Để nhớ đến một người bạn chưa về đến quê

Thiền sư Vạn Hạnh từng viết “thân như điện ảnh, hữu hoàn vô / vạn mộc xuân vinh thu hựu khô” (Thân như điện chớp, có thành không / cỏ cây xuân thắm, thu héo tong) để nói đến sự mong manh của một đời người. Mới thấy đó, rồi chỉ một vài giây phút sau thì mất. Đó cũng chính là tình cảnh của anh bạn tôi: sáng nay anh đã ra đi vĩnh viễn sau một cơn đột quị.

Anh bạn tôi, gọi theo cách gọi của miền Nam, là anh Hai T, cùng tuổi với tôi, tức là không trẻ mà cũng chưa có vinh dự được gọi “người cao tuổi”. Anh Hai T là người chúng tôi gọi đùa là “khỏe như trâu”, thân người to lớn, hơi thấp (và do đó được xếp vào nhóm obese, một risk factor của đột quị) nhưng da ngâm đen (không sợ thiếu vitamin D), chưa bao giờ vào bệnh viện, chưa bao giờ mắc bệnh gì nghiêm trọng (ngoài những cảm cúm theo mùa). Ấy thế mà chỉ một cơn đột quị đã đánh gục anh ngay lúc đang làm việc trong hãng sửa xe của chính anh tạo nên. Vào bệnh viện, nằm phòng cấp cứu, phải thở bằng máy, nhưng chỉ 8 giờ sau thì bác sĩ đề nghị gia đình cho phép rút ống để anh ra đi thanh thản. Chưa một lần vào bệnh viện, nhưng lần nhập viện đầu tiên cũng là lần nhập viện sau cùng của anh.

Bạn bè nghe tin anh ra đi đột ngột ai cũng sốc. Mới ngày hôm kia (thứ Bảy), anh còn tụ tập với đám bạn bè trong cái hãng sửa xe của một người bạn khác, lai rai vài lon bia, và hát karaoke rân trời. Hôm đó tôi phải đưa mấy anh bạn đồng nghiệp ở Trường Y Hải Phòng đi chơi trước khi mấy anh ấy lên đường về Việt Nam, nên tôi tham dự buổi họp mặt hơi trễ. Thấy tôi đến, anh Hai T kéo ghế cho tôi ngồi rồi vỗ vai nói “Ê, nảy giờ tôi nhắc ông hoài, ghế này vẫn dành cho ông đó”. Nói xong, anh gắp một miếng thịt vịt bỏ vào chén và bảo “ăn đi”. Anh rất quí tôi, có miếng ăn gì ngon cũng để dành cho tôi, anh thích loại rượu vang đỏ, và có chai nào ngon cũng nhất định để dành một li cho tôi thử. Anh thường nói “ông là tấm gương cho đám nhỏ nó noi theo”. “Đám nhỏ” ở đây là con của anh ấy. Thật ra, anh chỉ nói thế thôi, chứ chúng nó đã thành công trước khi biết đến tôi. Hôm đó, anh còn khoe với tôi là mới mua vé về Việt Nam vào dịp Tết, và hỏi tôi có “về ăn Tết ở bển cho vui không”. Anh còn nói mới khám phá ra một quán bán thịt bò ở Củ Chi rất ngon, và quyết chí sẽ đến đó “ăn cho biết”.

Nhưng chưa kịp về đến quê thì anh đã ra đi vĩnh viễn. Sự ra đi đột ngột của anh để lại biết bao thương tiếc trong nhóm bạn bè. Tôi định chiều nay sẽ ghé qua bệnh viện để thăm anh, nhưng sáng nay mới vào office đã nghe hung tin: sẽ rút máy thở để anh ra đi thanh thản. Thế là tôi chưa kịp bắt tay anh, chưa nhìn anh lần cuối, thì anh đã ra người thiên cổ!

Tôi có một nhóm bạn quen nhau từ những ngày mới sang Úc định cư 30 năm về trước. Tôi quen gọi đây là những “bội thu” của Úc. Dù đã định cư ở đây trên 30 năm, nhưng chưa một ai ăn một đồng tiền nào từ tài trợ xã hội của Úc; ngược lại, họ đóng góp công sức của mình vào sự phồn thịnh của Úc. Những người bạn tôi sang đây với hai bàn tay trắng, có người lên bờ chỉ cái quần đùi và áo thun, nhưng sau hơn 20 năm cần cù và miệt mài làm việc họ đã tạo cho mình một cuộc sống ổn định, dư dả, đủ “tiếp sức” cho thân nhân bên Việt Nam. Những người bạn của tôi làm “việc tay chân”, người thì sửa xe ôtô, kẻ thợ điện, người làm đồng và sơn xe, người làm làm sắt, v.v… Anh Hai T là một trong những người như thế. Anh Hai T khi mới sang Úc cũng làm đủ thứ nghề, mãi đến khoảng 10 năm trước anh mới kì cóp đủ để mở một cái hãng nhỏ chuyên sơn xe làm đồng xe. Hãng của anh tuy nhỏ nhưng rất đắc khách, một phần vì anh rất khéo tay và làm rất uy tín, một phần khác nhờ bạn bè trong nghề giới thiệu. Tuy mang tiếng là làm chủ, nhưng anh có khi làm còn hơn cả công nhân. Anh là một người Việt tị nạn tiêu biểu, đã đóng góp sức mình cho xứ sở này ngay từ những ngày đặt chân đến Úc.

Thế hệ của anh và tôi là thế hệ làm cật lực cho con cháu. Người trong nước có câu hay hơn: “hi sinh đời bố, củng cố đời con”. Câu này quả thật thích hợp cho anh Hai T và những người bạn của tôi. Thật vậy, tôi quen một anh bạn khi sang đây với 5 đứa con nheo nhóc, đen đúa, còn anh thì chỉ biết đọc biết viết, nhưng sau 20 năm tất cả 5 đứa đều tốt nghiệp đại học, có đứa thành danh trong xã hội. Có lần tôi hỏi mấy đứa nhỏ tụi nó học gì và học ở trường nào, hai vợ chồng cười nói với tôi hết sức dễ thương: “biết chết liền”. Hai người không biết con mình học cái gì và học trường nào! Mấy đứa nhỏ chỉ báo cho ba má chúng đi dự lễ tốt nghiệp, và thế là xong. (Thật ra thì tôi có hỏi chuyện tụi nhỏ nên biết được chúng nó là kiến trúc sư, kĩ sư, thầy giáo, kế toán, và thương mại). Nhưng anh Hai T thì “khá” hơn, anh biết con mình học gì và làm gì. Những lúc ngà ngà, anh Hai T thường hay tâm sự với tôi và bạn bè rằng anh xuất thân từ một gia đình nổi tiếng với nghề làm nước mắm ở Biên Hòa, hồi nhỏ anh là người lêu lỏng, ít học (dù anh chị em ai cũng học đại học và trở nên giàu có), nhưng mấy đứa con của anh đứa nào cũng tốt nghiệp hay đang học đại học, đứa thì đang học nha sĩ, đứa ra trường dược sĩ, đứa thành kĩ sư, nhưng chẳng có đứa nào nối nghiệp “làm xe” của anh cả. Nói xong anh cười khà khà, như là bày tỏ sự mãn nguyện cho sự hi sinh của mình.

Anh là một người có cá tính rất … Nam bộ. Anh hút thuốc lá, nhưng không chịu hút thuốc lá có đầu lọc, mà anh mua thuốc về, tự tay vấn thành từng điếu, rồi bỏ trong cái hộp thuốc làm bằng thiết có hiệu
555 ở phía ngoài hộp. Bạn bè quen gọi “thuốc là 555 của Hai T”. Anh chẳng bao giờ làm phật lòng ai, nhưng cũng thỉnh thoảng nổi nóng và chửi thề. Cách chửi của anh cũng đặc biệt: chỉ một tiếng Mẹ. Có lần anh kể lại một vụ đuổi khách hàng của anh: “Mẹ! Tôi ghét nhất mấy người khách lại trả giá từng đồng. Hồi chiều có thằng Ấn Độ đến nó kì kèo, thấy ghét. Tôi muốn đuổi nó đi, nên ra giá cao gấp 10 lần, mà ông biết không, nó đồng ý mới kẹt mình chớ. Mà tôi đâu nở lòng lấy giá đó, nên tôi nói ‘tao hết nước sơn rồi’ để nó đi chỗ khác. Mẹ! Ghét nhất mấy thằng bần tiện”. Anh đúng là hào hiệp, có khi làm xe cho khách không lấy tiền vì anh nói “chuyện nhỏ mà”.

Anh làm quần quật suốt 7 ngày, và chỉ có niềm vui vào ngày cuối tuần. Tôi nghĩ ngoại trừ những ngày về Việt Nam, anh không có ngày gọi là “week end”. Ngày cuối tuần, bạn bè tụ tập nhau uống bia, nhậu nhẹt, và hát karaoke. Ngoài nghề chính, anh còn rất giỏi nấu ăn nhanh và ngon. Có khi tôi thấy anh nấu một món súp với ba sườn và rau gì đó mà chỉ đúng 10 phút là có ăn, và ai cũng khen ngon. Ngon thật, chứ không khen để lấy lòng. Anh cười khà khà hỏi: “nấu vậy mở nhà hàng được chưa?” Trước đây tôi không biết hát karaoke, nhưng vì sức ép của Hai T mà tôi bây giờ cũng hát tàm tạm. Anh thích hát những bài “nhạc sến”, những bài nổi tiếng trước 1975. Chỉ có tôi chọn bài anh mới thích, vì anh nghĩ tôi biết tâm lí anh. Anh rất thích bài Hát nữa đi em của Phố Thu. Mới 2 hôm trước, anh còn say sưa với Hát nữa đi em, lỡ ngày kia sông cạn đá mòn / Hát nữa đi em, cuộc tình ta chưa hết đoạn đường / Hát nữa đi em, khơi bếp hồng đốt lửa đêm đen / Chuyện ngày xưa nhắc chi thêm buồn / Đời ai không có những tâm sự buồn. Nghe anh xuống giọng câu Đời ai không có những tâm sự buồn tôi có cảm tưởng như anh có tâm sự gì buồn, nhưng cũng phải công nhận anh có chất giọng rất tốt. Có khi nhìn anh nghêu ngao những lời ca như Đêm đêm ngửi mùi hương / mùi hoa sứ nhà nàng / Hương nồng hoa tình ái / đậm đà đây đó gọi tên / Nhà nàng cách gần bên / giàn hoa sứ quanh tường / Nhìn sang trộm nhớ thương thầm / mơ ngày mai lứa đôi, tôi thấy anh như thả hồn vào ca khúc. Nghe riết những bài anh hát tôi cũng … thuộc lòng luôn.

Nay thì anh Hai T đã đi xa, mai mốt đây nghe lại những bài hát đó tôi sẽ nhớ đến câu Đời ai không có những tâm sự buồn. Đối với tôi đó là bài hát có kỉ niệm buồn. Buồn vì một người bạn đột ngột bỏ cuộc vui. Vắng một người thế giới trở nên hoang vu. Vắng một người bạn quen biết bấy lâu nay tôi cảm thấy như mình bị hụt hẫng. Nhưng có lẽ tôi nên mừng cho anh bạn tôi đã chuyển nghiệp.

NVT

Đăng nhận xét

item