Xếp hạng các trường ĐH ra sao?

http://www.scholarshipforusa.com/wp-content/uploads/2010/09/college-rankings.gifCách đây vài ngày, tôi có hân hạnh tiếp chuyện cùng phóng viên của báo Sinh Viên Việt Nam (svvn.vn) về một câu chuyện rất thời sự: xếp hạng đại học.  Thật ra, đây cũng là vấn đề tôi quan tâm, và cũng đã trình bày quan điểm mình trong cuốn sách Chất lượng giáo dục đại học nhìn từ góc độ hội nhập (in vào tháng 8 và đang tái bản). Nhưng có lẽ đây là cuộc trò chuyện đầy đủ nhất về đề tài này mà tôi có với một phóng viên báo chí. Cũng có thể nói rằng rất hiếm thấy một phóng viên nào phỏng vấn một cách tường tận và chuyên nghiệp như phóng viên bài này (nói thật nhé, chứ không phải ngoại giao). Tôi chỉ mong một ngày nào đó tôi sẽ có dịp ứng dụng những phương pháp tôi đang ấp ủ (và trình bày sơ qua trong bài này) để xếp hạng đại học, nhưng chắc ngày đó còn xa lắm :-). Xin giới thiệu cùng các bạn quan tâm. NVT
Xếp hạng các trường ĐH ra sao?

(SVVN) Bộ GD - ĐT dự kiến tiến hành xếp hạng các trường đại học trong cả nước. Nhưng cách phân hạng thế nào là khoa học và phù hợp với bối cảnh của nền giáo dục đại học Việt Nam? Sinh Viên Việt Nam có cuộc trò chuyện với GS. TS Nguyễn Văn Tuấn, ĐH New South Wales (Australia), người dành nhiều thời gian nghiên cứu vấn đề này.

Vì sao cần bảng xếp hạng?
Thưa Giáo sư, nhìn vào bức tranh của nền giáo dục đại học của ta hiện nay, ông có nghĩ là chúng ta cần có một cuộc sắp xếp thứ hạng các trường đại học trong cả nước?
Tôi nghĩ, nên có một hay vài bảng xếp hạng đại học ở nước ta. Mục tiêu của các bảng xếp hạng đại học là giúp cho học sinh, sinh viên và phụ huynh có những thông tin tương đối khách quan để chọn trường học cho từng ngành nghề cụ thể. Giáo dục đại học tuy không phải là một thị trường (hiểu theo nghĩa buôn bán hàng hóa), nhưng trong thực tế, nó cũng là một thị trường dịch vụ (hiểu theo nghĩa có người cung cấp và người tiếp nhận dịch vụ) và sinh viên có thể lựa chọn. Đã có lựa chọn thì phải có tiêu chí và tiêu chuẩn, do đó, các bảng xếp hạng đại học là cần thiết. Hiện nay, Việt Nam đã có trên 300 trường đại học (con số vẫn còn gia tăng), người dân có quyền đặt câu hỏi, trường đại học nào tốt trong lĩnh vực nào. Bảng xếp hạng đại học sẽ trả lời câu hỏi cấp thiết đó cho học sinh, sinh viên và phụ huynh.
Các bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới cũng khá đa dạng. Vì sao có việc này, thưa Giáo sư?
Đúng là các bảng xếp hạng đại học rất đa dạng và có khi cũng rất khó diễn giải. Vấn đề xuất phát từ tầm nhìn và phương pháp của nhóm xếp hạng.  Có nhóm như ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) thì quan tâm đến nghiên cứu khoa học, nên tiêu chí xếp hạng của họ đặt nặng vào công bố quốc tế và các giải thưởng lớn như giải Nobel và Fields, hay những công trình nghiên cứu công bố trên các tập san danh tiếng như Nature và Science, nhưng cũng có nhóm thì cho rằng, “danh tiếng” là cái gì - phải được đánh giá của những người trong ngành giáo dục, nên tiêu chí này được đặt vào trọng tâm.
Kế đến là vấn đề phương pháp, do mỗi nhóm sử dụng một phương pháp độc lập, nên kết quả xếp hạng có khi rất khác nhau. Ngay cả sử dụng cùng một phương pháp nhưng có khi trọng số khác nhau nên kết quả cũng rất khác nhau. Nói chung, chúng ta không biết chính xác phương pháp xếp hạng của họ ra sao, nhưng tôi biết rằng, họ sử dụng các thuật toán thống kê để ước tính các trọng số (dựa vào mô hình nào đó) và trọng số thì tuỳ thuộc vào cỡ mẫu đại học, nhưng mẫu nghiên cứu thì rất khác nhau giữa các nhóm, nên kết quả xếp hạng khác nhau giữa các nhóm là điều có thể hiểu được.
Về mặt cá nhân, ông đánh giá cao bảng xếp hạng nào nhất? Vì sao?
Tôi không đánh giá cao các bảng xếp hạng đại học vì tôi nghi ngờ phương pháp xếp hạng của họ. Tuy nhiên, xét về phương diện khoa học và phương pháp, tôi đánh giá cao cách làm của nhóm bên Hà Lan và MacLean (Canada). 
Có người nói rằng, những danh sách xếp hạng đại học của thế giới chủ yếu phục vụ cho mục tiêu thương mại, chứ không phải khoa học. Giáo sư có đồng ý với điều này?
Tôi cũng nghĩ vậy, nhưng có lý do để các bảng xếp hạng phải tồn tại. Như nói trên, các bảng xếp hạng này phục vụ cho mục tiêu chọn trường. Nhưng trong môi trường cạnh tranh giữa các đại học, mỗi đại học phải tự mình đánh giá chất lượng, nếu không, sẽ có người khác đánh giá. Các bảng xếp hạng này ra đời là nhằm đáp ứng mục tiêu đánh giá đó. Tôi không thấy có lý do khoa học nào trong việc xếp hạng đại học cả.
Theo ông, để xếp hạng một đại học, tiêu chí nào là quan trọng nhất? Và vì sao?
Tiêu chí nào quan trọng còn tùy vào mục tiêu của đại học. Trong điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam, sứ mệnh của phần lớn đại học chủ yếu là đào tạo, thì các tiêu chí đào tạo phải đặt lên hàng đầu. Đối với các nước tiên tiến như Mỹ, châu âu và một số nước châu Á (như Nhật, Hàn Quốc) thì một số đại học có sứ mệnh chính là nghiên cứu khoa học và do đó, tiêu chí nghiên cứu khoa học phải đặt lên hàng đầu. Nhưng các nhóm xếp hạng đại học ít quan tâm đến sự khác biệt giữa hai sứ mệnh, mà họ chỉ có những tiêu chí và trọng số cho tiêu chí chung. Theo tôi, đã là “đại học” thì cần phải có sứ mệnh theo tinh thần Humboldt (mô hình đại học đề cao tự do học thuật - PV) và do đó, tiêu chí nghiên cứu khoa học phải tương đương hoặc cao hơn so với với tiêu chí đào tạo.
Tại sao một trong những tiêu chí thường được các tổ chức bình xét lựa chọn, đó là tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm? Theo ông, các đại học của Việt Nam có thể tính đến yếu tố này?
Yếu tố này cũng quan trọng vì nó nói lên nhiều điều, kể cả chất lượng đào tạo và sự tương tác giữa trường đại học và kỹ nghệ. Các chương trình đào tạo có chất lượng thường giúp sinh viên tốt nghiệp dễ tìm việc làm hơn các chương trình đào tạo không bám sát vào nhu cầu kinh tế và công nghệ.  Đại học không thể tồn tại như một ốc đảo mà cần phải tương tác với xã hội, do đó, một số trường có chương trình cho sinh viên đi thực tập ở các công ty trước khi ra trường (giống như bên y khoa, sinh viên phải thực tập trước khi ra trường) và việc này tạo điều kiện cũng như nâng cao khả năng tìm việc cho cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Ở Việt Nam, đây là vấn đề khó, vì hình như nhiều chương trình đào tạo không theo sát nhu cầu xã hội, cho nên hơn phân nửa sinh viên ra trường phải được đào tạo lại về chuyên môn. Vấn đề ở Việt Nam là các trường đại học không có những khảo sát thường xuyên để biết bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp có thể tìm được việc làm và thời gian từ lúc tốt nghiệp đến lúc tìm được việc là bao lâu. Khó khăn thì có đấy, nhưng không phải là không làm được.
Để Việt Nam có một bảng xếp hạng tốt
Bộ GD - ĐT cho rằng, cần có phân hạng để học sinh có thể chọn được trường nào tốt, trường nào chưa tốt; doanh nghiệp sẽ biết được trường nào đào tạo ổn, trường nào thì chưa... Giáo sư có ý kiến gì về điều này?
Tôi không rõ khái niệm “phân hạng” này dựa vào nguyên lý nào, và cũng không biết rõ ý định của Bộ GD - ĐT. Do đó, tôi không có ý kiến gì. Nhưng tôi thấy không nên phân nhóm với hàm ý nói trường A tốt hơn trường B, mà không dựa trên cơ sở khoa học nào.  Làm như thế là một cách gán nhãn hiệu, hay ví von hơn là ra một “chẩn đoán” cho trường, mà mỗi chẩn đoán hay mỗi nhãn hiệu có khi là một bản án!
Ở Australia, các trường đại học cũng tự hình thành nhóm. Chẳng hạn như nhóm G8, gồm 8 trường đại học lâu đời và chuyên về nghiên cứu, còn các đại học khác cũng tự hình thành từng nhóm để tranh thủ ngân sách và ủng hộ của công chúng. Họ tự phân nhóm chứ không phải Nhà nước làm, và mục tiêu không phải là để ra tín hiệu cho doanh nghiệp, mà là để kiểm soát nguồn tài trợ cho nghiên cứu và đào tạo.
Theo Giáo sư, để Việt Nam có một bảng xếp hạng các trường đại học, thì cách làm thế nào sẽ là hợp lý?
Đây là vấn đề khó khăn, vì đòi hỏi phải thống nhất về phương pháp.  Nhưng phương pháp là vấn đề có thể giải quyết được. Theo tôi, cách tiếp cận phải qua 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 là làm nghiên cứu, thu thập dữ liệu liên quan đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Từ nghiên cứu có thể dùng các mô hình thống kê để ước tính trọng số cho mỗi tiêu chí và từ đó hình thành một mô hình xếp hạng.
Giai đoạn 2 là kiểm tra mô hình xếp hạng cho các đại học, xem độ chính xác và tin cậy của mô hình này ra sao. Nếu các tiêu chuẩn về phương pháp và mô hình được đáp ứng, thì giai đoạn 3 là triển khai và xếp hạng. Thật ra, cách tiếp cận này cũng là một cách làm khoa học nhất. Nhưng cách tiếp cận này đòi hỏi người làm phải am hiểu phương pháp nghiên cứu và phân tích dữ liệu.
Việc xếp hạng do Bộ GD - ĐT đứng ra làm có hợp lý?
Theo tôi, Bộ GD - ĐT không nên đứng ra làm xếp hạng, mà phải ủy nhiệm cho một trung tâm độc lập làm. Trung tâm này phải quy tụ những chuyên gia có kinh nghiệm về giáo dục đại học, các chuyên gia về phân tích định lượng trong giáo dục và cần phải có đại diện của Nhà nước, doanh nghiệp và nghiên cứu sinh. Trên thế giới, theo tôi biết, không có Bộ Giáo dục nào đứng ra làm việc xếp hạng đại học cả vì làm như thế thì chẳng khác gì vừa đá bóng vừa thổi còi. Tốt hơn hết là Bộ nên ủy nhiệm cho một hội đoàn chuyên môn nghiên cứu và đánh giá đại học, nhưng hội đoàn này phải làm đúng quy trình và có kinh nghiệm trong phương pháp định lượng.
Theo Giáo sư, yếu tố then chốt để có một bảng xếp hạng phản ánh đúng thực chất thể trạng của từng trường ở ta, là gì? Năng lực của ta thế nào trong việc có được “yếu tố then chốt” đó?
Yếu tố then chốt và quan trọng nhất trong xếp hạng là phương pháp luận. Không thể nào làm xếp hạng một cách đơn giản được, bởi vì giáo dục đại học là một hệ thống rất phức tạp. Phương pháp xếp hạng phải đáp ứng được tính phức tạp đó. Trên thế giới, người ta cũng làm những bảng xếp hạng bệnh viện và kinh nghiệm cho thấy cần phải nghiên cứu hết sức cẩn thận trước khi ra bảng xếp hạng. Trong quá trình nghiên cứu, khoa học thống kê đóng vai trò số 1 vì chỉ có mô hình thống kê mới có thể cho ra những trọng số đáng tin cậy và khách quan nhất.
Từng có lúc rộ lên chuyện Việt Nam muốn có đại diện đứng trong top 200 trường đại học hàng đầu thế giới. Theo Giáo sư, chuyện này có thể trở thành hiện thực không và bằng cách nào?
Theo tôi thì Việt Nam ta khó có thể có một đại học trong danh sách “top 200”, hay thậm chí “top 500”.  Nghiên cứu khoa học ở các đại học lớn nước ta còn quá ư khiêm tốn cả về số lượng lẫn chất lượng. Mỗi năm, cả nước chỉ công bố được khoảng 1.000 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế, mà những bài báo này nói chung có chất lượng thấp. Nghiên cứu công bố ở trong nước thì chất lượng còn có nhiều vấn đề hơn. Chúng ta còn thiếu những nhà khoa học thật sự có tiếng tầm thế giới (hiểu theo nghĩa gây ảnh hưởng quan trọng), chứ chưa nói đến nhà khoa học đoạt giải Nobel. Chất lượng đào tạo thì chưa cao như báo chí đã phản ảnh nhiều lần. Chỉ với hai tiêu chuẩn đó, đại học Việt Nam còn rất xa mới đạt được đẳng cấp “top 200”.
Muốn trở thành đại học đẳng cấp “top 200”, tôi nghĩ, có nhiều việc cần phải làm, nhưng trước mắt thì phải nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học và chất lượng đào tạo. Thứ nhất là phải đầu tư cho nghiên cứu khoa học tiên tiến, chứ không phải những nghiên cứu “làng nhàng”. Thứ hai là phải nâng cao trình độ của giảng viên và giáo sư. Hiện nay, chỉ có 15% giảng viên đại học có bằng tiến sĩ (trong khi đó ở các đại học đẳng cấp quốc tế thì tỉ lệ này là 80 thậm chí 90%). Thứ ba, là phải tuyển dụng các giáo sư và nhà khoa học nổi tiếng từ nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở đại học Việt Nam. Thứ tư là phải rà soát lại các chương trình đào tạo đúng với chuẩn mực quốc tế.  Với tình hình hiện nay, tôi nghĩ rất khó thực hiện 4 việc làm trên vì định chế và cơ chế quản lý giáo dục đại học ở Việt Nam còn là một “hàng rào” cản trở phát triển.

Lê Ngọc Sơn
Nhìn qua nhiều đại học ở Việt Nam, kể cả đại học lớn nhất, người ngoài có thể cảm nhận đó là trường trung học cấp 4, chứ không phải đại học đúng nghĩa. Một đại học đúng nghĩa ngoài nghiên cứu khoa học và chương trình đào tạo, còn là một môi trường trí thức, giáo sư và sinh viên tự do tranh luận về các vấn đề quốc gia và quốc tế, có sinh hoạt học thuật tích cực. Đó là những điểm mà các đại học Việt Nam còn thiếu hay chưa có”.(GS. TS Nguyễn Văn Tuấn)

Đăng nhận xét

item