Về Na Uy và về một quê hương trong hồi tưởng

Entry này thật ra là của anh Nguyễn Quang Minh, một chuyên gia kinh tế ở Na Uy, viết về cách sống của người Na Uy. Trong một entry trước, tôi có thuật lời anh bạn người Thụy Điển của tôi "phàn nàn" rằng người Na Uy hà tiện lắm. Henrik A. (tên anh bạn tôi) nói rằng Na Uy rất giàu, nhưng họ không hào phóng như Thụy Điển. Nhưng anh Minh cho chúng ta thấy rằng tính "hà tiện" của Na Uy rất dễ thương và có trách nhiệm với xã hội toàn cầu.

Đọc bài này tôi chợt nhớ trước đây Tuổi Trẻ có đăng ý kiến của một chuyên gia Hàn Quốc đang làm việc ở VN nhận xét rằng người Việt tuy còn nghèo nhưng "hơi vung tay quá trán". Cách sống "vung tay quá trán" này rất khác với cách sống có trách nhiệm của người phương Tây, mà điển hình là dân Na Uy như mô tả trong bài dưới đây.

Cám ơn anh Minh có nhã ý mời tôi sang Na Uy chơi cho biết. Muốn lắm, nhưng phải chờ đến cơ hội thôi. Hi vọng một ngày không xa tôi sẽ đến quê hương của giải Nobel Hòa Bình.

NVT

===

Về Na Uy và về quê hương trong hồi tưởng

Tạp ghi của Nguyễn Quang Minh

Sau bài viết về trình độ học vấn và giới tính các bộ trưởng Na Uy đăng trên mạng http://tuanvannguyen.blogspot.com và http://boxitvn.blogspot.com , tôi nhận được thắc mắc từ bạn đọc, tập trung vào hai vấn đề chính:

Nguời Na Uy hay chính phủ Na Uy có hà tiện và đường xá tồi như nhận xét của ông bạn người Thụy Điển, đồng nghiệp của anh Nguyễn Văn Tuấn ở bên Úc ?

Câu hỏi xem ra đơn giản nhưng trả lời không dễ. Ngay đến chủ nhân Tuan’s blog, nhắc đi nhắc lại điệp ngữ ”hà tiện” đến 6 lần trong đoạn giới thiệu dẫn nhập.

Tuy nhiên, tôi phải cám ơn quý bạn đọc, gây hứng thú cho tôi viết thêm bài thứ hai. Và tiện đây công khai năn nỉ chủ nhân Tuan’s blog, giúp đưa lên blog dùm, để bạn đọc của anh ấy biết chơi cho vui.

Xin bạn đọc xem bài viết này là một mớ ý nghĩ tạp và vụn vặt được xếp lại thành chữ của một người đi góp nhặt sỏi đá trên tuyết, hầu chuyện các bạn.

Đi xe đạp là hà hiện

Đầu tiên phải nói ngay là ông thủ tướng Jens Stoltenberg đạp xe đi làm vì muốn tiết kiệm cho môi trường xanh. Ấy là bóp bụng mà đoán vậy, chứ thực hư phải hỏi chính ông thủ tướng Jens mới chắc được. Vua Harald (1) và thái tử Haakon (2) thỉnh thoảng lấy xe đạp xuống đường.

Có nhiều người Na Uy đạp xe đi làm suốt mùa hè với ý thức kém hơn, trong đó có tôi. Tức là hà tiện chút tiền xăng. Và đôi khi cũng nghĩ đến sức khỏe nữa và bớt thêm một khoản chi phí, khỏi đến mấy cái fitness studio tập cho nó ra mồ hôi. Bên này lạnh, mùa hè có ấm áp hơn chứ nóng đến vã mồi hôi thì quả là hiếm. Nhờ vậy, ngân sách gia đình có dồi dào chút đỉnh nhờ vào ba cái khoản tằn tiện này. Dư ra đồng nào gom góp cu mi cù mì, được vài năm lại gồng mình làm một chuyến về thăm quê hương. Việt kiều mà đơn sơ quá, bà con và bạn bè cũ lại coi thường. Tủi thân kẻ bao năm lê bước chân xứ người. Có tiếng mà không có miếng.

Thế rồi, lại trắng tay. Rồi cày tiếp. Rồi hà tiện tiếp. Chứ thuế bên này nó đánh è cổ không thương tiếc, trong khi tháng tháng một đống bill đúng hẹn lại lên, trả cũng è cổ luôn.

Thế ra, 30 năm lưu lạc ở đất nước này, tôi nhiễm thêm cái bệnh hà tiện mà không biết. Tôi thách giới y khoa tìm ra thuốc chữa. Thú thực trong thâm tâm, nói ra xấu hổ, còn có chuyện này nữa: sắp có tuổi rồi, đứng thập thò ngưỡng cửa cuối U-50, muốn sống khỏe để mà hưởng hưu bổng, nếu mà Trời Phật thuơng. Có tiền mà không còn sức khỏe thì phí. Giống như một ông lão U-80, chìm tàu lạc vào hoang đảo to bằng cái lỗ mũi cùng với 30 em mặc bikini xinh như mộng.

Bên Hà Lan, người ta đạp xe nhiều nhiều lắm. Thành phố Amsterdam xe đạp chạy đầy đường. Hà Lan không có đồi núi, có đuờng dành riêng cho xe đạp khắp thành phố, như ở Rotterdam mà tôi biết, nên mỗi lần băng ngang đường, phải để ý tránh cả xe đạp nữa. Mấy ngày đầu đi làm bên đó, tôi bị dân xe đạp ”mắng như tát nuớc vào mặt ” vì cứ tà tà đi trên đuờng dành riêng, dù tuân thủ theo ” lề bên phải”. Mới đầu ngớ người ra như anh nhà quê ra tỉnh, nhưng sau mấy lần bị la ó thì khôn ra.

Tuy nhiên, ai dám chắc họ hà tiện ? Tiết kiệm khác với hà tiện. Nhân đây, tôi muốn mời chủ nhân http://tuanvannguyen.blogspot.com và mời ngay cả độc giả vui tính nào đấy, làm một chuyến sang Na Uy du lịch xanh cho biết. Dù mang tiếng là dân hà tiện, tôi hứa lo chuyện ăn ở, nghỉ ngơi và lập chương trình miễn phí đi đâu đó, thí dụ ban ngày vác ba lô đi vào rừng leo núi, tối khuya xách đèn đi bắt cua biển chẳng hạn nếu quí bạn là người dễ tính và đơn giản. Tôi sẽ ra tận phi trường đón bằng hai cái xe đạp. Mỗi người đạp một cái từ phi trường về nhà.

Lang thang chuyện xe đạp, bây giờ vào chuyện chính.

Na Uy đóng ”hụi” chết

Đóng hụi chết đây là hàng năm các nước giàu phải dành ra 1% của GDP để viện trợ cho các nuớc đang phát triển, nôm na là các nuớc nghèo, theo khuyến cáo của LHQ. Na Uy không nằm trong nhóm nhà giầu G7 nhưng thích chen chân vào.

Từ thập niên 1970, LHQ ra nghị quyết kêu gọi các nuớc giầu đóng 0,7 % GDP nhưng chỉ có ba nuớc Bắc Âu, Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy đóng góp đạt tỷ lệ này (3). Mãi đến năm 2003, thêm Hà Lan, Luxambourg đạt tỷ lệ 0,7 trong khì lúc này Na Uy đã vuợt đến tỷ lệ 0,92, tức 2 tỷ USD, đứng đầu các các nước trong OECD (4). Tôi không có tài liệu thống kê về khu vực Bắc Mỹ, Úc góp bao nhiêu % GDP nhưng tôi biết Nhật là quốc gia Á Châu chăm chỉ đóng hụi. Hình như cường quốc Mỹ còn là một trong những “ con hụi nợ dây dưa” lớn nhất trong OECD, thỉnh thoảng con đe “giựt hụi”.

Vậy chúng ta xem, Thụy Điển đóng hụi bao nhiêu mà ông bạn đồng nghiệp người Thụy Điển mắng nhiếc Na Uy là anh chàng hà tiện.

Ngân sách năm 2010, Na Uy đóng nghĩa vụ 1,09% GDP (5) , tức 27,4 tỷ NOK (= 4,57 tỷ USD). Nguồn tài liệu, www.regjeringen.no , www.ung.no và www.ungokonomi.no .

Thủy Điển vẫn 1%, tức 31,4 tỷ SEK (= 26 tỷ NOK, tính theo tỷ giá 1 SEK= 0,83 NOK). Nguồn tài liệu, www.sweden.gov.se và www.sida.se .

Xem ra, anh chàng hà tiện Na Uy vẫn chơi sang hơn đàn anh Thụy Điển 0,09 % . Con số 0,09% nhỏ vậy chứ lớn tiền lắm nghe, thưa quý bạn đọc. Đó là chưa kể đến các viện trợ nhân đạo cho thiên tai, nạn đói…

Na Uy có riêng một bộ, bộ Phát Triển Quốc Tế, chuyên chăm sóc và hô hào việc đóng hụi. Rõ ràng Na Uy không phải là người hàng xóm keo kiệt.

Thỉnh thoảng có năm, sau khi chiết tính thuế, tôi phải cắn răng đóng bù thêm. Là một công dân đóng thuế, tôi oán giận cái Bộ này lắm.Tôi không bao giờ bỏ phiếu cho cái đảng nào mà có ông bộ trưởng Bộ thổ tả này !

Thuế và sự đau xót

Người ta hay nói, nhà nước này, nhà nước nọ lo cho dân rất tốt. Bình dân dễ nghe và dễ hiểu nhưng lại bao hàm phạm trù bao cấp. Hai chữ “nhà nước” nghe ra rất sáo, khái niệm mơ hồ. Chính phủ thì chính xác hơn. Chỉ bàn riêng về chuyện thuế. Chính phủ A, B, C làm cái công việc hoạch định chính sách vĩ mô, hoạt động kinh doanh nào, lợi tức nào bị đánh nhiều hay đánh ít, giảm hay miễn thuế cho ai, gọi chung là tái phân lợi tực quốc gia. Sau đó, ưu tiên hay không ưu tiên đầu tư, chí phí công và dịch vụ công, để điều hành guồng máy kinh tế quốc gia, ngắn hạn, dài hạn….Tất cả đều do thuế và thuế thuế. Về tâm lý, thuế hàm nghĩa với sự “đau xót”. Biết rõ rằng, thuế là nghĩa vụ, là công bằng xã hội nhưng trên cái cõi đời ô trọc này, có ai thích đóng thuế bao giờ ? Bởi vậy, chính phủ nào lo mơ chuyện thuế, bị dân lo ó ngay. Mùa bầu cử tới coi chừng lá phiếu. Người ta không thể cho cái người ta không có và ngược lại. Nhớ trước 1975 ở miền Nam, mỗi lần viết đơn xin gửi UB phường, xã , quận, tỉnh…hay tổ chức hành chánh công việc gì đấy… câu kết cuối, trước khi ký tên, bao giờ cũng có một điệp khúc: “ xin trân trọng nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành của tôi”. Bây giờ nhớ lại, tôi thấy điệp khúc trên rõ vui. Bên này trước đây, cần một cái giấy khai sinh, giá thú, sỡ hữu nhà đất, phán quyết tòa án, chứng nhận hạnh kiểm của cảnh sát…tôi chỉ cần phôn, cho biết mã số cá nhân…họ gửi đến nhà ngày hôm sau, mà không cần ca tám câu vọng cổ “nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành ”. Thời buổi internet, thủ tục hành chánh còn đơn giản và tiện lợi gấp bội. Thực ra các cơ quan công quyền, từ địa phương đến trung ương, ông thấp nhất cho đến ông cao nhất, là nhưng người làm công ăn lương, họ chẳng có cái gì mà ban, phát. Họ phải có trách nhiệm hoàn thành đầy đủ, nhanh chóng và hiệu quả như luật định cho người đóng thuế vì tôi trả lương cho anh bằng “sự đau xót” của chính tôi. Thủ tục hành chánh trong nước hiện nay ra sao ai cũng biết rồi, còn tiếp tục sử dụng tám câu vọng cổ trên thì tôi không biết vì đã đi xa hơn 30 năm.
Lúc còn trẻ học môn tài chánh công, hành chánh công quyền… có đề cập đến lý thuyết về thuế cùng tương quan giữa thuế và sự đau xót, hiểu lơ mơ. Bây giờ, hàng tháng nhận giấy lương, khấu trừ này, khấu trừ kia nằm đâu … đã không còn lơ mơ nữa.

Bên Na Uy, tôi không sợ trộm cướp và cố gắng không sợ vợ, nhưng tôi sợ thuế.

Đóng hụi ra sao

Tiện đây, cũng nên biết họ đóng hụi ra sao. Trước đây các khoản viện trợ này chuyển thẳng vào ngân sách những nuớc nghèo mà họ muốn giúp. Sau này cách viện trợ này không hiệu quả. Nghèo lại nghèo thêm. Tiền viện trợ này được bùa phép đi vào túi kẻ có chức, có quyền. Sau này, họ quản lý theo từng dự án cụ thể và đặt ra mục tiêu rõ ràng. Mỗi quốc gia trong tổ chức OECD tự chọn lựa lãnh vực ưu tiên và trách nhiệm quản lý công việc viện trợ của mình. Cụ thể, mấy lãnh vực ưu tiên.

• Khí hậu, môi trường như ngăn chặn nạn phá rừng. Rừng bị soi mòn. Bảo vệ rừng đầu nguồn và nguồn nuớc. Xử dụng năng luợng sạch.

• Tạo công ăn việc làm cho người nghèo và phát triển hạ tầng cơ sở khu vực nông thôn. Y tế nông thôn.

• Quyền phụ nữ và trẻ em. Nạn mù chữ.

• Hổ trợ tiến trình dân chủ hóa và quyền làm người. Khuyến khích tự do ngôn luận và báo chí. Hổ trợ kế hoạch cải cách hành chánh để chống tham nhũng.

Thụy Điển và Đan Mạch hàng năm có ngân sách giúp Việt Nam. Na Uy thì khiêm tốn hơn, chủ yếu vào việc đào tạo trong công tác an toàn trong ngành dầu khí và học bổng cho bậc cao học và nghiên cứu sinh.

Các bạn trẻ ở VN có thể vào www.norad.no để xem tin tức học bổng. Nếu không, có thể xin học tự túc các trường đại học Oslo, www.uio.no, đại học Bách Khoa Trondheim www.ntnu.no, đại học Tromso ( cực bắc) www.uit.no , đại học Bergen www.uib.no . Các đại học miễn phí, chỉ lo tiền ăn ở. Tuy nhiên, chỉ có bậc cao học và tiến sĩ mới có tiếng Anh thay vì tiếng Na Uy.

Khoảng gần 20 về truớc, Na Uy tài trợ xây dựng trường dầu khí ở Bà Rịa-Vũng Tàu để đào tạo thợ trung cấp và ngắn hạn. Mấy chuyên gia dầu khí người Na Uy kể cho biết, ông giám đốc hay hiệu trưởng trường dầu khí này đi xe Mercedes đời mới, serie E hay S gì đó. Họ thắc mắc không hiểu nổi vì dạo đó kinh tế Việt Nam còn yếu ớt, giống như em bé đang chập chững tập đi.

Lại chuyện Na Uy hà tiện, theo ông bạn Thụy Điển

Na Uy và Thụy Điển có chung đuờng biên giới dài, lên tận phía bắc, giáp ranh nuớc Nga. Chuyện hai bên xây cầu hay xây đuờng hay chi phí bảo trì là chuyện thuờng thôi. Vấn đề là ai trả hóa đơn ? Vấn đề ai trả là vấn đề lớn. Chuyện này tôi có hỏi một số đồng nghiệp. Họ nói dân Na Uy mỗi năm ”chạy sang biên giới Thụy Điển mua hàng, nhất là rượu bia, thịt…cả tỷ bạc”. Giá hàng hóa cả bên Thụy Điển rẻ hơn Na Uy nhiều. Càng gần biên giới càng rẻ. Thành ra, làm giàu cho Thụy Điển thôi. Nhà nuớc Na Uy thất thu thuế VAT. Tiền Na Uy chạy theo qua biên giới, đến tay ông bạn láng giềng khó tính. Báo chí có đề cập chuyện này. Thống kê có. Cho nên họ nửa đùa nửa thực: bên nào có lợi thì bên đó trả nhiều hơn. Trừ những con đường huyết mạch, còn lại ngân sách địa phương trách nhiệm. Tại mấy nước Bắc Âu, hệ thống chính quyền địa phương có thẩm quyền tự trị rất lớn. Chẳng hạn tại Na Uy, tại Na Uy thôi nhé, cấp giấy phép bán bia rượu là quyền của địa phương. Có địa phương còn không cho bán bia, bán rượu. Có nơi, có bia mà không có ruợu. Tiệm bán rượu bán mang về chỉ được bán rượu, không được bán thứ khác. Giống như đã có cơm thì không có phở. Phở là phở mà cơm là cơm. Thuờng thì sau 5 giờ chiều, cấm bán bia ở siêu thị. Lúc đó, phở đi đường phở, cơm về nhà cơm. Ta là ta. Tôi cho rằng, triết lý cơm phở lại là khám phá vĩ đại nhất của người Việt Nam tồn tại qua hai thế kỷ.

Tuy nhiên, có thể mua bia, rượu tại nhà hàng hay quán rượu, nhưng mà đắt gấp 3, 4 lần. Một lon bia 500 ml (nửa lít) khoảng 4 USD ở siêu thị. Nếu ở nhà hàng thì gấp đôi, quán rượu gấp ba. Đấy là bia, chứ giá rượu còn chóng mặt hơn nhiều.

Rượu làng Vân

Cách đây đã hơn 15 năm, có một anh bạn, quan chức bên PV, Hà Nội sang bên này tu nghiệp về công nghiệp dầu khí, nghe đồn bia rượu đắt đỏ, mang nguyên một cái can đế 5 lít, để lai rai trong hai tháng. Ôi thôi, cái món quốc lủi nguyên chất sao nó quí giá mà cao sang thế. Tôi có một ông bạn vong niên người Hà Nộ gốc, từ ngày ra đi chưa lẩn trở lại cố hương, đánh hơi rượu làng Vân, gạ đổi ngang 1 lít lấy 1chai Hennesy. Dĩ nhiên, nghĩa đồng bào xa quê, cùng là đệ tử ruột phái lưu linh, anh bạn ấy biếu không. Còn ông bạn vong niên gật gù: giữa một trời tuyết trắng mà làm một ngụm đế làng Vân, nóng từ trong nóng ra, sướng hơn Từ Thức nhập tiên. Rượu làng Vân, nghe nói là danh tửu này ăn đứt đế Gò Đen. Tôi chưa có dịp đến, nghe đâu làng Vân xứ Kinh Bắc, thuộc tỉnh Bắc Ninh, quê hương quan họ. Bạn đọc nào ở hải ngoại, thích sưu tầm rượu, có dịp ra Hà Nội, dự hội Lim, cố tìm đến làng Vân xem sao.

Tôi thấy ở Việt Nam sướng hơn bên Na Uy nhiều thứ lắm. Nguyên khoản bia rượu và thuốc lá, Việt Nam ăn đứt. Ở Việt Nam, trừ quá nghèo không kể, ngày nào cũng có thể uống say đuợc, thuốc lá vài ba gói, vừa hút vừa làm đầu câu chuyện, lương vẫn còn đưa cho vợ. Người Việt Nam mình bên này không có ai nghèo nhưng ”đại gia” thì chưa nghe nói đến.

Ở bên này ngày nào cũng dăm chai, hai ba gói – 1 gói giá 70 NOK=11 USD – thì đói sớm. Cứ mỗi cuối tuần thôi, đưa cả gia đình đi nhà hàng chỉ còn khố rách áo ôm.

Na Uy là nuớc xuất khẩu dầu lớn thứ 5 trên thế giới (7) nhưng mà giá xăng nội địa trên 2 USD/1 lít ! Trong một lít xăng, thuế chiếm đến hơn 78%. Đủ loại thuế, có cả thuế môi truờng.

Chiều thứ bảy, khoảng 4, 5 giờ chiều, các cửa hàng phải đóng. Các trung tâm thương mại được phép đóng muộn hơn một chút. Sau đấy, tất cả im lìm luôn cho đến 10 giờ sáng thứ hai. Tại sao ? Tại vì luật cấm. Tại vì bó buộc mọi người phải nghỉ ngơi. .Có bán thì có mua. Không bán, không mua.

Đời sống mắc mỏ quá mà. Mắng dân Na Uy hà tiện là chính xác. Rất chính xác.

Ở Việt Nam còn sướng ở khoản oshin. Bên này, không có khả năng tậu oshin, dù bạn là triệu phú. Không kiếm ra oshin.

Oshin

Từ oshin nghe rất hay. Rất thơ. Sang trọng. Quý phái. Tôi không hiểu xuất xứ nguyên thủy, chỉ biết lơ mơ. Cái tuyệt vời nhất là danh từ oshin được việt nam hóa một cách tài tình. Khi bàn về sự cần thiết thành lập xã hội dân sự trong nước, có vị giáo sư gợi ý, oshin cũng cần có hội, như ”Hội những người làm oshin hay Hội những người lấy chồng ở Đài Loan...” huống hồ các ngành nghề chuyên môn khác (7). Ý tưởng rất hay. Độc đáo. Chuyện tự do lập hội là chuyện miễn bàn ở các quốc gia dân chủ phương Tây. Việc lập hội để tiến tới thành lập liên đoàn hay nghiệp đoàn oshin để bảo vệ quyền lợi như quyền đình công vì hiện nay đội ngũ này rất đông. Oshin là một cái nghề, một dịch vụ có tạo ra giá trị cho xã hội. Chắc chắn không ai có thể phủ nhận sự đóng góp của họ.Thống kê không tính đến dịch vụ âm thầm này là thiếu xót. Liên đoàn oshin, nếu cần, vẫn có khả năng xử dụng quyền đình công từng phần hay toàn phần theo luật định để làm áp lực tăng lương với giới thương lưu! Khi mà oshin được xã hội hóa và định chế hóa, thì họ cũng có nghĩa vụ đóng thuế lợi tức để hưởng tiền thất nghiệp, hưởng hưu bổng, an sinh y tế.... Và chính người xử dụng dịch vụ oshin cũng phải đóng thuế VAT. Từ đó, mới có động lực phát triển tay nghề, tức chuyên môn hóa nghề oshin. Tôi đề nghị một bạn đọc trẻ trong nước, đang là sinh viên môn kinh tế, xã hội học hay luật hay nên xem xét đến khả năng làm luận án tiến sĩ vể đề tài oshin, tôi hứa sẽ tìm nguồn tài trợ. Riêng quý bạn oshin, xin các bạn vùng lên.

Đuờng xá Na Uy

Trước khi tuyên bố độc lập vào năm 1814, thân phận Na Uy không hơn gì củ khoái cái kiến.Vui thì Thụy Điển vồ lấy, buồn thì quẳng cho Đan Mạch. Lăn đi lăn lại mãi.

Khi tuyên bố độc lập, bầu thái tử Đan Mạch làm vua. Rồi người Thụy Điển xông vào làm vua. Sau đó, vẫn phải co ro nằm trong liên minh với Thụy Điển mãi đến 1905, mới hoàn toàn tách ra đuợc. Cho nên các bạn Việt Nam đến Oslo thắc mắc cung điện nhà vua Na Uy gì mà còn thua cái trụ sở UBND thành phố Cần Thơ, còn thua xa dinh Thống Nhất (tên gọi hiện nay của dinh Độc Lập truớc 1975) ở Sài Gòn.

Cung điện, lâu đài, kiến trúc cổ kính phải đến Copehnhagen, Đan Mạch hay Stockholm, Thụy Điển. Copenhagen và Stockholm đẹp hơn Oslo, tôi có nhận xét vội vàng như vậy. Tuy nhiên, cảnh trí thiên nhiên Na Uy đẹp tuyệt vời. Vẻ đẹp nguyên sơ cùng với một sự bình yên cô độc. Đời sống bên này là cuộc sống tĩnh, âm thầm từ cây cỏ, sông núi và con người.

So với Thụy Điển và Đan Mạch, Na Uy chỉ là anh chàng nhà quê. Cả hai là những quốc gia mẫu mực về xã hội an sinh. Sau này, nhờ có tiền dầu khí, mới theo kịp hai ông hàng xóm đại gia. Ông bạn Thụy Điển nào đó chê Na Uy đường xá tệ lắm, là điều rất dễ hiểu. Tệ không phải xấu, ổ gà và ổ trâu.

Diện tích Na Uy ngang ngửa với Việt Nam nhưng 2/3 là núi rừng, ao hồ, đèo, vịnh chi chít. Việt Nam mình có vài cái đèo cỡ Hài Vân, chứ bên này có hàng ngàn, hàng vạn trên cả Hải Vân. Mấy nghìn đường hầm xuyên qua núi. Có khoảng 20 đường hầm dưới mặt nước. Sâu nhất đến 264 mét và dài gần 8 km. Đa phần hệ thống giao thông tương đối nhỏ, hết lên, lại xuống. Ra ngoại ô, đi về phía miền quê, còn nhiều liên tỉnh lộ vừa một vừa chiếc xe, phải tránh nhau mà đi. Xa lộ sang lắm cũng chỉ 2 lằn đuờng một chiều. Không rộng lớn và thẳng tắp như bên Thụy Điển, Đan Mạch. Càng không thể nào so sánh hệ thống giao thông tối tân và đồ sộ như bên Đức, Mỹ, Úc, Canada…

Quê hương nghìn trùng và ngày 30/04

Bước chân ra đi, tìm một tương lai mong manh nhưng mãnh liệt, miễn cưỡng chọn lựa gang tấc giữa cái sống và cái chết, cuối cùng số mạng vẫn dành cho tôi một sự may mắn. Mới đây mà đã ba mươi mốt năm.

Mới đây đã 35 năm, một cơn lốc nghiệt ngã ập xuống. Phần cá nhân, tôi xin được gọi là một cơn lốc không đắn đo. Lần đầu tiên trong đời, tôi gặp lại bố tôi. Một thương binh chống Pháp. Có nước mắt. Vui buồn lẫn lộn với tiếng thở dài buổi đoàn viên. Một thứ hạnh phúc cay đắng. Rồi tôi lại chia tay không một lời từ biệt giống như ông đã âm thầm ra đi theo tiếng gọi của đất nước khi tôi còn chập chững bước đi đầu đời. Bước đi đầu đời đã vấp té mà không có đôi tay của ông nâng đỡ. Tôi đã lớn lên như một cọng cỏ dại bên đường. Ông đã trách tôi hơn hai lần nhưng tôi chưa từng trách ông, kể cả một thoáng giây. Cuối cùng ông đã hiểu tôi và thông cảm cho tôi, trong lá thư cuối cùng trước khi ông nằm xuống bên kia trời quê hương. Đó là năm 1993, khi đất nước bắt đầu ngại ngùng mở tung cửa, đón luồng gió mới. Tôi về thì đã quá muộn cho lần gặp thứ hai. Cuộc sống bó buộc mỗi người phải trả một cái giá cho sự chọn lựa của mình nhưng tôi không hề ân hận.

Quá khứ đã đi qua rồi. Đã qua một đoạn rất xa. Bụi thời gian đã lắng xuống vực sâu. Ba mươi năm quả đủ dài để chữa lành một vết thương lòng. Có chăng ? Có thật chăng hay chỉ là giấc mơ ? Điều làm tôi day dứt nhưng chưa hề biết oán thù: về máu của một người cha đã đổ xuống trên chiến trường Điện Biên, một người chú bộ đội vào Nam đã nằm xuống ở một nơi nào đó ngoài Trung một mùa hè đỏ lửa 1972, một người chú khác, người lính thủy quân lục chiến VNCH đã nằm xuống trên một quả đồi ở Hạ Lào, chiến dịch hành quân Lam Sơn 719. Cả hai đều không tìm thấy thân xác. Gần 40 năm qua cũng đã hóa thân vào lòng đất. Bố tôi đã từng đến trại tù, cách ngăn bằng những thanh sắt thăm anh tôi. Nếu bà tôi ngoài Bắc còn sống mà biết tin đầy đủ về các chú tôi thì nước mắt của bà đổ ra sẽ nguyên vẹn giống nhau. Sự đau đớn giống nhau. Rất giống nhau. Còn tôi, tôi không giống ai, đã chạy trốn cái nơi chốn đã ôm một phần máu xương của bố tôi và các chú tôi, mà đi biền biệt. Tôi là dân Bắc kỳ cục. Mẹ dắt tôi, anh tôi, chị tôi theo tàu há mồm vào Nam. Thế mà thỉnh thoảng tôi vẫn bị chụp cho một cái nón cối rất to.

Quê hương nghìn trùng và những con đường trong hồi tưởng

Sống xa quê hương là chấp nhận một cuộc đánh đổi. Cái đuợc, cái mất. Hành trang mang theo buớc chân tha hương là hình ảnh quê nhà thuở thiếu thời. Gậm nhấm. Day dứt. Qua năm tháng. Na Uy rất nhiều con đuờng nho nhỏ, vòng vòng, quanh quanh, lên lên, xuống xuống. Nhiều con đường nhà quê. Bé bé, con con. Cánh đồng. May mắn ở nơi đây, có một người Việt Nam gặp được bóng dáng quê hương qua những làng quê yên tĩnh, qua những đường quê vắng vẻ, dọc theo ao hồ trong vắt… để tìm thấy sự bình an, dẫu là thứ bình an cô độc. Dẫu là chốc lát bỏ lại được đàng sau chuyện cơm cháo đời. Vào hè, ta có thể đạp xe loanh quanh đường làng quê suốt buổi. Mệt thì dựng xe nằm lăn trên bãi cỏ mà ngắm mây trắng bay bay như thuở ấu thời đạm bạc bên quê nhà. Vẫn cơm nắm mang theo như lúc còn bé theo mẹ vào rừng kiếm củi. Ăn ngon lành nhưng bỗng dưng mắt mờ đi. Trong khoảnh khắc tĩnh lặng đấy, tất cả hình bóng xưa trở về như một đoạn phim cũ. Thân thuơng muốn khóc.

Nguyễn Quang Minh Stavanger, tại thị trấn nhà quê Sandnes, Na Uy, viết xong đoạn cuối ngày 30/04/2010.

Chú thích.

(1) Hai tuần trước, núi lửa bên Iceland nhả khói mù trời, hàng không tê liệt. Ngày 16/4/2010, vua Harald 73 tuổi tự tay lái xe vòng qua Thụy Điển, đến Copenhagen, cho kịp dự lễ sinh nhật 70 nữ hoàng Đan Mạch Margrethe. Tính nhẩm, từ Oslo đến Copenhagen, sơ sơ cũng 7 tiếng đường bộ.

(2) Thái tử Haakon có một chuyện tình đẹp và ly kỳ còn hơn chuyện hoàng tử lấy cô tấm trong cổ tích. Sẽ kể sau này, nếu có dịp.

(3) Nguồn tài liệu, www.dn.no/forsiden/utenriks/article417661.ece

(4) OECD = Organization for Economic Co-operation and Development , Tổ chức Hợp Tác Phát Triển Kinh Tế, gồm Úc, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Hà Lan, Nhật, Lục Xâm Bảo, Ái Nhĩ Lan, Ý, Tân Tây Lan, Thụy Điển, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Áo, Đức và Mỹ.

(5) BNP mà Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch căn cứ để đóng %, không tính đến lợi tức đem lại từ hoạt động dầu khí ngoài thềm lục địa (offshore), lợi tức từ hoạt động hàng hải quốc tế, lợi nhuận do đầu tư tài chinh ngoài bên giới…Gọi là BNI. Bởi vậy, mấy nuớc Bắc Âu họ dùng thuật ngữ BNI- Bruto National Incomes- trong các báo cáo về ngân sách. Chỉ số BNI, do đó, thấp hơn BNP. Nếu tính gộp tất cả tổng sản lượng, BNP của Na Uy cao hơn Thụy Điển nhiếu. chủ yếu dầu khí ở thềm lục địa (Norwegian continental shelf). Các quốc gia khác trong OECD căn cứ BNP hay NBI để tính, tôi không có có tài liệu nhưng đoán chừng giống nhau.

(6) Về dầu thô, Na Uy là nước xuất khẩu lớn thứ 5 trên thế giới ( thống kê năm 2008) với 2,3 triệu fat mỗi ngày.

Về khí, đứng thứ hai, sau Nga, xuất cho khu vực Âu Châu Đứng thứ 5 trên thế giới về trữ lượng và thứ 3 về xuất khẩu.

Năm 2007, giá trị xuất khẩu sản lượng dầu khí (gồm NGL và condensate) mang lại 491 tỷ NOK (tương đương 82 tỷ USD), chiếm 46% tổng số xuất khẩu cả nước. Năm 2008, tổng giá trị mang về còn cao hơn nhiều vì giá dầu thô trên thị trường đột nhiên tăng vọt 6 tháng đầu năm, đỉnh cao nhất trên 130 USD/fat. Con số chưa chính thức, có thể trên 100 tỷ USD. Nguồn tài liệu: www.regjeringen.no và www.nho.no .

(7) http://boxitvn.blogspot.com, ngày 14/04/2010, giáo sư Đặng Ngọc Dinh, Ôsin cũng phải có hội .

Đăng nhận xét

item