Lại chuyện bầu viện sĩ

Nạn mua bán danh xưng khoa bảng là một chuyện buồn giáo dục ở nước ta. Mấy năm trước tình trạng này đã xảy ra và có nhiều người, kể cả tôi, cảnh báo, nhưng hình như tình trạng này vẫn còn tiếp diễn. Tiêu biểu nhất là bản tin dưới đây trên báo Nhân Dân về một giáo sư được ABI phong viện sĩ.



ABI, nếu dịch sang tiếng Việt, thì rất trang trọng. ABI là viết tắt của American Biographical Institute, tiếng Việt có thể dịch là Viện tiểu sử Hoa Kì (chứ không có chữ nào gọi là “quốc tế” như bài báo trên tờ Nhân Dân dịch).  Danh từ “Viện” nghe rất trang trọng. Đây chính là chỗ đã “bầu” một giáo sư răng hàm mặt Việt Nam làm viện sĩ.  Nhưng để biết đó là một tin mừng hay không thì có lẽ chúng ta cần phải xem xét ABI là ai.

Những ai làm trong khoa bảng đều biết ABI không phải là một viện khoa học nghiêm chỉnh.  Nhưng để cho chắc ăn, chúng ta thử xem wikipedia nói gì về ABI.  Trong mục American Biographical Institute, wikipedia viết như sau: “The American Biographical Institute (ABI) is a paid-inclusion biographical reference directory publisher basedin Raleigh, North Carolina which has been publishing biographies since 1967. It generates revenue from sales of certificates and books.  Its awards are frequently denounced as scams by politicians, journalists, and others.”  (Tạm dịch: Viện tiểu sử Hoa Kì (ABI) là một nhà xuất bản danh mục tham khảo, mà những người có tên trong danh mục phải trả tiền.  ABI có trụ sở ở Raleigh, bang North Carolina, và đã hành nghề xuất bản tiểu sử từ năm 1967. Thu nhập của ABI là từ việc bán các giấy chứng chỉ và sách. Những giải thưởng của ABI thường bị giới chính trị gia và nhà báo tố cáo là lường gạt.)  Trong mục này, wikipedia còn mô tả chi tiết các thương vụ của ABI như cấp các chứng chỉ cho những cá nhân với những danh hiệu cao quí và rất “kêu” như "International Man of the Year" (Nhân vật quốc tế trong năm), "Most Admired Man of the Decade" (Nhân vật được ngưỡng mộ nhất trong thập niên), hay "Outstanding Man of the 21st Century" (Nhân vật xuất sắc của thế kỉ 21).  Wikipedia còn cho chúng ta xem lá thư mẫu mà ABI gửi đến người được “bầu”.  Chú ý mặt trái của lá thư là người được bầu phải cung cấp tài khoản, số thẻ tín dụng để trả tiền để được “bầu” vào những danh xưng vừa đề cập.

File:Letter from American Biographical Institute 150dpi front page.jpg
Một lá thư "câu khách" của ABI (nguồn: wikipedia)
File:Letter from American Biographical Institute 150dpi.jpg
Phía sau của lá thư là chi tiết thanh toán tiền! (Nguồn: wikipedia)


Dựa vào những thông tin trên của wikipedia, rất có thể vị giáo sư của chúng ta là một nạn nhân mua bán danh xưng của ABI. Thật ra, đây là lần thứ hai vị giáo sư này nhận được danh dự của ABI.  Năm 2007, một bản tin khác cho biết ông được bầu làm “Nhân vật của năm 2007”.  Có thể xem đây là trường hợp nạn nhân lần thứ hai?

Cách đây vài năm, tôi có viết một bài trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn cảnh báo về nạn buôn bán danh xưng khoa bảng.  Tuy bài viết đó được nhiều báo in lại, nhưng thỉnh thoảng còn nhiều trường hợp sa đà vào cái bẫy của các cơ sở kinh doanh danh xưng khoa bảng.  Ngoài ABI, còn có nhiều doanh nghiệp khác cũng kinh doanh danh xưng, như IBC (International Biographical Centre, từng hợp tác với ABI) , UCC, WAL, Who is Who, Marquis Who is Who, Manchester Who's Who Registries, Empire Executive and Professional Registry, v.v… Những doanh nghiệp này đã từng bị báo chí phương Tây tố cáo là bịp bợm.  Do đó, họ đã dần dần mất “thị trường” ở các nước phương Tây, và họ đang tìm ra thị trường mới ở các nước còn hạn chế thông tin như ở nước ta và các nước đang phát triển. Ở những nước này, với văn hóa “phải có danh gì với núi sông”, danh xưng là một yếu tố để thăng tiến trong sự nghiệp, và đó chính là những thị trường lí tưởng cho các doanh nghiệp như ABI.

Do đó, không ngạc nhiên khi thấy là nạn nhân của các công ti như thế có khi là những người có quyền thế tột đỉnh.  Những người như Yahya Jammeh (tổng thống Gambia) và Benazir Bhutto (cố thủ tướng Pakistan) từng được ABI bầu làm nhân vật xuất sắc trong năm!  Có điều khá khôi hài là cả Mark Twain và  Martin Luther King được liệt kê trong danh sách Great Minds of the 21st Century (Những bộ óc vĩ đại của thế kỉ 21) dù cả hai đều qua đời trong thế kỉ 20!  Nói tóm lại, các doanh nghiệp này chẳng cần nội dung ra sao, họ chỉ quan tâm đến cái thẻ tín dụng và cái giá mà cá nhân được bầu phải chi trả cho họ.

Việc vinh danh hay trao tặng giải thưởng là một hình thức ghi nhận đóng góp của một cá nhân.  Trong các ngành chuyên môn, đóng góp của một nhà khoa bảng có thể là thành tựu giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học, đóng góp cho cộng đồng quốc gia và quốc tế, đóng góp cho chuyên ngành, v.v… Những thành tựu và đóng góp phải là những gì công chúng và đồng nghiệp biết, thấy và cảm nhận được.  Chẳng hạn như thành tựu nghiên cứu khoa học phải được thể hiện qua những công trình được công bố trên những tập san khoa học quốc gia và quốc tế, hay đóng góp cho chuyên ngành qua những hoạt động nhằm nâng cao uy tín của ngành và đào tạo thế hệ mới.  Những thành tựu và đóng góp như thế phải cần thời gian để đồng nghiệp và công chúng có thể cảm nhận và ghi nhận, chứ không thể chỉ một sớm một chiều được.  Giải Nobel y học thường được trao cho những nhà khoa học với công trình nghiên cứu đã công bố cả 30 năm trước.  Thật khó tưởng tượng một nhà khoa học được vinh danh mà không có “chứng từ” về thành tựu khoa học trên trường quốc tế.

Cũng như uy tín của chức danh giáo sư tùy thuộc vào tên trường đại học, giải thưởng cũng tùy thuộc vào tổ chức trao tặng.  Một người được đề bạt chức danh giáo sư từ trường đại học Harvard phải rất khác với một cá nhân với chức danh tương tự của trường Mahidol bên Thái Lan (chỉ là ví dụ).  Ở đây, chức danh giáo sư phải đi kèm theo tên trường đại học thì người ta mới biết uy tín của cá nhân đó ra sao.  Tương tự, văn bằng tiến sĩ từ Mã Lai có uy danh khác với một văn bằng tương tự của trường Stanford.  Và, theo đó, giải thưởng Nobel Hòa bình phải khác với giải thưởng của ABI.

Trong khoa học, việc vinh danh thường được phong tặng bởi các tổ chức nghiêm chỉnh như đại học và hiệp hội chuyên môn.  Những hiệp hội chuyên môn thường có hợi nghị thường niên, và người ta bình bầu và công bố nhà khoa học được vinh danh trong năm.  Đó mới chính là những vinh danh có giá trị.  Cái giá trị chính của việc vinh danh như thế là nó được đồng nghiệp (thông qua ban chấp hành hiệp hội chuyên môn) công nhận, và chỉ có đồng nghiệp mới đánh giá được thành tựu của nhà khoa học.  Một doanh nghiệp như ABI không có cái “prestige” của một hiệp hội chuyên môn thì không có tư cách để trao tặng giải thưởng hay vinh danh nhà khoa học được.  Do đó, những giải thưởng và vinh danh của các doanh nghiệp buôn bán danh xưng như ABI đã trở thành chuyện đàm tiếu trong cộng đồng khoa học.

Các nhà khoa học Việt Nam không cần phải có tên (và tốn tiền) trong các danh bạ của các doanh nghiệp như ABI. Những "giải thưởng" và danh xưng của các doanh nghiệp này chắc chắn không có uy tín bằng những giải thưởng của chính các hiệp hội VN trao tặng. Hi vọng rằng trong tương lai các giáo sư Việt Nam không là những nạn nhân của các doanh nghiệp buôn bán danh xưng và giải thưởng.

NVT
====

http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/khoa-hoc/khoa-h-c/giao-s-ti-n-s-tr-n-v-n-tr-ng-c-b-u-la-vi-n-s-c-a-vi-n-ti-u-s-qu-c-t-hoa-k-abi-1.283747#dqoQGgxcPM4D

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Trường được bầu là Viện sĩ của Viện tiểu sử quốc tế Hoa Kỳ (ABI)

Cập nhật lúc 04:16, Thứ bảy, 29/01/2011 (GMT+7)

Giáo sư, Tiến sĩ (GS, TS) Trần Văn Trường, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt (RHM) Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện RHM quốc gia, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học RHM vừa được Viện tiểu sử quốc tế Hoa Kỳ (ABI) bầu là Viện sĩ do những công trình nghiên cứu và thành tựu xuất sắc về khoa học - kỹ thuật y học cống hiến cho xã hội.

GS, TS Trần Văn Trường là nhà khoa học, giáo dục giảng dạy lâu năm trong nước và quốc tế đã đào tạo nhiều chuyên gia cao cấp RHM trong nước và quốc tế, biên soạn và xuất bản nhiều sách chuyên khảo, giáo trình, nghiên cứu, chuyên đề về RHM bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Giáo sư là Ủy viên của các tổ chức quốc tế như Liên đoàn nha khoa quốc tế (FDI), Hội Ðại học nha khoa quốc tế Hoa Kỳ (ADI), Hội hợp tác nha khoa quốc tế vùng sông Mê Công (DCMR), Diễn đàn nha khoa Ðông - Nam Á (AFD)... Giáo sư đã và đang hợp tác với nhiều nước và tổ chức y tế thế giới (WHO) tổ chức thành công các chương trình chăm sóc sức khỏe răng miệng cộng đồng (Public dental health), răng miệng học đường (School dental health), phẫu thuật hàm mặt, điều trị kết quả ung thư hàm mặt, phẫu thuật khe hở môi - vòm miệng miễn phí cho hàng triệu nhân dân, trẻ em trong cả nước.


http://www.khoahoc.com.vn/cau-chuyen/18591_GS-TS-Tran-Van-Truong-duoc-ABI-bau-chon-la-nhan-vat-cua-nam-2007.aspx

GS, TS Trần Văn Trường được ABI bầu chọn là nhân vật của năm 2007

Cập nhật lúc 11h29' ngày 12/12/2007

GS, TS Trần Văn Trường, Chủ tịch Hội Răng hàm mặt Việt Nam, Giáo sư của Trường đại học Răng hàm mặt vừa được Viện Tiểu sử quốc tế Hoa Kỳ (ABI) bầu chọn là "Nhân vật của năm 2007" do những thành tựu nghiên cứu khoa học và cống hiến xuất sắc cho cộng đồng và chuyên ngành răng hàm mặt trong nước và quốc tế.
GS, TS Trần Văn Trường là nhà khoa học và giáo dục, giảng dạy lâu năm, có nhiều uy tín trong nước và quốc tế, đã giảng dạy và đào tạo nhiều chuyên gia cao cấp răng hàm mặt trong nước và nước ngoài.

Giáo sư là Ủy viên của các tổ chức quốc tế như Liên đoàn Nha khoa quốc tế (FDI), Hội Đại học Nha khoa quốc tế Hoa Kỳ (ADI), Hội Hợp tác Nha khoa quốc tế vùng sông Mê Công (IDCMR), v.v. Giáo sư đã giảng dạy nhiều năm ở các trường đại học nha khoa quốc tế và trong nước, biên soạn và xuất bản hàng chục công trình nghiên cứu khoa học, sách chuyên khảo đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế.

Giáo sư đã hợp tác với nhiều nước và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), FDI, v.v. tổ chức thành công các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng như Nha khoa học đường, Nha khoa cộng đồng (Public dental health), chăm sóc răng miệng cho hàng triệu học sinh và nhân dân các vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, v.v. hạ thấp nhanh tỷ lệ người mắc các bệnh răng miệng đang rất cao ở nước ta.
Giáo sư còn là người đề xướng và tổ chức hợp tác quốc tế về phẫu thuật nhân đạo cho hàng nghìn trẻ em bị khuyết tật khe hở môi - vòm miệng trong cả nước.

Do có nhiều công trình nghiên cứu khoa học y học, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hợp tác quốc tế về các lĩnh vực giảng dạy và điều trị, nên năm 2007, GS, TS Trần Văn Trường được Viện ABI Hoa Kỳ bầu chọn và ghi danh vào sách "Những nhà trí tuệ lớn của thế kỷ 21" (Great Minds), Viện Tiểu sử quốc tế Anh (IBC) bầu chọn và ghi danh vào sách "2.000 nhà trí thức xuất sắc" (Outstanding intellectuals) của thế kỷ 21.

Đăng nhận xét

item