Nghiên cứu khoa học và giấc mơ top 200

Đây là bài "khai bút" đầu năm 2011 cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Thật ra, đây là bài thứ nhất trong loạt bài bàn về khoa học và vấn đề "công bố quốc tế" mà tôi nói chuyện trong Hội thảo "Getting papers published in academic journals" do Bộ GD ĐT tổ chức vào cuối tháng 12 ở Hà Nội và Sài Gòn vừa qua. Ngoài tôi còn có anh Phạm Duy Hiển cũng nói chuyện trong Hội thảo, và bài phỏng vấn của anh được đăng lại dưới đây để các bạn tham khảo. NVT


Nghiên cứu khoa học và giấc mơ top 200

TTCT - Việt Nam đang phấn đấu để đến năm 2020 có một vài trường đại học hàng đầu lọt vào danh sách 200 đại học hàng đầu trên thế giới.

Một trong những tiêu chuẩn quan trọng của top 200 này là nghiên cứu khoa học và thành tích công bố quốc tế. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình công bố quốc tế hiện nay, ước vọng top 200 có lẽ sẽ chỉ là một ước mơ thiếu thực tế.

Nghiên cứu khoa học là một hoạt động thiết yếu, nếu không muốn nói là số 1 của một đại học đẳng cấp quốc tế. Các đại học ngày nay nói chung được xây dựng dựa trên ý tưởng và mô hình của Von Humboldt, theo đó đại học đóng vai trò một trung tâm văn hóa và nhân văn, với chức năng giảng dạy, nghiên cứu, sáng tạo tri thức mới và chuyển giao công nghệ cho nền kinh tế. Chính thực lực và thành tích nghiên cứu khoa học là một chỉ tiêu định hình và phân biệt một đại học đẳng cấp quốc tế với một đại học “xoàng”.

Đại học đóng góp vào sáng tạo tri thức mới qua ba hoạt động chính: nghiên cứu tri thức mới, đào tạo nhân tài, và dung hòa những khác biệt văn hóa, trong đó vai trò nghiên cứu của đại học ngày càng được xem là quan trọng. Một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế tri thức mà VN đang hướng tới là khả năng sáng tạo, thể hiện qua cải tiến công nghệ, mà thước đo cụ thể là số bài báo khoa học và bằng sáng chế.

Công bố quốc tế: Chúng ta đang ở đâu?

Trong năm 2010, các nhà khoa học VN công bố được khoảng 1.000 bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế. Con số này tăng so với thời gian 2004-2009, nhưng vẫn còn rất khiêm tốn so với các nước trong vùng. Số lượng công trình khoa học của VN được công bố trên các tập san khoa học chỉ bằng khoảng 1/4 Thái Lan và 1/8 Singapore, và vị thế này không thay đổi đáng kể trong năm năm qua.
Một đại học, 6 cái tên
ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội xuất hiện trên các tạp chí quốc tế dưới ít nhất sáu tên gọi khác nhau, điều mà theo GS Phạm Duy Hiển, có thể tác hại đến việc xếp hạng.
Hanoi Natl Univ
Hanoi Univ Sci
Vietnam Natl Univ, Coll Nat Sci
VNU Hanoi, Univ Sci
Univ Hanoi
Vietnam Natl Univ Hanoi, Coll Sci

Một điều đáng quan tâm khác là trên 60% công trình khoa học VN công bố trên các tập san quốc tế là do hợp tác hay làm việc chung với các nhà khoa học nước ngoài. Nói cách khác, chỉ có khoảng 40% công trình nghiên cứu là “thuần Việt”. Do đó trên thực tế, thực lực khoa học nước ta còn rất thấp, chưa đủ để cạnh tranh trên trường quốc tế.

Số lượng như vậy, chất lượng cũng không cao. Đa số nghiên cứu khoa học của VN chỉ công bố trên những tập san có hệ số ảnh hưởng rất thấp. Ở bất cứ lĩnh vực khoa học nào, chỉ số trích dẫn của các nghiên cứu VN thuộc vào hàng thấp nhất. Khoảng 30-40% các bài báo về toán và vật lý VN chưa bao giờ được ai trích dẫn. Tỉ lệ không trích dẫn này trong ngành kỹ thuật lên đến 41%!

Nghiên cứu khoa học của VN vẫn tập trung vào những lĩnh vực lý thuyết và công nghệ thấp, với thế mạnh là toán học, vật lý, y tế công cộng và y học nhiệt đới... Ngược lại, các nước có nền kinh tế phát triển hơn VN có thế mạnh về các ngành khoa học ứng dụng như dược học, công nghệ sinh học, sinh hóa và sinh học phân tử, kỹ thuật...

Đã có nhiều người phân tích nguyên nhân tình trạng yếu kém của khoa học VN, từ thiếu đầu tư cho nghiên cứu khoa học, nhiều giảng viên và giáo sư không mặn mà với nghiên cứu khoa học, thiếu động cơ làm nghiên cứu khoa học đến thiếu môi trường khoa học lành mạnh, cơ chế quản lý khoa học còn nhiều bất cập, kém tiếng Anh...

Một trong những nguyên nhân các nhà khoa học không mặn mà với nghiên cứu khoa học là cơ chế cung cấp kinh phí vẫn “hành là chính”. Một giáo sư đã nghỉ hưu từng nói với người viết rằng ông rất sợ phải xin tài trợ từ sở hay Bộ Khoa học - công nghệ, vì ông phải đương đầu với hội đồng phản biện không am hiểu về lĩnh vực chuyên môn mình nghiên cứu, và ông càng hãi hơn khi phải tốn rất nhiều thời gian để làm thủ tục tài chính cho dự án nghiên cứu. Tất cả những nguyên nhân này dẫn đến tình trạng thiếu các nhà khoa học hàng đầu để dìu dắt khoa học VN.

Nhìn thách thức, thấy cơ hội

Nhưng những thách thức vừa trình bày thật ra cũng là những cơ hội. Có lẽ nên bắt đầu từ những giải pháp cụ thể, có thể tóm lược trong bốn lĩnh vực: đầu tư cho khoa học cơ bản, nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực trí thức, và chuẩn mực.

Đầu tư cho khoa học cơ bản: Không giống hoạt động sản xuất kỹ nghệ với những sản phẩm vật chất cụ thể mà công chúng có thể sử dụng được cho cuộc sống hằng ngày, sản phẩm của nghiên cứu khoa học cơ bản thường mang tính trừu tượng. Trong nhiều trường hợp, thành tựu của nghiên cứu khoa học chỉ hiển nhiên sau vài ba chục năm sau khi công trình nghiên cứu kết thúc.

Dựa vào mối liên hệ giữa đầu tư cho khoa học và công nghệ, có thể giải thích rằng sự đóng góp khiêm tốn của VN là do đầu tư của Nhà nước cho hoạt động này còn quá thấp? Mỗi năm, Bộ Khoa học - công nghệ phải hoàn trả trên 100 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước vì không thể phân phối hết số tiền đó cho nghiên cứu khoa học. Do đó, vấn đề không phải là tăng đầu tư, mà là đầu tư và phân phối ngân sách sao cho có hiệu suất cao.

Khuyến khích nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực trí thức: Một ưu tiên quan trọng là cần có quy chế đảm bảo nhà khoa học và giảng viên có thể sống với đồng lương của mình, ngoài ra cần phải tưởng thưởng cho các giảng viên có công bố quốc tế.

Nghiên cứu khoa học ở tầm quốc tế đòi hỏi các phương tiện khoa học tương đối đắt tiền, có lẽ đó cũng chính là lời giải thích tại sao các nhà khoa học trong nước phải hợp tác với các đồng nghiệp nước ngoài.

Hợp tác trong nghiên cứu là một điều tốt trong hoạt động khoa học hiện đại, nhưng hợp tác như thế nào để thành quả và tri thức khoa học dựa trên chất liệu của VN vẫn là của người VN mới là vấn đề, nhất là hiện tượng “hợp tác khoa học theo kiểu nhảy dù”, trong đó các tác giả VN chỉ là “lính đánh bộ” và sở hữu tri thức vẫn là tác giả nước ngoài, dù chất liệu nghiên cứu là từ VN và của người VN!
Chuẩn mực: Khoa học VN còn quá khiêm tốn trên trường quốc tế và trong vùng một phần là do các đại học và trung tâm nghiên cứu khoa học nước ta chưa có những quy định về chuẩn mực nghiên cứu khoa học phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Hệ thống đề bạt giáo sư ở nước ta vẫn dựa vào các tiêu chuẩn “nội địa”, mà không mấy quan tâm đúng mức đến mức độ đóng góp vào khoa học có công trình đăng trên các tập san khoa học quốc tế.

Nên xem công bố kết quả nghiên cứu trên các tập san quốc tế là một chỉ tiêu để đánh giá các công trình nghiên cứu do Nhà nước tài trợ. Dự thảo về đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục - đào tạo mới đây cũng có quy định các nghiên cứu sinh tiến sĩ công bố ít nhất một bài báo khoa học trên các tập san quốc tế trước khi bảo vệ luận án. Nếu tiêu chuẩn hay quy định này được thực hiện tốt, có thể kỳ vọng rằng sự có mặt của khoa học VN trên trường quốc tế sẽ được nâng cao trong vài năm tới.

Mỗi năm, nước ta chi ra khoảng 400 triệu USD cho nghiên cứu khoa học. Con số này chiếm khoảng 0,17% GDP toàn quốc. Nhưng thành quả từ sự đầu tư đó vẫn chưa thể đo lường được do thiếu các chuẩn mực cụ thể.

Công bố quốc tế là một thước đo khách quan mà các nước tiên tiến đã áp dụng thành công để đánh giá hiệu quả của đồng tiền mà người dân bỏ ra. Nếu chúng ta chưa tạo ra được một thước đo mới, thì cách hay nhất là dựa vào chuẩn mực mà cộng đồng khoa học quốc tế chấp nhận: đó là công bố quốc tế.

“Cổ phần” ấn phẩm khoa học trên thế giới đang thay đổi nhanh chóng, với sự hiện diện của các nước đang phát triển ngày càng gia tăng. Năm 1985, số ấn phẩm khoa học từ Mỹ và Canada chiếm gần 40% tổng số ấn phẩm trên thế giới, nhưng đến năm 1991 con số này giảm còn 28,2%, và năm 1998 là 31,4%. Trong thời gian đó, số ấn phẩm từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hong Kong... lại tăng “cổ phần” từ 10% đến 24%.

Số ấn phẩm từ các nước Đông Nam Á, kể cả Việt Nam, cũng tăng nhanh trong thời gian 10 năm gần đây, tuy con số tuyệt đối vẫn còn khiêm tốn so với các cường quốc khoa học như Mỹ, Canada và các nước Tây Âu.

Đây chính là thời điểm lý tưởng để nâng cao sự hiện diện của khoa học Việt Nam lên một nấc thang cao hơn, qua việc tăng cường số lượng và chất lượng ấn phẩm khoa học trên trường quốc tế, cũng là bước cần thiết ban đầu để nghĩ đến ước nguyện “top 200” cho các đại học của Việt Nam.
Nguồn: http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/418583/Nghien-cuu-khoa-hoc-va-giac-mo-top-200.html

Phản hồi từ bạn đọc trên TTO

Có cần thiết không

Có cần thiết không khi phải làm mọi cách để đưa khoa học Việt Nam "chen chân" vào "top" thế giới khi nền khoa học Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu cho việc phát triển đất nước. Giả sử ta có được "ngón chân" trong "cơ thể khoa học" thế giới thì cũng được gì khi mà ngón chân đó bị "tật". nói thế không phải tôi muốn phủ nhận thành tựu của khoa học Việt Nam ,mà tôi muốn đề cập ở đây là chúng ta hãy nhận thức nghiên cứu khoa học ta đang nằm ở vị trí nào của khoa học thế giới.
Chúng ta chưa có những thiết bị hiện đại để nghiên cứu khoa học, chưa có những con người khoa học đầu ngành lão luyện tầm GS Ngô Bảo Châu để thực hiện ước mơ "lọt vào top 200". Mà có lọt vào đi chăng nữa khi mà ta vẫn đang cậy nhờ vào thành tựu khoa học nước ngoài để phục vụ cho chúng ta thì có đứng top mấy cũng như không. Thời gian để ta tính toán làm thế nào để "lọt vào top 200" thì hay hơn là ta dành thời gian đó để đề ra kế hoạch đúng đắn để phát triển khoa học nước nhà là hợp lý hơn cả. Vì khoa học trước tiên phải phục vụ cho nước mình cái đã.
Tuấn Ngọc

Khổ lắm giáo sư Tuấn ơi!

Theo qui chế mới về chế độ làm việc của giảng viên thì càng lương cao, số giờ dạy càng nhiều. Số giờ dạy hiện nay của giảng viên chính theo qui định mới là 320 giờ, giáo sư là 360 giờ chưa kể số giờ nghiên cứu khoa học. Số giờ dạy càng cao thì thời gian đâu mà nghiên cứu. Mà nghiên cứu thì lại theo kiểu qui bài viết để trừ giờ, một bài viết tính một hai chục giờ thì một năm phải viết bao nhiêu bài mới đủ để trừ số giờ nghiên cứu khoa học kia?!

Một bạn đọc
Nhờ tòa soạn gửi đến GS Nguyễn Văn Tuấn

Trước tiên xin cám ơn GS Nguyễn Văn Tuấn đã cung cấp các số liệu về tình trạng giáo dục và nghiên cứu khoa học của Việt Nam, có so sánh với các nước trong khu vực. Tôi không biết GS đang làm việc ở đâu, song GS có biết đến hiện tình của các trường đại học của chúng ta ra sao không? Tôi chỉ nói tới cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học thôi.

Mình là con nhà nghèo, thì cũng không nên lúc nào cũng ngắm thiên hạ mà tự ti, mà ước mơ hão huyền. Không biết GS có biết là: các thầy giáo ở các trường đại học của chúng ta đang quá tải trong giảng dạy, thời gian đâu mà nghiên cứu khoa học; trưởng bộ môn có khi chỉ là kỹ sư, thạc sỹ hay tiến sỹ, khác với nước ngoài, đã là trưởng bộ môn thì là GS với các điều kiện làm việc tương ứng; lương của các giảng viên chưa đủ để có thể nuôi con mình học hành đến nới đến chốn trong bối cảnh hiện nay, đương nhiên nếu chấp nhận cái tình trạng chung thì cũng tàm tạm, vậy thì phải lo làm thêm kiếm sống.

Nói tóm lại, đồng lương, khối lượng công việc điều kiện nghiên cứu của chúng ta đang ở tình trạng như vậy, GS có so sánh với các nước xung quanh không? Đã so sánh thì phải so sánh tổng thế. Một sinh viên đi xe máy hoặc xe công cộng đến trường chắc nhanh hơn một sinh viên đi bộ cùng quãng đường đó đến trường. Vài lời trao đổi, có thể cũng không toàn diện, cũng chưa chặt chẽ, chắc GS cũng thông cảm. Nhân dịp năm mới chúc GS sức khỏe và thành công.

Le Minh

===


Bài phỏng vấn anh Phạm Duy Hiển trên TTO

http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Chuyen-de/418584/Khoa-hoc-Viet-Nam---tim-bang-de-ten.html

Khoa học Việt Nam - tìm bảng đề tên

TTCT - Giáo sư Phạm Duy Hiển - nguyên viện trưởng Viện Hạt nhân Đà Lạt - trao đổi với TTCT về sự hòa nhập và tìm chỗ đứng của giới khoa học VN trên “mặt tiền” khoa học thế giới.

Công bố hay là chết?

* Thưa giáo sư, nhiều năm qua ông nói khá nhiều đến tầm quan trọng của việc viết và công bố các bài báo khoa học ra quốc tế. Nghiên cứu khoa học có nhất thiết phải có công bố quốc tế?

- Nghiên cứu khoa học là tìm ra những cái mới, mới trên thế giới chứ không chỉ ở VN. Nhà khoa học trước khi nghiên cứu vấn đề gì đều phải hỏi: ta định tìm cái gì mới ở đây? Công bố quốc tế là đưa nghiên cứu của mình ra cho mọi người xem, qua đó những đồng nghiệp quốc tế sẽ đánh giá anh có gì mới, sáng tạo.

* Có người hỏi “công bố trong nước cũng được chứ sao?”. Ta nên nhớ rằng hiện chưa có tạp chí khoa học nào của VN lọt vào danh sách gần mười nghìn tạp chí khoa học quốc tế có uy tín được đưa vào cơ sở dữ liệu của Viện Thông tin khoa học quốc tế (ISI).

Lại có người hỏi “công bố quốc tế là chuyện của một số người làm khoa học, tại sao nhà nước lại phải quan tâm?”. Để trả lời câu hỏi này, ta phải nhìn ra các nước, trước hết là trong vùng. Năm 2008, VN công bố được 802 bài trên ISI, nghĩa là 1 triệu dân mới công bố chưa đầy 10 bài, năng suất này tuy có cao hơn Indonesia và Philippines, nhưng lại thấp hơn Thái Lan đến 6 lần, Malaysia 10 lần và thấp hơn Singapore tới... 167 lần.

Tại sao người Thái, người Mã và nhất là người Singapore lại “phí sức” công bố nhiều như vậy? Vì công bố quốc tế có thể xem như thước đo chất lượng nghiên cứu khoa học, mà đây là hoạt động phản ánh trình độ phát triển của một quốc gia, tương tự bình quân GDP hay các tiêu chí kinh tế - xã hội khác.

Giữa nghiên cứu khoa học trình độ quốc tế với phát triển kinh tế - xã hội có quan hệ tác động qua lại với nhau. Do đó, nhà nước phải quan tâm đến công bố quốc tế nếu không muốn đất nước mình bị lạc hậu. Công bố quốc tế còn là thước đo hiệu quả đầu tư cho khoa học của một quốc gia.

Hiểu đúng chữ “lợi ích” trong khoa học
Mỗi người hiểu một cách về chữ “lợi ích” trong nghiên cứu khoa học. Tôi nghĩ nghiên cứu khoa học phải nhằm ba lợi ích lớn: Một là nâng cao tầm tri thức của đất nước, qua đó nâng cao dân trí. Hai là hướng đến các sản phẩm cho quốc kế dân sinh. Ba là tìm ra quy luật tác động đến các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Nhưng lợi ích bao trùm nhất vẫn là đào tạo được đội ngũ, nhất là người tài, học giả cho đất nước. Quy luật “tích lũy và kế thừa” sẽ nhân số người tài giỏi lên, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Không làm được việc nhân sức mạnh của cộng đồng nghiên cứu khoa học lên thì tác dụng của nghiên cứu khoa học vẫn hạn chế lắm.
* Nhưng nói như giới khoa học và đại học ở các nước “công bố hay là chết” (publish or perish) liệu có quá chăng?

- Ở đây có cả hai mặt. Ở các trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới, nếu không có công bố quốc tế trong thời gian dài, anh sẽ rất khó chứng minh sự tồn tại của mình. Không có công bố quốc tế trong thời gian dài có nghĩa là không theo kịp trình độ thế giới trong lĩnh vực của mình, vậy làm sao có thể đào tạo được nhân lực trong cuộc hội nhập toàn cầu hiện nay?

Song nói một cách công bằng, đây là cách làm hành chính, không phải lúc nào cũng đúng. Muốn đánh giá một nhà khoa học phải xem xét những hoạt động học thuật của họ ích lợi như thế nào đối với đất nước. Xem công bố quốc tế là tiêu chí độc tôn để đánh giá, xếp người có mười bài giỏi hơn người có năm bài là cực đoan. Ngược lại, cũng sẽ rất cực đoan và tai hại nếu xem công bố quốc tế là thứ trang sức, không cần thiết.

* Công bố quốc tế của VN thuộc diện thấp nhất trong khu vực. Theo giáo sư, nguyên nhân có thể nằm ở đâu: do ít tiền, do coi công bố quốc tế là một loại “trang sức” hay do vấn đề nội tại của đội ngũ khoa học?

- Chúng ta đang ở trình độ phát triển thấp. Đó là lý do bao trùm. Nhưng tự mình cũng làm cho mình thấp. Thứ nhất, giới khoa học trước đây ít quan tâm đến chuyện công bố quốc tế. Có lẽ trong vòng mười năm nay, người ta mới để ý nhiều đến chủ đề này, công bố quốc tế bắt đầu được làm tiêu chí xét duyệt các đề tài nghiên cứu cơ bản, nhiều cơ quan khoa học có chế độ thưởng cho các cán bộ có công bố quốc tế. Nhưng công bố quốc tế lại gần như bị đánh đồng với công bố nội địa khi xét duyệt các chức danh khoa học, đây là chuyện rất không thỏa đáng, cần sớm sửa chữa.

Tôi cho rằng rất cần tập trung nghiên cứu khoa học nhiều hơn trong các trường đại học. Số lượng công bố quốc tế từ đại học VN chỉ chiếm khoảng 50%, trong khi ở Thái Lan con số này lên đến hơn 90%. Công bố quốc tế từ trường đại học sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên, vì đừng quên rằng nhân lực “thiếu và yếu” là thách thức lớn nhất của VN trong thập kỷ tới.

Một diện mạo mới sẽ xuất hiện bằng cách xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc ở các trường đại học được lãnh đạo bởi các học giả đầu đàn trong nước - những người vẫn được coi là có thẩm quyền nhất về mặt học thuật trong xã hội.

Đương nhiên các vị này đã có chỗ đứng trên thế giới qua các công bố quốc tế của mình. Thế giới nhìn nền khoa học của ta qua họ. Thế hệ sau phán xét thế hệ này qua họ. Với chính sách cào bằng trong học thuật được hợp thức bằng những quy chế hành chính hóa như hiện nay, chúng ta rất khó tiến xa hơn trong thế giới này.

* Nói như thế, giáo sư nhận xét ra sao về truyền thống khoa học của VN, sự kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác?

- Khoa học cũng như phát triển kinh tế - xã hội, đều dựa trên quy luật “tích lũy và đầu tư”, ai làm kinh tế đều biết quy luật này. Khoa học muốn phát triển theo quy luật tích lũy và kế thừa mà thế hệ sau lại vứt bỏ những thành quả của thế hệ trước, làm lại từ đầu từ số 0 thì bao giờ chúng ta mới tiến lên được.

Tôi xin đơn cử một ví dụ. Đội ngũ làm việc tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt được xây dựng gần 30 năm qua, có chỗ đứng nhất định trong cộng đồng hạt nhân quốc tế. Nhưng khi chuẩn bị làm điện hạt nhân thì đội ngũ ấy lại hầu như đứng ngoài cuộc. Tuy chưa phải là những “người khổng lồ”, nhưng thiết nghĩ cũng nên trèo lên vai họ để dễ thấy hơn những gì đang ở phía trước (cười).

Tự do và tự trọng dụng

* Nghiên cứu khoa học bản chất vẫn là tự do trong sáng tạo. Tự do trong khoa học đối với giáo sư có ý nghĩa như thế nào?

- (Im lặng hồi lâu) Tôi luôn chọn con đường tự do trong tư duy, không lệ thuộc vào một ý niệm, chỉ dẫn của ai. Quyền, tiền và danh (nhất là hư danh) là ba thứ luôn làm ta mất tự do. Nhưng rất khó vượt lên chính mình. Không có tiền lấy đâu ra tự do? Mà nhà khoa học VN muốn có tiền phải có quyền. Nhưng giữ được quyền thì còn tâm trí và thời gian đâu để có thể tự do theo đuổi những đam mê sáng tạo của mình.

Thậm chí phải có nhiều quyền hơn mới bảo vệ được những thành quả lao động khoa học của mình và tập thể. Cứ thế mà “chiến đấu không ngừng” trên con đường quan lộ, con đường độc đạo đó luôn dẫn ta đi xa khỏi mục tiêu khoa học và thủ tiêu hết các đam mê. Tôi nghiệm thấy đây là một rắc rối lớn trong xã hội chúng ta ngày nay. Chúng ta không có người tài vì như vậy.

Chuẩn bị cho những người nghiên cứu trẻ
Khi viết một bài báo khoa học và công bố ra quốc tế, tức là anh đang đối thoại với các đồng nghiệp của mình trên thế giới. Họ có thể đồng ý hay phản bác, song đây là một quá trình đối thoại rất cần thiết và hữu ích cho người làm khoa học.
Tôi luôn yêu cầu các cộng sự của mình phải đọc ít nhất 50 công bố quốc tế thuộc chủ đề mà họ định nghiên cứu để hiểu người ta đã và đang làm gì trong vòng mười năm qua. Như vậy, tự anh phải hòa mình vào cộng đồng trên thế giới. Công bố quốc tế không phải để chứng tỏ cho ông thủ trưởng thấy tài năng của mình, mà thực chất là để hòa nhập và tìm được chỗ đứng của anh trên “mặt tiền” khoa học thế giới.
* Vậy đâu là giải pháp cho rắc rối này, thưa giáo sư?

- Chuyện đáng nói ở ta là không tạo được một môi trường để mọi người tự do theo đuổi những đam mê sáng tạo của mình. Cũng chính vì thiếu môi trường ấy mà chúng ta ngày càng thiếu nhân tài khoa học. Mong đừng hiểu hai chữ tự do mà tôi nói như một đòi hỏi vốn được xem là nhạy cảm, mang màu sắc ý thức hệ. Hoàn toàn không!

Quan niệm tự do này đơn giản lắm: làm sao nhà khoa học đủ điều kiện (nhất là tiền lương) để sống và tự do theo đuổi những đam mê sáng tạo của mình mà không bị ai cản trở. Muốn vậy, môi trường ấy phải có những nấc thang chuẩn mực khoa học minh bạch để đánh giá con người.

Môi trường ấy lại phải bảo đảm điều kiện để đội ngũ luôn lớn mạnh về chất lượng và số lượng nhờ biết tích lũy và kế thừa để hướng tới những mục tiêu ngày càng cao cho đất nước. Đương nhiên, không thể thiếu một nhà khoa học đầu đàn, có uy tín, biết “kinh bang tế thế” để tập thể chẳng những không bơ vơ mà còn có chỗ đứng trong xã hội. Chỉ từ một môi trường lành mạnh như vậy người tài mới xuất hiện.

* Khi nhìn vào đội ngũ khoa học trẻ, giáo sư thấy đâu là những điều đáng khích lệ, đâu là những điểm yếu của họ?

- Tôi không thích câu hỏi này lắm. Tôi không thích cậy mình già để được quyền phán xét thế hệ trẻ. Vả lại thế hệ trẻ giờ đây có nhiều em rất giỏi, tôi từng ngạc nhiên khi tiếp xúc với họ. Cứ thả họ vào môi trường tự nhiên mà tôi vừa nói trên, các em sẽ lớn lên. Người lớn cứ nói bọn trẻ kém quá, trách chúng ham chơi, không chịu rèn luyện, không theo đuổi con đường khoa học, mới xin vào cơ quan xong là cứ mắt trước mắt sau chuồn sang chỗ khác để có nhiều tiền hơn...

Trách như vậy là không đúng. Nếu trường đại học, viện nghiên cứu tạo ra được môi trường lành mạnh như tôi nói trên, nếu chúng ta xây dựng được những nhóm nghiên cứu xuất sắc do những nhà khoa học có uy tín đứng đầu, thì dứt khoát sẽ hút giới trẻ vào, nhất là những em giỏi.

Tôi thấy nhiều người hay than phiền “trí thức VN không được trọng dụng”, hình như có ý trách cứ cấp trên không tham vấn, không bố trí mình vào chỗ này chỗ khác. Tôi nghĩ khác. Tự anh phải biết “dụng” anh, phải “xài” anh đến nơi đến chốn, như thế chính là xã hội đã trọng dụng anh.

* Xin trân trọng cảm ơn giáo sư.

CẦM PHAN thực hiện

Đăng nhận xét

item