Ghi chép cuối năm 3: Anh là Việt kiều hay Việt Nam?

Tựa đề trên cũng chính là câu hỏi của một anh tiếp tân của một khách sạn lớn ở Cần Thơ. Câu hỏi thoạt đầu làm tôi sốc, nhưng bình tĩnh nghĩ lại thì đó chính là một kiểu làm du lịch rất phản cảm và là một trong những nguyên nhân cho du khách đến Việt Nam không muốn quay lại ….


Đã lâu lắm rồi tôi không có dịp ghé qua Cần Thơ. Thật ra, nói vậy cũng không đúng, vì mới năm ngoái tôi đã có dịp đến và lưu lại ở Cần Thơ 2 ngày dự hội nghị. Nhưng hai ngày đó tôi chẳng đi đâu được, vì suốt ngày chỉ loanh quanh trong hội trường, còn ban đêm thì có bạn rủ nhau đi … nhậu. Điều mà tôi muốn là đi ra ngoài Cần Thơ để nhìn thấy tận mắt những người làm nghề nông đồng hương của tôi bây giờ ra sao. Dịp đó đã đến hôm 27/12 khi một người bạn mời đi dự tiệc ở Ô Môn. Thế là chỉ một vài giờ từ Sài Gòn về đến nhà ở Giồng Riềng, tôi lại khăn gói lên đường đi Cần Thơ.

Cái nghèo đeo đuổi những vùng cách mạng 

Chuyến đi từ Giồng Riềng đến Cần Thơ là một chuyến đi đầy kỉ niệm. Từ làng tôi, xe băng ngang qua Bến Nhứt, đến Vị Thanh (tức Chương Thiện ngày xưa), và từ đó trực chỉ đi Cần Thơ. Đây là đoạn đường khá chông gai thời trước 1975, bởi vì vùng Vị Thanh nổi tiếng là vùng “xôi đậu” trong thời chiến. “Xôi đậu” ở đây có nghĩa là cả hai phía “Quốc gia” và “Cách mạng” đều làm chủ vài địa bàn, hay thậm chí trong cùng một địa bàn. Có nơi, ban ngày là Quốc gia, còn ban đêm là Cách mạng. Đi xe đò ngang vùng này ai cũng ngán vì sợ bị trúng đạn.

Nhưng ngày nay thì khác lắm rồi. Con đường từ Giồng Riềng đi Vị Thanh được làm lại chỉnh chu hơn và êm ru so với ngày xưa. Nhưng đường vẫn còn hẹp, vì chỉ có 2 làn xe mà thôi. Thỉnh thoảng cũng rất nguy hiểm, vì xe gắn máy lẫn lộn với xe ôtô chen nhau từng tất đường để được … đi trước! Tuy nhiên, con đường này theo tôi là đẹp vì hai bên đường là đồng ruộng xanh rì. Đồng ruộng đang mùa xạ lúa. Mở cửa xe còn ngửi được mùi mạ non rất đặc biệt. Ôi, cái mùi mạ non này nó thơm dìu dịu và ngọt làm ngây ngất người ta chứ không phải chơi đâu nhé. Tôi bây giờ mới cảm nhận và trân quí nó qua một ca khúc của nhạc sĩ Thanh Sơn. Phải đi trên con đường này mới thấy quê mình đẹp, đẹp mộc mạc theo cách riêng của vùng Đồng bằng Nam Bộ.

Nhưng con đường đẹp đó chẳng kéo dài bao lâu thì đến khu vực làm cho tôi chùng lòng. Đó là vùng Ngọc Chúc, cũng thuộc Giồng Riềng. Đi ngang đây, tôi mới thấy cái nghèo vẫn còn đeo theo người dân ở đây. Rất nhiều nhà tranh, vách lá, xiêu vẹo như có thể sập bất cứ lúc nào. Rất hiếm thấy nhà tường. Nhiều căn nhà mà từ ngoài nhìn vào chẳng thấy tài sản nào đáng kể. Trống trơn. Phía ngoài là vài cái khạp đựng nước mưa, bên cạnh là cái giếng chắc bị ô nhiễm từ lâu vì toàn là rác rưởi. Người dân thì có vẻ lam lũ lắm, chỉ nhìn mặt cũng thấy họ không vui, không hạnh phúc, ánh mắt tỏ ra lo lắng, thiếu năng lượng. Có lẽ vì lo toan cho cuộc sống đã làm hao mòn năng lực của họ. Đây là vùng của Cách mạng ngày xưa. Tôi đi nhiều và rút ra một “qui luật” rằng những vùng nào từng là căn cứ của cách mạng ngày xưa thì đó cũng là những vùng nghèo khó nhất. Từ đó, có thể nào rút ra nhận xét rằng những người từng cưu mang cách mạng đã và đang bị bỏ quên?

Tôi bảo thằng em dừng xe để vào xin nước mưa uống và cũng là dịp để trò chuyện với chủ nhà. Vào nhà một người nông dân tuổi khoảng 60, đen đúa, khắc khổ, mùa nóng nên ông ở trần chỉ cái quần xà lỏn, đang hì hụt đào mương. Tôi hỏi xin nước uống, ông vui vẻ chỉ cho cái lu đựng nước mưa bên mái hiên, rồi dừng tay hỏi vài ba câu xã giao. Coi chú em chắc hổng phải người địa phương hả? Ông hỏi. Tôi nói rằng tôi là người huyện Giồng Riềng, nhưng khác xã, và nay thì sống ở nước ngoài. Không cần tôi hỏi, ông nói về cái nghèo ở đây như thế nào. Quanh năm suốt tháng chỉ sống nhờ vào 5 công đất. Tôi hỏi ông có biết nhà cô Hùynh Mai ở đâu không, thì ông cho biết cũng chẳng xa đây lắm đâu. Đây chính là quê hương của cô Huỳnh Mai, người con gái đi lấy chồng Hàn Quốc để có vài trăm đôla cho gia đình và để rồi phải chết thảm nơi đất khách quê người (và tôi từng có một bài viết trên báo Người lao động). Nghĩ đến thảm cảnh này máu trong người tôi như nóng dần lên. Chưa bao giờ người Việt Nam nhục như hiện nay, bị ngoại bang vào xem mắt như xem hàng hóa, bị người ngoại bang sát hại hàng trăm (hay hàng ngàn người ?)

Vị Thanh: thành phố ruộng 

Khoảng 1 giờ sau tôi đến Vị Thanh. Vị Thanh ngày xưa chỉ là một thị xã nhỏ, nhưng bây giờ là thành phố cấp 2, một “thủ đô” của tỉnh Hậu Giang. Cần nói thêm rằng Hậu Giang và Cần Thơ được tách ra từ tỉnh Hậu Giang cũ, và nay thành phố Cần Thơ trở thành thành phố cấp 1 trực thuộc trung ương. Có thể nói rằng Vị Thanh là một thành phố ruộng, bởi vì chung quanh là ruộng, và thực chất thì tỉnh Hậu Giang cũng là tỉnh ruộng. Tuy là thành phố ruộng, nhưng Vị Thanh có cái duyên dáng của vùng sông nước, với con sông chảy qua thành phố (xuất phát từ một nhánh của sông Hậu) rất đẹp. Ngày nay, chính quyền làm bờ kè hai bên sông, và đại lộ chính của thành phố cũng chính là con đường dài chạy dọc theo bờ sông, với mé sông là hàng ghế để người dân hóng mát. Tuy nhiên, chắc vì cái nắng gay gắt và con đường thiếu cây xanh, nên tôi chẳng thấy một bóng người nào ngồi mấy cái ghế đó cả.
Chúng tôi ghé vào một quán cơm để ăn dằn bụng và cũng là dịp để ngồi lại cảm nhận những thay đổi của thành phố ruộng này. Quán rất đông khách. Thực khách nam nữ mặt đỏ bừng bừng đang cầm lon bia chúc tụng nhau “dzô dzô” tưng bừng. À, thì ra hôm nay là ngày gần cuối năm, nên các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp kéo nhau ra nhà hàng … chơi xả láng. Dân miền Tây mà! Tôi chọn một cái bàn nhỏ ở góc quán, nhưng có thể nhìn ra đường lộ và bờ sông. Kêu vài món đặc sản vùng sông nước, như gỏi xoài khô cá sặc, cá rô kho tộ chấm rau luộc, cá lóc nướng … Mấy loại cá này thật ra là cá nuôi, con nào con nấy lớn ơi là lớn, lớn đến nổi mất đi cái bình thường của con cá rô đồng tôi từng biết. Tôi nghĩ thầm trong đầu biết đâu họ dùng hormone tăng trưởng để nuôi cá, nhưng thôi thì cứ thưởng thức một món cho xong, chứ tối ngày cứ nghĩ vẩn vơ như thế thì còn ăn với uống gì ở quê hương mình.


Một góc Vị Thanh - Ảnh: Thanh Triều

Trong khi chờ đồ ăn, uống một lon bia Sài Gòn đỏ. Ngon. Tôi nhìn ra bờ sông Vị Thanh thấy tàu bè qua lại tấp nập, phần lớn là những chiếc ghe tam bản chở lúa và xà lan chở đất cát. Lâu lâu có dịp nhìn những chiếc ghe tam bản lớn trên sông, tôi thấy thú vị về cách người ta “trang trí” cho ghe. Ghe nào cũng có cái mũi ghe sơn màu đỏ và lúc nào cũng có 2 con mắt tròn xoe, còn phía sau thì có cái mui cho tài công. Chẳng hiểu truyền thống vẽ mắt cho ghe xuất phát từ đâu, nhưng chắc chắn đó là một nét văn hóa của những nước có văn hóa sông nước. Tôi thấy bên Thái Lan người ta cũng có những cái ghe được sơn như thế. Đối với nhiều gia đình, cái ghe không chỉ là phương tiện kinh doanh mà còn là một nhà lưu động. Cả gia đình sinh hoạt trên ghe, ăn uống, tắm rửa, học hành … tất tần tật đều diễn ra trong cái ghe. Nhìn toàn cảnh, có thể nói Vị Thanh hay Chương Thiện giờ đây đã khá nhiều so với trước đây, không còn là vùng mà chỉ nghe cái tên người ta đã ngán đi. Tuy nhiên, thỉnh thoảng thấy mấy em bé lang thang bán vé số tôi nghĩ sự phát triển của Vị Thanh (hay miền Tây nói chung) vẫn chưa xóa được cái nghèo vẫn còn đeo đuổi một số không ít những người kém may mắn trong xã hội. Ước gì một ngày nào đó những em bé này không còn bán vé số mà cắp sách đến trường như mọi người và có cùng ước mơ như người viết bài này.

Xong bữa ăn trưa, chúng tôi tiếp tục hành trình đi Cần Thơ. Chỉ còn khoảng 1 giờ nữa thì sẽ đến Cần Thơ, dù khoảng đường từ Vị Thanh đến Cần Thơ chỉ khoảng 50 hay 60 km gì đó mà thôi. Thằng em họ và cũng là tài xế cho tôi không dám chạy nhanh, vì sợ công an “bắn tốc độ” và bị phạt rất nặng. Những ngày cuối năm này cảnh sát giao thông làm việc rất hăng, nên tài xế rất ngán. Dù thấy bất tiện một chút, nhưng tôi thì ủng hộ việc kiểm tra tốc độ và phạt những tài xế lài xe ẩu và nguy hiểm. Ở đâu thì tài xế có thể “bôi trơn” cho cảnh sát giao thông, chứ ở miền Tây thì nói chung là không có chuyện đó. Có hôm ở Sài Gòn, nghe những câu chuyện của tài xế taxi mà tôi không biết nên cười hay nên méo. Có tài xế của Mai Linh kể rằng ngày 24/12 em lái xe taxi bình thường, chợt bị cảnh sát thổi còi. Em đậu xe và đến cảnh sát giải trình “Ơ, em đâu có lỗi gì đâu anh, sao thổi em?” Anh chàng cảnh sát cười nói “Ừ, em có lỗi gì đâu, nhưng em không biết hôm nay là ngày gì sao, anh cũng cần lì xì chứ”. Một trăm ngàn đồng lì xì. Kể xong câu chuyện, anh tài xế gốc Nam Định chửi thề. Lại có chuyện anh tài xế của Vinasun kể rằng hôm đó anh bị phạt vì chạy quá tốc độ, anh chủ động bôi trơn, nhưng cảnh sát không chịu vì chê số tiền “mỏng” quá. Anh tài xế nói, “Chú biết không, anh chỉ vào cái đồng phục cảnh sát và hỏi con ‘mày biết để mặc được bộ đồ này tao tốn bao nhiêu không?’.” Hết nói. Tài xế có rất nhiều chuyện về cảnh sát giao thông mà tôi nghĩ viết thành sách sẽ rất thú vị.

Con đường từ Vị Thanh đi Cần Thơ càng lúc càng hẹp (chỉ có 1 làn xe mỗi bên), nhưng xe cộ thì càng lúc càng nhiều. Xe gắn máy chen lẫn xe bốn bánh, cộng với xe ngược chiều, và nhà cửa dân hai bên đường, cực kì nguy hiểm. Tuy tôi thấy nguy hiểm, nhưng tài xế và người địa phương thì chẳng thấy gì là nguy hiểm cả. Hình như người ta đã đối diện với cái chết và tai nạn hàng ngày nên cảm thấy chai lì chăng? Có khi một chiếc xe đạp nghênh ngang đi qua đường với xe bốn bánh chạy cả 60-70 km/giờ. Phải nói rằng ý thức người dân về an toàn giao thông còn kém lắm. Nhà nước cũng cố gắng vận động nâng cao ý thức an toàn giao thông, nhưng cách làm thì rất … bao cấp. Vẫn là những khẩu hiệu nền đỏ chữ trắng kiểu “An toàn là bạn, tai nạn là thù”. Đọc cái khẩu hiệu có thể nói là hết sức vô duyên và vô nghĩa này, tôi thấy nó chẳng giúp gì cho người dân cả. Vận động bằng khẩu hiệu là một cách vận động lười biếng, vì người ta chỉ treo khẩu hiệu một thời gian rồi thôi. Chính vì làm theo phong trào và lười biếng nên hiệu quả chẳng có bao nhiêu. Đã đến lúc học cách làm của nước ngoài để nghiên cứu về thái độ và hành vi cũng như nâng cao nhận thức của người dân về an toàn giao thông.

Cầu Cần Thơ và bức tranh phát triển

Đi Cần Thơ mà không đi cầu Cần Thơ là một thiếu sót. Tôi bảo thằng em quầy xe đi lên cầu Cần Thơ để biết sự tình ra sao trước khi quay vào trung tâm thành phố. Đây là cây cầu bắc ngang qua sông Hậu, dài gần 16 km (toàn tuyến, còn cầu chính chỉ dài 2.57 km), tốn đến gần 343 triệu USD để xây. Cái giá của cây cầu này cao gấp 3.5 lần giá cầu Mỹ Thuận do Úc xây. Cầu chính do nhà thầu Nhật xây, còn đường dẫn lên cầu thì do nhà thầu Việt Nam và Trung Quốc xây. Cầu Cần Thơ được khánh thành ngày 24/4/2010, tức là chỉ khoảng 8 tháng trước đây, và nay thì xe cộ qua lại rất đông.
Đi suốt chiều dài 16 km, tôi thấy rõ ràng chất lượng rất khác nhau giữa đường do Trung Quốc và VN xây với cây cầu chính. Tuyến đường dẫn do Trung Quốc xây thì gập ghềnh, lên xuống cứ như là vợn sóng, nếu tài xế không quen đường mà chạy nhanh thì dễ bị … xuống ruộng như bỡn. Có nhiều nơi đường bị hư, ổ gà nhỏ. Xin nhắc lại rằng đường chỉ mới đưa vào sử dụng chưa đầy 8 tháng. Khó có thể chấp nhận chất lượng xây đường xá như thế. Lên cầu thì thấy sự nhếch nhác của người mình. Người ta vô tư dừng xe gắn máy giữa cầu để … ngắm sông. Tôi còn nghe tài xế nói cây cầu này cũng là nơi mà vài cặp nam nữ yêu nhau trong nghịch cảnh nắm tay nhau nhảy xuống sông … tự tử. Đó là chưa kể đến lực lượng bán thức ăn dạo, bán vé số quanh quẩn trên cầu để tìm khách hàng. Rác rưởi thì tha hồ vứt xuống đường, hay có người “tử tế” hơn là vứt xuống sông. Thật là buồn khi thấy cảnh tượng này trên cầu. Một cây cầu hiện đại mang tầm vóc quốc tế mà rất “tiểu thương” như thế! Chẳng biết các nhà quản lí ở đâu và làm gì.

http://www.autotv.vn/upload/2010/09/02160448_ktxh33.jpg

Cầu Cần Thơ

Xuống cầu qua miệt Vĩnh Long thì đã thấy nhà cửa bắt đầu mọc hai bên đường, chắc là chờ cơ hội kinh doanh. Vẫn những căn nhà vách lá, mái tranh rất ư là tạm bợ, nhếch nhác. Có những hàng rào đường bị phá. Đó cũng là tình trạng tôi thấy trên đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương. Nói là “cao tốc” cho oai thế thôi, chứ thật ra thì tiêu chuẩn chưa phải cao tốc như mình hiểu ở Mĩ. Đường cao tốc đó chỉ bằng hay thấp hơn đường cao tốc dỏm của Úc mà thôi (thật ra, có thể nói Úc không có đường cao tốc), chứ không thể so với Mĩ được. Nhìn cây cầu hoành tráng, nhìn đường xá cao tốc (từ xa) cũng bóng loáng lắm, nhưng nhìn qua những căn nhà này tôi thấy toát lên một bức tranh thu nhỏ của tình trạng phát triển ở nước ta. Đó là sự phát triển không đồng bộ, chẳng khác gì khoác một cái áo veston rất thời trang và đắt tiền cho người nông dân đen đúa, mà chính người nông dân cũng chưa biết mặc cái áo đó ra sao.

Cần Thơ

Cuối cùng thì tôi cũng đến Cần Thơ. Đến nơi tôi mới thấy tính chủ quan của mình về nơi ăn ở có vấn đề. Tìm khách sạn ở Cần Thơ hôm đó (27/12) không dễ chút nào. Có lẽ đó là ngày gần cuối năm, du khách nhiều, nên nhiều khách sạn lớn đều không còn phòng trống. Những khách sạn trung thì giá đắt hơn so với ở Sài Gòn, còn những khách sạn nhỏ thì có vấn đề về vệ sinh và phòng ốc. Chúng tôi lái xe vòng vòng khu trung tâm thành phố gần 1 giờ mới tìm được một nơi hội đủ hai điều kiện (sạch sẽ và giá cả phải chăng) có thể lưu lại qua đêm. Đó là một khách sạn ở bến Ninh Kiều, nhìn ra bờ sông rất hay. Từ khách sạn có thể đi dạo các khu phố gần đó cũng vui, chỉ có điều là không có những nhà hàng hay quán ăn coi cho được.

Nhưng trong số những khách sạn mà tôi ghé qua, có một khách sạn gây ấn tượng cho tôi nhiều nhất: đó là khách sạn Hoàng Cung. Khách sạn, nhìn từ bề ngoài, cũng kha khá, trang trí coi cũng được (nhưng chưa đạt). Hình như khách sạn này còn có tên là “Sài Gòn – Cần Thơ”. Khi biết khách sạn có phòng trống, tôi hỏi giá bao nhiêu, thì nhận được một câu hỏi của anh tiếp viên: “Anh là người Việt Nam hay Việt kiều?” Tôi bị sốc và ngỡ ngàng trước câu hỏi mà tôi nghĩ là không thích hợp cho thế kỉ 21. Anh tiếp viên khoảng 30 tuổi không nhìn tôi, tiếp tục nhìn xuống tài liệu gì đó mà anh đang đọc. Thái độ này cho thấy anh không cần khách. Thấy anh không cần khách, tôi cũng không có ý định sẽ ở đây, nhưng vẫn phải hỏi một câu cho chắc ăn: Tại sao anh cần biết tôi là người trong hay ngoài nước? Vẫn không nhìn tôi, anh nói: Việt kiều thì giá phòng phải cao hơn Việt Nam.

Saigon_cantho_hotel_1

Khách sạn Hoàng Cung (Sài Gòn - Cần Thơ) của Saigon Tourist

Anh là người Việt Nam hay Việt kiều” Câu hỏi đó và cách dùng chữ cho thấy anh ta không phân biệt được “Việt kiều” cũng là người Việt Nam, hoặc anh ta xem “Việt kiều” là những kẻ có tội: tội sống ở nước ngoài. Vì có tội đó, nên người Việt ở nước ngoài bị phạt, bị kì thị. Chúng ta còn nhớ đến qui định giá cả cho người Việt ở nước ngoài vào những năm đầu thập niên 1990s cao hơn so với người Việt ở trong nước. Người ta có khi xem “Việt kiều” ở ngoài hái tiền trên cây. Do đó, người ta sẵn sàng chặt chém “Việt kiều”. Chặt chém cho chúng nó cháy túi. Nhưng đó là những gì xảy ra gần 20 năm trước, nay thì Việt Nam không còn kì thị người Việt ở nước ngoài nữa. Ấy thế mà tôi không ngờ rằng ở đây, ngay tại miền Tây quê tôi, có một khách sạn có cái tên cao sang là Hoàng Cung còn cái qui định kì thị mang tính chặt chém như thế. Điều này cho thấy Cần Thơ tuy là “thành phố” nhưng cách hành xử đâu đó vẫn chưa văn minh, chưa theo kịp chính sách của Nhà nước. Đó cũng có thể chính là lí do tại sao người ta không muốn đi du lịch ở miền Tây. Ai dại gì chui vào đó để bị chặt chém? Thật ra, số tiền mà họ chặt chém để có chút thêm thu nhập chẳng là bao, nhưng tự nó nói lên một kiểu làm du lịch dã man.

Dù trải qua một cái sốc với khách sạn Hoàng Cung, tôi đã có hai ngày vui và đẹp ở Cần Thơ. Buổi sáng tôi đi bộ dọc theo bến đò Ninh Kiều, để thấy cảnh sinh hoạt náo nhiệt và năng động của thành phố sông nước này. Từng đoàn xuồng ghe từ Vĩnh Long và một số địa phương lân cận tấp nập cập bến với hành khách và nông sản. Nhìn cảnh này tôi nhớ đến thời còn nhỏ ở trong quê. Thời đó, để đi Rạch Giá, tôi phải thức rất sớm, ra bến đò xã để tìm được chỗ ngồi vốn rất nhỏ. Đến 4 giờ sáng thì đò chạy và mãi đến 6 hay 7 giờ sáng mới đến Rạch Giá. Tôi lúc đó cũng như những hành khách này đây, cũng lỉnh kỉnh đủ thứ đồ ăn thức uống và rau cỏ để đi học ở tỉnh. Nhưng ngày nay thì đò chạy nhanh hơn thời đó rất nhiều, vì họ dùng toàn bo bo hay tàu cao tốc. Chẳng những nhanh hơn mà còn tiện nghi hơn nữa. Mỗi sáng tôi tạt vào quán sát mé sông để uống cà phê nhìn sông nước. Quán cà phê này nằm ở một nơi rất lí tưởng, nhưng cà phê thì dở không tưởng được! Tôi đến đây chủ yếu là để đọc báo, hóng gió, và nhìn cảnh mà thôi, chứ cà phê thì chịu, không thưởng thức được. Tôi phát hiện ra quán này là của … Nhà nước. Đã từng ăn uống trong nhiều nhà hàng và ở trong các khách sạn do Nhà nước quản lí, tôi đi đến một kết luận: họ làm kinh doanh rất dở. Tất cả các doanh nghiệp Nhà nước có 2 mẫu số chung: họ chiếm những khu đất rất đẹp, rất đắt tiền; nhưng chất lượng phục vụ thì quá kém.


Cảnh chợ đêm ở bến Ninh Kiều 

Ở bến Ninh Kiều có chợ tối mỗi đêm. Nhưng cách tổ chức và buôn bán thì vẫn còn rất … tiểu nông, và có cái đặc tính rất Việt Nam. Đó là khu chợ chật hẹp, manh mún, tủn mủn, nơi mà người ta bán tạp nhạp. Từ quần áo đến thức ăn uống. Quần áo thì toàn là đồ nhái, đồ dỏm, phần lớn là nhập từ Trung Quốc. Nhưng cái dỏm của chúng nó thô đến nổi chỉ nhìn qua bề ngoài là thấy, chứ chẳng cần đến nhìn phía trong một cách cẩn thận làm gì cho tốn thì giờ. Còn hàng quán ăn uống thì có vấn đề về vệ sinh, nước nôi tràn ra lề đường lênh láng, chẳng ai quan tâm. Ấy thế mà các nam thanh nữ tú thản nhiên xì xụp với những tô bún nước và vô tư bàn tán như chỗ không người! Tôi chỉ đi cho biết “sự tình”, chứ cũng chẳng mua được gì. Có điều tích cực ở đây là người ta không có chặt chém, không có phân biệt “Việt Nam” và “Việt kiều”. Tôi thấy những người bán hàng ở đây có vẻ thật thà hơn người bán hàng ở Sài Gòn. Đó là điều an ủi khi tôi ghé qua Cần Thơ.

Ở bến Ninh Kiều, chính quyền cho xây tượng cụ Hồ rất lớn. Tượng cụ Hồ mặc áo khoác hờ, dơ tay như chào và mắt nhìn ra sông. Nghe nói tượng này được xây theo tấm hình nổi tiếng mà một nhà báo Nhật đã chụp được khi cụ Hồ vẫy tay chào ai đó. Không có gì để nói, ngọai trừ đây là khu vực … dễ bị té. Tôi đi ngang qua đó và suýt bị té vì quá trơn. Định thần nhìn kĩ thì tôi mới thấy rằng người ta dùng toàn đá cẩm thạch, bóng loáng để làm nền chung quanh tượng. Với loại đá này, vì quá trơn tru, nên chỉ cần có chút nước là người qua lại té ngay. Tôi hỏi chủ khách sạn trong quá khứ đã có ai té chưa, thì bà chủ cười nói: ôi, ngày nào cũng có người té, trời mưa thì té nhiều nữa, nhất là khách không để ý, chứ người địa phương thì cẩn thận hơn và ít bị té. Đây là một ví dụ tiêu biểu cho việc biến sự kính trọng thành một gánh nặng y tế!



Tượng cụ Hồ (Ảnh Dân Trí) ở bến Ninh Kiều

Tôi thấy hình như cách làm du lịch miệt vườn ở Cần Thơ chưa có hệ thống. Bất cứ lúc nào tôi tản bộ vòng bến Ninh Kiều, tôi đều được hàng tá người đến chào hàng đi du lịch trên những chiếc bo bo hay vỏ tắc ráng. Tôi đã từng đi “du lịch” kiểu này năm ngoái, nên nay không muốn đi thêm, và đành phải từ chối. Nói cho ngay, họ không có chèo kéo hay hung hãn như ở Huế. Về khoản kinh doanh du lịch Người miền Tây coi bộ vẫn hiền lành hơn người Huế. Tuy nhiên, kiểu làm du lịch hiện nay theo tôi vẫn rất đơn điệu và nghèo nàn về hình thức. Khách đi một vòng chợ Cái Răng, lên bờ ăn uống, nghe đờn ca tài tử, rồi lại đi về thành phố. Tôi đã đi du lịch kiểu này và thấy không hứng thú chút nào cả, vì rất chấp vá và thiếu tính chuyên nghiệp. Tôi tự hỏi tại sao miền Tây không ứng dụng mô hình du lịch tại chỗ mà tôi thấy ngoài Hội An họ đã làm. Theo mô hình nay, du khách đến tá túc nhà của một nông dân vài ngày, họ sẽ theo chủ nhà ra làm việc đồng áng như xạ lúa, cấy lúa, cày bừa, tát đìa, hay đập lúa, còn nữ thì ở nhà lo việc nội trợ. Nói tóm lại, đó là mô hình du lịch mà khách có cơ hội làm người nông dân vài ngày, mà tôi tin chắc rằng sẽ rất thành công nếu được tổ chức chu đáo và an toàn.

Hai ngày ở Cần Thơ cho tôi một dịp “cưỡi ngựa xem hoa” những phát triển chung quanh thành phố. Cần Thơ bây giờ là thành phố cấp 1, trực thuộc trung ương, sánh vai cùng Đà Nẵng và Huế. Cần Thơ lại là Tây Đô như ngày xưa. Đã có đường bay trực tiếp từ Hà Nội vào Trà Nóc. Hôm tôi đến Cần Thơ nghe nói người ta đang chuẩn bị khánh thành sân bay quốc tế Trà Nóc. Một tin mừng. Đáng lẽ hai ngày ở Cần Thơ sẽ gặp vài anh bạn trong trường y, nhưng vì họ đều bận việc cuối năm nên chẳng có dịp hàn huyên tâm sự. Người thì đi phản biện luận án gì đó ngoài Vũng Tàu, người thì về quê ăn tết Tây, người thì đi du lịch bên Campuchea. Do đó, tôi không có dịp đi thăm các đại học ở đây. Bây giờ ở Cần Thơ có quá nhiều đại học mà tôi không thể nào nhớ hết tên. Tôi chỉ có dịp đi xe và để ý đến Đại học Tây Đô ngoài ngoại ô TP Cần Thơ. Đại học to đùng, được thiết kế theo mô hình Tây cổ điển, trông cũng được lắm. Chung quanh thì toàn là ruộng. Nhìn tổng thể thấy một quần thể building cao to và ruộng chung quanh cũng là lạ mắt lắm. Nó cũng giống như bức tranh phát triển mà tôi đề cập trên.

Tôi đã có những kỉ niệm vui và buồn ở Tây Đô. Vui là vì thấy quê mình bây giờ phát triển hơn trước, nhất là nhìn thấy Vị Thanh ngày nay “ngon lành” quá và Cần Thơ bây giờ văn minh hơn xưa nhiều. Vui nhiều mà buồn cũng không ít. Buồn nhất là bị kì thị ngay giữa vùng quê của mình. Nói gì thì nói, du khách Tây có thể “một đi không trở lại”, chứ tôi thì vẫn quay lại Cần Thơ vì đó là láng giềng của quê tôi. Tôi vẫn tin tưởng rằng tương lai miền Tây sẽ tốt hơn, chỉnh chu hơn, và sẽ xanh hơn như màu xanh muôn đời của ruộng vườn.

(còn tiếp)

Đăng nhận xét

item