài chính, có đứa thì xây nhà gạch, có đứa xây nhà gỗ, và có đứa nghèo hơn thì chỉ nhà tranh vách lá. Gia đình của chị Hai D chính là một bức tranh thu nhỏ của làng tôi. Có năm tôi về nhà tìm đường qua sông (vì nhà tôi ở bên kia sông) mà tôi không tìm ra được bến để xuống xuồng qua sông vì hai căn nhà mới mọc lên sát mé sông đã làm mất bến xuồng của tôi.
Ô nhiễm
Nhìn một cách tổng quan, một trong những vấn nạn lớn nhất của Việt Nam hiện nay là vấn đề ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm không chỉ ở thành thị, mà còn nghiêm trọng hơn là ở các vùng nông thôn. Dân số tăng, cơ sở hạ tầng còn kém và chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng, nên dẫn đến tình trạng ô nhiễm. Cơ sở hạ tầng tôi muốn nói ở đây là phương tiện xử lí rác. Không có một làng quê nào có phương tiện xử lí rác. Ngày xưa, khi còn nghèo, rác chủ yếu là rác hữu cơ và thường thường là tan rã sau vườn hay dưới sông, nên cũng chưa hẳn gây ô nhiễm trầm trọng. Còn bây giờ, người dân khá lên và dùng bao plastic thay cho tre hay lá chuối, nên tình trạng ô nhiễm vô cùng nghiêm trọng. Ở những thành phố lớn như Cần Thơ, chỉ có 60% rác được xử lí. Ở nông thôn, chưa biết con số này là bao nhiêu, nhưng tôi nghĩ chắc không đầy 10%.
Vì không có phương tiện xử lí rác, nên rác hữu cơ và vô cơ không vứt ngoài vườn, ngoài ruộng, thì cũng xuống sông. Có thể nói không ngoa rằng những con sông rạch ở miền Tây là những bãi rác khổng lồ. Ngày nay, đi bất cứ con sông nào trong vùng, tôi cũng thấy đủ thứ bao plastic và đồ ăn thức uống trôi lềnh bềnh. Đó là chưa kể đồ dùng trong nhà, từ chiếu giường đến lò bếp cũng có mặt trên sông. Thậm chí, xác gia cầm cũng vứt xuống sông! Con sông còn là bãi rác hóa học. Tất cả những thuốc trừ sâu và diệt cỏ sử dụng trên ruộng cũng đều theo nhau xuống sông. Trong những mùa lúa, dễ dàng thấy nước sông có những vệt nước giống như dầu (mà thực chất là thuốc hóa học trừ sâu). Ở quê tôi ngày nay không ai dám tắm sông. Tôi nghĩ rằng những con sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long là những con sông hoặc đang hấp hối hoặc đã chết.
Nước sông ô nhiễm dẫn đến thiếu nước sạch. Những con số làm cho chúng ta phải quan tâm: chỉ có trên dưới 30% các hộ nông thôn có cầu xí đạt tiêu chuẩn vệ sinh; chỉ có 50% hộ gia đình có nguồn “nước sạch”. Bởi vì không ai dám dùng nước sông cho sinh hoạt hàng ngày, nên người ta phải đào giếng. Nhưng ngay cả nước giếng cũng hàm chứa nhiều hóa học độc hại, kể cả arsenic. Không biết Việt Nam đã có nghiên cứu nào chưa, nhưng tôi đọc đâu đó thấy bên Thái Lan, việc đào giếng dẫn đến tình trạng đất bị lún, đến nổi chính quyền cấm không cho đào giếng nữa. Còn ở nước ta, hình như giải pháp đào giếng vẫn được chính quyền xem là thực tế nhất. Tại sao không suy nghĩ đến việc xây dựng những cây nước cho từng ấp như bên Mĩ vẫn làm?
Người Việt Nam chúng ta có văn hóa vào chứ không có văn hóa ra. Lo ăn uống mà không quan tâm đến đầu ra. Chúng ta xây nhà cửa, tòa nhà hoành tráng, nhưng đằng sau là một bãi rác khổng lồ. Nhà hàng phía trước thì rất trang trọng, nhưng phía sau thì toilet ôi thôi không tưởng tượng nổi. Hình như người Việt chỉ chú trọng bề ngoài, chứ phía sau thì rất bê bối. Tôi nghĩ có thể chính vì không có văn hóa đầu ra, nên người ta không ý thức được vấn đề vệ sinh và ô nhiễm, và dẫn đến tình trạng môi sinh bi đát như hiện nay. Hi vọng là tôi sai.
Vấn đề an ninh
Nói đến miền quê, chúng ta hay nghĩ đến một nơi an bình, nơi mà chòm xóm đùm bọc nhau khi có hoạn nạn. Có thể bức tranh đó chỉ đúng trong quá khư, chứ ngày nay, thật ra thì hình ảnh đó chỉ đúng một phần. Khi mật độ dân số tăng, tội phạm cũng tăng theo. Ở miền quê, khi thanh thiếu niên lớn lên và không có việc làm, họ quay sang ăn trộm, ăn cắp. Chẳng những nạn trộm cắp hoành hành, tình trạng bạo lực cũng càng ngày càng đáng ngại.
Thật vậy, nạn trộm cắp hoành hành khắp nơi ở quê tôi. Tất cả tài sản đều là đối tượng của trộm cắp. Gà, vịt, chó, thậm chí cả heo đều có thể bị trộm. Em tôi bỏ tiền ra nuôi vài trăm con cá điêu hồng trong cái ao sau nhà, nhưng cá chưa lớn thì đã bị ăn trộm câu sạch. Cây mít sau vườn không khi nào có trái để chủ nhà ăn, vì bọn ăn trộm đã hái trước khi bất cứ trái mít nào chín. Chuối, xoài, cam, quít, mận, bưởi, v.v… tất cả đều chịu chung số phận. Có nhà bực mình quá, nên phải bày một cái giường ngoài vườn để ngủ đêm, phòng ăn trộm!
Thủ phạm ăn trộm dưới quê thường là người làng bên, nhưng gần đây thì có xu hướng người Khmer bên Cambodia sang Việt Nam ăn trộm. Hôm nọ, nhà cậu tôi bị ăn trộm, nhưng vì nhà có nhiều người nên thủ phạm bị bắt. Hai tên trộm là người Khmer nhập cư bất hợp pháp (thật ra, họ đi từ biên giới Hà Tiên), không nói được tiếng Việt. Nhưng khi đến đồn công an có người nói tiếng Khmer thì hai anh chàng nói là … câm điếc. :-) Tình trạng trộm cắp ở miệt vườn đã trở nên quá phổ biến, đến nổi người dân chấp nhận sống chung như sống với lũ.
Ăn trộm chưa nguy hiểm bằng đâm chém. Chưa bao giờ làng quê của tôi có những băng đảng đâm chém nhau như ngày nay. Người dân làng vẫn còn nhớ những trận đánh nhau kinh hoàng và đẩm máu mà công an xã cũng không dám can thiệp, phải “cầu viện” lực lượng cảnh sát cơ động để giải quyết. Phần lớn những băng đảng này là nhưng thanh thiếu niên mới lớn, có khi là con các … quan lớn. Chúng dùng xe gắn máy đi gây sự với những ai chúng không ưa thích. Vũ khí chúng thường dùng là súng, dao, kiếm, có thể gây tác hại tối đa cho nạn nhân. Lễ Nobel vừa qua, vị linh mục làng tôi không dám tổ chức lễ khuya như mọi năm, vì có tin các băng đảng sẽ lợi dụng lễ để thanh toán nhau. Thật là khó tưởng tượng nổi một làng quê êm đềm ngày nào mà bây giờ là một nơi có tiềm năng trở thành bãi chiến trường cho bọn côn đồ!
Không biết đã có những nghiên cứu nào về tình trạng bạo lực ở nông thôn hay chưa, nhưng tôi nghĩ đây là vấn đề nghiêm trọng. Tình trạng bạo lực và cái ác đang lan tràn là một tín hiệu cho thấy đạo đức xã hội đang xuống cấp đến mức báo động. Có giả thuyết cho rằng vì vai trò của tôn giáo càng ngày càng mờ nhạt trong xã hội, nên mới dẫn đến tình trạng suy đồi đạo đức xã hội như hiện nay. Trong một thời gian dài, hoạt động tôn giáo bị đàn áp hay hạn chế. Chúng ta không có những đoàn thanh niên Phật tử, không có đoàn thể thanh niên của Công giáo. Ngay cả đoàn thể như Hướng đạo cũng bị cấm một thời gian dài. Trong khi đó, đại đa số thanh niên không thiết tha gì đến việc tham gia (chứ chưa nói sinh hoạt trong) các đoàn thanh niên mang màu sắc chính trị như Đoàn Thanh niên Cộng sản. Hệ quả là thanh niên ngày nay mất định hướng đạo đức xã hội. Tôi nghĩ giả thuyết đó cũng đúng, nhưng tôi nghĩ suy cho cùng, văn hóa là mầm mống của tất cả. (Cố nhiên, văn hóa bao gồm cả tôn giáo, vì tôn giáo là một thành tố làm nên văn hóa). Vì thiếu cái phông nền văn hóa, nên thanh thiếu niên không nhận dạng được lằn ranh giữa cái ác và cái thiện, và cộng với thiếu trình độ văn hóa, họ sẵn sàng sử dụng bạo lực để giải quyết những xung đột cá nhân.
Giáo dục
Nói về thực trạng giáo dục ở miền Tây, có lẽ bài sau đây (trên Người lado động) cung cấp cho chúng ta vài con số đầy đủ hơn là những nhận xét cá nhân:
ĐBSCL: vùng “trũng” giáo dục Tỉ lệ chưa đi học còn cao Theo số liệu điều tra dân số năm 2009, nước ta còn 4 triệu người chưa bao giờ đi học, chiếm 5% tổng số dân. Số người 15 tuổi trở lên chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật chiếm tỉ lệ 86,7%. Trong đó, cao nhất là ở ĐBSCL (93,4%) và thấp nhất là ở đồng bằng sông Hồng (80,6%). ĐBSCL gồm 13 tỉnh, TP từ Long An đến Cà Mau với dân số 17.213.400 người. Tại hội nghị các tỉnh, TP ĐBSCL bàn về nguồn nhân lực tổ chức ngày 4-12-2010 ở TP Cần Thơ, UBND TP Cần Thơ đã báo cáo năm 2010, trong lực lượng lao động của TP trung tâm ĐBSCL này có 4,9% số người chưa bao giờ đi học; 22,5% chưa tốt nghiệp tiểu học. Tổng cộng, tỉ lệ chưa bao giờ đi học và chưa tốt nghiệp tiểu học là 27,4%. An Giang có dân số cao nhất vùng ĐBSCL (2.149.200 người) và cũng là tỉnh trọng điểm sản xuất lúa. Theo báo cáo của tỉnh này, năm 2009, trong số người 15 tuổi trở lên có tới 10,3% chưa bao giờ đi học; 31,7% chưa tốt nghiệp tiểu học. Còn tại tỉnh Trà Vinh, trong số lao động đang làm việc có đến 15% chưa bao giờ đến trường hoặc chưa tốt nghiệp tiểu học. Nếu tổng cộng toàn vùng ĐBSCL thì có đến 6,9% số người từ 15 tuổi trở lên chưa đi học (chiếm gần 1 triệu người) và 26,7% chưa tốt nghiệp tiểu học (gần 3,5 triệu người). Cộng số chưa đi học và số chưa tốt nghiệp tiểu học là 33,6% (4,5 triệu người) - con số khiến chúng ta phải trăn trở. Trình độ nghề nghiệp thấp Do tỉ lệ người chưa đi học và chưa tốt nghiệp tiểu học tại ĐBSCL còn cao nên dẫn đến hậu quả là trình độ nghề nghiệp cũng thấp hoặc không có nghề. Tỉnh An Giang có đến 94,2% số người từ 15 tuổi trở lên chưa được đào tạo nghề. Tỉ lệ này ở tỉnh Trà Vinh là 74,5%. Tỉ lệ chưa được đào tạo nghề của toàn vùng ĐBSCL lên đến 93,4%. Số lao động được đào tạo chủ yếu là ngắn ngày (32,8%). Trong đó, trình độ CĐ trở lên chỉ 2,6% và thực tế số người được đào tạo trình độ ĐH, CĐ lại phần lớn là hệ tại chức. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, ĐBSCL hiện có 11 trường ĐH, 1 phân hiệu ĐH và 27 trường CĐ. Năm 2010, toàn vùng có 166.111 sinh viên. Điểm đáng lưu ý là sinh viên hệ tại chức chiếm tỉ lệ rất cao so với hệ chính quy. Cụ thể, ở Trường ĐH Trà Vinh, tỉ lệ này là 177,9%. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, vào thời điểm năm 2009, cứ 1 vạn dân ĐBSCL thì có 71,5 sinh viên ĐH, CĐ. Đây là tỉ lệ thấp nhất khi so với các vùng trong cả nước (đồng bằng sông Hồng là 370 sinh viên/vạn dân, trung du và miền núi phía Bắc: 108 sinh viên/vạn dân, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 169 sinh viên/vạn dân, Đông Nam Bộ là 344 sinh viên/vạn dân). Từ cơ sở học vấn của người lao động còn thấp nên rất dễ lý giải vì sao năng suất lao động và thu nhập đầu người của ĐBSCL vẫn thấp hơn so với các khu vực khác.” Trích báo nld.com.vn |
Những con số được trình bày một cách rối rắm, nhưng đọc kĩ thì thấy vài xu hướng rất đáng lo ngại:
- Gần 7% người trên 15 tuổi (tức gần 1 triệu người) chưa đi học;
- 27% (4.5 triệu người) chưa tốt nghiệp tiểu học;
- Tỉ lệ sinh viên trên 10,000 dân là 71.5, thấp nhất nước. Như vậy toàn vùng ĐBSCL chỉ có 121,500 sinh viên.
Nhưng nói chung đời sống của người nông dân vẫn còn nhiều khó khăn. Trong khi nhiều người khá lên thì cũng có nhiều người khác dậm chân tại chỗ, thậm chí thiếu ăn. Sau thời kì bao cấp hợp tác xã, Nhà nước có chia ruộng cho những gia đình nào chưa có ruộng. Thông thường một gia đình được chia khoảng 3 đến 5 công đất để trồng lúa. Nhưng sau một thời gian, nhiều gia đình không có khả năng tài chính để duy trì ruộng, và phải bán cho những gia đình có tiền của trong xóm. Trắng tay lại hoàn trắng tay. Họ quay sang nghề cũ là làm mướn. Mỗi ngày làm mướn chỉ được 30.000 – 50.000 đồng, tức trên dưới 2-3 Mĩ kim. Với một thu nhập khiêm tốn như thế, họ chỉ sống qua ngày ...
Hai trong những vấn đề lớn nhất của nông dân hiện nay là y tế và giáo dục. Hệ thống y tế nông thôn trước đây gần như là không có, cho nên sau này, xây dựng một hệ thống y tế dự phòng ở nông thôn đòi hỏi một chi phí rất lớn. Ngay cả hiện nay, nhiều làng xã không có cơ sở y tế. Xã tôi may mắn hơn vì có một trạm y tế (do một người Đức, có vợ là một cô gái trong làng, xây và tài trợ) và có bác sĩ, y sĩ chăm sóc những bệnh thông thường cho bà con. Thành ra, khi có vấn đề sức khỏe, người dân phải hoặc là đi bệnh viện huyện hay bệnh viện tỉnh. Cả tỉnh chỉ có một bệnh viện đa khoa duy nhất (khoảng 1000 giường). Tuy số giường không phải là nhỏ so với các bệnh viện Tây phương, nhưng vì dân số liên tục gia tăng, nên bệnh viện này càng ngày càng lâm vào tình trạng quá tải. Có khi, như đề cập ở một bài viết khác, 2, 3 người bệnh phải nằm chung một giường!
Trong khi thu nhập của nông dân hết sức khiêm tốn, thì chi phí chữa trị bệnh tật lại cực kì đắt đỏ. Ngày nay, người dân không bị bệnh truyền nhiễm, mà những bệnh liên quan đến ăn uống và thừa thải thực phẩm. Những bệnh thường hay gặp nhất ở nông thôn ngày nay là: cao huyết áp, tiểu đường, khớp xương, tim mạch và tai biến mạch máu não. Mỗi lần đi khám bệnh, chi phí bác sĩ thì không bao nhiêu, nhưng cái toa thuốc kèm theo mới làm cho nhiều gia đình điêu đứng, méo mặt. Chẳng hạn như dì tôi bị bệnh tiểu đường, mỗi lần đi khám bác sĩ đều có một toa thuốc trị giá 600.000 đồng có thể dùng trong vòng 1 tháng. Đó là chưa kể các dịch vụ thử nghiệm khác, cũng tốn khoảng 100.000 đồng một lần. Một người nông dân làm trung bình 1 tháng chưa chắc đủ tiền để trang trải toa thuốc này. Chính phủ chẳng có tài trợ gì, người dân phải tự lo liệu lấy.
Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cứ 10.000 dân số có 18 giường bệnh, trong khi đó chỉ số cho cả nước là 35 giường. Ngoài ra, sự thiếu thốn về dụng cụ y khoa vẫn còn triền miên. Nhưng một vấn đề khó khăn khác là nhân sự trong hệ thống y tế còn thiếu nghiêm trọng.
Đời sống của người nông dân nói chung là một cuộc đấu tranh liên tục. Đấu tranh chống cái nghèo. Đấu tranh chống lại thiên nhiên. Mấy năm trước đây là họa ốc bưu vàng. Nay thì sâu rầy đang làm bà con khốn đốn. Muốn chống lại sâu rầy, bà con phải tiêu ra hàng nửa triệu đồng (một số tiền không phải là nhỏ) để mua thuốc trừ sâu. Cái khó trong việc trừ sâu là càng dùng thuốc mạnh, thì sâu rầy càng biến hóa đề kháng thuốc, và nông dân càng dùng thuốc mạnh hơn. Mà nếu dùng thuốc quá mạnh thì sẽ làm cho chết cá, một mối nguy cơ đối với người nông dân. Nói như một anh hàng xóm, “Sâu nó cũng như người mình vậy, nó cũng tìm cách thích nghi và sống sót, biết bao giờ mới xóa bỏ được nó.” Nhà nước có chương trình giáo dục về cách dùng thuốc trừ sâu, thậm chí có lệnh cấm dùng những thuốc có hại đến cá và môi trường, nhưng bà con vẫn cứ liều, bị phạt thì chịu, chứ để chết lúa thì chắc là không. Các nhà khoa học nông nghiệp cũng khá thành công trong việc nghiên cứu thuốc trừ sâu mới an toàn cho môi trường, nhưng thường thường họ đi sau con sâu khoảng 1 đến 2 năm! Bài toán trừ sâu thật là nan giải.
Với chi phí sản xuất càng ngày càng tăng, mà sản lượng lúa và giá lúa thì gần như chẳng có gì thay đổi, nên dẫn đến tình trạng thu nhập càng ngày càng ít. Theo một thống kê mà tôi đọc được gần đây, mặc dù Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực dẫn đầu về sản xuất lúa gạo, nông sản, hải sản cho cả nước, và có lẽ cũng là một trong những trung tâm sản xuất lúa gạo lớn trên thế giới, nhưng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội ở đây nói chung còn thấp so với các vùng khác trong nước. Mỗi, số lượng gạo xuất khẩu từ vùng ĐBSCL là 4 triệu tấn, đem về hàng tỉ USD cho cả nước. Dĩ nhiên, thành tích này là do sự đóng góp từ nông dân vùng ĐBSCL. Nhưng trớ trêu thay, chỉ có 15% số tiền này là đến tay người nông dân, một số lớn (45%) lại nằm trong tay các công ty quốc doanh, và phần còn lại lọt về các tay trung gian buôn bán. Thật là hết sức bất công!
Chả thế mà vùng đất vốn mang tiếng "thừa gạo", nhưng lại bị thiệt thòi hầu như trên mọi mặt, thua kém các vùng khác trên hầu hết mọi chỉ số về kinh tế và xã hội. Thực ra, đối với phần đông bà con vùng ĐBSCL, hai chữ "thừa gạo" là một sỉ nhục. Theo một nghiên cứu gần đây của trường đại học Cần Thơ, khoảng 60% dân số thiếu gạo ăn từ 4 tới 5 tháng. Hơn ba phần tư dân chúng vẫn còn ở nhà tranh vách lá. Thu nhập quân bình của bà con trong vùng cũng thấp hơn cả nước và không theo đuổi kịp lạm phát. Do đó, dù nông thôn ĐBSCL đã phát triển và còn đang phát triển nhanh, đời sống dân khá hơn trước nhiều, trường học phát triển nhiều, hệ thống y tế cũng về đến tận làng xã, v.v…. nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Đăng nhận xét