Đánh giá công trạng khoa học

Trước một đơn xin đề bạt giáo sư của một ứng viên với nhiều bài báo khoa học có nhiều tác giả, vấn đề đặt ra cho hội đồng đề bạt là nên đánh giá đóng góp của ứng viên cho khoa học như thế nào để đảm bảo tính khách quan và công bằng. Gần đây, có đồng nghiệp đề nghị "phương thức tính điểm thưởng cho các cá nhân có bài báo công bố quốc tế như sau: Mỗi bài báo đăng tạp chí quốc tế được 1 điểm, bài báo đồng tác giả thì điểm đó sẽ được chia đều cho số tác giả." Tôi e rằng cách đánh giá này có thể khó áp dụng cho những trường hợp mà “văn hóa” nghiên cứu khác nhau giữa các lab. Bài viết này trình bày một phương pháp tính điểm và nêu vài vấn đề đáng quan tâm khác trong việc đứng tên tác giả một bài báo khoa học.

Nghiên cứu khoa học trong những thập niên gần đây thường mang tính cách liên ngành. Một công trình nghiên cứu, nhất là nghiên cứu thực nghiệm như y sinh học, đòi hỏi sự đóng góp từ rất nhiều nhà khoa học với các chuyên ngành như sinh hóa, y khoa lâm sàng, thống kê học và dịch tễ học, y học hạt nhân, sinh học phân tử, di truyền học, v.v... Không những trong các ngành khoa học thực nghiệm, mà ngay cả khoa học xã hội cũng có xu hướng liên ngành. Theo một phân tích vào thập niên 1960s, có đến 62% số lượng các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học được trao giải Nobel là do hợp tác với các đồng nghiệp khác [1].

Xu hướng hợp tác liên ngành dẫn đến xu hướng đa tác giả trong các bài báo khoa học. Ngày nay, không ngạc nhiên khi có những bài báo trên các tập san lớn như Science, Nature, Cell, New England Journal of Medicine, Lancet, JAMA ... mà danh sách tác giả có khi kéo dài đến nửa trang ! Do đó, một bài báo có thể xuất hiện trong hàng trăm lí lịch khác nhau.

Một trong những khó khăn trong các nghiên cứu với nhiều chuyên ngành là vấn đề đứng tên tác giả. Ai là người đứng tên tác giả đầu, ai xứng đáng đứng tên tác giả thứ hai, ai là tác giả chịu trách nhiệm trước công chúng và cộng đồng khoa học cho nghiên cứu, và ai là tác giả liên lạc, v.v… Một cách hiển nhiên và theo cách hiểu thông thường, người nào có đóng góp nhiều nhất phải là tác giả đầu tiên, người có đóng góp quan trọng thứ hai đứng vai tác giả thứ hai … nhưng trong thực tế thì không đơn giản như thế. Nếu là một công trình nghiên cứu có kế hoạch và đề cương nghiêm chỉnh, vấn đề này thường được giải quyết và đồng ý trước khi soạn thảo bài báo. Nhưng trong thực tế các nghiên cứu khoa học không suôn sẻ như thế, mà thường vấp phải những khó khăn kĩ thuật đòi hỏi sự cộng tác và hỗ trợ từ các đồng nghiệp khác không nằm trong kế hoạch vạch ra lúc ban đầu. Trong những trường hợp này, việc hoạch định thứ tự tác giả có khi rất khó khăn và nan giải. Không ít trường hợp tranh chấp nổ lớn trên giấy trắng mực đen, và tình bạn, tình đồng nghiệp có thể bị sứt mẻ vĩnh viễn.

Tiêu chuẩn tác giả và cách tính điểm

Năm 1985, Ủy ban tổng biên tập các tập san y học (International Committee of Medical Journal Editors – ICMJE, còn gọi là Vancouver Group) đề ra 3 tiêu chuẩn cho một tác giả bài báo khoa học. Năm 2000, 3 tiêu chuẩn này được hiệu đính lại, và được giới khoa học quốc tế công nhận là những tiêu chuẩn vàng để qui quyền tác giả. Theo định nghĩa của ICMJE [2], một thành viên nghiên cứu có tư cách đứng tên tác giả phải hội đủ tất cả 3 tiêu chuẩn sau đây: (1) đã có đóng góp quan trọng trong việc hình thành ý tưởng và phương pháp nghiên cứu, hay thu thập dữ kiện, hay phân tích và diễn dịch dữ kiện; (2) đã soạn thảo bài báo hay kiểm tra nội dung tri thức của bài báo một cách nghiêm túc; và (3) phê chuẩn bản thảo sau cùng để gửi cho tập san.

Trong thực tế, rất ít nhóm nghiên cứu tuân thủ theo các tiêu chuẩn trên đây, nhưng thứ tự tác giả thường được hoạch định theo một "văn hóa" của trung tâm nghiên cứu mà các nhà nghiên cứu ngầm chấp nhận. Các "qui chế" bất thành văn trong các văn hóa này có thể tóm lược như sau :

Văn hóa thứ tự (sequence-determined credit). Theo văn hóa này, tác giả có công nhiều nhất (ý tưởng nghiên cứu, thực hiện nghiên cứu, phân tích số liệu, viết bản thảo) sẽ đứng tên tác giả số 1, người có công thứ hai đứng tên tác giả 2, và người có công ít nhất đứng tên tác giả sau cùng.

Văn hóa tương đương (equal contribution norm). Theo văn hóa này, tất cả các tác giả có mức độ đóng góp như nhau, và thứ tự tác giả sẽ được quyết định bằng chữ cái của họ. Nói cách khác, tác giả nào có chữ cái là A sẽ đứng tên tác giả đầu, và cứ theo thứ tụ đến tác giả sau cùng có chữ cái của họ là Z.

• Văn hóa "đầu chót" (first-last emphasis). Theo văn hóa này, tác giả thứ nhất và tác giả sau cùng là hai người có đóng góp nhiều nhất và chịu trách nhiệm về dữ liệu trong bài báo. Thông thường, tác giả thứ nhất là nghiên cứu sinh tiến sĩ hay hậu tiến sĩ, tác giả sau cùng là trưởng nhóm nghiên cứu của lab hay cơ sở nghiên cứu, và các tác giả theo sau tác giả đầu được xếp theo mức độ đóng góp.

Văn hóa định lượng (percent contribution indicated). Trong văn hóa này, chi tiết về đóng góp của từng tác giả được liệt kê một cách vắn tắt, và định lượng trong nội bộ với nhau. Chẳng hạn như hai hay ba tác giả có đóng góp tương đương nhau, và thứ tự tác giả được sắp xếp theo chữ cái của họ hay theo một phương pháp khá khoa học : đó là ngẫu nhiên hóa !

Do đó, khi xem xét lí lịch của một nhà khoa học, hay đơn đề bạt, hay đơn xin tài trợ của một ứng viên, nếu không biết được văn hóa mà ứng viên xuất thân thì rất khó mà đánh giá khách quan và chính xác cho ứng viên.

Giả dụ rằng sau khi tìm hiểu, chúng ta biết được văn hóa khoa học mà ứng viên xuất thân, vấn đề thứ hai là làm sao để định lượng đóng góp của ứng viên trong những bài báo gồm nhiều tác giả. Gần đây, có một đề nghị rất thú vị và khá hợp lí để giải quyết vấn đề này. Theo đề nghị này, cách tính điểm có thể dựa vào hệ số ảnh hưởng (impact factor) của tập san [3]. Nếu hệ số ảnh hưởng của tập san trong năm là k, cách phân chia điểm theo từng văn hóa có thể tiến hành như sau [4]:

Đối với văn hóa thứ tự (sequence-determined credit), tác giả đầu tiên có k điểm, tác giả hai có k/2 điểm, tác giả 3 có k/3 điểm, v.v...

• Đối với văn hóa tương đương, việc tính điểm dễ hơn, vì chỉ cần lấy k chia cho số tác giả trong bài báo.

• Đối với văn hóa trước đầu chót, tác giả đầu có k điểm, tác giả chót k/2 điểm, các tác giả còn lại có k/n điểm, trong đó n là tổng số tác giả.

• Đối với văn hóa định lượng, mỗi tác giả i có số phần trăm đóng góp (kí hiệu là pi), và điểm cho từng tác giả chỉ đơn giản là kpi.


Vài vấn đề thực tế khác

Trước thập niên 1960s, phần lớn các bài báo khoa học chỉ có một hay hai tác giả, thường là những nhà khoa học "sếp" của một cơ sở nghiên cứu. Các cộng sự viên khoa học làm việc cho sếp rất ít khi nào được đứng tên tác giả. Trong trường hợp này, việc đánh giá công trạng bề ngoài có thể chẳng có vấn đề gì, nhưng trong thực tế không phản ảnh công bằng công trạng của các nhà khoa học trẻ.

Khuynh hướng "độc tài" này không thể kéo dài mãi được trước những phàn nàn và chỉ trích của các nhà khoa học trẻ, cho nên các tập san quốc tế phải đề ra những tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể thế nào là một "tác gia" (author) của một bài báo khoa học. Chiều hướng "đa tác giả" trong một bài báo khoa học sẽ tiếp tục, và vấn đề đánh giá công trạng phải đặt ra. Phương pháp tính điểm như vừa trình bày tuy mang tính khách quan, nhưng cũng chỉ là một cách để tham khảo, vì trong thực tế còn nhiều yếu tố khác mà các "văn hóa" trên không áp dụng được.

Vấn đề trở nên khó khăn hơn khi trong vài năm gần đây có hiện tượng "tác giả ma" (ghost author) và "tác giả danh dự" (gift author hay honorary author hay guest author) [5]. Tác giả ma là những người trực tiếp thực hiện công trình nghiên cứu và soạn thảo bài báo khoa học, nhưng họ không muốn đứng tên tác giả, mà lại mướn một nhóm nhà khoa học đứng tên tác giả ! Trong một bài báo phân tích về vấn đề tác giả, các nhà nghiên cứu Thụy Điển và Canada phát hiện trong số 44 công trình nghiên cứu lâm sàng do các công ti dược thực hiện, có đến 31 (tức 75%) có hiện tượng tác giả ma [6].

Tác giả danh dự là những người không hội đủ điều kiện đứng tên tác giả, nhưng vì có ảnh hưởng hay có tên tuổi trong ngành nên được mời đứng tên tác giả bài báo. Theo một phân tích gần đây, khoảng 19-33% các bài báo trong lĩnh vực y sinh học có ít nhất một tác giả danh dự [7-8]. Một trường hợp nổi tiếng nhất về hiện tượng tác giả danh dự gần đây là vụ giáo sư Gerald Schatten bị khiển trách vì đứng tên tác giả bài báo "đầy tai tiếng" (của giáo sư W.S. Hwang) mà ông không hề có đóng góp gì cho công trình nghiên cứu, nhưng ông có tiếng nên được mời đóng vai tác giả như là một "người bảo kê". Tác giả danh dự được xem là một hành vi thiếu thành thật tri thức, lừa đảo, thiếu đạo đức khoa học.

Trông người lại nghĩ đến ta

Vấn đề lạm dụng đứng tên tác giả bài báo ở nước ta chưa được thảo luận chính thức trên mặt báo, nhưng qua phản ảnh không chính thức của nghiên cứu sinh và sinh viên vấn đề tồn tại khá phổ biến ở các trường đại học và trung tâm nghiên cứu. Những "hiện tượng" phổ biến mà người viết bài này từng biết hay được biết qua đồng nghiệp là : vấn đề "sếp" của một nhóm nghiên cứu tiếm công của đồng nghiệp trẻ ; vấn đề các "sếp" chẳng liên quan gì đến công trình nghiên cứu, nhưng là giám đốc bệnh viện hay giám đốc trung tâm nghiên cứu, nên được các tác giả dưới quyền ghi tên tác giả bài báo ; vấn đề được các công ti dược mướn đứng tên tác giả bài báo dù chẳng dính dáng gì đến công trình nghiên cứu.

Cũng có không ít trường hợp có nhiều bài báo, thậm chí sách, mà tác giả chỉ là người dịch từ các bài báo hay sách từ nước ngoài, nhưng lại "vô tư" đứng tên tác giả bản tiếng Việt ! Ngoài ra, một số nghiên cứu sinh tiến sĩ ở nước ta có khuynh hướng coi thường học thuật, xem việc học tiến sĩ hay thạc sĩ của họ là một sự mua bán [9].

Thậm chí có khi vấn đề đứng tên tác giả vẫn chưa được thể hiện nghiêm chỉnh trong các bài báo khoa học ở trong nước. Chẳng hạn như có bài báo mà tác giả chỉ đề tên họ một tác giả và kèm theo dòng chữ "và cộng sự" hay thậm chí "và cs"! Người ta phải hỏi ai là "cộng sự", và chắc chắn họ phải có tên có họ, tại sao không ghi tên họ rõ ràng. Đây là một việc làm (hay thói quen) không thể chấp nhận (chứ không phải "khó chấp nhận") được trong hoạt động khoa học.

Nói tóm lại, vấn đề "tác giả danh dự" và "tác giả ma" cũng phổ biến ở nước ta. Phải làm gì để tránh tình trạng nhập nhằng trong vấn đề quyết định ai là tác giả và vị trí của tác giả trong bài báo ? Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi nghĩ có thể làm vài việc căn bản sau đây:

• Trường đại học và trung tâm nghiên cứu cần phải phát triển một chính sách cụ thể về đóng góp trong nghiên cứu, và chỉ rõ các điều kiện cần thiết để các nhà nghiên cứu có thể xác định vị trí của tác giả trong bài báo;

• Nên hoạch định tác giả và vị trí tác giả trước khi tiến hành nghiên cứu, nhất là trong giai đoạn thảo luận và thiết kế nghiên cứu;

• Việc hoạch định này phải dựa theo các tiêu chuẩn của ICMJE đề ra, và tất cả các tác giả phải nhất trí trước khi tiến hành nghiên cứu.

Bài báo khoa học là một "đơn vị tiền tệ" cho sự nghiệp của nhà khoa học. Vì thế, đứng tên tác giả một công trình khoa học có nhiều lợi ích rất thiết thực và quan trọng cho nhà khoa học. Những lợi ích này có thể tóm lược trong 5 khía cạnh sau đây : (a) đóng góp cho sự tiến bộ của khoa học ; (b) thành tựu cá nhân ; (c) bằng chứng về khả năng tri thức ; (d) đóng góp vào sự phát triển của chuyên ngành và danh tiếng ; và (e) thước đo để được đề bạt trong thang bậc khoa bảng, xin tài trợ, và thu nhập vào các hội đoàn nhóm nhà khoa học ưu tú. Do đó, việc xác định công trạng một cách khách quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc thẩm định đóng góp của một nhà khoa học. Hi vọng phương pháp trình bày trong bài này góp một phần nhỏ vào chiều hướng đó.


Chú thích và tài liệu tham khảo :

[1] Zuckerman H. Nobel laureates in science : patterns of productivity, collaboration, and authorship. American Sociological Review 1967 ; 32 :391-403.

[2] International Committee of Medical Journal Editors. Uniform requirements for manuscripts submitted to biomedical journals. JAMA 1997; 3/4277:927-34. http://www.icmje.org.

[3] Tscharntke T, et al. Author sequence and credit for contributions in multiauthored publications. PLoS Biology January 2007 volume 5, issue 1, e18.

[4] Có thể lấy một ví dụ cụ thể như sau : Công trình "Development of a nomogram for individualizing hip fracture risk in men and women" gồm có 5 tác giả ND Nguyen, SA Frost, JR Center, JA Eisman, và TV Nguyen, công bố trên tạp chí Osteoporosis International năm 2007, với hệ số ảnh hưởng là 4.78. Cách tính điểm cho từng tác giả theo 4 "văn hóa" trình bày trên có thể tiến hành như sau:

1:Theo văn hóa thứ tự, tác giả ND Nguyen có trọn điểm hệ số ảnh hưởng, tác giả SA Frost có 4.78/2 = 2.39 điểm, tác giả JR Center có 4.78/3 = 1.59 điểm; v.v…
2:Theo văn hóa tương đương, các tác giả có đóng góp như nhau: 4.78/5 = 0.96.
3:Theo văn hóa “đầu chót”, tác giả ND Nguyen có trọn 4.78 điểm, tác giả TV Nguyen có 4.78/2 =2.39 điểm, các tác giả còn lại có điểm 4.78/5 = 0.96.
4:Theo văn hóa định lượng, các tác giả có đóng góp lần lược là 50%, 5%, 2.5%, 2.5%, và 40%.

[5] Hiện tượng "tác giả ma" thường xuất hiện trong các nghiên cứu lâm sàng liên quan đến các công ti dược phẩm. Các tác giả ma thường làm thuê cho các công ti này theo một qui trình đơn giản như sau : công ti muốn có một bài báo trên một tập san y học để tranh thủ ảnh hưởng (và cũng quảng bá) cho sản phẩm của mình ; họ tìm một công ti khác chuyên viết thuê ; họ cung cấp số liệu cho công ti viết thuê để soạn thảo thành một bài báo ; sau đó, họ lại tìm một số nhà khoa học có tên tuổi để đứng tên tác giả bài báo, và các nhà khoa học này được trả tiền "cố vấn phí" (consulting fee). Nói tóm lại, các nhà khoa học chỉ "bán" tên để kiếm tiền (và danh vọng), mà chẳng làm gì cả, trong khi người soạn bài báo thì đóng vai trò "ma" nhưng lại hưởng nhiều tiền hơn ! Không ngạc nhiên khi người ta gọi những hợp đồng kiểu này là "hợp đồng ma quỉ".

[6] Gotzsche P, et al. Ghost authorship in industry-initiated randomized trials. PloS Medicine January 2007 ; volume 4, Issue 1, e19.

[7] Huth EJ. Irresponsible authorship and wasteful publication. Ann Int Med 1986 ;104 :257-9.

[8] Flanagin A, et al. Prevalence of articles with honorary authors and ghost authors in peer-reviewed medical journals. JAMA 1998; 280:222-224.

[9] Có nghiên cứu sinh "vô tư" kể cho người viết bài này rằng làm nghiên cứu tiến sĩ ở trong nước rất dễ : chỉ cần thu thập dữ liệu bệnh nhân đến bệnh viện, mướn một người nào đó phân tích dữ liệu, sau khi phân tích xong lại mướn một người khác viết luận án ! Điều đáng quan tâm là nghiên cứu sinh này vô tư đến nỗi không nhận thức rằng những hành động đó là vi phạm đạo đức khoa học, vi phạm y đức, thiếu thành thật tri thức, và gian lận. Do đó, ở Việt Nam, hiện tượng tác giả ma không chỉ xuất hiện trên các bài báo khoa học mà còn nâng lên một tầm mới là trong các luận án !

Đăng nhận xét

item