Smartphone và Tablet: "Con dao 2 lưỡi" của doanh nghiệp

Với các chức năng tiên tiến cộng thêm ứng dụng thông minh, smartphone và tablet ngày càng có triển vọng thay thế cho laptop trong công việc. Tuy nhiên, đây cũng chính là các mối đe đọa cho doanh nghiệp.
 
Chiếc điện thoại biến mất

Chỉ vài giờ trước chuyến bay từ Mỹ về nước, doanh nhân Đức John Mueller phát hiện ra chiếc Blackberry của mình đã không cánh mà bay. Đối với một nhà quản lý kinh doanh toàn cầu, việc đánh mất điện thoại di động không đơn giản chỉ có nghĩa là mất liên lạc với gia đình hay bè bạn.

Mueller nhớ lại ngày đó: “Tôi dùng một chiếc điện thoại cho cả công việc và đời tư, lưu trữ hầu hết những thông tin liên lạc quan trọng từ vợ con, sếp và các khách hàng đặc biệt. Do chủ yếu đi lại bằng máy bay, chúng tôi phải chạy từ cổng sân bay này tới cổng sân bay khác, có rất ít thời gian để lôi ra kéo vào chiếc laptop. Vì thế điện thoại ngày càng trở nên quan trọng. Nỗi sợ hãi không có điện thoại trên đường về nhà, không có công cụ trao đổi công việc, phải trình bày lý do “mất tích” cho ban quản lý và phòng công nghệ thông tin (CNTT) của công ty quả là kinh khủng hơn nhiều so với việc chấp nhận đã mất điện thoại”.

Trong thời gian ít ỏi còn lại, Mueller nhớ ra rằng mình đã tải về laptop ứng dụng bảo mật di động Lookout giúp tìm lại điện thoại bị thất lạc. Sau khi dùng Lookout dò ra vị trí chiếc điện thoại, Mueller vội vã bắt taxi đi lấy lại chiếc Blackberry của mình.

Các nguy cơ và cách đối phó

Mueller và công ty của anh ta thực sự may mắn – nhưng rất nhiều các công ty khác trên thế giới mới chỉ bắt đầu học cách quản lý vô số những thiết bị di động đang xâm nhập ngày càng sâu vào các hoạt động của doanh nghiệp.

Trong thế giới công nghệ số ngày càng phát triển, các thiết bị cầm tay thông minh có thể vô tình mở toang cửa doanh nghiệp và mời mọc bọn tội phạm. Nhiều nhà quản lý doanh nghiệp vẫn phải vật lộn để nắm được các hiểm họa mà những thiết bị mới này đặt ra.

Chuyên gia bảo mật James Lyne cho biết: “Nhiều người không bảo mật cho thiết bị di động như đối với máy tính cá nhân. Nguyên nhân chính do họ có thể gặp phải rắc rối với máy tính cá nhân, trong khi các thiết bị di động có vẻ như an toàn tuyệt đối.”

Thực tế không phải như vậy, tội phạm ảo đang ngày càng chú ý tới các thiết bị cầm tay.

Giống như máy tính cá nhân, các hệ điều hành smartphone cũng dễ bị hack – kể cả iOS của Apple hay Android của Google cũng không thể đảm bảo là bạn hoàn toàn được bảo vệ.

Tội phạm có thể tấn công điện thoại di động thông qua web – bằng cách lừa người dùng truy cập các đường dẫn độc hại, hoặc tải về ứng dụng chứa virus - hoặc thông qua mạng di động. Thậm chí thông qua điểm truy cập Wi-Fi không an toàn, hacker có thể truy cập dữ liệu của người dùng.

Ngoài ra, bất cứ khi nào đồng bộ hóa điện thoại di động với máy tính để bàn ở nhà hoặc sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, khách hàng đã để lộ nhưng thông tin công việc nhạy cảm cho những hệ thống mà bộ phận CNTT của công ty không có khả năng kiểm soát.

Sau cùng, vì điện thoại di động và máy tính bảng thường xuyên được mang theo khi di chuyển, cộng thêm kích thước nhỏ, nhẹ hơn laptop, các thiết bị này càng có nguy cơ bị lấy trộm hoặc bỏ quên.
Trong khi nhiều công ty đang thực hiện từng bước để bảo vệ các thiết bị di động, một số công ty đơn giản trông đợi may mắn khi chỉ cho phép nhân viên cấp cao được phép truy cập dữ liệu công ty từ các thiết bị di động, hoặc mở cửa cho toàn bộ nhân viên nhưng chỉ hi vọng họ đủ cảnh giác và cẩn thận để không bỏ quên hay làm mất trộm thiết bị di động và không tải về các ứng dụng độc hại. Tuy nhiên, chỉ hi vọng thôi e rằng là quá mạo hiểm.

Tại Pixel Electronics – công ty hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ - 50 nhân viên từ lái xe cho tới quản lý đều sử dụng smartphone. Giám đốc Andrei Simonovich của Pixel Electronics cho biết, công ty lựa chọn áp dụng công nghệ di động, cho phép nhân viên làm việc trên thiết bị di động cá nhân vì cách này đỡ tốn kém hơn cung cấp laptop của công ty cho họ. Nhưng bất cứ ai làm việc trên thiết bị cá nhân trước hết phải đăng kí với bộ phận CNTT của công ty, lấy mật khẩu và cài đặt phần mềm diệt virus.

Ông Simonovich cho biết bằng cách này, công ty cố gắng tránh xa những kẻ phá hoại: Dữ liệu sẽ được bảo vệ an toàn, ngay cả khi nhân viên của họ bị mất trộm hay bất cẩn đề quên smartphone ở đâu đó.

Theo ICTnews (BBC News)

Đăng nhận xét

item