Trích dẫn và đạo văn

http://img.ehow.com/article-page-main/ehow-uk/images/a04/q3/ms/avoid-plagiarism-citation-800x800.jpg
Entry này được viết ra chỉ vì câu bình luận sau đây trên báo Người lao động: “Trong nghiên cứu khoa học, ai cũng biết một luật bất thành văn là luận án TS không thể nào trích dẫn, tham khảo tài liệu ở những công trình có học vị thấp hơn.” Thật ra, không có qui định nào như thế cả. Khoa học là bình đẳng.


Vấn đề đạo văn ở Việt Nam là vấn đề thời sự.  Tháng 10 năm ngoái xảy ra một vụ tai tiếng về một nhóm tác giả với 3 bài báo khoa học bị rút lại sau khi đã công bố trên một tập san quốc tế.  Trước đó, cũng xảy ra nhiều vụ tai tiếng chỉ giới hạn trong nước, và theo thời gian chìm vào quên lãng.  Nhưng mới đây báo Người lao động nêu vấn đề đạo văn qua vài trường hợp cụ thể.  Những trường hợp được nêu có lẽ chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm.  Nạn đạo văn ở nước nào cũng khá phổ biến, nhưng ở nước ta cường độ thì có lẽ cao hơn nhiều so với các nước khác.  Vấn đề là chúng ta cần phải tìm hiểu nguyên nhân và “yếu tố nguy cơ” để có biện pháp giảm tình trạng đạo văn.

Khi nào cần trích dẫn ?

Một trong những nguyên nhân của đạo văn là không biết trích dẫn.  Kinh nghiệm của tôi cho thấy nhiều học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, thậm chí … giáo sư chưa quen với phương pháp trích dẫn.  Điển hình cho hiểu lầm về trích dẫn là phát biểu sau đây mà bài báo trên Người lao động trích nguyên văn: “Nguyên tắc nghiên cứu khoa học, khi đã sử dụng dù chỉ một từ vẫn phải có trích dẫn chữ dùng của ai.” Tôi e rằng người phát biểu câu này nói hơi … quá lời.  Thật ra, không có nguyên tắc nào đòi hỏi người ta phải trích dẫn nếu sử dụng chỉ 1 từ cả, ngoại trừ đó là một thuật ngữ đặc biệt chưa được nhiều người biết đến.  Tuy nhiên, có qui ước: khi dùng hay sao chép hơn 3 hay 4 từ liên tục từ một nguồn thì cần phải để trong ngoặc kép hoặc đề nguồn.

Một hiểu lầm khác cũng xuất hiện, khi có ý kiến rằng “Trong nghiên cứu khoa học, ai cũng biết một luật bất thành văn là luận án TS không thể nào trích dẫn, tham khảo tài liệu ở những công trình có học vị thấp hơn. Một luận án TS mà dựa trên nghiên cứu, quan điểm của sinh viên thì khó chấp nhận.”  Tôi có thể khẳng định rằng không có qui định thành văn hay bất thành văn nào như thế cả.  Rất nhiều tập san khoa học quốc tế không cho phép tác giả đề học vị và chức danh.  Do đó, một công trình nghiên cứu trên tập san khoa học như thế, làm sao chúng ta biết tác giả đó có bằng cử nhân hay tiến sĩ?  Thật ra, khoa học rất bình đẳng trong tri thức, và trích dẫn trong khoa học không phân biệt đẳng cấp và học vị của tác giả của nguồn thông tin.

Vậy câu hỏi đặt ra là khi nào thì cần phải trích dẫn?  Theo qui định chung, tác giả cần phải trích dẫn và cung cấp tài liệu tham khảo khi:

  • Lấy nguyên văn một câu hay đoạn văn.  Đây là nguyên tắc mà có lẽ ai cũng biết.  Ví dụ:

A WHO Expert Consultation states that “overweight (≥ 25 kg/m2) corresponded to 31-39%” (WHO Expert Consutation, 2004).

thì câu viết nghiêng là nguyên văn của bản báo cáo, và thông tin trong ngoặc đơn là nguồn báo cáo, thường là tác giả và năm công bố.

  • Tóm lược và diễn đạt lại ý của tác giả gốc. Trong khoa học thực nghiệm, ít khi nào nhà khoa học chịu lấy nguyên văn của tác giả khác (vốn rất phổ biến trong khoa học xã hội), mà chỉ viết lại ý chính của tác giả trước, ví dụ như:
Low bone mineral density is a robust risk factor for fragility fracture (Nguyen et al, 1997)

Trong câu trên, câu Low bone mineral density is a robust risk factor for fragility fracture câu văn của tác giả bài báo tóm lược ý chính trong bài báo của Nguyen và đồng nghiệp công bố vào năm 1997.

  • Trích những dữ liệu thống kê.  Vì con số thống kê là trái tim, là linh hồn của một bài báo khoa học, nên nếu tác giả trích con số của người khác thì phải cung cấp nguồn rõ ràng.
The prevalence of osteoporosis in Asian women aged 50 years and above ranged between 17% and 30% [1]

Ngay cả những con số đơn giản cũng phải đề nguồn:

Recent statistics indicated that during 1997-2004 there were ~48,500 cases of TB (or 70 per 100,000 population), and the incidence increased by around 0.2% per year, which occurred mainly in rural areas [3]

Trong cả hai ví dụ trên [1] và [3] là số của tài liệu tham khảo được liệt kê trong phần tài liệu tham khảo.

  • In lại những biểu đồ, hình ảnh.  Bất cứ hình hay biểu đồ nào được in lại trong sách, hay trong một bài báo khoa học, hay trong một slide mà không phải của tác giả thì bắt buộc phải đề nguồn.
  • Trình bày những diễn giải mang tính tranh cãi.  Một dữ liệu hay kết quả có thể được hiểu và diễn giải bằng nhiều cách khác nhau, vì người diễn giải dựa vào lăng kính khác.  Do đó, những diễn giải dữ liệu vẫn còn trong vòng tranh cãi cũng cần phải được trích dẫn và ghi nguồn.  Ví dụ:
The relationship between animal protein and bone health has been controversial.  It has long been hypothesized, but remained to be confirmed, that a high animal protein diet exerts a negative effect on bone health, because it generates a high endogenous acid load that would require buffering from bone, thus increasing bone resorption [10]

  • Trình bày kết quả nghiên cứu của người khác. Trong bài báo khoa học, có khi tác giả cần phải so sánh với kết quả của đồng nghiệp, và trong trường hợp này thì phải cung cấp tài liệu tham khảo.  Ví dụ:
The present result is consistent with a previous observation that each standard deviation decrease in BMD was associated with a 1.45-fold increase in the risk of osteoporotic fracture (Kanis, et al, 2005)


Khi nào không cần trích dẫn ?

Ai cũng biết rằng bất cứ tác giả đề cập đến thông tin từ ngoài thì tác giả phải trích dẫn nguồn thông tin.  Nhưng cũng có trường hợp tác giả không cần phải đề nguồn.  Có hai trường hợp chính:

Lí luận, ý tưởng hay thông tin của chính tác giả. Trường hợp này quá hiển nhiên.  Nếu là phát kiến của chính tác giả thì không cần trích dẫn.

Thông tin là một “common knowledge”, tức hiểu theo nghĩa “nhiều người biết”.  Những thông tin được xem là kiến thức phổ quát thì không cần trích dẫn.  Nhưng xác định thế nào là kiến thức phổ quát có khi không dễ dàng chút nào, bởi vì đường ranh giữa kiến thức phổ quát và kiến thức cần trích dẫn, mà ngay cả các chuyên gia về đạo văn cũng không đồng ý với nhau.  Chẳng hạn như nếu tôi viết Smoking is a cause of lung cancer thì có lẽ ai cũng đồng ý là common knowledge, nhưng vẫn có người trong khoa học đòi hỏi câu đó phải được trích dẫn nguồn.

Mặc dù không có tiêu chí cụ thể thế nào là kiến thức phổ quát, nhưng có 2 tiêu chí thường được sử dụng thường xuyên là: lượng thông tin và sự phổ biến. Trước hết là lượng thông tin.  Nhiều chuyên gia cho rằng một thông tin được xem là phổ quát nếu thông tin đó có thể tìm thấy từ 5 nguồn độc lập.  Kế đến là tiêu chí về phổ biến liên quan đến thông tin đó đã được nhiều người trong chuyên ngành biết hay chấp nhận.  Ví dụ câu

Many countries require that food labels announce genetically modified ingredients
được xem là common knowledge, và tác giả không cần trích dẫn.

Tương tự, Smoking is a cause of lung cancer có thể không cần trích dẫn, nhưng nếu viết cigarette smoking is associated with a three-fold increase in the risk of lung cancer thì cần phải trích dẫn, bởi vì có đề cập đến con số ở đây.  Tương tự, nếu câu

Previous research has shown that the slower kinetics observed during transitions from an elevated baseline metabolic rate were related to a slower adjustment of cardiac output and hence muscle O2 delivery

cũng cần trích dẫn, bởi có chữ research.  Bất cứ lúc nào có chữ research hay study, hay bàn về nghiên cứu của người khác, cần phải trích dẫn nguồn.

Nhận dạng đạo văn 

Cần phân biệt trích dẫn và đạo văn.  Đạo văn được Hội giáo sư đại học Mĩ (American Association of University Professors) định nghĩa là lấy ý tưởng, phương pháp, hay chữ của người khác làm của mình, mà không ghi nhận nguồn gốc và tác giả.  Còn trích dẫn dưới hình thức viết lại ý của tác giả gốc là một hình thức diễn tả lại ý tưởng chính của đoạn văn gốc bằng một đoạn văn rất cô đọng và rất chung chung, mà không hẳn dùng lại những chữ của tác giả gốc.  Tuy nhiên, nếu không cẩn thận thì trích dẫn, cho dù có đề nguồn, vẫn có thể bị phạm tội đạo văn.  Chúng ta thử so sánh hai câu văn sau đây, bên trái là bản gốc, và bên phải là bản viết lại theo cách diễn giải và có trích dẫn.  Câu hỏi là tác giả có phạm tội đạo văn hay không?

Bản gốc:
There's a new class of worker out there: Nearly Autonomous, Not in the Office, doing Business in their Own Time Staff. Or nanobots, for short. Empowered by their mobile devices and remote access to the corporate network, nanobots put in long hours, sometimes seven days a week -- just not at their desks. Different from mobile workers, who usually stay in close contact with managers, nanobots thrive on their driven natures and on the personal freedom with which they are entrusted. Found at many levels of an organization, from sales managers to senior executives, they are self-starting high achievers who produce strong results with a minimum of supervision. Allowed to find their own equilibrium between work and private lives, they tend to put work first.
Diễn giải 1:
Did you know there’s a new class of worker out there? Nearly Autonomous, Not in the Office, doing Business in their Own Time Staff—or, more simply, nanobots (Pauleen and Harmer, 2008). Empowered by their mobile devices and remote access to the company network, nanobots put in long hours, sometimes seven days a week -- just not at their desks. Unlike mobile workers, who usually stay in close contact with managers, “nanobots thrive on their driven natures and on the personal freedom with which they are entrusted,” (2008, par.2). Interestingly, they are high achievers who are self-motivated and produce good results with little supervision. They are found at many levels of an organization, from sales managers to senior executives. Allowed to find their own balance between work and personal lives, they usually put work first (2008).
Pauleen, D. & Harmer, B. (2008, Dec. 15). Away from the desk...always. Wall Street Journal Digital Network. Retrieved Dec. 22, 2008, from http://online.wsj.com/article/SB122911032462702387.html


Theo các chuyên gia, tác giả phạm tội đạo văn, vì gây ấn tượng cho người đọc rằng bản văn gốc đã được diễn giải lại, nhưng trong thực tế đã lấy nhiều câu văn của bản gốc.  Những đoạn gạch đích dưới đây là những đoạn tác giả mượn văn của bài gốc:

Did you know there’s a new class of worker out there? Nearly Autonomous, Not in the Office, doing Business in their Own Time Staff—or, more simply, nanobots (Pauleen and Harmer, 2008). Empowered by their mobile devices and remote access to the company network, nanobots put in long hours, sometimes seven days a week -- just not at their desks. Unlike mobile workers, who usually stay in close contact with managers, “nanobots thrive on their driven natures and on the personal freedom with which they are entrusted,” (2008, par.2). Interestingly, they are high achievers who are self-motivated and produce good results with little supervision, They are found at many levels of an organization, from sales managers to senior executives. Allowed to find their own balance between work and personal lives, they usually put work first (2008).

Có một qui ước chung là khi tác giả sử dụng một loạt 3 câu văn liền của bản gốc mà không để trong ngoặc kép là có thể mang tội đạo văn.

Ví dụ trên cho thầy để tránh đạo văn, tác giả cần phải luyện kĩ năng để tự diễn giải thông tin gốc.  Có 3 cách để diễn giải thông tin hay câu văn gốc: thay đổi cấu trúc câu văn, dùng những từ đồng nghĩa, và thay đổi dạng của câu văn.  Sau đây là vài ví dụ:

Thay đổi cấu trúc câu văn. Đây là cách diễn giải tốt nhất để tránh đạo văn.  Tác giả cần phải đọc đoạn văn gốc vài lần cho đến khi hiểu được ý nghĩa, rồi sau đó viết lại bằng chữ của mình.  Ví dụ:

Bản gốc của Mueller and Hancock (2001):
Instead of analyzing data with an exploratory factor analysis (where each item is free to load on each factor) and potentially facing a solution inconsistent with initial theory, a CFA can give the investigator valuable information regarding the fit of the data to the specific, theory-derived measurement model (where items load only on the factors they were designed to measure), and point to the potential weakness of specific items.
Viết lại:
If the focus of the investigation is the connection between data and the theoretical model being used for measuement, a CFA is a better choice than an exploratory factor analysis, as the CFA is more likely to provide results that show the connection between data and theory (Mueller and Hancock, 2001)

Dùng từ đồng nghĩa. Cũng có khi câu văn ngắn nên viết lại cũng khó khăn.  Trong trường hợp này, có thể thay thế những từ đồng nghĩa.  Ví dụ:

Bản gốc của Johnson et al (2008):
Optimizing peak bone mass during the early years is thought to be a key factor in preventing osteoporosis later in life.
Viết lại:
To prevent osteoporosis,  experts believe it is important to build bone mass before adulthood (Johnson et al., 2008).


Thay đổi cách dạng của câu văn. Thông thường một câu văn ngắn có thể thay thế bằng cách đổi từ văn thụ động sang chủ động (hay ngược lại) và thay đổi từ.  Chẳng hạn như:

Earth-friendly products are being purchased more often by consumers
Increasing, shoppers are choosing to buy environmentally safe products

Trích dẫn và diễn giải là hai hình thức rất phổ biến trong văn chương khoa học để tránh đạo văn.  Trích dẫn có lẽ không khó, nhưng diễn giải thì khó hơn vì đòi hỏi tác giả phải am hiểu ngữ vựng tiếng Anh, hiểu ý nghĩa câu văn gốc, và có kĩ năng cách một cách trôi chảy.  Ở đây, tôi thấy cần phải nhắc lại hai điểm mà tôi đã đề cập trong phần đầu để tránh ngộ nhận: không ai đòi hỏi phải trích dẫn nếu chỉ dùng một từ của bản văn gốc, và không có qui định nào nói rằng chỉ trích dẫn những tác giả có học vị cao hơn mình.  Khoa học là một hoạt động bình đẳng.  Người có công phát kiến, bất kể có văn bằng gì, sẽ được ghi nhận qua trích dẫn và tham khảo một cách hợp lí.  Đó chính là một nét văn hóa khoa học chẳng xa lạ gì với người Việt chúng ta: nói có sách, mách có chứng.

NVT
======


http://nld.com.vn/20110416094351456p0c1017/bi-hai-luan-an-luoc.htm
Bi hài luận án “luộc”

Thứ Bảy, 16/04/2011 21:52

Không ít luận án tiến sĩ đã qua mắt được hội đồng bảo vệ nhưng lại là luận án “luộc” với nhiều chuyện bi hài

Tiến sĩ (TS) Trần Thị Mai Nhân, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, rất bức xúc khi luận văn thạc sĩ của mình về đề tài văn học Việt Nam trong chiến tranh đã bị nghiên cứu sinh tên K., giảng viên của một trường ĐH khác, sao chép nguyên văn rất nhiều đoạn để đưa vào luận án TS của ông ta mà không hề có một dòng trích dẫn.

Đạo văn do...chưa có kinh nghiệm!

Trong luận án TS của ông K., phần phụ lục cũng không hề có dòng nào về việc tham khảo tài liệu của TS Mai Nhân. Điều đáng nói là sau khi bảo vệ thành công luận án TS năm 2000, ông K. đã trích một phần luận án để in thành sách, phát hành vào năm 2006. Khi cầm trên tay cuốn sách này, TS Mai Nhân mới té ngửa bởi công trình chính mình viết ra được tác giả “cóp” nguyên văn nhiều đoạn.

“Nguyên tắc nghiên cứu khoa học, khi đã sử dụng dù chỉ một từ vẫn phải có trích dẫn chữ dùng của ai. Trong khi đó, ông K. dùng nguyên văn khá nhiều đoạn trong luận văn của tôi mà không hề có một dòng trích dẫn thì thật khó chấp nhận” - TS Mai Nhân bức xúc.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông K. lý giải khi làm luận án TS - cách đây 15 năm - ông còn rất trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm. “Tôi thừa nhận đã sơ suất khi dùng luận văn của TS Nhân mà không trích dẫn. Một người bạn đã photocopy giùm tôi cuốn tài liệu này nhưng lại không có bìa. Lúc đó, vấn đề tôi nghiên cứu còn có nhiều tranh cãi, tôi đọc được cuốn tài liệu này thấy rất tâm đắc nên sử dụng một số đoạn mà không biết tác giả là ai”.

Ông K. cho biết khi TS Mai Nhân lên tiếng, ông mới biết đã sử dụng luận văn của bà. “Tôi đã viết thư xin lỗi TS Nhân và sẽ mua lại toàn bộ sách đã xuất bản của mình còn lại ở các nhà sách. Nếu tái bản, tôi sẽ phải bỏ hoàn toàn những đoạn sử dụng trong luận văn của TS Nhân” - ông K. khẳng định. Ông K. cũng hứa sẽ in lại cả luận án TS, trong đó bổ sung phần trích dẫn những đoạn đã sử dụng luận văn của TS Mai Nhân.

Vô tư dùng cứ liệu của học trò

Luận án “So sánh một số đặc điểm cú pháp – ngữ nghĩa của tục ngữ tiếng Việt và tiếng Hàn” là một công trình khá công phu với phần trình bày cả tiếng Việt lẫn tiếng Hàn của tác giả T.

Một số chuyên gia nhận định đây là luận án nghiên cứu chuyên sâu liên quan trực tiếp đến kiến thức ngữ pháp – ngữ nghĩa không phải của câu văn bình thường mà là tục ngữ tiếng Hàn, chứng tỏ tác giả phải am hiểu chuyên sâu cả tiếng Việt và tiếng Hàn. Tuy nhiên, một số chuyên gia về tiếng Hàn đã chỉ ra rất nhiều lỗi trong luận án này mà một người biết tiếng Hàn ở trình độ sơ – trung cấp đều có thể phát hiện.

Trong luận án TS, tác giả T. lại sử dụng tài liệu tham khảo của không ít khóa luận tốt nghiệp của sinh viên liên quan đến tục ngữ. Thậm chí, luận văn của sinh viên được tác giả luận án đánh giá là “những ngữ liệu quan trọng” để sử dụng trong công trình bậc học TS của mình.

“Trong nghiên cứu khoa học, ai cũng biết một luật bất thành văn là luận án TS không thể nào trích dẫn, tham khảo tài liệu ở những công trình có học vị thấp hơn. Một luận án TS mà dựa trên nghiên cứu, quan điểm của sinh viên thì khó chấp nhận” - một chuyên gia về giáo dục sau ĐH nhận định.

Một giảng viên Việt Nam tại Hàn Quốc đã từng được TS T. nhờ sưu tầm, dịch một số tài liệu từ tiếng Hàn sang tiếng Việt cho luận án trên cho biết tác giả đã sử dụng phần dịch của bà ở nhiều cước chú nhưng không ghi tên, chức danh, học vị của bà. “Như vậy, sẽ không có căn cứ khoa học cho phần dịch này và người đọc sẽ hiểu chính tác giả là người dịch đoạn đó” - giảng viên này nhận xét.

Luận án của tác giả T. đã được bảo vệ thành công vào ngày 16-4-2007. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hội đồng bảo vệ luận án gồm 7 người và… không ai thành thạo tiếng Hàn!

Đủ kiểu đạo văn

PGS-TS Trần Hữu Tá, nguyên chủ nhiệm Khoa Văn Trường ĐH Sư phạm TPHCM, thừa nhận tình trạng đạo luận án ngày càng tinh vi. “Học viên chỉ “luộc” cái khá, còn cái tồi thì không “luộc”. Bởi vậy, gặp những luận án hầu hết được viết rất thô thiển nhưng có đoạn lại bay bổng, trau chuốt là chúng tôi biết tác giả đã đạo văn” - PGS-TS Trần Hữu Tá cho biết.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, nhận định có rất nhiều kiểu đạo văn khó phát hiện như ghi nguồn tham khảo nhưng lại không ghi rõ trích dẫn, trong đó xào xáo một phần tài liệu tham khảo, trộn với phần của mình hoặc pha trộn nhiều tài liệu tham khảo khác nhau thành của mình; thay đổi từ ngữ nhưng ý tứ thì ăn cắp…

Ngoài ra, còn có các kiểu đạo văn trắng trợn như “cóp” nguyên xi của người khác mà không cho vào ngoặc kép và ghi nguồn trích dẫn; trích dẫn thật nhiều đoạn khác nhau mà không có chữ nào của mình.... “Dùng bất cứ tài liệu nào của người khác mà không ghi nguồn đều được coi là đạo văn và vi phạm Luật Bản quyền” - PGS-TS Nguyễn Thiện Tống nhìn nhận. Ông Tống cũng cho rằng đạo văn dù ở dạng nào cũng là hành vi “đánh lừa”, “ăn cắp nguy hiểm”,  cần phải lên án và loại bỏ.

Dù biết đạo văn là không thể chấp nhận trong nghiên cứu khoa học nhưng nhiều luận án “luộc” đã qua mắt được hội đồng bảo vệ. Một PGS từng là thành viên trong hội đồng bảo vệ nhiều luận án TS cho biết có rất nhiều trường hợp trong luận án không đạo từng đoạn mà chỉ đạo từng câu nên rất khó phát hiện. Bên cạnh đó, học viên thường sử dụng nhiều nguồn tài liệu khác nhau mà không phải lúc nào thành viên hội đồng cũng có thể tham khảo hết nguồn tài liệu đó.

Quy trình kín mà hở

Một nguyên nhân khác khiến việc đạo văn trong các luận án TS vẫn có đất sống, theo PGS-TS Trần Hữu Tá, là do quy trình làm luận án chưa có khâu kiểm tra cụ thể. Luận án TS hiện được làm theo các bước: Học viên nhận đề tài, thực hiện trong 3 năm cùng thầy hướng dẫn; sau đó nộp, bảo vệ cấp cơ sở, góp ý sửa chữa, phản biện độc lập, bảo vệ trước hội đồng… PGS-TS Trần Hữu Tá cho rằng quy trình này đã tạo ra kẽ hở để học viên không học vẫn có luận án, rồi có bằng TS.

PGS-TS Trần Hữu Tá kể lại một trường hợp học viên bảo vệ luận án về nghệ thuật trào phúng trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Luận án rất tốt nhưng thành viên hội đồng nghi ngờ đạo văn liền đề nghị học viên tóm tắt tiểu thuyết Số đỏ trong vòng 5-10 phút - một yêu cầu đơn giản mà học sinh THPT có thể làm được. Thế nhưng, học viên bảo vệ luận án TS này lại ấm ớ rồi cúi đầu!

Một chuyên gia giáo dục sau ĐH cũng cho biết khâu phản biện độc lập hiện kín mà chưa kín. Nhiều khi ông đang thực hiện phản biện độc lập nhưng lại có điện thoại gửi gắm, kiểu: “Học trò của mình đấy, chiếu cố chút nhé”! Theo chuyên gia này, những luận án lôm côm hoặc có đạo văn có thể phát hiện được nhưng vẫn tồn tại quan niệm “luận án là lý bên trong có tình” nên đôi khi nhắm mắt cho qua mà trong lòng ngao ngán. Quá trình làm và bảo vệ luận án tưởng chặt nhưng lại hở, đôi khi tưởng là thứ thiệt mà lại dỏm.

PGS-TS Trần Hữu Tá cho rằng để ngăn ngừa nạn đạo văn, quy trình làm và bảo vệ luận án TS cần chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn, tránh những đề tài na ná nhau nhưng vẫn được thực hiện. Trong quá trình thực hiện cần có những đợt kiểm tra kiến thức cơ bản liên quan đến đề tài mà học viên đang theo đuổi. Nghiên cứu sinh phải tập trung tại trường ít nhất 3 lần để làm chuyên đề kiểm tra tại chỗ.

Ngoài ra, học viên cần phải có những buổi thuyết trình về đề tài trong quá trình thực hiện luận án. Nếu không chuẩn bị, không có kiến thức mà đi “đạo” của người khác thì không thể nào đáp ứng được các kỳ kiểm tra tại chỗ và các buổi thuyết trình. Bên cạnh đó, phải có biện pháp chế tài đối với các trường hợp luận án bị phát hiện đạo văn.

“Nguyên tắc nghiên cứu khoa học, khi đã sử dụng dù chỉ một từ vẫn phải có trích dẫn chữ dùng của ai. Trong khi đó, ông K. dùng nguyên văn khá nhiều đoạn trong luận văn của tôi mà không hề có một dòng trích dẫn thì thật khó chấp nhận” - TS Mai Nhân bức xúc.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông K. lý giải khi làm luận án TS - cách đây 15 năm - ông còn rất trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm. “Tôi thừa nhận đã sơ suất khi dùng luận văn của TS Nhân mà không trích dẫn. Một người bạn đã photocopy giùm tôi cuốn tài liệu này nhưng lại không có bìa. Lúc đó, vấn đề tôi nghiên cứu còn có nhiều tranh cãi, tôi đọc được cuốn tài liệu này thấy rất tâm đắc nên sử dụng một số đoạn mà không biết tác giả là ai”.

Ông K. cho biết khi TS Mai Nhân lên tiếng, ông mới biết đã sử dụng luận văn của bà. “Tôi đã viết thư xin lỗi TS Nhân và sẽ mua lại toàn bộ sách đã xuất bản của mình còn lại ở các nhà sách. Nếu tái bản, tôi sẽ phải bỏ hoàn toàn những đoạn sử dụng trong luận văn của TS Nhân” - ông K. khẳng định. Ông K. cũng hứa sẽ in lại cả luận án TS, trong đó bổ sung phần trích dẫn những đoạn đã sử dụng luận văn của TS Mai Nhân.

Vô tư dùng cứ liệu của học trò

Luận án “So sánh một số đặc điểm cú pháp – ngữ nghĩa của tục ngữ tiếng Việt và tiếng Hàn” là một công trình khá công phu với phần trình bày cả tiếng Việt lẫn tiếng Hàn của tác giả T.

Một số chuyên gia nhận định đây là luận án nghiên cứu chuyên sâu liên quan trực tiếp đến kiến thức ngữ pháp – ngữ nghĩa không phải của câu văn bình thường mà là tục ngữ tiếng Hàn, chứng tỏ tác giả phải am hiểu chuyên sâu cả tiếng Việt và tiếng Hàn. Tuy nhiên, một số chuyên gia về tiếng Hàn đã chỉ ra rất nhiều lỗi trong luận án này mà một người biết tiếng Hàn ở trình độ sơ – trung cấp đều có thể phát hiện.

Trong luận án TS, tác giả T. lại sử dụng tài liệu tham khảo của không ít khóa luận tốt nghiệp của sinh viên liên quan đến tục ngữ. Thậm chí, luận văn của sinh viên được tác giả luận án đánh giá là “những ngữ liệu quan trọng” để sử dụng trong công trình bậc học TS của mình.

“Trong nghiên cứu khoa học, ai cũng biết một luật bất thành văn là luận án TS không thể nào trích dẫn, tham khảo tài liệu ở những công trình có học vị thấp hơn. Một luận án TS mà dựa trên nghiên cứu, quan điểm của sinh viên thì khó chấp nhận” - một chuyên gia về giáo dục sau ĐH nhận định.

Một giảng viên Việt Nam tại Hàn Quốc đã từng được TS T. nhờ sưu tầm, dịch một số tài liệu từ tiếng Hàn sang tiếng Việt cho luận án trên cho biết tác giả đã sử dụng phần dịch của bà ở nhiều cước chú nhưng không ghi tên, chức danh, học vị của bà. “Như vậy, sẽ không có căn cứ khoa học cho phần dịch này và người đọc sẽ hiểu chính tác giả là người dịch đoạn đó” - giảng viên này nhận xét.

Luận án của tác giả T. đã được bảo vệ thành công vào ngày 16-4-2007. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hội đồng bảo vệ luận án gồm 7 người và… không ai thành thạo tiếng Hàn!

Đủ kiểu đạo văn

PGS-TS Trần Hữu Tá, nguyên chủ nhiệm Khoa Văn Trường ĐH Sư phạm TPHCM, thừa nhận tình trạng đạo luận án ngày càng tinh vi. “Học viên chỉ “luộc” cái khá, còn cái tồi thì không “luộc”. Bởi vậy, gặp những luận án hầu hết được viết rất thô thiển nhưng có đoạn lại bay bổng, trau chuốt là chúng tôi biết tác giả đã đạo văn” - PGS-TS Trần Hữu Tá cho biết.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, nhận định có rất nhiều kiểu đạo văn khó phát hiện như ghi nguồn tham khảo nhưng lại không ghi rõ trích dẫn, trong đó xào xáo một phần tài liệu tham khảo, trộn với phần của mình hoặc pha trộn nhiều tài liệu tham khảo khác nhau thành của mình; thay đổi từ ngữ nhưng ý tứ thì ăn cắp…

Ngoài ra, còn có các kiểu đạo văn trắng trợn như “cóp” nguyên xi của người khác mà không cho vào ngoặc kép và ghi nguồn trích dẫn; trích dẫn thật nhiều đoạn khác nhau mà không có chữ nào của mình.... “Dùng bất cứ tài liệu nào của người khác mà không ghi nguồn đều được coi là đạo văn và vi phạm Luật Bản quyền” - PGS-TS Nguyễn Thiện Tống nhìn nhận. Ông Tống cũng cho rằng đạo văn dù ở dạng nào cũng là hành vi “đánh lừa”, “ăn cắp nguy hiểm”,  cần phải lên án và loại bỏ.

Dù biết đạo văn là không thể chấp nhận trong nghiên cứu khoa học nhưng nhiều luận án “luộc” đã qua mắt được hội đồng bảo vệ. Một PGS từng là thành viên trong hội đồng bảo vệ nhiều luận án TS cho biết có rất nhiều trường hợp trong luận án không đạo từng đoạn mà chỉ đạo từng câu nên rất khó phát hiện. Bên cạnh đó, học viên thường sử dụng nhiều nguồn tài liệu khác nhau mà không phải lúc nào thành viên hội đồng cũng có thể tham khảo hết nguồn tài liệu đó.

Quy trình kín mà hở

Một nguyên nhân khác khiến việc đạo văn trong các luận án TS vẫn có đất sống, theo PGS-TS Trần Hữu Tá, là do quy trình làm luận án chưa có khâu kiểm tra cụ thể. Luận án TS hiện được làm theo các bước: Học viên nhận đề tài, thực hiện trong 3 năm cùng thầy hướng dẫn; sau đó nộp, bảo vệ cấp cơ sở, góp ý sửa chữa, phản biện độc lập, bảo vệ trước hội đồng… PGS-TS Trần Hữu Tá cho rằng quy trình này đã tạo ra kẽ hở để học viên không học vẫn có luận án, rồi có bằng TS.

PGS-TS Trần Hữu Tá kể lại một trường hợp học viên bảo vệ luận án về nghệ thuật trào phúng trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Luận án rất tốt nhưng thành viên hội đồng nghi ngờ đạo văn liền đề nghị học viên tóm tắt tiểu thuyết Số đỏ trong vòng 5-10 phút - một yêu cầu đơn giản mà học sinh THPT có thể làm được. Thế nhưng, học viên bảo vệ luận án TS này lại ấm ớ rồi cúi đầu!

Một chuyên gia giáo dục sau ĐH cũng cho biết khâu phản biện độc lập hiện kín mà chưa kín. Nhiều khi ông đang thực hiện phản biện độc lập nhưng lại có điện thoại gửi gắm, kiểu: “Học trò của mình đấy, chiếu cố chút nhé”! Theo chuyên gia này, những luận án lôm côm hoặc có đạo văn có thể phát hiện được nhưng vẫn tồn tại quan niệm “luận án là lý bên trong có tình” nên đôi khi nhắm mắt cho qua mà trong lòng ngao ngán. Quá trình làm và bảo vệ luận án tưởng chặt nhưng lại hở, đôi khi tưởng là thứ thiệt mà lại dỏm.

PGS-TS Trần Hữu Tá cho rằng để ngăn ngừa nạn đạo văn, quy trình làm và bảo vệ luận án TS cần chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn, tránh những đề tài na ná nhau nhưng vẫn được thực hiện. Trong quá trình thực hiện cần có những đợt kiểm tra kiến thức cơ bản liên quan đến đề tài mà học viên đang theo đuổi. Nghiên cứu sinh phải tập trung tại trường ít nhất 3 lần để làm chuyên đề kiểm tra tại chỗ.

Ngoài ra, học viên cần phải có những buổi thuyết trình về đề tài trong quá trình thực hiện luận án. Nếu không chuẩn bị, không có kiến thức mà đi “đạo” của người khác thì không thể nào đáp ứng được các kỳ kiểm tra tại chỗ và các buổi thuyết trình. Bên cạnh đó, phải có biện pháp chế tài đối với các trường hợp luận án bị phát hiện đạo văn.

Đăng nhận xét

item