Ngã vì chữ nghĩa!

Một bản tin trong thế giới y khoa cũng đáng chú ý cho những “người của công chúng”. Chỉ vì viết một bài xã luận ngắn về tinh dịch mà bác sĩ Lazar Greenfield bị nữ giới phản đối dữ dội, và ông phải từ chức chủ tịch Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật Mĩ (American College of Surgeons). 
 


Bác sĩ Lazar Greenfield là một nhân vật của công chúng.  Là một bác sĩ phẫu thuật tim mạch danh tiếng, tác giả của trên 360 công trình khoa học, 128 chương sách, phục vụ trong ban biên tập của 15 tập san y khoa, và giữ chức giáo sư tại trường Y thuộc Đại học Chicago.  Năm nay ông đã 78 tuổi, được bầu làm chủ tịch của Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật Mĩ, và chủ bút tạp chí Surgery News.  Ông sa ngã cũng chỉ vì viết một bài xã luận trên tạp chí do chính ông biên tập.
Câu chuyện liên quan đến khoa học … sex. Một công trình nghiên cứu của người khác cho thấy nữ sinh viên có quan hệ tình dục với bạn trai không dùng bao cao su ít bị trầm cảm hơn nữ sinh viên quan hệ với bạn trai có dùng bao cao su.  Ý nghĩa của nghiên cứu này có thể diễn giải nhiều cách khác nhau.  Nhưng đối với giáo sư Greenfield, ông suy luận rằng có thể trong tinh dịch nam giới có một hoạt chất nào đó có hiệu quả giảm trầm cảm!  Chẳng những thế, ông còn lan man sang câu chuyện Ngày tình nhân – St Valentine Day.  Bởi vì số tạp chí ra nhân dịp Ngày tình nhân, ông viết một cách vui rằng Thành ra, nam và nữ có một mối giao tình sâu xa hơn là Thánh Valetine kì vọng. Và, bây giờ thì chúng ta biết rằng có một món quà tốt hơn kẹo chocolate cho Ngày tình nhân. Đó là những câu chữ làm cho ông phải ngã.
Sau khi số tạp chí được phát hành, một làn sóng phản đối bài viết của giáo sư Greenfield.  Phần lớn những người phản đối là nữ, chủ yếu là nữ bác sĩ.  Cần nói thêm rằng trong giới ngoại khoa, phần lớn bác sĩ là nam và họ có văn hóa rất … cá biệt.  Người không ưa bác sĩ ngoại khoa thì bảo là thợ thịt (butcher); người ưa thì bảo bác sĩ ngoại khoa mới là bác sĩ thật!  Các nữ bác sĩ cho rằng cái “văn hóa đàn ông” (có người gọi là văn hóa lưu manh) trong ngành phẫu thuật vẫn còn tồn tại, và bài viết của Giáo sư Greenfield là một ví dụ.  Họ viết thư phản đối đến đại học Chicago, đến bệnh viện, và Hiệp hội mà ông được bầu làm chủ tịch.  Trước những áp lực quá lớn như thế, ông tự nguyện từ chức.  Ông cho rằng người ta hiểu lầm ông, trích dẫn ngoài văn cảnh, chứ ông không có ý khinh thường nữ giới.  Toàn bột số in của tạp chí cũng bị thu hồi.  Nữ giới hí hửng, vui mừng vì họ nghĩ là đã thắng lợi.  Trớ trêu thay, sự từ chức của ông -- một người đấu tranh rất mạnh cho nữ quyền trong y khoa -- được xem là một thắng lợi cho chính những người ông bệnh vực!
Thế là một câu chuyện về khoa học nhưng bị "lái" sang chuyện sex và nữ quyền.  Thật ra, chúng ta có lí do để phê bình cách diễn giải của Giáo sư Greenfield (vì ông ngoại suy hơi ... bị nhiều), nhưng việc biến cách diễn giải của ông sang chủ đề sex và nữ quyền là một cách xuyên tạc.  Tôi nghĩ vậy.  Khác với những người khác khi viết về sex thì hay mập mờ (vì sợ nữ giới phản đối), ở đây Gs Greenfield viết rất rõ ràng, chữ nghĩa đâu ra đó (tức là một cách viết rất khoa học), nhưng trớ trêu thay, ông phải trả giá cho cách viết khoa học đó.  Nếu ông viết một cách mập mờ, ai muốn hiểu sao thì hiểu, thì biết đâu ông vẫn còn tại chức. 
Câu chuyện này làm tôi liên tưởng đển một chuyện nhỏ hơn, liên quan đến Ngô Bảo Châu. Với chỉ một bình luận ngắn về vụ án Cù Huy Hà Vũ mà gây ra tranh cãi dai dẵng cho đến nay, và "chùa học toán" phải tạm thời đóng cửa! Ở nước ngoài, người ta nói chuyện chính trị thoải mái, nhưng đụng đến sex và bình đẳng giới thì phải cẩn thận; còn ở nước ta, ai cũng có thể nói chuyện cướp giết hiếp thoải mái, nhưng đụng đến chuyện chính trị là rắc rối. Chính trị là sinh hoạt xã hội bậc cao và bàn luận về chính trị là một thước đo của văn minh. Sự khác biệt giữa hai thế giới (trong và ngoài nước) cũng nói lên một phần chúng ta đang ở đâu trong thang bậc của văn minh.

Đăng nhận xét

item