Bàn về chiến lược phát triển thể lực và tầm vóc người Việt

http://www.topnews.in/healthcare/sites/default/files/human-height.jpg
Mãi đến hôm nay, nhờ anh Ba Sàm tôi mới thấy được chi tiết của chiến lược chiến lược phát triển thể lực và tầm vóc người Việt trong giai đoạn 2011 – 2030.  Đọc qua những thông tin trong Quyết định này, tôi lại phải có vài ý kiến. Theo tôi, những con số trong chiến lược có vấn đề;  mục tiêu thì hình như trọng lượng hơn là chất; và quan trọng hơn là những chỉ tiêu đề ra có lẽ chẳng có ý nghĩa to tát gì với y tế công cộng.


Hiếm thấy có nước nào mà Chính phủ có văn bản hẳn hoi về một chiến lược y tế mang tính cộng đồng như nước ta.  Thật vậy, tôi hỏi mấy bạn bên trường y tế cộng đồng của Đại học New South Wales, ai cũng nói Chính phủ chẳng bao giờ bỏ thì giờ làm chuyện đó.  Họ chỉ nói những vấn đề và chiến lược chung chung để … kiếm phiếu, chứ không đi vào chi tiết như trong Quyết định số 641/QĐ-TTG ngày 28/4/2011. Chi tiết là để cho giới chuyên môn quan tâm.  Có thể tóm lược mục tiêu Chính phủ đề ra trong quyết định trên trong bảng số liệu sau đây:

     Bảng 1.  Mục tiêu nâng cao thể lực người Việt đến năm 2020 và 2030 

Chỉ số
Giới tính
Năm 2020
Năm 2030
Chiều cao (cm)
Nam
167
168.5
Nữ
156
157.5
Lực bóp tay (kg)
Nam
45
48
Nữ
30
34

Không thấy Quyết định đề cập đến tuổi thọ trung bình.  Chẳng hiểu giới báo chí lấy những thông tin về tuổi thọ trung bình từ đâu!

Nhìn qua những chỉ tiêu trên, tôi thấy có vài vấn đề khoa học cần phải bàn cho kĩ:

Thứ nhất, tôi không hiểu tại sao Chính phủ có vẻ quan tâm đến … lực bóp tay.  Theo tôi hiểu “lực bóp tay” đây chính là grip strength (có khi còn viết là hand grip strength).  Lực bóp tay chỉ là một trong khoảng 10 chỉ số liên quan đến nhân trắc.  Chiều cao, trọng lượng, lực bóp tay, lực cơ (quadriceps strength), vòng eo, vòng mông, v.v. tất cả đều là những chỉ số có ý nghĩa y tế và lâm sàng.  Vậy tại sao chỉ tập trung vào chiều cao và lực bóp tay?  Rất khó hiểu cơ sở của sự quan tâm này.

Cần nói thêm rằng không dễ đo lường lực bóp tay một cách chính xác.  Lí do là vì còn tùy thuộc vào cách đo và ảnh hưởng của vai khi đo.  Ngoài ra, lực bóp tay còn tùy thuộc vào người thuận tay phải hay tay trái.  Một yếu tố phức tạp khác là lực bóp tay còn phụ thuộc vào độ tuổi và chiều cao.  Nếu hai người cùng độ tuổi, người cao hơn thường có lực bóp tay cao hơn.


Một máy tiện đo lực bóp tay

Thứ hai, vấn đề không phải chỉ là trung bình mà còn là độ khác biệt trong một quần thể Độ khác biệt trong một quần thể phản ảnh qua chỉ số độ lệch chuẩn (standard deviation).  Để thấy ý nghĩa của độ khác biệt, tôi sẽ lấy một ví dụ đơn giản để bạn đọc có thể nắm được vấn đề.  Giả dụ chúng ta có 2 cộng đồng, mỗi cộng đồng gồm có 10 người, với chiều cao (đo bằng cm) như sau:

165      167      175      180      156      165      164      150      145      203
172      164      172      165      167      168      165      165      164      168

Cả hai cộng đồng đều có chiều cao trung bình là 167 cm.  Nhưng cố nhiên hai cộng đồng này không phát triển như nhau.  Cộng đồng thứ nhất có người rất cao (203 cm) nhưng cũng có người rất thấp (145 cm).  Ngược lại, sự khác biệt giữa các cá nhân trong cộng đồng thứ hai thấp: cao nhất là 172 cm và thấp nhất là 164 cm.  Một cách để đo lường sự khác biệt này là độ lệch chuẩn.  Bạn đọc nào chịu khó tính toán sẽ thấy độ lệch chuẩn của cộng đồng 1 là 16.5 cm, còn cộng đồng 2 là 3.0 cm.  Hai chỉ số này nói đến điều gì?  Một cách hiểu thực tế là cộng đồng thứ nhất phát triển không đồng đều, còn cộng đồng thứ hai thì phát triển đồng đều và nhất quán hơn.  Nói cách khác, mặc dù cả hai cộng đồng đều đạt chiều cao 167 cm, nhưng chất lượng phát triển thì rất khác nhau.

Ví dụ trên minh họa một “chân lí” đơn giản: tập trung vào con số trung bình sẽ không phản ảnh chất lượng phát triển.  Chẳng những không phản ảnh chất lượng, mà việc tùy thuộc vào chỉ tiêu trung bình còn dễ dẫn đến bệnh thành tích.  Người ta có thể tập trung tăng chiều cao ở một cộng đồng nào đó được chọn, và thế là đạt chỉ tiêu đề ra.  Nhưng nếu chúng ta đề ra chỉ tiêu về độ lệch chuẩn thì bệnh thành tích sẽ rất khó phát sinh.

Thứ ba là mục tiêu về chiều cao thiếu tính thực tế Theo chiến lược này, đến năm 2020, chiều cao trung bình của người Việt 18 tuổi là 167 cm cho nam và 156 cm cho nữ. Nhưng số liệu của chúng tôi (qua nghiên cứu loãng xương) từ Hà Nội và TPHCM cho thấy chúng ta đã đạt chiều cao đó.  Bảng số liệu sau đây trình bày trung bình và độ lệch chuẩn chiều cao của nam và nữ tuổi từ 18 đến 20, được chọn ngẫu nhiên từ cộng đồng (mỗi nhóm có khoảng 50 đến 70 người):

    Chiều cao của người Việt tại Hà Nội và Sài Gòn (2010)

Giới tính
Giới
Số liệu năm 2010
Mục tiêu Năm 2020
Hà Nội
Nam
167.1 (6.4)
167

Nữ
155.1 (6.3)
156
Sài Gòn
Nam
170.7 (6.2)
167

Nữ
156.6 (6.3)
156

Những số liệu trên cho thấy hiện nay, chiều cao của thanh niên Việt đã bằng, thậm chí cao hơn,  so với chiều cao dự kiến cho năm 2020.  Do đó, câu hỏi đặt ra là những mục tiêu cho năm 2020 có phải là … thiếu cơ sở khoa học.

Thứ tư là cơ sở khoa học cho mục tiêu về lực bóp tay.  Ở đây, tôi sẽ không bàn đến ý nghĩa của lực bóp tay trong chiến lược nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt, mà chỉ muốn bàn đến vấn đề khoa học.  Tôi tìm trong y văn (PubMed) thì không thấy một dữ liệu nào về hand grip strength của người Việt cả.  Do đó, tôi không biết cơ sở khoa học cho những mục tiêu vào năm 2020 như thế nào.  Tuy nhiên, điểm qua y văn quốc tế, tôi thấy mục tiêu có vẻ tương đương với Âu Mĩ vào năm 2010 (tức 45 kg cho nam và 30 kg cho nữ).

Tác giả
Sắc dân, tuổi
Nam
Nữ
Wang, et al
Đài Loan, 60-60 tuổi
35.5 (5.2)
25.0 (4.1)
Mathiowetz, et al
Mĩ, 20-24 tuổi
55 (9.4)
32 (6.6)
Koley, et al
Ấn Độ, nhưng trung niên
40
25
Gunther, et al
Hà Lan, 35 tuổi
49
29
Massy-Westropp, et al 
Âu Mĩ, 20-29 tuổi
47 (9.5)
30 (7)
Mục tiêu của VN
Việt Nam, 18 tuổi
45
30

Mục tiêu của VN cũng tương đương với Nhật hiện nay.  Một lần nữa, tôi không hiểu tại sao lại đặt ra mục tiêu về lực bóp tay cho năm 2020 chỉ bằng Nhật năm nay.  Thật ra, vấn đề cơ bản hơn là: có cần đặt ra mục tiêu về lực bóp tay?  Nếu đặt mục tiêu này thì tại sao không đặt ra mục tiêu cho lực của chân (quadriceps strength)?


Biểu đồ 1. Lực bóp tay (nam) theo độ tuổi ghi nhận từ một số quần thể ở Mĩ, Anh, Nhật, Phần Lan, Thụy Điển, và Úc. Nguồn: Massy-Westropp, et al. 2011


Biểu đồ 1. Lực bóp tay (nữ) theo độ tuổi ghi nhận từ một số quần thể ở Mĩ, Anh, Thụy Điển, và Úc. Nguồn: Massy-Westropp, et al. 2011

Đứng trên quan điểm y khoa, chỉ số quan trọng hơn là lượng nạc (lean mass) và tỉ trọng mỡ cơ thể (percent body fat) chứ không phải lực bóp tay hay lực của chân.  Hai chỉ tiêu này (tỉ trọng nạc và mỡ) có liên quan đến những bệnh mãn tính và tử vong, và do đó, phản ảnh sức khỏe, dinh dưỡng, và thể lực của người dân.

Quyết định còn đề cập đến một số chương trình nghiên cứu như "Khảo sát thống kê số liệu về yếu tố di truyền và môi trường chi phối chiều cao đứng", "Khảo sát thống kê các chỉ số sinh học và tổng hợp tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá thể lực, tầm vóc người Việt", "Điều tra tổng hợp và xác định tần số bệnh tật gây bất thường về tầm vóc thân thể, thể lực", v.v. Thật ra, một số nghiên cứu này đã được thực hiện bởi chúng tôi. Trong các chương trình nghiên cứu, tôi thấy chương trình nghiên cứu về di truyền là đáng chú ý, và cũng không khó thực hiện.  Cách đây 2 năm, trong một hội nghị ở Hà Nội, tôi cũng có đề nghị một nghiên cứu theo mô hình song sinh, nhưng chỉ là gợi ý chứ cũng chưa ai nghĩ đến cách làm.  Theo tôi, nghiên cứu về body composition -- thành phần cơ thể mới quan trọng, nhưng chúng tôi đã làm rồi!

Nói đến di truyền (vốn là yếu tố quan trọng), nghiên cứu từ Trung Quốc cho thấy hệ số di truyền (index of heritability) về chiều cao ở người Trung Quốc là 65% (cho nam) và 60% (cho nữ).  Ở người Âu Mĩ, hệ số này là khoảng 75 đến 80%. Những hệ số này có nghĩa gì?  Chúng ta có thể sử dụng hệ số di truyền để tiên đoán chiều cao cho một cá nhân hay quần thể.

Chẳng hạn như trong quần thể người Việt, chiều cao trung bình ở nam giới là 170 cm và nữ giới là 160 cm, và hệ số di truyền là 65% cho nam và 60% cho nữ.  Nói cách khác, ảnh hưởng của các yếu tố mọi trường sẽ là 35% cho nam và 40% cho nữ.  Nếu một người cao 175 cm lập gia đình với một người nữ 165 cm.  Chúng ta có thể tiên đoán chiều cao của con hai vợ chồng này sẽ khác biệt so với chiều cao của toàn dân số như sau (dựa vào lí thuyết regression toward the mean):

Nếu là con trai, độ khác biệt là 0.35 x [(175 – 170) + (165 – 160)] / 2 = 1.75  cm.
Nếu là nữ, 0.40 x [(175 – 170) + (165 – 160] / 3 =  2.0 cm.

Điều này nói lên rằng việc nâng chiều cao bằng yếu tố môi trường rất khiêm tốn so với di truyền.  Nhưng làm sao đánh giá được là do yếu tố môi trường cải thiện chiều cao, chứ không phải do yếu tố di truyền?  Không có dữ liệu nền thì rất khó đánh giá sự thành công hay thất bại của chiến lược.

Nói tóm lại, những dữ liệu và phân tích trên đây cho thấy mục tiêu của chiến lược nâng cao thể lực và chiều cao có nhiều vấn đề về cơ sở khoa học và giả định. Ngay cả những chỉ tiêu đặt ra cũng có nhiều dấu hỏi về tính y tế cộng đồng. Như phân tích trên, nếu chỉ đặt ra mục tiêu dựa vào trung bình mà không xem xét đến độ biến thiên (hay chất lượng phát triển) là một thiếu sót lớn. Đặt ra chỉ tiêu thì không khó, nhưng làm gì để kiểm định những mục tiêu đặt ra để tránh bệnh thành tích là một vấn đề khác.

===

Chú thích: Có thể đọc những nghiên cứu sau đây để biết thêm chi tiết.   

Günther CM, et al. Grip Strength in Healthy Caucasian Adults: Reference Values. Journal of Hand Surgery 2008;33:558-565.

Kamarul T, TS Ahmad. Hand grip strength in the adult Malaysian Population. Journal of Orthopaedic Surgery 2006;14(2):172-7.

Koley S, et al. Age-related Changes in Handgrip Strength among Healthy Indian Males and Females Aged 6-25 years.  J Life Sci 2010:2(2):73-80.

Massy-Westropp, et al. Hand Grip Strength: age and gender stratified normative data in a population-based study. BMC Research Notes 2011, 4:127.

Mathiowetz V, et al. Grip and Pinch Strength: Normative Data for Adults. Arch Phys Med Rehabil. 1985 Feb;66(2):69-74.

Su CY, et al. Grip strength in different positions of elbow and shoulder. Arch Phys Med Rehabil. 1994 Jul;75(7):812-5.

Wang CY, et al. Effects of age and gender on mobilityrelated physical performance in Taiwanese community-dwelling older adults without physical disability. Asian J Gerontol Geriatr 2008; 3: 75–83.

Đăng nhận xét

item