Ghi chép cuối năm 4: Chuyến xe miền Tây
Chuyến đi từ Cần Thơ về Kiên Giang hôm cuối năm 2010 là một chuyến đi rất vui với tôi. Thay vì đi xe bao, tôi chọn đi xe đò của hãng Mai Linh. Đã nghe dịch vụ xe đò của Mai Linh từ lâu, nhưng đây là lần đầu tôi có dịp thử nghiệm qua cho biết. Khỏi nói thì ai cũng biết Mai Linh là một thương hiệu taxi uy tín nhất ở Việt Nam, nhưng Mai Linh còn là hãng xe đò uy tín số 1 ở miền Tây. Cần nói thêm rằng bây giờ Mai Linh đang gặp một đối thủ lợi hại: đó là hãng Phương Trang. Dù ra đời sau Mai Linh, nhưng dịch vụ của Phương Trang cũng chẳng kém gì [thậm chí có người còn cho là hơn cả] Mai Linh. Riêng tôi thì thấy hài lòng với dịch vụ của Mai Linh trong chuyến đi từ Cần Thơ về Rạch Giá.
Nhiệt kế thời sự
Đi xe đò lần này nhớ xe đò ngày xưa. Hồi đó, tức là thời bao cấp, đi xe đò là một cực hình. Tôi còn nhớ những chuyến xe từ Rạch Giá về quê tôi nó cực khổ biết bao. Những chiếc xe từ thời trước 1975 còn để lại nhưng thiếu phụ tùng nên người ta phải chế ra để phục vụ cho việc đi lại của người dân miền quê. Những xe đò cọc cạch, chạy chậm rì, thậm chí có khi hành khách trai trẻ như tôi phải nhảy xuống xe để đẩy lên dốc. Đó là những chiếc xe mà hàng ghế hoàn toàn làm bằng gỗ (chứ không phải nệm êm như bây giờ), còn khách thì đông nghẹt từ trong xe đến mui xe. Trên mui xe còn lỉnh kỉnh bao nhiêu gà, vịt, thịt, cá, trái cây. Trong xe thì hành khách đứng ngồi đông nghẹt. Mùi dầu cù là, mùi mồ hôi, mùi thức ăn … hòa quyện thành một cái mùi rất đặc sắc chuyến xe miền Tây. Thời đó, xe không có cục đề (starter) như bây giờ; người lơ xe phải đem cái cần quay bằng sắt nối vào đầu máy và quay một mạch để khởi động máy xe. Có lẽ nhiều bạn đọc trẻ ngày nay không tưởng tượng nổi kiểu khởi động xe như thế đâu. Thời đó, mua được vé xe liên tỉnh là cả một vấn đề. Thuở ấy, tôi là nhân viên Nhà nước, và mỗi khi đi công tác ở Sài Gòn hay các tỉnh lân cận, tôi phải có giấy phép (gọi là “giấy giới thiệu”), và dùng giấy giới thiệu đó để đi mua vé xe. Cũng phải trầy trật lắm mới có một vé xe. Có khi người tài xế thương tình thấy tôi thư sinh (hồi đó tôi ốm tong teo vì ăn bo bo quá lâu) nên cho ngồi ghế gần tài xế. Còn bây giờ, thời buổi kinh tế thị trường, thì sướng quá. Các hãng xe đò bây giờ cần khách, chứ đâu phải khách cần xe như hồi xưa nữa. Tôi chỉ cần điện thoại cho Mai Linh hẹn ngày đi. Thế là sáng sớm đã có xe trung chuyển của hãng đến đón tôi từ khách sạn để tập trung tại bến xe Cần Thơ, và chỉ chưa đây 10 phút ở bến xe, tôi đã lên xe đi Rạch Giá. Xe khởi hành đúng giờ. Không có tình trạng đón khách dọc đường. Tiếp viên vui vẻ và lịch sự với khách. Tài xế ăn mặc lịch sự, thắc càravát rất chỉnh chu. Xe có máy lạnh chạy khè khè, nhưng nhiều khách không chịu máy lạnh. Phong cách phục vụ chuyên nghiệp, nhịp nhàng, đâu ra đó, đúng là “danh bất hư truyền”.
Khoảng nửa giờ sau xe chạy, câu chuyện trên xe bắt đầu rôm rả. Người ta hỏi han để biết nhau, cũng là một cách tự giới thiệu rất … Việt Nam. Đại khái những câu hỏi anh/chị/em ở đâu, làm gì, đi Rạch Giá có chuyện gì, thậm chí làm lương bao nhiêu, v.v… Không ai cảm thấy bị “xâm phạm” vì những câu hỏi về “nhân thân” như thế, ai cũng vui vẻ trả lời. Tôi cũng thế. Tôi nói tôi là người đi thăm bà con ở Ô Môn về (sự thật là thế). Nhưng có người nói “Chắc anh ở ngoài về”, nên tôi đính chính ngay rằng “Tôi công tác ở Sài Gòn, chứ không phải ở nước ngoài” :-). Tôi chứng minh kiến thức về quê của mình, và dứt khoát không chen vào mấy tiếng Anh tiếng U để cho bà con thấy tôi là dân địa phương thứ thiệt. Tôi muốn nói như thế để hòa đồng cùng bà con, để sống lại những ngày đi xe đò miền Tây trong thời bao cấp ...
Sau phần tự giới thiệu như thế, đến phần chính là giải bày tâm tư của hành khách. Những câu chuyện làm ăn cực khổ ở các hãng xưởng Cần Thơ để có đồng tiền gửi về quê. Một chị ở U Minh đang bồng bế đứa con còn nhỏ nói chồng chị làm công nhân mỗi tháng chỉ có 1,5 triệu đồng, trừ tiền thuê nhà và ăn uống, chỉ còn trên dưới 500 ngàn để gửi về nhà. Chị than thở ở miệt U Minh bây giờ chẳng biết làm gì ra tiền, vì ruộng thì bị nước mặn xâm nhập, còn việc làm thì không có vì đâu có ai đầu tư công nghiệp ở đó. Những câu chuyện thời sự cũng được đem ra bàn tán xôm tụ. Anh công chức ngồi cạnh tôi thì than về tình trạng hối lộ tràn lan trong ngành xây dựng. Vụ Vinashin và những vụ tương tự, vụ PMU18 xa xưa, vụ Đại lộ Đông Tây, v.v… được nhắc tới nhắc lui và cuối cùng vẫn chỉ là những lời than thở, bó tay. Câu chuyện không thể nào thiếu đại hội Đảng khi mà hai bên đường cờ đỏ sao vàng và cờ đỏ búa liềm treo đầy phố. Những lá cờ đỏ chói hai bên phố trong cái nắng chói chang hình như làm cho nhiệt độ mùa hè càng nóng hơn. Tôi đang nghĩ nếu mình là nhà thơ tôi sẽ sáng tác một vài câu thơ để mô tả cái cảm giác lúc đó, cũng giống như câu thơ của Trần Dần chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ ngày xưa. Không có mưa sa ở đây, chỉ có cái nóng bức của miền Tây hòa nhập cùng màu cờ đỏ. Một anh hành khách có dáng dấp nông dân ngồi ghế trên khơi màu câu chuyện về đại hội Đảng và hỏi có ai có ý kiến ai sẽ là tổng bí thư (TBT). Người thì nghĩ đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trở thành TBT; người cãi lại rằng chức đó chưa bao giờ dành cho người miền Nam; người thì đoán ông Nguyễn Phú Trọng sẽ lên chức TBT; lại có người cho rằng người có vinh dự đó là ông Trương Tấn Sang. Có người thì thở dài rằng ai lên TBT thì cũng thế thôi, tình hình sẽ chẳng có gì thay đổi. Kinh tế phát triển sẽ vẫn phát triển. Tham nhũng thì vẫn tham nhũng. Giáo dục thì vẫn sẽ bê bết như hiện nay thôi. Điều đáng nói là chẳng ai hay biết vấn đề bauxite, cũng chẳng ai biết chuyện bọn “nước lạ” nó hành hung và giết ngư dân mình như thế nào, có lẽ do thiếu thông tin. Tôi nhìn quanh xe thấy chỉ có duy nhất một người đọc báo, mà là báo ... Công an Nhân dân! Thật ra, những tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, hay SGTT chỉ đến thành thị, chứ không có trong quê hay thị trấn. Ngay cả thị trấn Minh Lương (gần xã tôi) mà tìm được một tờ báo đọc cũng đỏ mắt. Người dân thiếu thông tin kinh khủng. Thay vào đó là những cái loa phát thanh những thông tin mang tính tuyên truyền (một chiều) của chính quyền. Mà, tôi phải nói cách thức tuyên truyền của họ cũng rất thấp, chỉ làm cho người ta chán mà thôi. Có người nói đùa rằng đó là những cái loa làm ô nhiễm không khí, vì cứ "đến hẹn lại lên" nó phát ra những âm thành rè rè, nhão nhoẹt, và nội dung thì không nghe cũng biết. Thật ra, báo chí Nhà nước cũng ít khi nào nhắc đến những vấn đề "nhạy cảm" như bauxite hay vụ bọn sát nhân mang tên "nước lạ" nó đang giết dân mình. Tôi cũng chẳng muốn nói đến những chuyện đó làm gì, khi mà bà con chẳng có thông tin. Tôi có cảm giác người dân, ít ra là những người hành khách ở đây, có vẻ cam chịu những bất cập hiện nay và hi vọng cho một ngày mai tốt hơn. Hi vọng như thế nhưng họ không biết gì để biến hi vọng thành hiện thực. Họ chấp nhận tình trạng tham nhũng hối lộ như là “sống chung với lũ”. Họ cũng chẳng có thông tin để quan tâm đến sự sống còn của đất nước, bởi vì thông tin đó chỉ nằm trong tay những người có học hay những người có địa vị trong xã hội hay ở thị thành.
Từ chuyện xa đến chuyện gần hơn ở tỉnh tôi. Có người so sánh sự phát triển kinh tế giữa An Giang, Kiên Giang, và Cần Thơ. Điều thú vị là chị này chỉ ra sự khác biệt rất đáng chú ý mà làm tôi có khi thấy nhói lòng: Kiên Giang có nhiều điều kiện hơn An Giang để phát triển, nhưng Kiên Giang lại thua An Giang quá xa. Thật ra, trước đây nhân dịp Tết, trong một buổi họp mặt người Việt gốc Kiên Giang đang ở nước ngoài tại quán Năm Nhỏ (Rạch Giá), tôi cũng có phát biểu ý này và được đài truyền hình Kiên Giang thu lại (nhưng chẳng biết có phát sóng hay không). Tôi nói rằng Kiên Giang có ruộng, cò rừng, có biển, là một Việt Nam thu nhỏ, nhưng tốc độ phát triển kinh tế của Kiên Giang thì còn thấp hơn so với các tỉnh lân cận. Tôi có dịp đi Vĩnh Long và thấy rõ ràng rằng Kiên Giang còn kém hơn Vĩnh Long. Hôm đó có lãnh đạo cao cấp tỉnh ủy và ủy ban nhân dân ngồi dưới, và tôi đoán ý kiến của tôi chắc làm cho các vị ấy không vui. Nhưng tôi nghĩ thà mình nói thật còn hơn là nói những gì các vị ấy muốn nghe. Quay lại câu chuyện của chị hành khách, chị chỉ ra rằng đến Kiên Giang, người ta chỉ thấy hàng quán ăn nhậu, chẳng thấy gì khác; còn ở An Giang người ta có hãng xương công nghệ lớn, có chăn nuôi phát triển nhanh, có đại học đàng hoàng. Cần Thơ thì có vài đại học hoành tráng (chưa biết phía trong ra sao). Ngay cả Trà Vinh, Vĩnh Long mà cũng có đại học. Kiên Giang chẳng có gì cả. Kiên Giang đánh cá xong giao cho An Giang sản xuất, xuất khẩu, và thậm chí còn bán lại cho … Kiên Giang! Chị ấy còn chỉ ra một điều thú vị ở Rạch Giá là có 2 khu lấn biển, một khu mà người ta gọi là 16 ha (lấn biển trước 1975) và khu lấn biển mới. Khu 16 ha ngày xưa trước 1975 là sân vận động, là nơi dành cho công chúng, nhưng bây giờ bị biến thành khu “Trần Dư”. Là dân địa phương, tôi rất ngạc nhiên hỏi chị cái tên Trần Dư này xuất phát từ đâu, thì chị cười ha hả nói: Ủa, anh không biết hả, Trần Dư tức là Trừ Dân, tức là khu không có dân ở, chỉ có quan ở. À, thì ra là vậy! Tôi thì chỉ nghe cái tên này lần đầu, chứ trước đây thì người ta dùng chữ để phân biệt một khu lấn biển “nhiều quan” (tức 16 ha) và khu lấn biển “nhiều quán” (tức khu mới). Thật vậy, nhìn qua khu lấn biển 16 ha cũ bây giờ nhà cửa xây lên sát nhau, trông không đẹp chút nào cả, làm mất mĩ quang của thành phố biển; còn khu lấn biển mới thì toàn là nhà hàng, quán nhậu, karaoke, đêm đêm nhạc xập xình đinh tai nhức óc, chịu không nỗi. Còn An Giang? Nhìn qua cách người ta thiết kế đường xá, khu hành chính, khu thương mại, đâu ra đó, tôi phải nói là đồng ý một cách ngậm ngùi với chị hành khách. Kiên Giang tôi thua An Giang xa quá.
Đặc sản xứ Nghệ: làm cách mạng
Câu chuyện lan dần sang 2 người nữ hành khách nói tiếng Nghệ ghế sau. Dù không phải là người địa phương, nhưng 2 chị này rất vui vẻ tham dự những câu chuyện của hành khách khác. Điều tôi chú ý là có một chị chắc tuổi trên 50, có vẻ rất informed, đọc nhiều, và … thích thơ. Thỉnh thoảng chỉ đọc một câu thơ hay một câu ca dao để minh họa cho vấn đề đang bàn, làm nhiều người cười thoải mái. Chuyện trò một hồi, tôi mới biết chị đi từ Sài Gòn vào Cần Thơ thăm bà con bằng máy bay, rồi từ Cần Thơ đi Rạch Giá bằng xe đò này để ghé thăm thông gia của chị. Chị cứ nhắc đi nhắc lại rằng thông gia của chị ở đường Nguyễn Văn Trỗi, Rạch Giá, và có vẻ sợ xe chạy qua địa chỉ. Tôi trấn an rằng chị cứ yên tâm, Rạch Giá nhỏ lắm, dù cho xe có chạy qua thì vẫn có thể tìm địa chỉ dễ như trong lòng bàn tay thôi. Chị cho biết chị làm nghề giáo nhưng đã nghỉ hưu rồi, và đây là lần đầu tiên chị vào miền Tây. Xe đến đâu chị cũng trầm trồ nói “Đúng là miền sông nước”. Chị vui vẻ kể ra có mấy đứa con, bao nhiêu tuổi, đang làm gì. Có khách hỏi tiếp thì chị nói chị có một thằng con cũng khá nổi tiếng, và hỏi qua lại thì mới biết “nó” là Lê Công Vinh, cầu thủ bóng đá trong đội tuyển quốc gia. Chuyến đi này chính là ghé thăm ông bà già vợ của Vinh ở Rạch Giá. Vợ của Vinh là ca sĩ Thủy Tiên. Bây giờ tôi mới biết Thủy Tiên là người gốc Rạch Giá. Thú thật, tôi chẳng theo dõi bóng đá nên cũng chẳng biết ai là ai, cũng chẳng hạp với loại nhạc cô Thủy Tiên ca, nhưng vẫn thấy thú vị khi gặp một người khách vui tính như chị. Cũng như hôm tôi đi từ Sydney về Sài Gòn tôi gặp Chí Tài (và chuyến trước thì gặp Đàm Vĩnh Hưng ngồi bên cạnh tôi), nhưng không có dịp làm quen. Nói chung, tôi thấy những người nổi tiếng ở Việt Nam ngoài đời họ rất khiêm cung và vui vẻ. Tôi hỏi chị có thích loại nhạc mà con dâu của chị ca không, thì sau khoảng 1 phút ngần ngừ, chị nói "không". Ai cũng cười. Tôi cũng nói thật rằng tôi không phải là fan của những loại nhạc mà giới trẻ đang mê mẩn ngày nay. Tôi cũng giả bộ hỏi chị về quê hương và dòng dõicủa cụ Hồ Sĩ Tạo ở Nghệ An, và thấy rằng chị tỏ ra khá rành câu chuyện mà sử gia Trần Quốc Vượng từng viết trong cuốn Trong cõi. Tôi đoán câu chuyện về Hồ Sĩ Tạo chắc chỉ có chị ấy và tôi là hiểu, chứ các hành khách khác thì chẳng hiểu chúng tôi đề cập đến chuyện gì.
Chị làm cho hành khách xe nhộn nhịp hẳn lên với câu hỏi rất hay: Đặc sản của Kiên Giang là gì? Không ai tìm ra được câu trả lời, và chính tôi cũng hơi bất ngờ khi gặp câu hỏi này. Mỗi câu trả lời đều bị khách khác bác bỏ (phản biện). Lúa gạo và cá? Chả có gì gọi là đặc sản cả, vì tỉnh nào ở miền Tây mà chẳng có. Nghĩ một hồi, tôi đề nghị “Nước mắm Phú Quốc”, ai cũng cười ồ lên nói nước mắm thì có gì là tự hào. Nhưng tôi cãi lại vấn đề không phải là tự hào mà là “đặc sản”, đâu có nơi nào trên đất nước này sản xuất nước mắm ngon như Kiên Giang. Anh hành khách giám đốc tiếp thị nói thế còn nước mắm Phan Thiết thì sao, họ cũng nói sản phẩm của họ ngon. Tôi thì nghĩ nước mắm Phan Thiết không ngon bằng và qui trình sản xuất cũng không như ở Phú Quốc. Thế là mọi người có vẻ chấp nhận nước mắm Phú Quốc là đặc sản của Kiên Giang, và tôi không quên kèm theo câu: chị nhớ mua vài lít về Nghệ An làm quà nhé! Sẵn dịp, tôi hỏi chị vậy chứ đặc sản của Nghệ An là gì. Chị cũng lúng túng, và sau vài phút suy nghĩ, chị nói chắc đặc sản của Nghệ An là …. làm cách mạng. Nghệ An là quê hương của rất nhiều nhà cách mạng. Hành khách ai cũng cười ngất ngư với câu trả lời này.
Lâu lâu nghe giọng Nghệ An làm tôi nhớ đến một người bác dưới quê mà tôi xem như người trong nhà. Tôi không bao giờ biết họ, chỉ biết bác ấy tên là Cực. Bác là người từ Nghệ An vào Nam kháng chiến (tức như Ba tôi) trong thập niên 1940 hay 1950s. Không biết làng quê của bác ngoài ấy là gì, vì bác cũng ít khi nào nói đến. Sau hiệp định Geneve, bác không đi tập kết, mà ở lại Nam và định cư ở Kinh B trong một cái nhà nhỏ. Bác là người Nghệ duy nhất trong cái kinh toàn là người Nam và Bắc di cư, nhưng bác sống hòa đồng với mọi người, xem kênh B là nhà, là quê hương của mình. Căn nhà của bác nằm giữa đồng không hiu quạnh, tường làm bằng bùn, và mái nhà lợp lá. Phía sau nhà bác có cái đìa để nuôi cá, phía trước là con rạch nước lúc nào cũng màu nâu. Tôi còn nhớ nhiều lần đi kinh B, tôi ngủ ở nhà bác, trong cái căn buồng nhỏ nhưng mát mẻ lắm. Bác sống một mình với con cháu, vì bác gái qua đời đã lâu. Căn nhà của bác là nơi nuôi nấng cán bộ cách mạng. Tôi còn nhớ hoài những đêm tôi ngủ ở đó, có những cán bộ vào ăn uống xong hay được tiếp tế hàng hóa, sáng sớm thì đi mất. Những người này sau trở thành quan chức lớn của tỉnh. Nhưng tiếc một điều là ít ai còn nhớ đến bác Ba Cực của tôi, nên bác nghèo vẫn hoàn nghèo. Ấn tượng còn đọng lại trong tôi về bác là một người nhỏ, thấp, bàn chân chính tông Giao Chỉ, khuôn mặt khắc khổ với nhiều vết nhăn trên trán của người có tuổi, nhưng lúc nào bác cũng yêu đời. Bác hay mặc bộ đồ bà ba đã ngã màu bùn phèn, trên đầu lúc nào cũng quấn cái khăn sọc ca rô đen trắng đã bạt màu. Tôi không thể nào quên nụ cười lạc quan của bác. Ngay cả cái tên của bác là Cực, mà có người đọc đùa thành … Cức nhưng bác xem ra chẳng quan tâm, mà còn lấy đó làm chuyện vui. Bác xem Ba tôi như là em, thường xay bơi xuồng xuống nhà tôi đàm đạo, bàn đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Chiếc xuồng của bác nhỏ lắm, vậy mà mỗi lần xuống nhà tôi, bác đem theo đủ thứ quà cáp cho bọn tôi. Cứ mỗi lần như thế bác nói huyên thuyên, chẳng cần người đối diện có hiểu tiếng Nghệ của bác nói gì hay không. Những lúc hứng, bác đọc thơ và giảng dạy truyện Kiều, cũng giống như mẹ của Công Vinh vậy. Cũng như cái chất giọng trọ trẹ khó nghe, trong tiếng cười của bác tôi cũng nghe được cái trọ trẹ, nghe được chất thuốc lào trong đó. Những lúc đó tôi chỉ ngồi bên cạnh để nghe. Bác hay vò đầu tôi rồi nói với Ba tôi “Tao coi số rồi, thằng này có số làm quan nay mai,” rồi quay sang tôi bác nói đùa “Này, mai mốt mày làm quan thì nhớ về giúp bác Ba đỡ nghèo nhé.” Tôi nhớ hoài cái câu sau đó, nhớ hoài cái giọng nói dấu sắt thành dấu nặng đó, nhớ giọng cười có âm hưởng Nghệ An pha trộn với thuốc lào. Bẵng đi một thời gian lâu tôi ra ngoài định cư, đến khi có dịp về thăm nhà thì nghe tin bác ba Cực qua đời ở độ tuổi 76 trong cái nghèo, cái nghèo đã đeo đuổi bác đến ngày bác chết. Bà con hàng xóm hùn nhau mua cho bác cái hòm và chôn đâu đó phía sau nhà. Sau 1975, mấy con cháu của bác lưu lạc khắp nơi, và chẳng có đứa nào khá giả cả. Tôi dự định một ngày sẽ quay lại và tìm ngôi mộ của bác để xây lại cho đàng hoàng hơn.
Miên man nghĩ ngợi một hồi thì xe đến khu ngã ba lộ tẻ. Tài xế dừng xe để bà con làm vệ sinh cá nhân và ăn sáng. Tôi cũng vào quán Bảy Minh kêu một tô hủ tíu và một li cà phê. Hủ tíu dở quá, ăn không được. Cà phê thì tàm tạm để đánh thức mình trong chuyến đi tương đối dài. Đang ngồi ăn uống, có 2 hành khách chung chuyến mon men đến làm quen. Hai anh này quả quyết rằng thấy tôi quen quen và hỏi có phải báo Tuổi Trẻ có lần đăng hình của tôi, và nếu thế thì chắc chắn tôi là người định cư ở nước ngoài. Tôi nói có lẻ hai anh lầm tôi với ông nào trên Tuổi Trẻ, chứ tôi đích thị là người địa phương, làm ở Sài Gòn. Hai anh cười tỏ vẻ không tin, và nói người trong nước không ai đụng chút là nói “cám ơn”! Thì ra, đây là một điểm cần phải để ý, nếu muốn đóng vai người Việt. Qua nhận xét của hai anh bạn khách, tôi chợt nhớ đúng là ở VN người ta đối xử nhau không mấy lịch sự. Vào quán ăn hay quán nhậu, dễ bắt gặp những câu khách nói với tiếp viên như “Ê mày, bữa nay có gì đặc biệt”, “Nói cho tao nghe hôm nay mày có gì”, “Tao thấy bực mình với mày rồi đó, nãy giờ nói mà vẫn chưa hiểu hả, ông chủ đâu rồi”, v.v… Những câu nói rất kẻ cả, như là ông chủ nói với người làm thời phong kiến hay sao ấy. Có lần đem nhận xét này nói với một người bạn, anh ấy thản nhiên trả lời rằng ở đây phải thế, chứ không nó leo lên đầu ông nó ngồi đấy. Tôi vẫn chưa thấy thuyết phục với kiểu biện minh như thế.
Xe chạy một hồi đến trạm thu phí Tân Hiệp. Ở Việt Nam bây giờ đi đâu cũng thấy người ta dựng nên những trạm thu phí. Sân bay, cầu, khu giải trí, xa lộ, v.v… đều có trạm thu phí. Cái trạm thu phí Tân Hiệp này đã tồn tại cả 20 năm nay, và nó vẫn tồn tại. Người dân không ngại đóng phí, nhưng người ta thắc mắc: tiền thu phí đi đâu? Câu hỏi này hoàn toàn hợp lí, bởi vì chính quyền chẳng bao giờ cho người dân biết tiền thu phí được chi tiêu như thế nào, và đường xá thì vẫn rất kém. Nếu thu phí để nâng cấp hay bảo tồn đường xá thì tại sao những con đường có thu phí vẫn còn ổ gà, gập ghềnh? Có bài báo phản ảnh rằng chính quyền địa phương có khi đơn phương dựng lên những trạm thu phí mà không có lí do gì thuyết phục. Tôi cho rằng trạm Tân Hiệp cũng là một trạm như thế, bởi vì lí do tồn tại của nó không ai biết. Có hành khách cho biết rằng cái trạm này cho Cần Thơ dựng lên, và bao nhiêu tiền thu được thì Cần Thơ nắm hết, Kiên Giang chẳng có một đồng nào. Nói gì thì nói, những trạm thu phí ở VN càng ngày càng nhiều, nhiều đến nổi nó làm nghèo người dân, mà hình như chẳng có ai chịu khó suy nghĩ hay đứng về người dân một chút.
Nhân một chuyến xe miền Tây làm tôi lan man nhớ bao nhiêu chuyện xưa, và liên tưởng đến chuyện đổi đời thời nay. Tôi nghiệm ra một điều hiển nhiên rằng trong đời người, cái khoảng cách giữa giàu và nghèo, giữa có và không có rất mong manh, và nó xảy ra có khi rất nhanh. Nhớ trước đây khi còn lưu lại bên Florence (Ý), đi máy bay hạng first class, ở khách sạn 5 sao, đi đâu cũng có người mở cửa khách sạn hay mở cửa xe, vậy mà chỉ 1 giờ sau đó sang Paris thì phải tự mình xách hành lí khệ nệ đi lên lầu 5 (khách sạn không có thang máy) mệt ná thở, lên đến phòng nằm ngay xuống để mắt thấy ... ngàn sao. Cũng có khi ở khách sạn 7 sao bên Ả Rập cả tuần, ăn uống cái gì cũng sang nhưng ... không có bia, và chỉ 3 ngày sau thì đã có mặt ở miệt quê Kiên Giang, ăn cá lóc nướng trui và thưởng thức rượu đế đến say nằm ngủ ngay bên bờ ruộng. Tôi thường nói đùa rằng cuộc đời này chẳng có gì làm tôi ngạc nhiên chút nào cả. Cực khổ, có khi cùng cực, cũng đã trải qua, và cái sang trọng thì không mới. Hôm nay cũng thế, mới 2 tuần trước đây, còn đi đây đi đó toàn bằng máy bay, và khi xuống máy bay thì có người đưa kẻ đón, nay đến lúc mình đi xe đò, cũng lỉnh kỉnh hành lí như ai, cũng ổ bánh mì cầm tay như mọi người, và cái quần short áo thun ngả màu phong trần như người dân địa phương. Ấy vậy mà tôi thích như thế, thích được trải nghiệm sự đổi đời đột ngột như vậy để xem mình thích ứng ra sao. Từ Cần Thơ đi Rạch Giá chỉ là một đoạn đường trên dưới 100 km, ấy thế mà phải tốn đến gần 3 tiếng đồ hồ. Tôi ước gì phải chi Nhà nước xây đường cao tốc thì việc đi lại của bà con tiện lợi biết bao. Có thể nhìn những chuyến xe miền Tây ngày nay như là một thước đo về sự phát triển kinh tế ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đó là một cuộc đổi đời, từ bao cấp sang dịch vụ tư nhân, từ nghèo khổ sang thoải mái một chút. Đó là những chuyến xe càng ngày càng trật tự nề nếp hơn (cũng như kinh tế đang dần dần sắp xếp lại), nhưng đường xá còn quá xấu (hệ thống hạ tầng cơ sở còn quá kém), và người dân vẫn chưa chuẩn bị kịp cho một cuộc đổi đời đang diễn ra ngay trên quê hương mình.
Đăng nhận xét